Những cái thùng tôi muốn nói ở đây là thùng… đựng đồ “cho đi” và thùng rác thải… “gửi đi” mà những ngày du lịch đến Đức, Ý, Hòa Lan… mình cảm nhận được!

Những thùng giấy… cho đi      

Những cái thùng giấy, thùng nhựa… nhân ái ở Berlin

Lần ấy, tôi dậy sớm, đi bộ tập thể dục. Vừa xuống đến cầu thang ra cửa lớn chung cư đã thấy mấy cái thùng giấy. Lạ, sao không đem ra thùng rác công cộng của chung cư mà lại bỏ ở đây? Có 3 cái thùng không dán kín hay cột dây gì cả. Tò mò, tôi vạch thử các thùng đang nửa đậy nửa hở xem sao. Ồ, có quần jeans, áo sơ mi còn khá mới, cả cái mũ bảo hiểm xe đạp nữa. Thùng thứ hai là giày trẻ em, thú nhồi bông và thùng thứ ba là sách! Tôi nghĩ chắc có ai đó dời nhà đến chung cư mà chưa kịp chuyển hết lên nhà. Hơn một giờ sau, tôi quay về mới thấy ai đó đã dời ra phía ngoài cửa lớn chỉ còn hai thùng giấy… Vào nhà hỏi con gái mới biết đó là những cái thùng đựng đồ của mấy người ở chung cư muốn… “cho đi”! Ai cần cứ lấy dùng! Ai thiếu cứ…tự nhiên! Ôi trời! Nếu biết thế này tôi đã không bỏ qua cái mũ bảo hiểm xe đạp mới cáu rồi!

Có hôm đi trên đường Huferlandstrasse 51, 10405 Berlin, tôi thấy trước cửa nhà hoặc trên bệ cửa sổ có những thùng giấy đựng sách, đựng ly uống trà, uống rượu hoặc xoong nồi, chảo… “cho đi”. Hôm đầu tháng 9/2022, cũng đi bộ tập thể dục trên đường Langhansstrasse 148, 13086 Berlin, tôi thấy một chiếc xe hơi đang chạy bỗng quay ngược lại tấp vào lề. Trên xe bước xuống một chị to béo đi vội tới trước một căn nhà… Chị ta ngồi xuống lục lọi tìm kiếm gì đó trong mấy cái thùng nhựa trong suốt. Thì ra là mấy cái thùng… “cho đi”! Tôi thấy chị ta chọn có một tấm vải như khăn trải bàn rồi cầm đi, lên xe hơi nổ máy!

Những thùng nhựa… cho đi, ai cần dùng cứ lấy!

Những cái thùng nhựa đựng mấy xấp vải, khăn voan, mũ len, móc áo…Sáng nọ, đi trên đường Otto-Weidt-Platz 14, 10577 Berlin, tôi thấy trước cửa một căn chung cư có cái máy in Canon màu đen cũng bỏ trong thùng giấy, phía trên có mảnh giấy viết mấy dòng chữ bằng tiếng Ðức. Tôi chụp lại về hỏi đứa cháu ngoại học lớp tám. Nội dung…thông báo là cái máy in này đang sử dụng nhưng mực ra không đều phải thay máy mới. Ai dùng được nó thì cứ lấy! Trưa đi ngang đã thấy…không còn!

Xem thêm:   Người tháp chữ A vào tên PARIS

Nhiều lắm, trên đường Winsstrasse 51, 19495 Berlin, Langhansstrasse 148, 13086 Berlin…thỉnh thoảng xuất hiện những cái thùng… “cho đi”! “Ai thiếu cứ lấy”, “Ai cần cứ mang đi” đầy thông điệp sẻ chia cho những người thiếu thốn hoặc đang cần dùng. Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là trong những thùng…cho đi ấy, người cho còn kèm theo vài cái túi để đựng mới là lịch sự, văn minh làm sao!

Bên xứ ta đã xuất hiện những cái thùng … “cho đi” chưa thì không biết nhưng những cái tủ… “cho đi” với thông điệp “Ai thiếu mời đến lấy”, “Ai thừa xin đến ủng hộ” cũng có rải rác ở các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam. Quảng Trị, Quy Nhơn, TP. Ðà Nẵng…Tủ đựng áo quần có móc treo; có ngăn quần áo nam, nữ; đồ trẻ em… Ở bờ kè sông Ðăk Bla, Kon Tum, tôi thấy có một cái tủ đựng những quần áo cũ. Ai khó khăn cứ đến nhận. Trên đường Tôn Ðức Thắng, Ðà Nẵng trước đây cũng có một cái tủ đựng quần áo cũ, sắp xếp gọn gàng. Người đi xe ôm, bán vé số, lượm ve chai…có đến chọn lấy đi. Nhưng sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra thì địa chỉ cũ không còn cái tủ…nhân ái ấy nữa! Tôi cũng biết có vài người Việt mình ở Berlin như ông Lê Xuân Ðính, bà Võ Diện, cô Phan Thị Mỹ Hà…có vận động “Mạnh Thường quân” gửi rất nhiều thùng quần áo về giúp đỡ bà con quê nhà miền Trung bị thiệt hại tài sản sau những trận bão lũ.

Thùng rác ở Ba Lan

Những thùng đựng rác “gửi đi”… phân loại hoặc chế biến

Xem thêm:   Roma - La Mã

Ở Châu Âu, việc phân loại rác hữu cơ, vô cơ …được giáo dục cho công dân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường! Rác phải bỏ đúng nơi quy định. Ở Phần Lan, người ta còn khuyến cáo là bóp dẹp các hộp sữa, ly giấy cho xẹp để bớt chiếm chỗ trong thùng rác! Thùng nào đựng rác hữu cơ, thùng nào đựng chất thải khô, thùng nào đựng rác có chứa hóa chất v.v. nhờ ký hiệu bằng màu sắc của thùng. Ở Berlin, Amsterdam, có thùng rác đựng chai thủy tinh theo màu. Trong sân ga tàu lửa ở Frankfurt, Ðức, thùng đựng rác thải sạch bóng như cái tủ trang trí, khiến tôi phải đi quanh quanh ngắm nhìn rồi chụp một cái ảnh cho bằng được. Một sân ga ở Ý, có thùng rác bằng bao nhựa trong, treo cao. Du khách nhìn xuyên suốt là biết nó đựng rác gì, cứ thế mà bỏ rác vào theo. Các thùng đựng rác ở các trạm xăng của Ba Lan có ba, bốn màu dành cho phân loại rác. Thùng nào thùng nấy bên ngoài sạch trơn. Nhiều chung cư ở Berlin hoặc siêu thị, các thùng rác công cộng được công ty môi trường cứ vài tuần lại đến vệ sinh xịt nước rửa sạch bóng. Thùng đều có nắp đậy kín dù rác thải là giấy, thùng các-tông…không bốc mùi đi nữa.

Thùng rác chứa vỏ chai bia, rượu ở Berlin

Ở đất nước mà khái niệm rác không có bởi rác được xem là… “tài nguyên” như ở Hòa Lan thì thật sự phải cúi đầu kính nể! Ðến nỗi nước tiểu được lọc phốt-pho, ni-tơ, dùng để làm phân bón! Thứ thải đi vẫn còn giá trị thì…đúng là ngả mũ kính chào thán phục cái đất nước ấy! Làng du lịch Giethoorn, Hòa Lan, tôi đã từng nghỉ lại mấy hôm, có con đường dành riêng cho xe đạp mà người ta đã làm thí điểm bằng nhiều loại nhựa tái chế. Ở Berlin, mua bia, nước khoáng, nước tinh khiết đựng trong vỏ chai phải trả thêm tiền vỏ. Dùng xong, dồn hết lại, mang đến siêu thị, cửa hàng trả sẽ được thối lại tiền. Rác đó, “tài nguyên” đó được tính bằng tiền!

Xem thêm:   Triển Lãm Nhiếp Ảnh Lê Văn Khoa

Ðể môi trường thân thiện với con người không chỉ cảnh quan xanh, sạch, đẹp mà đến cái thùng rác cũng phải…đẹp, sạch, xanh thì mình cần phải học tập nhiều.

Thùng rác ven Công viên 29/3, Đà Nẵng

Thùng rác… cũng vá víu đầy mình!

Nghĩ về những thùng rác ở nước VN ta.

Ở VN, lâu lâu có đoàn thể này, hội đoàn nọ tổ chức, kêu gọi người dân bằng những khẩu hiệu: “Phân loại rác tại nguồn-hành động nhỏ cứu trái đất xanh”, “Ðổi rác thải nhựa lấy quà tặng”, “Vì một đại dương xanh!”… nhưng rồi mọi việc cũng đâu vào đấy.

Thùng rác mất nắp, ruồi bu kiến đậu, bốc mùi thum thủm, nước thải từ thùng rác bị bể, nứt thấm ra chảy dài hoặc đọng thành vũng…Bao rác vứt ngổn ngang cạnh thùng đựng rác. Xe chở rác thì bẩn nên nhìn rất phản cảm lại thêm bốc mùi nồng nặc dù khẩu hiệu…“Vì môi trường xanh, sạch, đẹp!” kẻ quanh thành xe….chữ thật to. Nếu phải đi cùng chiều với xe chở rác thì thôi khỏi nói luôn! Xe tải lớn đến xe kéo nhỏ chở rác lưu thông bất kể ngày giờ cứ như phân phối mùi hôi cho cư dân, hàng quán, người đi lại hai bên đường…người hưởng một ít!

Điểm tập trung rác trên đường Điện Biên Phủ

Cuối năm 2019, Hà Nội đã đầu tư hơn 200 tỉ đồng, lắp đặt 12 nghìn “thùng rác công nghệ”. Phía trên thùng rác (gồm ngăn chứa rác không tái chế, ngăn chứa rác tái chế) có bảng quảng cáo dùng nguồn điện năng lượng mặt trời! Sau hai năm hoạt động thì  dọc các đường Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ…thùng đi đường thùng, rác vương vãi rác!

Ðà Nẵng đã có đề án xây dựng “Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 với tổng kinh phí hơn 15 nghìn tỉ đồng. Nhưng nếu khách vãng lai, du lịch nhìn thấy mấy cái thùng đựng rác như ở Ðà Nẵng – “Thành phố đáng sống” thì liệu họ có…cải biên cái… slogan ấy không?

LKD