Tôi sống hơn nửa đời người rồi mới được một lần tận mắt chứng kiến các kiểu khám, chữa bịnh lạ đời trong thời cấm túc mà phải lết vô phòng khám.

Cô bạn tôi ở tiểu bang Oregan đi khám tổng quát về, viết Facebook than thở như sau: “Hàng năm vào đầu Tháng Sáu tui khám tổng quát định kỳ. Năm nay văn phòng bác sĩ gọi hủy hẹn vì bác sĩ chưa được phép gặp trực tiếp bệnh nhân (trừ những trường hợp khẩn cấp) và chỉ được hẹn gặp bác sĩ trên video call. Sau một tháng họ đã cho hẹn lại. Hôm nay tui đến gặp bác sĩ bị hành đủ thứ. Trước hai ngày văn phòng bác sĩ gọi hỏi coi mình có bị nhiễm Covid không? Hôm qua họ gọi thêm lần nữa cũng hỏi bao nhiêu đó câu hỏi. Tưởng được yên rồi, sáng nay chạy đến Clinic, họ để tấm bảng tổ bố trước cửa và số điện thoại để gọi vào bên trong. Người bắt máy cũng hỏi lại bao nhiêu đó câu hỏi, sau đó phải ra xe ngồi chờ y tá gọi lại mình mới được vô bên trong. Sau khi vô được bên trong cũng chưa được yên, một người đứng ngay cửa đo nhiệt độ cũng lại hỏi coi mình có nguy cơ bị Covid “nhập” không, thiệt tình là mệt!” Ðọc xong đoạn than thở ở trên tôi muốn xỉu, nếu tôi đang có bịnh chắc sợ toát mồ hôi, lập tức hết dám bịnh liền á. May quá, tôi chưa gặp “thảm cảnh” giống cô bạn tôi.

Ở Orange County, Nam Cali, các văn phòng bác sĩ và tiệm thuốc Tây vẫn bắt buộc phải làm việc như trước khi cấm túc, không được phép nghỉ. Chính chị bác sĩ gia đình của tôi đã khẳng định như vậy. Chị đang mắc bệnh mãn tính (không phải Covid), sức khỏe không tốt nên rất sợ bị lây nhiễm. Gia đình lại thuộc hàng khá giả, ông xã chị thu nhập cao nên đâu có thiếu tiền đến mức phải để chị mạo hiểm tính mạng đến phòng khám mỗi ngày. Tôi nhấn mạnh ý “bắt buộc phải làm việc” và “không được phép nghỉ”, chớ không phải như một vài vị bác sĩ người Việt nói rằng chúng tôi vì bệnh nhân nên không đóng cửa, nhằm tự nâng tầm quan trọng của chính họ lên trước truyền thông. Từ ngày cấm túc đến giờ, tôi chưa đi khám tổng quát lần nào, mà chỉ đi refill thuốc hai tháng một lần thôi. Không phải bác sĩ hổng cho đi, mà tại tôi làm biếng. Trước đây đã làm biếng rồi, giờ mỗi lần vô mấy cái phòng khám, phòng xét nghiệm phải đeo khẩu trang kín mít, đeo bao tay cao su, lại càng làm biếng hơn nữa. Khẩu trang tôi tự may ở nhà bằng vải cotton 2 lớp, có nếp gấp sâu và diện tích miếng vải lớn để khẩu trang không bị ôm sát vô mũi miệng, nhưng không có nghĩa là không ngộp; mà “đồ nhà trồng được” chất lượng cao đeo vô ngộp ít hơn loại mua ngoài chợ may kiểu tiết kiệm vải. Ðeo bao tay khoảng 15 phút hai bàn tay tôi ra mồ hôi, lớp cao su dính sát vô da gây cảm giác nóng hổi, khó chịu vô cùng.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Ðể refill thuốc, tôi gọi điện thoại tới pharmacy nhờ họ kiểm tra coi các loại thuốc tôi sẽ tới nhận thiếu đủ loại nào, thuốc nào thiếu thì in sẵn tờ giấy refill ra. Sau đó tôi chạy tới pharmacy lấy giấy refill rồi chạy qua văn phòng bác sĩ. Tới nơi, phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thanh Thùy để chình ình cái bảng “Chỉ nhận bệnh nhân có hẹn trước” và khóa cửa ngoài cứng ngắc. Tôi nhìn qua cửa kiếng thấy bên trong mọi người vẫn làm việc bình thường. Tôi đứng trước cửa gọi điện thoại vô gặp cô bé y tá, nói rõ họ tên tôi, ngày tháng năm sanh, yêu cầu refill toa thuốc của tôi rồi nhét tờ giấy refill vô khe cửa. Cô bé y tá chạy ra lấy tờ giấy, kêu tôi chờ một chút. Cô bé đem giấy vô cho bác sĩ ký refill xong lại nhét vô khe cửa ra ngoài cho tôi. Hỏi sao đóng cửa kỹ quá, ở trong trả lời ra “Phòng khám là chỗ chứa virus các loại và dễ nhiễm bịnh nhứt. Nếu bịnh không nặng tốt nhứt đừng vô.” Tôi lại cầm giấy trở qua pharmacy lấy thuốc. Các nhân viên pharmacy than thở “Ðeo khẩu trang suốt ngày ngộp muốn chết.” Tôi thấy tội nghiệp nên an ủi: “Thôi kệ đi, ngộp mà có làm, có khách tới đều đều là có tiền.”

Tôi vô trung tâm y khoa của người Việt ngay góc đường Magnolia-Hazard, Westminster. Từ trước tới nay, bác sĩ đều đeo khẩu trang khi làm việc, các nhân viên hành chánh, y tá, bệnh nhân không phải đeo, nhưng nay ai ai đều cũng đeo khẩu trang hết. Bà bác sĩ đang điều trị chứng run tay của tôi hỏi tôi loăng quăng vài câu như: Uống thuốc đó có giảm triệu chứng run tay không? Lúc nào giảm? Lúc nào không?  Thường run vào thời điểm nào trong ngày? Run bao lâu?… Xong bà ấy “quất” cho tôi cái toa lãnh thuốc tới sáu tháng và cái hẹn tái khám cũng sáu tháng luôn.

Xem thêm:   Dubai

Tuy nhiên, tôi “chạy trời không khỏi nắng,” muốn né mà ông trời ổng nói “phản đối vô hiệu.” Số là tháng trước tôi ngồi xe bạn tôi đi quay video biểu tình “Black Lives Matter” ở Orange Park. Xe chúng tôi đang chạy ngon lành thì “Ầm” một tiếng thiệt lớn như trời giáng, nhìn vô camera thấy một thằng cha Mễ mập lù lái chiếc Volkswagen lùn tịt đâm thẳng vào phía sau xe chúng tôi. Xe của chả lùn mà xe chúng tôi cao hơn nên mui xe của chả chui dưới gầm xe chúng tôi, và vì hai xe đang chạy cùng chiều nên chúng tôi bị chấn động cũng ít hơn so với bị đụng ngược chiều. Nhưng bây nhiêu đó cũng đủ cho hơn tháng nay tôi phải một tuần hai lần đeo “rọ mõm” tới gặp ông bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để ổng “chỉnh” trực tiếp bằng máy móc và tay chớ không thể dùng video qua FaceTime được. Ðã vậy, tôi còn bị ông bác sĩ chấn thương chỉnh hình viết giấy chuyển tôi qua phòng chụp X-ray, chụp MRI đến hai lần. Tôi thấy ở các phòng chụp này mọi công việc diễn ra bình thường, nhân viên phòng chụp thì luôn luôn đeo khẩu trang. Khác ở chỗ trước đây bệnh nhân muốn ngồi chờ ở ghế nào cũng được, thì bây giờ họ dán mấy miếng giấy in chữ giới hạn ghế được phép ngồi và ghế không được ngồi nhằm giữ khoảng cách giữa các bệnh nhân, và bệnh nhân, y tá làm giấy tờ cũng phải đeo khẩu trang.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Mùa Hè nóng bức tôi rất sợ phải vô các nhà hàng, văn phòng bác sĩ người Việt. Phần lớn mấy ông bà chủ này tiết kiệm điện không dám dùng máy lạnh, mà mở banh cửa chính ra. Theo ý họ mở cửa vậy thì mát, nhưng thực tế không mát chút nào. Bởi vì không khí ngoài sân nóng như lửa thì mở cửa ra trong ngoài đều nóng như nhau, cá biệt ở các nhà hàng bên trong còn nóng hơn ngoài sân vì hơi nóng từ phòng bếp tán nhiệt ra phòng ăn.

Bạn tôi đi trám răng ở nha sĩ, kể rằng trong khi ngồi chờ bệnh nhân cũng phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Tới lượt ổng vô phòng bên trong trám răng ổng hết hồn hết vía thấy hai người trong phòng đeo hai cái mặt nạ chống khói độc với hai mắt tròn vo như khu tô và cái vòi voi, ổng tưởng ổng đi lộn phòng nhân viên khử độc xịt thuốc côn trùng. Ðịnh thần lại hỏi kỹ mới biết thì ra đây là bà nha sĩ quen từ lâu. Bà nha sĩ nói bệnh nhân tất nhiên không thể đeo khẩu trang trong khi trám răng được, ngược lại còn phải há miệng to ra cho bác sĩ cúi xuống gần miệng bệnh nhân, thành thử bác sĩ phải đeo mặt nạ chống độc chớ không đeo loại khẩu trang y tế thông thường.

Tôi sống hơn nửa đời người rồi mới được một lần tận mắt chứng kiến các kiểu khám, chữa bịnh lạ đời trong thời cấm túc mà phải lết vô phòng khám. Ngay cả khi tôi phải phẫu thuật và nằm viện mất ba ngày tôi cũng chưa thấy sợ vô bệnh viện bằng các kiểu khám bệnh ngộp thở thời ôn dịch.

TPT

(Little Sài Gòn, Nam Cali)

Hình: Một vài khu trung tâm y tế do người Việt làm chủ ở thành phố Westminster, OC, Nam Cali.