Con người luôn thích biến mọi thứ đơn giản thành phức tạp xong rồi lâu lâu ngồi thở dài, than thở sao cuộc đời này phức tạp dễ sợ.

nghich-ly5

nghich-ly4

Nước mắt dân Thủ Thiêm hơn 20 năm là nền móng cho nhà hát “chiếc guốc” ở Thủ Thiêm. Hình từ Facebook

Sao con người ta bây chừ phức tạp thấy ghê… Tuy biết cuộc đời được tạo nên những nghịch lý bất ngờ lẫn… không như trên, nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy hơi ngộ. Vì thấy sao mà… phức tạp quá trời!

Ví dụ như mỗi lần tôi mời ai lại nhà, vô tình nổi hứng nấu (ép) họ ăn cái thế nào họ cũng bày đặt khen (tuy không biết thật lòng hay không):

– Trời đất ơi, không ngờ Duyên nấu ngon y như ngoài tiệm vậy đó!

Thế mà, vẫn người khách đó. Vào một bữa khác, nhằm ngay ngày tôi… làm biếng. Không (nỡ) nấu cho họ ăn nên mời cả hai đi ra tiệm. Thì thể nào cũng được khen:

– Trời ơi, Duyên khéo chọn ghê. Cái tiệm này nó nấu ngon y như ở… nhà vậy đó!

Với tâm hồn lương thiện, đơn giản, một trái tim luôn lạc quan, yêu đời, tự tin với bản thân và bao dung với cả thế giới thì tôi luôn tin rằng vị khách đáng yêu (hoặc đáng thương) kia luôn cố gắng nói sự thật và khen mình thật lòng. Nhưng tôi tin rằng không ít người sẽ hoang mang không biết nên tin vào câu nào của bạn, trong khi chính họ có thể cũng đã dùng cách khen như vậy với rất, rất nhiều người. Thậm chí nhiều người mang một tâm hồn màu tím sẽ trở nên bi quan và đau khổ, cảm thấy bị bài xích với những câu khen sau này của vị khách đó. Tôi còn lo lắng, nếu người khách kia gặp phải một vị chủ nhà quá chu đáo và cầu toàn có thể sau khi “được” khen như vậy, họ sẽ bỏ hết số tiền dành dụm mà mời tất cả những mối quan hệ thân sơ ăn cả hai nơi (nhà và ngoài tiệm) để so sánh lời khen (với vị khách ba phải kia) cho… chắc. Cuộc sống mà, cái gì cũng có thể xảy ra được, ngay cả thứ bạn không thể ngờ đến, huống hồ gì mấy cái tôi có thể… nghĩ ra. Dẫu đôi khi có người hay nói với tôi rằng, so với những thứ không thể ngờ đến thì những thứ tôi có thể nghĩ ra càng có thể khó xảy ra hơn…

nghich-ly3

Lãnh đạo VN thích du lịch niềm tin của nhân dân. Từ Facebook

Nếu ví dụ trên chưa đủ… phức tạp thì chúng ta cùng xem ví dụ tiếp theo.

Tôi nghĩ ai cũng có tâm hồn phiêu lưu, khám phá; chỉ là ít hay nhiều. Vì vậy mà nền kinh tế của nhiều nước dựa vào ngành du lịch. Tôi không rõ có cung sẽ có cầu hay có cầu sẽ có cung, cái nào chính xác hơn. Nó “vi diệu” y như câu con gà có trước hay quả trứng có trước vậy. Nhưng con người ai cũng thích sự khác biệt và tìm hiểu, so sánh những thứ được bày ra trước mắt mình. Vì vậy mà mỗi khi đi du lịch, con người ở xã hội văn minh, hiện đại hóa thường thích tìm về với những kiến trúc cổ điển hoặc còn hoang sơ. Những vùng đất được cho là bí ẩn khi còn thật ít người khám (và) phá, những kiến trúc được coi là đẹp khi hòa hợp với môi trường, có nhiều màu xanh của cây cảnh, thiên nhiên luôn là lựa chọn hàng đầu của du khách giàu hoặc rất giàu, bất kể Tây hay Ðông (mặc dầu để tạo nên những kiến trúc đó người ta phải lấp sông, phá rừng, cưa cây, cướp đất…). Chớ nghèo như tôi được đi du lịch là “ngon” dzồi, bày đặt đòi hỏi cái chi nữa. Thiệt ra thì nếu tôi được chọn đi du lịch thì tôi sẽ đi những đất nước văn minh, hiện đại, “tường đồng vách sắt” hơn để… ngó (vì tôi đang ở một nơi đến luật cũng được gọi là luật rừng nên tôi cũng không cần đi sâu, đi sát vào những nơi rừng thiêng nước độc gì cho… phức tạp). Ðừng khinh bỉ với mục đích du lịch của tôi, vì ngoài ngó và chụp hình post mạng xã hội ra, tôi chẳng biết làm gì với những thứ văn minh hơn nơi mình sống. Tả lại thì những người biết… google sẽ đè đánh hội đồng vì họ cũng có thể ngắm những công trình đó trên mạng, đôi khi đủ thông số lẫn lịch sử. Còn kể ra những điều mắt thấy tai nghe về lề lối, nếp sống của con người ở xã hội văn minh nếu không may sẽ bị cho là phản động, âm mưu lật đổ chính quyền hoặc tệ hơn là có cơ hội lãnh tội phản quốc như nhiều người tôi quen và biết đã bị tù vì nói lên sự thật. Ðó là khi tôi có khả năng kể hay, chứ kể dở (như tôi thường kể) thì có khi bị đánh hội đồng và ăn dép, guốc tới tấp mà không ai đứng ra bảo vệ/bảo kê như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ðôi khi chính quyền còn khen thưởng, trao tặng danh hiệu “người tốt việc tốt” cho kẻ hành hung tôi và phạt tôi tội “gây rối trật tự xã hội” nữa cơ. Cuộc sống mà, cái gì cũng có thể xảy ra…

nghich-ly2

Ông Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Bị kỷ luật vì “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’” ngày 25/10/2018. TỪ Vietnam Finance

Nói đi nói lại thì cái tâm lý của mấy người du lịch đôi khi tôi thấy giống y như tâm lý chung của xã hội. Ví dụ như mấy người ở dưới “quơ’ thích lên các thành phố lớn “tìm kiếm cơ hội”, “việc làm” còn mấy người giàu sụ ở các thành phố lớn thì hay xây “biệt phủ” ở những nơi hoang sơ và hẻo lánh, như các lâu đài, villa, resort của gia đình ca sĩ kiêm nhà bảo vệ môi trường Mỹ Linh (làm việc và ở tại tpHCM), họa sĩ Thành Chương (làm việc và sống tại Hà Nội) cùng các trọc phú (chính quyền chưa tìm ra tên?) đang sở hữu tại rừng phòng hộ Sóc Sơn chẳng hạn. Ðể nghỉ dưỡng khi rảnh rỗi hoặc trồng rau nuôi cá khi về già (mà không đủ điều kiện hoặc không muốn qua… Mỹ hay các nước Châu Âu chữa bệnh/dưỡng lão) Vì đáp ứng những nhu cầu của các khách hàng cũ và thu hút thêm những khách hàng mới, những đất nước chú trọng về du lịch luôn tìm cách để duy trì vẻ đẹp sẵn có và xây dựng thêm nhiều công trình thu hút và đa dạng để thỏa mãn lòng “sân si” của những “thượng đế” tiềm năng. Tuy Việt Nam có hơi đi ngược với xu hướng thế giới như đập bỏ bớt nét đẹp cũ và xây nên những công trình xấu xí mới… nhưng, lãnh đạo Việt Nam vẫn luôn phát biểu dựa vào những tiêu chí trên khi giới thiệu, công bố những công trình mới họ sẽ xây dựng trước toàn dân Việt Nam và Thế Giới. Ngay cả cái nhà hát 1500 tỷ đang “làm mưa làm gió” giữa Thủ Thiêm cũng đang “núp” dưới danh nghĩa “thu hút” các siêu sao của nền nghệ thuật thế giới về VN biểu diễn và thu hút các tinh hoa của Việt Nam trồi lên giữa đầm lầy. Nâng cao danh tiếng cho nền nghệ thuật, giá trị du lịch lẫn sự quý tộc của đất nước. Mặc dầu những lý do trên đây rất miễn cưỡng, nhưng những “phát biểu” trên cũng chứng minh Việt Nam là một đất nước rất chú trọng về ngành du lịch (mặc dầu những người có tiền hoặc sắp có tiền ở Việt Nam toàn chọn du lịch ở nước ngoài).

nghich-ly1

Phó GS-Tiến Sĩ Mạc Văn Trang là người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002 và đã có hơn 54 năm tuổi đảng tuyên bố ra khỏi Đảng ngày 26/10/2018. Từ Facebook Mac Văn trang

Cái gì cũng có ngoại lệ, ở trong câu chuyện du lịch này tôi muốn nói tới một dân tộc khá kỳ dị. Tuy đất nước của họ khá thành công khi kiếm tiền từ việc kinh doanh ngành du lịch, hàng năm họ tạo nên không ít những công trình khổng lồ có một không (ai dám làm) hai thu hút rất nhiều du khách trên thế giới. Nhưng họ lại thành công hơn khi kiếm tiền từ việc đi… du lịch. Vì gu du lịch của dân tộc này cũng khá lạ, họ không cần tìm cái mới ở nơi họ đến mà cứ thích cắm… đầu vào cái vỏ ốc của mình được xây hoặc được mang theo từ bản xứ. Ðó là những con dân thuộc dân tộc anh em/láng giềng tốt mà lãnh đạo Việt Nam luôn cư xử một cách tôn trọng và nhún nhường – Trung Quốc. Dẫu cái tên này làm kinh hãi, phẫn nộ lẫn khinh thường cho người dân ở trên bờ lẫn dưới biển khắp lãnh thổ Việt Nam. Tôi không biết dân Trung Quốc đi du lịch các nước khác như thế nào (mặc dầu khi tôi đi các nước ở Châu Á thì gặp họ rất nhiều) nhưng riêng ở Việt Nam thì hầu hết người Trung Quốc đến VN theo quy trình như sau: Qua VN bằng tour Trung Quốc giá 0 đồng (thuế bao nhiêu tôi không biết nhưng được tính bằng tiền Trung Quốc ở Trung Quốc), sau khi qua cửa khẩu (có khi được miễn visa và thị thực từ phía VN) thì họ sẽ dùng hướng dẫn viên người Trung Quốc, dùng tiền Trung Quốc đi ăn ở nhà hàng Trung Quốc, ở khách sạn của Trung Quốc, mua/bán đồ Trung quốc tại các cửa hàng của Trung Quốc (do người Trung Quốc mở và nhân viên Trung Quốc đứng bán/đứng quầy lẫn phục vụ) trong suốt chuyến du lịch tại lãnh thổ đất nước Việt Nam (mặc dầu, đôi khi mấy chỗ này cấm cả… chó lẫn người VN vô mua/bán/ở lại).  Sau đó (nếu rảnh) họ có thể ở lại Việt Nam luôn hoặc bay về Trung Quốc bằng máy bay của… Mỹ (Có thể vì vậy mà các hãng máy bay của Trung Quốc lại rất ế và thường xuyên khuyến mãi). Nhiều người Việt Nam cứ thắc mắc không hiểu người Trung Quốc du lịch kiểu như vậy thì họ qua Việt Nam du lịch chi cho mắc công? Có khác gì người Mỹ qua VN chỉ để tìm steak, người Hàn qua VN chỉ để tìm kim chi, người Nhật qua VN chỉ để ăn sushi và người VN đi khắp nơi trên thế giới chỉ để ăn phở? Tôi cũng từng thắc mắc như vậy, và đến bây chừ vẫn thắc mắc… Vì hơn 800 tờ báo ở VN hàng ngày vẫn lên bài về việc nông dân mất trắng vì tin lời con buôn Trung Quốc; bộ Ngoại Giao vẫn quan ngại tình hình biển Ðông; các tour du lịch 0 đồng phá hoại ngành du lịch VN; khách Tàu tới đâu thì khách Tây chạy trối chết đến đó; các phòng khám của Trung Quốc tại VN làm ăn gian dối, gây họa cho bệnh nhân; những du khách Trung Quốc hống hách với dân đen VN; những hãng điện thoại Trung Quốc hoành hành tại VN với những phần mềm độc hại… Rất, rất nhiều tệ nạn mới được sanh ra kèm theo hai chữ Trung Quốc nhưng không nhà báo nào (thèm) lý giải hoặc đặt ra câu hỏi như trên đối với những hành động “kỳ dị” của người Trung Quốc trên lãnh thổ VN. Ðôi khi nhiều người còn cho rằng các tờ báo này đang làm theo chủ trương, đường lối, chính sách của đảng cộng sản… Trung Quốc nữa cơ…. Nhưng suy đoán vẫn là suy đoán, cuộc sống dẫu phức tạp và có nhiều nghịch lý nhưng tôi tin rằng vẫn còn nhiều người làm báo ở VN còn lương tri và tinh thần yêu nước nồng nàn (như bún mắm). Nhưng vì miếng cơm manh áo mà họ tạm nghỉ yêu nước vài… chục năm cho đến khi “hưu nhàn” rồi họ sẽ bắt đầu… quành lại! Như nhiều nhà báo từng là các cựu nhà báo lão thành cho báo “chính thống” đang “đứng về phe lẽ phải” được giới trí thức tôn vinh những năm gần đây hay những người bị đảng quay lưng nên buộc phải “lạc trôi” về vòng tay “nhân dân” (như Giáo sư Chu Hảo là một ví dụ “ồn ào” tuần qua), hoặc những người chọn cách “buông bỏ” sau vài chục niên tuổi Ðảng (vì thất vọng, vì sợ hãi…) chẳng hạn. Cuộc sống mà, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại hết trơn, vì lúc đó đã có “Ðảng và Nhà nước lo”….

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Và theo kinh nghiệm của tôi, sau khi được “Ðảng và nhà nước lo” rồi thì không ai mà không “phản động” cả…Một nghịch lý rất là có… lý, phải không?

nghich-ly

Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết ông đã vào đảng từ năm 1956, 62 năm tuổi đảng cũng bỏ đảng 26/10/2018 sau sự kiện giáo sư Chu Hảo. Từ wikipedia.org

DU

Sài Gòn – VN