huong-paris-giua-long-ha-noi5

Một góc của căn biệt thự cổ trang trí đơn giản, chỉ một chậu cúc Cánh mối đỏ rực  ở ban công tầng hai, nhìn ra con phố Lagisquet, (Chân Cầm ngày nay) . Chỉ cách đây mấy chục năm thôi, con phố Lagisquet chỉ  dài 150m là nơi tọa lạc những ngôi biệt thự đẹp có hạng của Hà Nội. Tất cả đều đã đổi khác, chỉ còn duy sót lại hai biệt thự Pháp cổ ở nơi này. Nhiều người khi nghĩ về những biệt thự Pháp cổ ở Việt Nam hay cho rằng chúng được xây bởi những chủ người Pháp, nhưng không hoàn toàn đúng vậy.  Căn biệt thự số 8 Lagisquet này được xây vào năm 1931 của gia đình thượng lưu người Việt. Nó vẫn ở đấy cái ngày tôi đến, và sự hoang tàn lại chỉ làm dấy lên cái ưu tư trưởng giả  về  những gì hào hoa, thanh lịch và tinh tế một thời đã bị lột xác để hòa mình vào quần chúng công nông!

huong-paris-giua-long-ha-noi4

Vào Thu mà nhiệt độ RealFeel thực tế vẫn cảm giác cực kỳ oi bức. Hà Nội đã qua mùa sen. Bó bông Thiên đường chiếm điểm nhấn của ô cửa kính biệt thự cổ. Sự nịnh đầm của chàng Tây sồn với bộ râu hoa râm cạo sát. Ngoài những lúc chúi đầu vào iPad cầm tay, thỉnh thoảng, chàng lại thả vài cái nhìn đầy chăm sóc về hướng cô bồ người Việt mỗi lần quẹt quẹt bức canvas vẽ puppy lại mở to đôi mắt nai vờ vĩnh.

Menu bắt mắt và đa dạng.  Tôi gọi thử ly sinh tố khoai lang. Chua thơm, thức uống yêu thích của tôi ở Hà Nội thì luôn là nước cóc ép. Nền nhạc Pháp đang chơi mấy bản Oh! Mon Amour, Mal, Ne Me Quitte Pas… Hương Paris giữa lòng Hà Nội có mùi vị buồn buồn.

huong-paris-giua-long-ha-noi3

Mọi người thường hay nói về ngôi biệt thự cổ 87 Mã Mây, nhưng riêng tôi nó đã thành một “touristy site” mang nhiều gia vị câu khách du lịch tứ xứ ghé qua mua đồ lưu niệm. Còn ở đây, ngôi biệt thự cổ này, là một sinh thể sống động- những lớp mái ngói được tráng một lớp men màu xanh rêu… Một kiến thúc Đông dương thuộc địa tương đối nguyên vẹn không bị biến thành trụ sở, hay một cơ quan trực thuộc Cục, Bộ nào đó của chính quyền Việt Nam.

Khi chính quyền mới về tiếp quản Hà Nội, biệt thự số 8 Lagisquet được giao cho Bộ Y Tế. Trước đó chỉ có một gia đình mà giờ đây đã có 16 gia đình chen chúc sống. Một cái nhà vệ sinh duy nhất của ngôi biệt thự nằm ở tuốt luốt phía sau để 16 nhà chia dùng. Mãi sau này mới có thêm hai nhà vệ sinh dựng bằng nhôm kính. Không thể xây được nhà vệ sinh khép kín cho từng gia đình vì phải đào xuống nền nhà, lắp ống để đi xuống bể phốt đằng sau, có nghĩa là đi thông qua gia đình khác ở ngay trong biệt thự. Sự bất tiện của việc đi vệ sinh chung khiến nhiều người cũng muốn dời khỏi đây nhưng lại quá lưu luyến.

Hậu duệ của gia chủ cũ của ngôi biệt thự này giờ đã xuất ngoại hết, họ chỉ còn giữ nguyên gian thờ ở trên tầng 3 của tòa biệt thự. Căn biệt thự mà phòng khánh tiết giờ hoàn toàn biến mất, được xẻ nhỏ ra thành nhiều ô với ván ép hoặc thạch cao. Mua bán trung bình cứ 2 tỷ mỗi căn phòng, nhưng nếu ai muốn mua gom hết toàn bộ 16 gia đình thì sẽ được đẩy lên thành 6 tỷ mỗi căn. Trị giá 96 tỷ (hơn 4 triệu dollar) cho những ai dám gan nhảy vào!

huong-paris-giua-long-ha-noi6

Không chỉ gây ngạc nhiên với chòm râu đã trở thành thương hiệu trên logo của một quán nhỏ café ấm cúng, và ly sinh tố khoai lang cũng được tay chủ quán pha chế rất ngon miệng. Sơn, từng làm một công ty chuyên về đề-co, cái gian nhà nhìn xuống phố Lagisquet được bà cô ruột đã xuất ngoại giao trông coi và hiển nhiên trở thành căn quán đầy lãng mạn của phố Chân Cầm. Tay chủ khoe với tôi cái thú sưu tập đồ gốm sứ. Rồi nhã  hứng khoe luôn cái tấm mái ngói của biệt thự cổ được nhập từ Pháp từ đầu thế kỷ 20. Đất thịt rất nặng, cầm đằm tay và được phủ lớp men xanh rêu. Dù là mái ngói Việt Nam nhưng tất cả nguyên liệu, men là được làm ở Pháp. Việt Nam  thì chỉ có phương cách làm xương gốm bằng tay ở Phú Thọ cho thật đằm, rồi lại đem xuống Bát Tràng mà phủ thêm men, máy hay khuôn thì mái ngói ở Việt Nam lại thường rất nhẹ.

Cũng cái kiểu “công tử Hà thành”, cứ 6 giờ chiều là đóng cửa quán đi về! Và đấy là phong cách sống của những “giai phố Hà Nội” và những thú vui như chơi chim, chơi gà, câu cá, chơi cây hay chơi gốm như tay chủ quán đây.

huong-paris-giua-long-ha-noi2

Những viên gạch bông từ thời Pháp thuộc với những nét hoa văn giờ tìm lại cũng khó thể. Cậu trai ngồi ngoài hiên với điếu thuốc là dân chuyên trường Ams, du học ở Missouri, chuyên ngành Graphics design- thiết kế họa đồ. Tốt nghiệp xong thì cũng chỉ có 90 ngày để xin việc đúng ngành để ở lại theo chương trình OPT (optional practical training) và được gia hạn visa thêm một năm, với ngành thuộc STEM (Science, Technology, Engineering, Mathematics) thì sẽ được gia hạn thêm hai năm để làm việc.

Khách quen ở đây lại là du học sinh nhiều từ những trường điểm ở Hà Nội như Hoàn Kiếm, Việt Đức, Chu Văn An hay dân Ams. Ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường thì đã có một chút “văn hóa chauvinism” rồi, tuy không sánh bằng những trường như Eton của Anh nhưng  cậu trai này cũng khá tự hào là một Amser (theo cách nói của dân học trường Hà Nội – Amsterdam).

Tôi hỏi đùa sao không kiếm cô nào mà ở lại, thì em đáp rằng chỗ em học lại rất ít người Á. Du học sinh hồi hương vẫn luôn là một nỗi buồn không tên nhiều tập.

huong-paris-giua-long-ha-noi1

Hà Nội với khí hậu nóng ẩm nên chung cư hiện đại vẫn bí bức  dù với không khí của máy điều hòa. Rất nhiều chung cư ở Việt Nam lại không có hệ thống HVAC thông gió tốt nên chẳng mấy khi có khí tươi mát mới vào nhà. Tôi dần hiểu cái mác chung cư cao cấp ở Việt Nam cũng rất nhiều khi chỉ là cái vỏ.

Trần nhà cao gần 5 mét của căn biệt thự Pháp cổ thoáng rộng, thông gió, mới thấy kiến trúc thời Pháp thuộc thể hiện sự hòa hợp với khung cảnh nhiệt đới cực kỳ hợp lý.

Mọi thứ chảy thật chậm ở đây như từng trang sách được cậu “Tây nerd” đang lật nhẹ. Bên trong, ba người lặng lẽ chơi rubik. Bức tường thô mộc với gạch không trát hồ. Nhạc CD tự lựa và sách tự chọn, chiếc quạt trần vẫn hiu hiu thổi trên nền nhạc êm dịu. Người Pháp đã rút lui, nhưng cái bóng của văn hóa Pháp vẫn như tồn tại ở cái không gian này.

huong-paris-giua-long-ha-noi

Người Mỹ thì luôn tin vào hiện tại và lạc quan vào tương lai, còn tại Hà Nội, con người thường thích ẩn mình trong dĩ vãng. Những lớp người cao tuổi có thể mở đầu câu đầy tính giai thoại “Ngày xưa, hồi xưa, thời đó…” như tất cả những gì đẹp đẽ đã bị đẩy lùi vào quá khứ.

Tôi hiểu sự vận động của thành phố này hơn, nó trầm hơn Sài Gòn nhưng vẫn có lúc sự sủng ái cái dĩ vãng lại bị duy cảm thái quá nên mới hình thành đủ kiểu những nhà Hà Nội học, rùa học, ba ba học…

Tác giả bên những mặt nạ giấy bồi, mảng tường bốn năm lớp sơn đã bong tróc, dấu ấn của Hà Nội xưa qua cánh cửa xanh còn sót lại.

DMH