Orange County (Nam Cali) nằm sát bờ biển, chỉ cần lái xe từ 30 phút hoặc một tiếng rưỡi là quý vị có thể tới Newport Beach, Long Beach hoặc Huntington Beach. Trước đây, trong một bài viết cho Trẻ Magazine, tôi có nêu thắc mắc không hiểu sao qua tiểu bang khác, dân ở đó hải sản biển dồi dào, chợ bán giá rẻ như cho; còn ở đây cũng sát bờ biển như người ta mà dân Orange County hổng có hải sản tươi ăn, ra chợ toàn thấy hàng từ nơi khác chuyển tới, giá mắc mà phần lớn là hàng đông lạnh?

Ðem ý kiến này hỏi nhiều người đã từng sống nhiều năm ở đây, họ trả lời muốn mua hải sản tươi của biển ở đây phải đi và xếp hàng từ 3-4 giờ sáng trước chợ Dory Fishing Fleet Market (chuyên bán cá đánh bắt tại chỗ) sát bãi biển Newport Beach. Chợ bán tới 12 giờ trưa thì hết sạch hàng. Má ơi, nghe nói buồn quá trời. Nếu vậy tôi muốn ăn cá tươi thì phải khởi hành từ lúc 2 giờ sáng ư? Ông bà mình có nói “Ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày.” Thôi đành nhịn thèm cho rồi, chớ ăn được miếng cá tươi mà khổ như vậy, mất quá nhiều thời gian, công sức như vậy thà không ăn. Tôi không hiểu tại sao biển ở đây lại ít ỏi hải sản tới như vậy? Bạn tôi nói đâu đã thấm gì, chợ cá San Pedro (cách Little Sài Gòn khoảng 40 phút lái xe) thì còn “chảnh chó” hơn nữa, tức là chỉ mở cửa buôn bán mỗi tuần một lần vào buổi sáng sớm ngày Thứ Bảy.

Tôi nhớ ở quê tôi, nhà nghèo thì ăn cá biển, nhà giàu thì ăn thịt heo, thịt bò, thịt trâu, thịt gà ta, trứng gà ta. Nhà tôi quanh năm chỉ có món cá biển hủn hỉnh (cá vụn nhỏ nhiều loại gom chung, giá rẻ). Tôi đi chợ cá Seattle (tiểu bang Washington) thấy cá chất trong chợ nhiều như người ta chất củi trong kho. Người bán nhiều hơn người mua, muốn mua lúc nào cũng có, chớ đâu phải xếp hàng chờ đợi.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Tôi đã từng bỏ một buổi chiều ngày Chủ Nhật đi thăm Huntington Beach. Rất đông người vui chơi trên bãi biển lẫn trên mặt biển, còn bọn hải âu thì ta nói nó “lì đòn” khủng khiếp, chẳng biết sợ cái gì hết. Tôi kết luận: Hóa ra biển ở khu vực Orange County này công dụng chính của nó là để người dân đi dạo hóng gió, trượt nước, câu cá giải trí (hổng biết câu có dính được con cá nào không, cái này hên xui à) và tắm biển, cắm trại dọc theo bờ biển. Tôi thấy nể những người đang bơi ầm ầm trong dòng nước lạnh như nước đá tan ra, phía dưới chiếc cầu đi ra nhà thủy tạ ngoài biển. Thời sinh viên, mỗi ngày tôi bơi qua sông Bình Triệu hai lần, nhưng phải nói là nước sông hay nước biển gì ở Việt Nam cũng ấm, ngâm mình dưới nước 1-2 tiếng đồng hồ không sợ lạnh, ngâm tới lúc nào chán thì đi lên. Hay là bây giờ tôi già cả rồi nên không đủ sức chịu cái lạnh của nước biển Orange County?

Tôi nhớ rõ ràng ngày 13 Tháng Ba chính là ngày tiểu bang Cali ban hành lệnh “cấm túc”, vì đó là buổi học cuối cùng của tôi ở mùa trước, tôi vừa đến trường thì nhận được thông báo buổi học đã hủy bỏ nên phải quay về nhà. Có lẽ bị “nhốt” ở nhà lâu quá nên khoảng cuối Tháng Tư và đầu Tháng Năm, người dân địa phương (nhiều sắc dân) đã hai lần kéo nhau ra bãi biển Huntington Beach biểu tình đòi bỏ lệnh cấm biển, cấm bắt buộc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Cách đây 3 ngày, thành phố San Clemente (OC) cũng nổ ra biểu tình đòi bỏ hàng rào xung quanh cầu tàu bãi biển San Clemente. Cá nhân tôi quan niệm rằng cho dù bãi bỏ lệnh cấm biển thì tôi cũng không dám thò mặt ra đó cho tới khi tôi biết rõ cứ 100 người nhiễm bệnh thì chữa được 99 người. Câu chuyện ba người trong một gia đình gốc Việt ở tiểu bang Massachusetts đồng loạt “ra đi” trong vòng một tuần vì nhiễm COVID-19 cho thấy COVID-19 là có thật.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Sau ngày 11 Tháng Năm (bãi bỏ lệnh cấm), tôi cũng “lần mò” ra bãi biển Newport Beach để coi ngó thiên hạ như thế nào, đứng xa xa chụp vài tấm hình chớ không dám tiến tới gần ai, và cũng né luôn những người nào đang tiến tới gần tôi.

5 giờ chiều, bãi biển Newport Beach vàng rực trong nắng, người và xe cộ đông nghẹt. Chúng tôi đi loanh quanh nhiều nơi mà không tìm được chỗ đậu xe ở các parking công cộng. Xe chúng tôi đi loanh quanh các con đường cạnh bờ biển, tôi nhìn vào các bảng hiệu restaurants, tailor shops vẫn còn đóng cửa im ỉm và vắng tanh sau lần cửa kính. Cuối cùng, tôi quyết định xuống xe ngoài đường lớn rồi đi bộ vô bãi biển, còn bạn tôi cứ tiếp tục lái xe đi long rong các con đường, đậu chỗ này một tí, chỗ kia một tí trong khi chờ tôi quay trở lại. Phần lớn mọi người mặc đồ tắm biển, tay cầm ván trượt, đi dạo trên bãi cát tắm nắng, tắm nước ngọt, ngồi xe tự hành, đạp xe đạp và không đeo khẩu trang. Họ đi theo từng nhóm từ 5 người trở lên, trò chuyện rôm rả, cho thấy đó có thể cùng một gia đình hoặc cùng nhóm bạn bè với nhau. Nét mặt họ thể hiện sự hoan hỉ, khoan khoái đón luồng gió biển trong lành, mát rượi trong cái nóng mùa Hè của Nam Cali. Nhìn nét mặt họ, bỗng nhiên tôi thấy thương và hiểu tại sao họ bất chấp nguy hiểm biểu tình đòi bỏ lệnh cấm bãi biển, dù trước đó coi tin tức trên TV tôi nghĩ mấy người biểu tình này đòi hỏi quá trớn. Tuy nhiên, để ý sẽ thấy mọi người rất cẩn thận đề phòng, các nhóm đứng xa nhau chớ không có nhóm nào đứng gần nhóm nào.

Mọi hôm, cầu tàu vẫn là nơi “dập dìu tài tử giai nhân” thì hôm nay tôi nhìn thấy cầu vắng tanh vắng ngắt, đường lên cầu tàu vẫn còn bị rào chắn màu đỏ phong tỏa. Không thấy người lớn tuổi trên bãi biển, có lẽ họ có cùng tư tưởng “đề phòng” giống như tôi. Có vài người đi bộ trên thềm xi măng sát bờ biển và đeo khẩu trang, trong đó có tôi. Kệ đi, đề phòng vẫn hơn, tôi sống có một mình, rủi có bề gì thì mệt à.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Tôi đi biển Newport Beach không phải vào ngày cuối tuần, mà đã thấy parking chật chội như vậy rồi, nếu là ngày cuối tuần, với số lượng hơn 10 ngàn người đổ ra biển (giống ngày đầu tiên bỏ lệnh cấm bãi biển Huntington Beach), chắc tôi cũng không dám ló đầu ra đâu.

Những quán cà phê trên phố đóng cửa nhưng tiệm bán kem lạnh và cà phê nhỏ xíu sát bờ biển vẫn mở cửa buôn bán cho khách đứng xếp hàng ngoài sân. Tại khu vực bùng binh có quả địa cầu lớn và bức tượng người đàn ông một tay cầm ván trượt, một tay giơ lên che ánh nắng chói vào mắt để nhìn ra biển, nhiều người thong thả ngồi chơi xung quanh vệ xi măng tròn vòng quanh quả địa cầu. Từng đàn chim hải âu cũng nhảy nhót quanh người, những đứa bé tung tăng chạy nhảy xung quanh cha mẹ chúng.

Quang cảnh thanh bình, yên ả như chưa từng xảy ra dịch bệnh ngày nào. Tòa nhà lớn đứng sừng sững có dòng chữ “Lifeguard Headquarters” cùng quốc kỳ Mỹ vươn cao ngạo nghễ lồng lộng, bay phần phật trong gió biển, như thách thức giữa bầu trời xanh ngắt, điểm thêm vài cánh hải âu vờn quanh. Hình ảnh Newport Beach chiều nay cho tôi cảm giác nước Mỹ trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn là bến đỗ bình yên, là thành trì vững chắc bảo vệ loài người và mọi sinh vật trên mảnh đất này. Những con người bình thường mà vĩ đại chúng ta gặp họ mỗi ngày trên đất Mỹ đã tạo nên một nước Mỹ thật là vĩ đại.

TPT

(Little Sài Gòn, Ca)

Tất cả hình trong bài chụp tại Newport Beach

photo TPT