Lời Giới Thiệu: Dòng sông Seine nổi tiếng của nước Pháp dài 800km với 250 chiếc cầu bắc qua, một con số không ít tí nào; riêng thủ đô Paris với 37 chiếc cầu nối đôi bờ phố xá xinh đẹp với cả một lịch sử và văn hóa đầy màu sắc được tác giả Cổ Ngư giới thiệu trong 3 bài viết  Sông Seine nhìn từ… cùng với hình ảnh do tác giả tự chụp.

Dưới những chiếc cầu của Paris, khi đêm buông nhanh

Không đủ tiền thuê một túp lều tranh

Đôi lứa mình cứ lén lút yêu, mê đắm, em với anh

Và mắt trong mắt, cùng dệt những giấc mơ xanh…

(Dưới những chiếc cầu của Paris – Jean Rodor & Vincent Scotto)

Pont Alexandre 3 – Paris    

Cầu Alexandre Đệ Tam

Ðược tôn vinh là chiếc cầu thơ mộng nhất Paris, với 32 cột đèn đồng lung linh mỗi khi đêm về, chạm trổ đầy hoa văn từ chân đến bóng, cùng nhiều phù điêu, tượng đồng đen, tượng đá trắng, tượng mạ vàng ở hai đầu và dọc theo thân cầu. Cầu Alexandre Ðệ Tam được Tổng thống Pháp Emile Loubet cắt băng khánh thành đúng vào dịp có cuộc Triển lãm Hoàn vũ năm 1900 tại Paris. Trước đó 4 năm, chính Sa hoàng Nicolas Ðệ Nhị đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng chiếc cầu này, tượng trưng cho mối giao hảo của hai nước Nga-Pháp. Sau Cách mạng tháng Mười, vị vua này cùng toàn gia đình đã bị những người cộng sản bolshevik sát hại năm 1918.

Cầu Alexandre III gồm 3 phần: một nhịp bằng thép đúc dài 107.5m bắc qua sông Seine, nối với hai đầu cầu bằng đá trụ trên bến sông, mỗi đầu cầu dài 22.5m. Hai bên thành cầu có tượng các nàng tiên thiên nhiên (nymphe) của sông Seine và sông Neva với nụ cười và thân thể khêu gợi chào đón khách vãng lai. Vì vẻ tráng lệ của cây cầu này, hơn 20 bộ phim màn ảnh lớn (kể cả bộ phim hoạt hoạ Anastasia của Don Bluth) và vô số phim quảng cáo của các hãng nước hoa, mỹ phẩm, xe hơi danh tiếng đã có cảnh quay ở đây.

Phía tả ngạn, cầu Alexandre III hướng thẳng vào điện Phế binh (Les Invalides), hiện là viện bảo tàng Quân đội, có ngôi mộ Napoléon Ðệ Nhất và nhiều tướng lĩnh của quân đội Pháp. Phía hữu ngạn, trục nhìn của cầu thẳng góc với đại lộ Champs-Élysées, với hai bên trái, phải là hai viện bảo tàng nổi tiếng Grand Palais và Petit Palais.

Pont d’Iéna – Paris

Cầu Alma

«Nước lên tới đâu trên người ổng rồi ?», dân parisien lo lắng hỏi nhau như vậy mỗi khi nước lũ sông Seine tràn về thủ đô nước Pháp. «Ổng» chính là pho tượng đá của người lính Algérie đặt dưới chân cầu Alma, chỗ nối hai nhịp không đều nhau. Tượng đặt trên bệ đá, cao khoảng 9m so với mực nước sông, vậy mà trong trận lũ năm 1910, nước đã ngập đến ngang ngực pho tượng này : năm đó, dân của nửa thành phố Paris phải dùng thuyền để di chuyển !

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Ở vị trí của chiếc cầu cũ xây vào giữa thế kỷ XIX, chiếc cầu bằng thép dài 142m này được hoàn thành sau 5 năm xây dựng (1969-1973), có hàng cột đèn cao, mỗi đèn 4 bóng vàng thuôn, như những con mắt trần gian (*) đổ xuôi ánh sáng soi xuống lòng sông đen thẫm.

Ðầu cầu, phía hữu ngạn, có đặt tượng mạ vàng mô phỏng ngọn lửa của nữ thần Tự do, là món quà của báo International Herald Tribune tặng Paris. Sau tai nạn xe hơi thảm khốc của công nương Diana trong đường hầm gần đó, đây trở thành nơi đặt hoa tưởng niệm của những người mến mộ bà.

(*) nhạc TCS

Cầu Iéna

Ðược kỹ sư Lamandé xây sau chiến thắng Iéna của Hoàng đế Napoléon Ðệ Nhất (1806), kết hợp đá và gạch, cầu gồm 5 nhịp đều đặn, dài 140m, hai bên thân cầu được đắp nổi nhiều hình chim ó hoàng gia cổ choàng vòng nguyệt quế. Ở hai đầu cầu, đặt trên 4 cột cao, là nhóm tượng người-ngựa : chiến binh gaulois, Hy Lạp, La Mã và Ả Rập cùng chiến mã.

Phía tả ngạn, hướng nhìn của cầu Iéna xuyên qua chân tháp Eiffel ngất ngưởng cao 330m, băng ngang Champs de Mars cỏ hoa tươi mướt, xưa kia là bãi tập ngựa của học viên kỵ binh, rồi ngừng nơi trường Quân sự (École Militaire) do vua Louis XV xây dựng từ giữa thế kỷ XVIII. Phía hữu ngạn, cầu Iéna nhìn thẳng vào cung Chaillot với viện bảo tàng Con Người, bãi cỏ, vòi phun nước và vườn cây cùng quảng trường Trocadéro. Tại đây, có khoảng rộng Nhân quyền (Parvis des droits de l’homme) là nơi nhiều sắc dân, trong đó có cộng đồng người Việt, thường tụ họp, biểu tình đòi hỏi sự tự do, bình đẳng, hoà bình, độc lập, thống nhất… thể hiện những ước ao, mong mỏi chính đáng nhất của con người. Chếch về phía trái, trong nghĩa trang Passy, có ngôi mộ khiêm tốn của cựu hoàng Bảo Ðại, vị vua cuối cùng triều Nguyễn.

Pont de Bir-Hakeim-Paris

Cầu Phố Hạ

Trong nhóm cầu nối quận 15 với quận 16 Paris chỉ có 5 chiếc này (với Garigliano, cầu cao nhất Paris), đã có 3 chiếc gồm 2 phần, nối tả ngạn với hữu ngạn ngang qua đảo Thiên Nga. Ðây là một hòn đảo nhân tạo, như một chữ I dài ngoằng, phủ đầy cây xanh, nên không được nhắc nhở đến nhiều như hai hòn đảo Cité và Saint-Louis nằm ngay trung tâm thành phố.

Cầu Bir-Hakeim

Chiếc cầu có cái tên «không Tây một chút nào» này, dài đến 247m, là chiếc cầu có hai tầng, tầng cao dành cho đường métro số 6 và tầng thấp dành cho xe cộ, khách bộ hành và… cô dâu chú rể. Vì sao thế ? Với hàng cột kim loại cao lêu đêu trấn giữa cầu, nâng đỡ cho đường métro chạy lộ thiên trên cao qua sông Seine ở đoạn này, cầu tạo một cảm giác siêu thực, nên nhiều bộ phim nổi tiếng đã có cảnh quay ở đây, như «Bản tango cuối cùng ở Paris» (với Marlon Brando), «Gã chuyên nghiệp» (với Jean-Paul Belmondo), «Benjamin Gates và quyển sách kỳ bí» (với Nicolas Cage), «Inception / Sự khởi đầu» (với Leonardo DiCaprio), bộ phim truyền hình Mỹ «Dexter»… Ðiều này đã thu hút sự chú ý của các đôi uyên ương, nên mỗi lần đi qua đây, lại thấy họ diện quần áo ngày cưới để chụp hình, quay phim ngoại cảnh. Hơn nữa, chỉ cần rời hàng cột xám, bước sang bên kia đường xe chạy, giai nhân tài tử sẽ lại tha hồ nhập vai trên một bao lơn rộng nhìn ra sông Seine và tháp Eiffel, đặt ở mũi bắc đảo Thiên Nga. Cùng với quảng trường Trocadéro, bãi Champs de Mars, đây là nơi nhìn thấy tháp Eiffel đủ và đẹp nhất : mỗi năm, dân parisien đổ về cầu đông nghìn nghịt để xem đốt pháo bông đêm «cát-toóc duy-ê» 14.07.

Xem thêm:   Hang gấu

Bir-Hakeim mang tên một địa danh ở Bắc Phi, thuộc Libye, nơi lực lượng «quân đội Pháp tự do» đã chiến thắng binh đoàn xe mô-tô liên quân Ðức-Ý của tướng Rommel năm 1942. Ðể vinh danh một trong những chiến thắng mở đường cho sự phản công của quân đội Ðồng minh trong Thế chiến II này, năm 1949, chiếc cầu xây từ đầu thế kỷ XX, với tên gọi cũ Passy đã được đổi sang tên gọi hiện nay.

Cầu Grenelle

Với chiều dài 890m, hòn đảo nhân tạo Île aux Cygnes có đến 3 chiếc cầu bắc ngang qua: Bir-Hakeim ở đầu mũi bắc, Rouelle chỉ dành cho hệ thống đường sắt(RER C) ở giữa đảo và Grenelle ở đầu mũi nam. Có 3 kỹ sư cùng 3 kiến trúc sư đã tham gia xây dựng chiếc cầu này trong vòng 3 năm, từ 1966 đến 1968. Cầu gồm 3 phần : hai phần nối đảo Thiên Nga với hai bên tả-hữu ngạn dài 85m mỗi bên và phần băng ngang đảo dài 20m. Phía hữu ngạn, gần cầu, có đài Truyền thanh, trụ sở của Radio France.

Cạnh cầu Grenelle, ở chóp mũi nam đảo Thiên Nga, có đặt pho tượng đồng «Tự do soi sáng thế giới» cao 9m của điêu khắc gia Auguste Bartholdi. Ðây là mẫu thu nhỏ một phần tư của pho tượng nổi tiếng ở New York, quà tặng của Paris dành cho Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ năm 1885. Nguyên bản, chỉ cao 2.9m, sau 100 năm phơi mình cùng nắng mưa trong vườn Luxembourg, đã được đưa về viện bảo tàng Orsay. Một phiên bản của bức tượng này cũng đã từng sừng sững đứng trên đỉnh tháp Rùa, sau đó được đưa về vườn hoa Cửa Nam Hà Nội trước khi bị giật sập và nấu chảy để đúc thành tượng Phật A-di-đà.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Cầu Mirabeau

Chiếc cầu màu xanh bằng thép này được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Hai bên tay vịn thành cầu, nổi lên 4 tháp vuông cùng huy hiệu «thuyền vượt sóng» của thành phố Paris. Trụ trên các chân cầu cắm xuống dòng Seine, có tượng các nàng thiếu nữ khoả thân «Phồn vinh», «Thương mại», «Hàng hải». Chỉ riêng nàng «Paris» là có trang phục oai vệ chỉnh tề thôi !

Chiếc cầu rất đẹp này nằm ở một góc khuất của Paris, nên có vẻ như đang bị bỏ quên. Chân cầu trên bến dùng làm nơi chứa vật liệu của các công trường xây dựng. Sơn chống rỉ trên các pho tượng và thành cầu bị tróc lở nhiều. Tuy vậy, cầu Mirabeau lại chính là biểu tượng của sự lãng mạn : ở đầu cầu phía hữu ngạn, có gắn tấm bảng đồng với vài câu thơ của Guillaume Apollinaire về chiếc cầu này. Nhà thơ Apollinaire được người Việt biết đến nhiều qua ca khúc phóng tác «Mùa thu chết» của nhạc sĩ Phạm Duy, dịch từ bài thơ 5 câu «Adieu / Vĩnh biệt» của ông. Bài thơ «Cầu Mirabeau» nổi tiếng thế giới được ông viết năm 1912 đã có nhiều bản dịch sang tiếng Việt của Xuân Diệu, Tế Hanh, Phạm Công Thiện, Hoàng Hưng, Phan Cẩm Thịnh, Hàn Thuỷ…

Dưới cầu Mirabeau sông Seine trôi

Tình đôi ta

Nổi chìm sao bỗng nhớ

Nỗi buồn đi qua lại có niềm vui

Giờ mỗi điểm và đêm mỗi rơi

Ngày tiếp ngày đi ta còn đây

Tay nắm tay đôi ta đứng nhìn nhau

Tay bắc cầu

Sóng nước trôi hờ hững

Có gì đâu vẫn ánh mắt thiên thâu

Giờ cứ điểm và đêm cứ rơi

Ngày tiếp ngày đi ta còn đây

 

Tình đã rời xa như nước trôi mau

Tình đã rời

Bước đời sao quá chậm

Và Hy vọng bùng lên mãnh liệt sao

 

Giờ hãy điểm và đêm hãy rơi

Ngày tiếp ngày đi ta còn đây

 

Ngày tháng dần qua sau những tháng ngày

Thời gian cũ

Và tình không trở lại

Dưới cầu Mirabeau sông Seine trôi

 

Giờ vẫn điểm và đêm vẫn rơi

Ngày tiếp ngày đi ta còn đây

(Guillaume Apollinaire – bản dịch của Hàn Thuỷ)

Những chiếc cầu của Paris, chỗ bao lứa đôi từng móc các «ổ khoá tình yêu» vào và thề thốt suốt đời bên nhau với bao nụ hôn đắm đuối, cũng chính là nơi họ soi bóng cùng nhau lần cuối trước khi nói lời chia tay. Hạnh phúc và chia lìa. Hợp đó rồi sẽ tan. Chỉ có dòng Seine, từ bao thế kỷ nay, vẫn cứ mải miết mải miết nước chảy qua cầu

Pont Mirabeau – Paris

CN

Thiais 09.2022