noel-nhu-hang-ma7

Con phố Hàng Mã bắt đầu vào mùa Noel. Là một con phố khá lớn trong phố Cổ chuyên bán đồ hàng mã trang trí những dịp lễ tiết. Phố Hàng Mã lúc nào cũng mang vẻ diêm dúa, đầy rẫy những mặt hàng thợ làng, made in China.  Những vòng lá mùa Vọng đủ cấp độ lòe loẹt, Santa made in Vietnam thì luôn thiếu cái bụng phệ. Trẻ con Việt không có những giấc mơ cổ tích về một  secret Santa wish list, có chăng là sự xuất hiện của những phiên bản “Santa nghiệp vụ” còm nhom cưỡi tuần lộc Grab bike.

Giáng sinh ở phố Cổ chẳng gì lạ ngoài dòng người ngùn ngụt đổ về  Nhà thờ Lớn Thánh Joseph. Tôi lựa mua vài cành thông giả, vài nhánh cherry phủ tuyết trông bệt bạt như lớp vôi cũ trát tường. Nhớ cái Giáng sinh lành lạnh với tuyết, với thông, với đèn giăng sặc sỡ… vừa lãng mạn vừa ấm áp.

Noel ở xứ Vệ, tôi vẫn thấy mình dễ lạc trôi giữa cái dòng đời xô bồ, chật chội.

noel-nhu-hang-ma6

Những mặt hàng Giáng sinh ở Hàng Mã thì phẩm chất đồng hạng với One Dollar store ở Mỹ, loại sang chảnh thì cũng chỉ ngang bằng Walmart. Một nàng Ninja Lead vừa tấp xe, đặt liền tay một bình Noel trang trí giá hai triệu rưỡi, mẫu lấy từ cái màn hình iPhone.  Phương châm sống thời hiện đại là lấy hiện kim mua vốn sống được đúc kết từ thời đại ca Năm Cam, có lúc cũng thật đúng ở cái đất Hà thành này.

noel-nhu-hang-ma5

Ông già Noel thời này mang nhiều thứ trong hành lý hơn là chỉ có đồ chơi. Ảnh chụp trước một cửa tiệm vẻ như sang chảnh nhất ở khu phố Hàng Mã.

noel-nhu-hang-ma4

Tôi tiện đường ghé qua Nhà xuất bản Tri Thức nằm trên đường Nguyễn Du. Chếch bên kia là quán cà phê Mai mà tay bạn làm bên Bộ Ngoại Giao cũng thường ngồi đây, nghe hắn kháo về ly café phin nặng đô, hạt rang gia truyền. Caffeine hay không caffeine thì tôi cũng muốn thử cái thứ mà nhìn giống, ngửi giống, nếm giống café rang xay…

Thử xong ly café Paris Mai “cái nồi ngồi trên cái cốc” đậm đặc, huyết áp vẫn ở mức ổn định dù cái giá 95,000 ngàn cũng dễ xây xẩm với những tay nghiện café ngon mà ví lép.  Quán bài trí xuềnh xoàng, chẳng đủ phong vị của một quán café hạt rang đẳng cấp hay sang chảnh, cũng chẳng thể  là chốn ngồi thư thả ngắm người, ngắm phố qua cái lớp cửa kiếng ngột ngạt như cái lồng kín. Có thể vậy mà khách Tây hay Ta cũng chỉ “thử để biết”, nếu yêu hương vị café rang thì sang quầy xay rang cân gói mang về. Café quán Việt thì chủ yếu là café vối Robusta nên hậu vị hơi chua, cũng chẳng khác biệt gì với hương vị của nguyên thủ quốc gia Trung Nguyên G7. Câu chuyện cà phê ở Việt Nam cũng có phần đặc biệt, là một nước duy nhất ở Đông Nam Á có truyền thống vượt trội nên cũng sinh ra lắm kiểu khắt khe về cafe, và chỉ với cafe.

noel-nhu-hang-ma3

Cub đèn vuông – xế chiến của thập niên 80’s. Thế hệ millennial – vẫn đầy hồn nhiên mà chẳng hề  biết thách thức tương lai thế nào. Chẳng phải chu kỳ thịnh vượng của thế hệ baby boomers ở Mỹ, cũng không phải thế hệ sống trong thời bùng nổ dot.com. Giờ, ngoài chuyện bóng bánh thì người Việt còn buôn dưa lê rôm rả chuyện “Đỗ Nam Trung” [Donald Trump] và Tập Cận Bình ăn uống cùng nhau bên lề hội nghị G20 ở Á Căn Đình. Tôi thì chẳng bao giờ là kẻ “ăn rau muống mà bàn chuyện thế sự”. Sự bận rộn ở phố Cổ này thực chỉ là bận rộn của kẻ chợ, khó mà thấy cái hào khí uyên nguyên tri thức của người dân Thăng Long thành. Thế nên giới trẻ thời này dễ quẩy cho bóng đá, xõa cho bóng cười và vã cùng shisha hay bồ đà… đúng với tinh thần “hội nhập”!!!

noel-nhu-hang-ma2

Một không gian công cộng yên tĩnh ở Hà Nội thì khó gặp, vì để có thêm ngân sách thì việc đơn giản nhất đối với chính quyền là tư hữu hóa đất công. Nên khi đất công hết thì ngân sách trở nên đáng lo ngại.

Một Tây Pháp đang xem gốm sứ ở hồ Văn, đối diện Văn Miếu. Ở đây, những cái chòi lá dựng xổi chuẩn bị cho cuộc thi viết  thư pháp. Cái  tích xưa của những từ ngữ sân Trình, cửa Trình hay sân Tuyết… Sự suy vi của Nho giáo, hiền tài chẳng còn như lá mùa thu.

noel-nhu-hang-ma1

Một chàng trông dáng nửa công sở, nửa game thủ. Đôi giày thì chiếc thò chiếc thụt. Một thời gian dài ở Việt Nam trước đây, đàn ông ngoài Bắc hay mắc tật đi giày mà giẫm gót. Có lẽ họ chưa quen với việc đi giày, lắm khi vừa bước ra khỏi thời kỳ chiến tranh đói khổ vẫn là “những đôi dép râu huyền thoại”. Câu chuyện về Cách mạng công nghiệp 4.0 hay “IoT” (Internet of Things) thật sự lại là một bong bóng cửa miệng ở thời đại này. Tôi chẳng tin vào 4.0 đường mật của giới công nghệ. Cứ nhìn cách con người dán mắt vào màn hình TV, vào smartphone… Hẳn nhiên sách giấy sẽ không chết, báo giấy với chiều sâu và phẩm lượng sẽ không chết. Thế giới online nghiêng về cái gì đó tức thời, khiến người ta dễ bị hooked, bị ghiền. Thế giới thực sẽ vẫn chậm rãi và điềm tĩnh cho những tri thức từ tốn!

noel-nhu-hang-ma

Tác giả, đâu đấy giữa Hà Nội. Cánh tay tôi đã bắt đầu tập tháo băng, dần bớt mỏi nhức. Chậu hồng Nhật, chậu hồng Sapa, giò lan Son môi đang chớm nụ trên hiên nhà.

Hà Nội vẫn chưa làm tôi yêu, em Hà Nội cũng chẳng hàng Đường trong giọng nói, bầy chuồn chuồn chỉ còn có trong ca dao.