Xin nói rõ, đồ cũ đây là đồ vật đã qua sử dụng, chớ không phải đồ cổ. Đồ cổ thì thuộc loại vô giá, và dễ “tiền mất tật mang” nếu không sành về chúng mà thích chơi đồ cổ. Thí dụ: Một cái lư (đỉnh) đốt nhang bằng đồng thau mới, đúc kiểu chân quỳ, hai đầu rồng, cao 8 cm, đường kính 8 cm, bán trên Amazon giá vài chục Mỹ kim. Cũng cái lư có chất liệu, kiểu dáng, kích thước y chang như vậy, nhưng màu hơi xỉn đen hơn, pha một chút rỉ đồng xanh lá và người bán dán thêm chữ “antique” thì có thể rao giá trên trang eBay từ 600 Mỹ kim trở lên đến vài ngàn Mỹ kim. Còn nó có là “antique” thật sự, niên đại nào, hay chỉ là đồ giả “antique” thì “có trời biết.”

Khác với đồ cũ, đồ dạt là hàng hóa, đồ vật còn mới 100% nhưng các tiệm lớn đã bán hết số, hết size thông dụng, chỉ còn size/số quá lớn hoặc quá nhỏ… khó bán, hoặc lỗi thời, họ sẽ tống hết số hàng ế này cho các tiệm chuyên thu gom và bán đồ dạt, để lấy chỗ trống chứa và trưng bày hàng mới. Các chuỗi tiệm chuyên bán đồ dạt (như Ross, Burlington, Marshalls) đem về bán lại giá rẻ hơn giá ban đầu. Ngoài ra, còn có chuỗi tiệm $1 chuyên bán đồ tạp hóa mới với giá rẻ như bèo. Vì thật sự đồ đã qua sử dụng có nhiều món nhìn vẫn đẹp như mới, hoặc có nhuốm màu thời gian cũng vẫn tốt nếu là đồ dùng nhà bếp, dụng cụ làm vườn, đồ vật làm bằng gốm, sứ, thủy tinh dùng trang trí phòng khách hay bàn làm việc. Trong thời gian đầu ở Mỹ, một vài người bạn đã từng dắt tôi đi mua sắm tại các tiệm này để mua giày dép, quần áo và một số đồ dùng khác. Tôi thường gặp nhiều loại quần áo còn nguyên tem nhà sản xuất, tức là người chủ cũ mua mà chưa kịp sử dụng lần nào thì đã bị “thay đổi cân nặng” nên đành bán rẻ hoạc bỏ đi.

Xem thêm:   Andropov & Lenin

Tôi có thú vui thích đi dạo chợ trời cuối tuần, thích đi coi đồ trong các tiệm bán đồ cũ, đồ dạt và tiệm $1. Khi có thời gian rảnh rỗi, tôi có thể “quần” từ tiệm này sang tiệm khác suốt ngày không chán. Ðặc biệt, trong các tiệm bán đồ cũ và chợ trời tôi thường tìm thấy những món hàng thuộc về “kỷ vật gia đình,” chúng được chế tạo tinh xảo, mỹ thuật, nhưng vì lý do nào đó mà người chủ của chúng đành bỏ lại khi họ rời đi, và nó được bày bán giá rẻ ở những nơi này. Ở đây, chúng ta có thể “đọc” được niềm vui, nỗi buồn, đức tin tôn giáo, hạnh phúc và sự đau khổ trong căn nhà mà món đồ cũ đã từng có mặt, chúng hiện diện sống động như có linh hồn.

Ở khía cạnh khác, mua đồ cũ, đồ dạt, đồ giá rẻ là cách tiết kiệm tiền cho người thu nhập thấp trong thời buổi “củi quế gạo châu,” xăng lên giá, cá thịt tăng mà răng thì không thể nghỉ nhai ngày nào. Người mới định cư như tôi cũng được nhiều người khuyên nên mua đồ cũ, đồ dạt về dùng để đỡ tốn nhiều tiền. Ðây là nguyên tắc cũ xì gần như “chân lý” mà ai cũng biết, nhưng thời gian gần đây nó biến đổi, khiến cho người thiếu kinh nghiệm mua sắm sẽ rước về đồ cũ xì thông dụng mà giá trên trời, trong khi cũng loại đồ ấy (mới) được bán giá $1 ở các cửa tiệm tiện lợi. Khám phá ra điều này, tôi thấy thời gian tôi đã bỏ ra để “tham quan” các cửa tiệm hoàn toàn không uổng phí, vì tôi nắm rất rõ giá cả từng món hàng nhỏ ấy tại các cửa hàng tiện lợi $1, biết rõ luôn nếu cần mua món gì thì vô tiệm nào, ở địa chỉ nào, tiệm nào có bán, tiệm nào không.

Ở Việt Nam người ta bán hàng từ xưa đã có thói quen “nói thách” và khách hàng” phải “trả giá,” đôi khi khách “trả” hạ xuống một nửa tiền mà vẫn bị mua lầm dù mua hàng trong tiệm. Ở Mỹ mua hàng trong tiệm và mua online trên các trang bán hàng “uy tín” thì không thể trả giá, nhưng đừng nghĩ vì vậy mà không mua hớ. Khi tôi mới tới Mỹ, anh bạn ở Little Sài Gòn dẫn tôi ra tiệm mua nguyên bộ “đồ nghề” gồm laptop, keyboar, monitor và portable hard drive. Tôi thấy thứ nào cũng “Made in China” bèn hỏi ổng sao không có “Made in USA”? Ổng trả lời bây giờ ở đây làm gì có “Made in USA.” “Toàn đồ Tàu vậy làm sao biết cái nào tốt, xài bền?” Tôi hỏi tiếp. Ổng trả lời cứ thấy hiệu nào nổi tiếng, giá tiền mắc nhứt thì lấy, “tiền nào của nấy” thôi. Nhưng bây giờ, xem ra cái nguyên tắc “tiền nào của nấy” của ông bạn tôi đã bị “phá sản.”

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Công bằng mà nói, trong tiệm đồ cũ vẫn có những thứ hàng còn rất tốt mà giá thật sự rẻ, nhưng vẫn có nhiều thứ giá mới rất “bèo” mà tiệm đồ cũ bán giá “trên trời.” Tôi vẫn mua quần áo kiểu cổ lỗ sĩ ở những tiệm chuyên bán đồ dạt giá rẻ. Tôi thích mặc quần Jean kiểu ống loa dài phủ gót giày chớ hoàn toàn không thích kiểu quần Jean ống ngắn trên mắt cá và bó sát đang thịnh hành trong các tiệm bán đồ mới. Ðồ cũ hay đồ dạt không quan trọng, vấn đề cần quan tâm là phẩm chất món hàng còn tốt, phù hợp với người sử dụng và giá phải rẻ.

Tôi nhìn thấy những bộ chân nến bằng thủy tinh giống cái bánh cam (do Trung cộng sản xuất) mà tôi đã từng mua một bộ (hai cái) giá $1 trong tiệm 99 cents được bán trong tiệm đồ cũ (cũ mèm) giá $3/cái. Những cái ly uống nước bằng gốm tráng men có quai trong các tiệm bán hàng tiện lợi giá $1/cái (mới) thì ở đây cũng đề giá $3/cái. Nói chung, tất cả đồ dùng nhà bếp và đồ trang trí đã qua sử dụng và sờn cũ được bày bán, đừng ai tưởng nó cũ mà bán rẻ thì lầm chết. Giá của nó đều cao hơn đồ mới đang bán ở các tiệm tiện lợi $1 và đồ mới không hề thiếu nguồn hàng.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Tôi có ông bạn hành nghề sửa chữa đồ điện tử, ổng nói ổng thường xuyên mua đồ trên trang eBay vì hàng hóa bán ở trang này đều rẻ. Tôi đã vô coi, thật sự cũng có những thứ rẻ hơn mua ở tiệm (nhưng không nhiều) mà phần lớn đều mắc hơn giá mua tiệm mà phẩm chất thì “tùy lòng hảo tâm” người bán. Nhiều khi ảnh chụp là như vậy, mô tả hàng là như vậy, nhưng lúc nhận hàng sử dụng mới thấy khác một trời một vực mà người mua không thể đem trả được. Thí dụ: Những cái chân cắm nến bằng thủy tinh màu hoặc gốm tráng men (Made in China) hình chiếc lá, vương miện, con thú, trái bí (mới) ở tiệm bán $1/cái thì trên Amazon bán $3/cái. Trên eBay còn bán một cặp (2 cái) cắm nến hình chiếc lá giá $13.99, và 8 cái/$38.99. Chén thủy tinh nhỏ tôi mua $1/block 4 cái trong tiệm Dollar Tree thì trong tiệm đồ cũ bán $2/cái.

Các loại dao nhà bếp thì đừng bao giờ mua đồ cũ hàng Tàu cộng vì nó rất cùn, thà mua dao mới vẫn có thể sử dụng một thời gian. Tôi đã từng mua dao “Made in China” mới, xài một thời gian ngắn lưỡi dao hết bén và không có cách gì mài cho nó bén trở lại. Ở Việt Nam, tôi chuyên mài dao kéo xài trong gia đình. Sau khi đã bỏ công mài tới mài lui nhiều lần tôi phát hiện dao của Tàu cộng sản xuất chỉ “dán” có chút xíu thép ở phần lưỡi, khi xài mòn hết chỗ thép đó, lòi phần sắt tiếp theo cho dù mài cách nào nó cũng không bén.

Ðể không bị “tiền mất tật mang” oan ức, cách tốt nhứt chúng ta đừng mua vội mua vàng mà cẩn thận khảo sát giá nhiều nơi trước khi quyết định mua hàng.

TPT