Tìm mọi cách ra nước ngoài sinh sống, chấp nhận tốn kém và đánh liều, phó mặc số phận đẩy đưa đó là tình cảnh của một số người mong được vượt một phần tư vòng trái đất, hơn 9,300 cây số, từ Việt Nam đến CHLB Đức.

Cổng vào Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, Berlin, CHLB Đức  

Canh bạc “5 ăn 5 thua ”…

Nhiều lắm những cảnh đời, ở đây tôi chỉ dẫn chứng lại vài trường hợp đã nghe người quen kể hoặc mình chứng kiến tại Ðức.

Năm 2017, bố, mẹ và chị của Th. (hăm chín tuổi) đã đồng ý thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng và tiền tích cóp được giao hết, gần nửa tỉ đồng (khoảng bốn chục ngàn đô) để anh…tìm cách ra nước ngoài…lao động theo “đường dây xuất khẩu lao động chui”. Rồi Th. cũng rời Quảng Bình sau thời gian được “đường dây” lo thủ tục dưới vỏ bọc… “xuất khẩu lao động” sang Ðức học nghề cơ khí. Th. đến Hà Nội đợi gần một tuần, thì được “đường dây” đưa ra sân bay quốc tế Nội Bài cùng với hai người nữa, một nam, một nữ, trạc tuổi Th. Theo kế hoạch, tất cả họ sẽ dừng nghỉ tại Thái Lan chờ quá cảnh! Nhưng Công an sân bay đã không khó để phát hiện ra 3 …visa được làm giả! Chị Nh. bà con bên ngoại của Th. ở Berlin- người sẽ đón Th. nhưng bất thành, kể thêm cho tôi nghe: “Bố mẹ Th. điên cái đầu vì bị lừa. Ðau nhất là sau đó phải bán thêm đất trả nợ vay ngân hàng”.

Tôi còn nhớ, vào một buổi sáng tháng 8/2019, lần ấy sang Ðức thăm người thân. Hôm ấy trời Berlin se lạnh. Chống cái lạnh 12 độ bằng cách đi bộ nhanh cho nóng người lên. Bất chợt thấy một cô gái Việt Nam, khuôn mặt dễ nhìn đứng chờ tàu điện. Tôi bèn lân la hỏi thăm mới biết ngọn ngành… Cô gái ba mươi hai tuổi, dáng gầy nhom này quê Nghệ An cùng chồng tìm đường sang Ðức…cứu mình, cứu nhà sau khi vay mượn, cầm cố đất đai gần cả tỉ bạc.

Ngày cuối tuần, các nhà hàng ăn uống của người Việt luôn đông khách Ta lẫn Tây

Chồng đang bị kẹt lại ở một nước Ðông Âu. Cô ta may mắn “chạy chọt” được xe đi cùng 19 người khác! Sau hai tháng, đêm đi, ngày nghỉ, xe chở đoàn người mới đặt chân được vào đất Ðức! Cô nói: “Cháu đến Ðức được 3 tuần rồi. Hiện đang phụ việc không lương trong một tiệm neo (nails) ở chợ Ðồng Xuân (Trung tâm Thương mại Ðồng Xuân). Chỉ được tiệm cho ăn uống… Cứ sống qua ngày chờ gặp chồng…”. Cô lấy tay chặm nước mắt. Ðôi mắt đỏ hoe nhưng vẫn gượng cười buồn… Thiệt là “Phật ở trên kia cao quá… Vì sao độ ta không độ chàng!”

Xem thêm:   Nị ăn cơm chưa?

Cuộc sống của cô sau 3 năm qua thế nào? Chỉ cầu mong cô ta sống ổn và gặp được chồng.

Chị V. (ba mươi hai tuổi), ở Hà Tĩnh, bàn với chồng…ly hôn giả để có cớ hợp pháp qua Ðức. Anh T., công nhân điện lạnh đồng ý với vợ, chịu nuôi một đứa con gái 5 tuổi. Theo đoàn du lịch, họ sang Pháp, năm 2018. Sau vài ngày thăm viếng, chị V. được “đường dây” sắp xếp trốn lại Pháp. Chị V. chia tay chồng với cái bào thai gần 3 tháng! Tại đây, “đường dây” đưa chị V. sang Ðức với phí tổn hơn 15 ngàn đô! Kịch bản của vợ chồng anh T, chị V…khá hoàn hảo. Chị V. được “đường dây” bảo đảm. Họ gửi chị cho một nữ nhân viên quê Quảng Bình, làm ở một quán ăn Việt lo lắng sau khi rời khỏi trại tị nạn một cách bất hợp pháp! Ở chung nhà một thời gian, chị V. sinh một bé trai. Lại lo “chạy” môi giới tìm bố mới cho thằng bé với một khoản tiền trả công không ít. Từ đây chị được “ăn theo” con trai – công dân Ðức! Và khi sinh con rồi, theo thỏa thuận chị V. phải tự đi thuê chỗ ở! Một bà mẹ đơn thân bắt đầu một cuộc sống mới với thằng con còn ẵm ngửa.

Lao động Việt là nhân viên trong nhiều cửa hàng buôn bán của chợ.

Rủi như Th. kể ra cũng còn may. May ở chỗ không phải trải qua những tháng ngày vượt biên giới để đặt chân đến Ðức! Tất nhiên Th. không có cửa vào thẳng Ðức mà thường được “đường dây” sắp xếp đến một nước khác tạm…dừng chân. Và sẽ lại chờ.

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Ðến Ðức bằng nhiều con đường và phương tiện. Có thể đi bộ băng rừng, đi thuyền vượt sông. Nhưng các cách này ít có “đường dây” chọn vì rất nguy hiểm.  Ðã có nhiều trường hợp bị cảnh sát biên phòng bắt giữ và sau đó trở về vạch xuất phát. Chỉ có liều mạng ngồi xe tải, xe con và cả xe hàng đông lạnh… Ðến được Ðức chưa chắc được đồng ý cho tị nạn và nhiều khi đành phải chờ ngày trở về… chốn cũ! Không ít trường hợp ở nhà cha mẹ đã vay tiền “chạy” cho con sang Ðức. Nhưng bàng hoàng khi nghe con báo tin bị bắt chuyển vào trại tị nạn, chờ ngày quay về. Quay về có nghĩa là nhà cửa của họ sẽ phải bán để trả nợ vay. Còn nếu ở lại sẽ chấp nhận chuyện trốn chui trốn nhủi…

Một người chờ chồng đoàn viên. Một người chia tay chồng vĩnh viễn, trải lắm gian nan chỉ vì một hy vọng có cuộc sống… khá hơn nơi quê nhà!

Lương thực, thực phẩm các loại hầu như không thiếu thứ gì

Phó mặc cho số phận đẩy đưa

Hầu hết những người vào nước Ðức trái phép sớm muộn gì cũng phải nhập trại. Ðây có thể là cơ hội về sau được xét lưu trú nhưng với điều kiện trại viên chấp hành tốt nội quy còn bằng không thì lệnh trục xuất sẽ… đến tận tay. Thật ra không như nhiều người nghĩ trại tị nạn là nơi thiếu thốn mọi thứ, nào là bị giam cầm chặt chẽ, mất tự do này nọ… Phòng ở của trại có nước nóng lạnh, được trợ cấp xã hội hơn 400 euro/tháng/người…Ðược ra ngoài nếu có xin phép và trả phép đúng hạn. Thế nhưng không mấy người trả phép, chấp nhận hoàn cảnh ở trại! Họ trốn ra ngoài đi xin việc hoặc viện nhiều lý do không thuyết phục được ban quản lý trại để… tìm cách nhờ tìm việc làm.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Tiếc thay, trong khi tiếng Ðức – một chữ bẻ đôi cũng không biết, hầu hết họ chỉ lõm bõm vài từ tiếng Anh…Thế cho nên, Trung tâm Thương mại Ðồng Xuân (còn gọi là Chợ Ðồng Xuân) ở Berlin – nơi đông người Việt, Trung Quốc, Ấn Ðộ… buôn bán, có khá nhiều dịch vụ – không khác chi cái phao cứu sinh cho nhiều người Việt tị nạn… xuất thân từ… lao động chui. Và nơi đây cũng có nhiều lúc cảnh sát Ðức kiểm tra lùng soát bắt giữ những người Châu Á nhập cảnh trái phép. May mắn cũng có một số người Việt có được giấy tờ hợp pháp tìm được việc làm ở chợ như nhân viên tiếp hàng, vận chuyển hàng hóa từ ngoài vào trong chợ; phụ bếp, bưng bê ở nhà hàng ăn… Có số ít người lớn tuổi Châu Á chọn một góc chợ cố định hoặc đẩy xe bán chè ngọt, bánh trái hoặc chọn phụ bán hàng áo quần hạ giá ở mấy điểm chợ trời… Các bạn trẻ thì bung ra tìm việc ở các nhà hàng, quán ăn của người Việt hoặc xin làm thí công có thời hạn ở các tiệm cắt tóc, gội đầu, làm móng hoặc tỏa về các tỉnh…tìm việc như dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa theo giờ, phụ việc cho các nông trại, làng hoa tìm sự bình yên, chờ thời…

Lao động Việt ổn định việc làm trong các tiệm cắt tóc, gội đầu, bán hàng điện tử…

Ông Ð.Q.V (năm mươi ba tuổi), gốc người Ðà Nẵng, vợ người Hải Phòng, trước đây cùng là công nhân “xuất khẩu lao động” (năm 1988). Vợ chồng ông V. định cư tại Ðức từ đó đến nay. Họ có tiệm tạp hóa, lợi tức ổn định. Nói về việc nhiều người trẻ theo “đường dây” nhập cảnh trái phép vào Ðức lao động chui, ông  nói: “Không ít người từng chua chát “thở đều ở Ðức thôi cũng khó nói chi sống”, ngầm ý là phải làm việc, làm việc cật lực, lao động gần như không kịp thở. Quan trọng là phải biết tiếng Ðức và nếu tốt hơn thì có cơ sở là bà con thân thuộc, bạn bè chí cốt bên này làm chỗ dựa. Ðây sẽ là bước đệm làm đà để các bạn trẻ tự thân nỗ lực. Ðừng nghe lời dụ dỗ mà tìm mọi cách sang đây rồi rơi vào cảnh sống lay lắt, lo âu, phó mặc cuộc đời đến đâu hay đến đó!”.

LKD