Xuân nay, Mậu Tuất tôi không hứng thú với những lễ hội còn đậm nét bán khai như treo trâu, chém lợn hay những lễ hội đậm tính phồn thực như “linh tinh tình phộc”. Tôi chọn một điểm cũng khá gần gũi với tập quán gói bánh chưng, bánh dày là Lễ hội thổi cơm thi của làng Thị Cấm mà tương truyền rằng đã có từ thời đánh giặc Ân.
Qua Cầu Diễn, quẹo trái bám tả ngạn con sông Nhuệ là tới làng Thị Cấm. Sông Nhuệ vốn là một nhánh của sông Hồng đổ từ xứ Đoài Hà Tây. Làng Thị Cấm đã thuộc quận Nam Từ Liêm, được tính là nội thành Hà Nội. Kỳ thực, với những ai mới đến Bắc Bộ có thể thấy những lễ hội đầu năm của nhiều làng khá na ná nhau, cũng với lọng, kiệu, trống chiêng kéo tới mái đình. Nó vốn là điểm sinh hoạt gói gọn trong cái bóng cây đa làng chứ không phải là điểm lễ hội lớn. Trước cổng đình làng, tôi tần ngần trước vẻ thắm sắc của một gốc đào lâu năm. Bức ảnh đầu tiên là chụp một bé gái xinh xắn trong bộ áo tứ thân giữa sân đình. Mưa lất phất và lạnh, lại lo ngại, mưa thế thì còn gì rơm với rạ mà thổi lửa!

le-hoi-thi-thoi-com9

Ở ngoài Bắc có câu “phép vua thua lệ làng”, điều này càng đúng ở những vùng lân cận quanh Hà Nội. Luật pháp sơ khởi từ thời phong kiến còn lỏng lẻo thì quan lại như thời nhà Nguyễn chỉ quản tới cấp huyện, tới làng là do Lý trưởng và Hội đồng kỳ mục nên được xem là “Hương đảng, tiểu triều đình”. Mỗi làng tuân theo một hương ước do hội đồng làng đặt ra với tính tự trị rất cao. Cũng vì tính tự trị cao và khá độc lập nên vào dịp đầu xuân, cứ sau Tết hàng năm là sẽ thấy hàng loạt các hội làng rầm rộ.
Sau màn dâng hương, cúng vái Thành Hoàng làng là màn chuẩn bị của các đội thi thổi cơm ở sân đình làng. Và sau tiếng trống khai hội, là sự “khẩn trương” của những thành viên trong đội. Người nào thì việc nấy: người lấy nồi gang, người giần sàng, kẻ lấy lửa, lấy nước, người giã gạo, vót tre thành sợi bông làm củi đun. Tường thuật thì luôn dễ chán hơn quan sát!

le-hoi-thi-thoi-com8

le-hoi-thi-thoi-com10

Đội kéo lửa, phần quan trọng nhất. Cách thổi lửa cổ xưa này khá thú vị.
Đầu tiên là bộ kéo lửa và bó bùi nhùi đã được các bô lão làng “kiểm tra” để phòng gian lận, là bị trộn xăng hay diêm tiêu. Bộ kéo lửa là một nửa ống tre đực già dùi sẵn và một que giang đánh lửa, các sợi lạt giang và một nắm bùi nhùi bằng rơm nếp xé nhỏ. Trai làng trong hội thi kéo lửa có bốn người: hai người thì ghì chặt thanh que già vào bó rơm, hai người khác dùng tay kéo thanh giang cứa nhanh, mạnh và liên tục để tạo ma sát. Sau khi đã “khà” thành công vào bó bùi nhùi. Ngọn lửa bốc cháy rất nhanh. Đội nào “khà” lửa cháy trước tiên, sẽ giành phần thắng của màn thi kéo lửa.
Cuộc sống hiện nay văn minh với bếp ga, bếp điện, bật lửa, que diêm… Tự hỏi, nếu phải bị quẳng vào một chốn hoang dã, chắc hẳn tôi đây không chừng chết đói.

le-hoi-thi-thoi-com6

Làng Thị Cấm chia làm bốn Giáp là Giáp Đoài, Giáp Đoài Nhị, Giáp Trung, Giáp Đông, đinh tráng cứ lựa theo cha truyền con nối mà theo giáp đó, nhất là tiện việc thu thuế, thứ nhì là được chia phần hoặc phải tham gia khi có lễ hội làng. Lễ hội tưởng chừng như đơn giản này mà các giáp đã chuẩn bị ngay từ tháng Ba âm, xem xét thắng thua từ lễ hội năm trước. Cai giáp lúc này chọn ra mười đô khỏe mạnh trong giáp mình, kẻ nhanh chân thì cho chạy thi lấy nước sông Nhuệ về thổi cơm, kẻ khỏe mạnh thì cho vào phần kéo lửa, kẻ vạm vỡ thì cho giã gạo, phần còn lại làm việc thổi cơm. Lúc đó đã chọn tre già bỏ lên gác bếp cho hanh để mà tiện việc kéo lửa. Rơm rạ, cối đá và chày cũng được chuẩn bị theo tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, thời nay trai tráng phần chạy thi thì không phải chạy ra tới sông Nhuệ tới 1km mà múc nước sông mà dùng nước sạch đã để sẵn trong be. Niêu cơm trước làm bằng đất nung giờ được thay bằng niêu thiếc con con. Sau cái màn “nổi lửa lên em”, nhánh lửa được mang ra làng đình. 30 phút nấu chín một niêu cơm nhỏ. Trong khi thi thổi cơm thì trống, chiêng luôn gõ rộn ràng. Mỗi giáp lại có một cán biện chuyên hô hào, đốc thúc các đô chạy cho nhanh, kéo lửa cho khéo, thổi cho thơm. Hehe nên cũng có lúc các đô lại thêm mấy bà cãi nhau ỏm tỏi về chuyện giã gạo chưa xong, nhặt thóc chưa hết, cơm chưa có. Lúc thi thì các đô khoác áo thêu chữ, ví như các đô kéo lửa thì mặc áo đỏ mà thêu chữ “火” nghĩa là hỏa, nhóm chạy thi thì mặc áo vàng, nhóm giã gạo thổi cơm thì mặc áo xanh.

le-hoi-thi-thoi-com7

Tôi vẫn khó rời mắt cho đến khi chụp được một tấm chân dung của cụ bà, được gọi là “Nàng Tấm”, nhan sắc một thời của làng Thị Cấm. Ở đây, tôi mới thấy lại những bà cụ lưng còng chít khăn mỏ quạ, những “chiếc xe đạp Thống nhất” cũ kỹ còn được khóa cẩn thận. Cả cái quán ăn đầu đình cũng mang vẻ nhếch nhác, khiến tôi khá khiếp hãi với bác chủ quán đang còn ăn dở nhớt mỡ quanh miệng, cà lăm tụt cả hơi. Tay bác ta thì bốc những sợi bún khô đục cho vào tô bún chả mà bạc nhạc nhiều hơn ba chỉ. Có lẽ, cái thú ăn uống của một tay “sô vanh” Hà Nội là không bao giờ ăn chỗ nào nằm ngoài năm cửa ô.

le-hoi-thi-thoi-com5

Đốt vun những đống tro rơm cho niêu cơm mau chín. Sân đình làng mịt mù những khói và người ngửi khói.  Người thi, kẻ cổ vũ cứ vậy diễn ra trong tiếng gõ mõ, khua chiêng, gõ trống… Mỗi giáp mười người tính cả cai biện được đeo thắt lưng tùy theo bốn giáp làng mình là xanh, đỏ, tím, vàng mà phân biệt. Mọi thứ khá ngộ với tôi, nó vừa dân gian nhưng có nhiều thứ cũng được hiện đại hóa.

le-hoi-thi-thoi-com4

Mỗi giáp lại cử ra bốn ông mà chấm thi, còn hội đồng làng lựa ông chủ tế là người đức cao, vọng trọng trong làng mang lễ dâng lên Thành Hoàng làng. Trong ảnh, chủ tế là người cầm gậy đi chọt vào từng đống rơm để tìm 4 nồi cơm. Có cả cái màn “câu giờ” của các đội thi, dẫn mấy bô lão đi lòng vòng cho niêu cơm kịp chín.

le-hoi-thi-thoi-com3

Các bô lão giám khảo đang chấm điểm bằng cách bấm thử vài hạt cơm. Nồi cơm đoạt giải phải đủ tiêu chuẩn trắng, dẻo, thơm ngon. Phần thưởng thì chẳng nhiều nhặn gì, mang tính tinh thần là chính, nhưng niêu cơm nào mà được phong Nhất Cơm thì cũng được băng rôn và được những người dự lễ “cướp lộc” hết, niêu nào mà về thứ tư hàng bét thì cuối giờ vẫn còn đầy.

le-hoi-thi-thoi-com2

Sau khi tìm đủ 4 nồi cơm, Ban giám khảo sẽ xới 4 bát để dâng lên Thành Hoàng làng. Chủ tế đang bưng xuống mâm cơm bốn bát sau khi cúng.

le-hoi-thi-thoi-com11

Cuối cuộc thi, chỉ còn lèo tèo vài tay phó nháy để chụp lại hình ảnh của những đội đoạt giải.
Đứng trong sân đình với cây đa cổ thụ và những chiếc xe đạp thô cũ, thấy những cao ốc ngay đằng xa chen chúc. Văn hóa làng, dù cũ kỹ nhưng tôi có chút luyến thương với sự mộc mạc nghèo khó của làng xứ Bắc Bộ này. Một văn hóa quá đóng kín thủ cựu mà lại trọng nông nên nếu chỉ có mảnh đất rìa làng xưa kia, hẳn là bị bạc bẽo lắm.

le-hoi-thi-thoi-com1

Hạt cơm lấy lộc được mời từ tay một cụ bà. Chắc hẳn là sẽ không như Thánh Gióng phải ăn hết vài đấu cơm mới cao lớn hơn mười trượng để ra ứng mộ. Người dân làng này, vẫn tin rằng những “hạt cơm thi” sẽ mang lại sự may mắn cả năm.

Lăn xả và ngửi khói – rất đúng “tác phong nghề nghiệp” của phó nhòm tôi mà!

le-hoi-thi-thoi-com