Mặc dầu có rất rất nhiều bài học như “cái nết đánh chết cái đẹp”, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” này kia… nhưng tôi phải đau lòng khẳng định rằng, ở rất nhiều trường hợp cái đẹp hoàn toàn có khả năng đè bẹp cái nết.

hao-sac5

Không cần thẩm mỹ, phụ nữ vẫn có thể “biến hóa” như thần làm đàn ông… kinh (trong hình là một vị hơi thiếu nữ)

Bất kể đó là với những cái nhìn đầu tiên hay những cái nhìn sau cùng. Bất kể đối với người mình không ưa hay người mình thích. Từ nhỏ, trong một đám trẻ, một đứa bé đáng yêu luôn được chú ý, khen ngợi bởi người lớn hơn một đứa bé không đáng yêu bằng. Lớn lên, một kẻ xấu mà làm chuyện khó coi luôn dễ bị ghét hơn người đẹp làm chuyện tương tự, đôi khi người đẹp đó còn được cho là cá tánh. Một người tốt nhưng mà ngoại hình xấu luôn khó gây “tiếng vang” hơn một người có ngoại hình đẹp mà làm chuyện tốt….  Ngay cả trong truyện, trong phim, đa số các nhân vật cần được chú ý đều được tác giả/đạo diễn chăm chút cho khoản ngoại hình, một là sẽ quá xấu hoặc là quá đẹp… Bạn đã bao giờ thấy một người thường xuyên tự ti, lo lắng, mặc cảm về ngoại hình? Nếu quả tình, cái câu “hồng nhan họa thủy”, “cái nết đánh chết cái đẹp”, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là đúng thì họ đâu cần phải làm như vậy. Bạn đã bao giờ nghe về cụm từ “body shaming” chưa? Ðó là đại khái về việc thích nói về khiếm khuyết cơ thể của một người nào đó, đôi khi dùng khiếm khuyết đó để gắn vào sau tên của người đó như một “đặc điểm nhận dạng”, làm trò cười cho người khác. Nó xảy ra khắp nơi trong cuộc sống, từ những người thân quen nhất với lý do  “đùa cho vui” cho đến người xấu với ý mỉa mai đối phương. Cũng có thể do tôi hơi chủ quan về những cái mình thấy hoặc có lẽ là do tôi… xui xẻo nên luôn nhìn thấy những ý nghĩa không tốt từ các câu chuyện được cho là bình thường, nên tôi cho rằng, những “biểu hiện” trên đã khẳng định loài người là một loài rất… “háo sắc”.

hao-sac6

Các anh đàn ông yêu thích đôi môi đỏ, ánh mắt cong nhưng nhìn ‘đống” này sẽ quát lên và ngất xỉu vì giá của từng món một cộng lại

Về độ “háo sắc” của loài người, tuy người ta nói “đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai” nhưng độ “háo sắc” của phụ nữ chắc chắn đàn ông không thể nào bì được. Vì các anh đàn ông chuẩn men chỉ thích nhìn phụ nữ đẹp còn phụ nữ ngoài việc thích ngó trai đẹp thì đa số phụ nữ đều thích ngó tất cả các thể loại đẹp khác, không trừ bất kỳ một loài, giống, hình dạng… nào. Ví dụ như… tôi, tối ngày lên mạng, ngoài sở thích phụ là ngắm gái xinh trai đẹp thì sở thích chính của tôi là ngó… chó đẹp.

Xem thêm:   Chó...

Bên cạnh chuyện ngắm, điều khiến tôi càng khẳng định “chắc như bắp” sự “háo sắc” của phụ nữ sau nhiều năm “nghiên cứu” và tự… phê là chuyện làm đẹp. Ai cũng biết, đa số những dịch vụ làm đẹp, trang điểm dầu có cải tiến bao nhiêu thì chức năng ban đầu đều là làm đẹp cho phụ nữ. Nhưng đừng nghĩ, tất cả phụ nữ làm đẹp chỉ để cho đàn ông ngắm vì tin rằng đàn ông “yêu bằng mắt”. Thiệt ra, phụ nữ làm đẹp đa số là để cho các phụ nữ khác ngắm và tự mình ngắm hơn. Vì nếu chỉ để cho đàn ông ngắm, mỗi phụ nữ chỉ cần biết một kiểu trang điểm đẹp nhất/hợp với mình nhất. Trong hộp trang điểm chỉ cần một cây chì kẻ mày, một cây mascara, một hộp phấn, một cây son… Nhưng sự thật thì chẳng có người phụ nữ thích trang điểm nào có “tài sản” nhẹ nhàng như vậy. Và không vị đàn ông nào có thể phân biệt được màu và kiểu trang điểm của người phụ nữ bên cạnh mình là từ món nào trong đống lớn “tài sản” mấy chục cây son, mấy chục hộp phấn có màu sắc, hình dáng nhìn có vẻ tương tự nhau. Giày, dép, guốc, váy, đầm của phụ nữ cũng là một minh chứng “hùng hồn” cho lý thuyết này. Bởi vậy, người ta có câu, trong đám đông, đàn ông sẽ dõi theo những người phụ nữ đẹp, còn những người phụ nữ đẹp sẽ ngó chằm chằm những người… phụ nữ đẹp hơn, là thế. Ngó đôi khi không phải vì yêu thích hay ganh tỵ, ghét bỏ (mặc dầu đa số là vậy). Nhưng dẫu ghét, yêu hay không quen biết, phụ nữ ngó phụ nữ chính yếu vẫn là để ngắm, để so sánh, để bắt chước hoặc rút kinh nghiệm cho bản thân.

hao-sac4

Ngoài yêu bản thân, tôi còn lên mạng xem hình… chó đẹp (TỪ facebook)

Người ta nói, phụ nữ chỉ có một thời xuân sắc, nhưng sự “háo sắc” của phụ nữ không chỉ dừng lại một thời. Ngay từ khi còn là cô bé “hỉ mũi chưa sạch”, phụ nữ đã có nhu cầu làm điệu, đã biết thích khoác trên mình những bộ cánh xinh xắn và chải tóc theo nhiều phong cách, biết lén lấy son, phấn của mẹ/chị trét đầy mặt. Ghét cô bé hàng xóm có cái đầm đẹp hơn, có cái kẹp tóc hình con bướm đẹp hơn…

Rồi từ từ lớn lên, sau khoảng thời gian mà người ta gọi là xuân sắc, khi phụ nữ đã ngán quay cuồng với quần áo, phấn son, mốt mới, phong cách hot, thẩm mỹ viện uy tín… thì họ háo sắc bằng cách lo lắng, buồn bã, ân hận khi nhìn mình trong gương. Mân mê từng nếp nhăn, từng rãnh mắt. Vuốt ve từng sợi tóc bạc. Ðó là trong văn chương tôi sẽ nói như thế, chứ thiệt tình, đời không như là… văn, ai mà rảnh đi yêu cái “kẻ tội đồ” làm mình xấu đi?  Khi ấy, phụ nữ có điều kiện thì sẽ đi massage, tiêm botox, uống thuốc bổ… Không nhiều điều kiện thì họ sẽ học cách trang điểm, nhuộm tóc che bớt những dấu ấn thời gian trên người. Còn những người phụ nữ không… quan tâm thì tôi không nhắc tới trong bài viết này. Vì đây là bài viết dành cho những người phụ nữ háo sắc. Với tôi, đàn ông háo sắc là điều quá đỗi bình thường và không hề… sáng tạo. Nhưng phụ nữ háo sắc là một cá tính tốt đẹp, một sự yêu thương bản thân tốt nhất. Nếu như thiếu đi, phụ nữ cũng sẽ rất dễ đánh mất bản sắc của riêng mình. Cũng rất may mắn, hình như trong cuộc đời tôi, rất ít khi gặp được người không… háo sắc. Bất kể nam lẫn nữ. Trong đó, người ảnh hưởng đến sự háo sắc của tôi nhất là bà ngoại nuôi của tôi.

hao-sac3

Trung Quốc còn sản xuất mỹ phẩm giả trong xưởng (Từ Kenh 14)

Tôi có hai bà ngoại, ngoại ruột vẫn còn sống. Nhưng người gắn bó và ảnh hưởng với tôi nhất lại là ngoại nuôi. Bà đã mất nhưng mỗi khi làm việc gì tôi cũng nhớ đến bà (tất nhiên, toàn là lời… chê trách). Bà từng nói, bà có nhiều cháu ruột nhưng đứa khiến bà tốn hơi thừa lời nhất là tôi, đứa cháu ruột… thừa này. Nhất là những lúc tôi cầm cây chì kẻ mày hay cây son tô môi, lời bà từ ái, chân thành vẫn vang vang bên tai:

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

– Sao mày tô mỏ đỏ như đít khỉ vậy?

– Sao chân mày của mày vẽ bự chảng vậy?

– Mày gắn cặp mi xong tao không thấy mắt mày đâu.

– Mày mặc bộ đó để đi ăn đám cưới hả? Sao mắt trắng xác vậy, ai ám mày?

– Mày đi cà kheo hay đi guốc vậy?

– Cái tướng đi Sài Gòn Chợ Lớn của mày mà không sửa thì ra đường đừng nói cháu tao..

– Thôi bỏ đi con, thằng đó đẹp trai, hiền lành vậy chắc chắn tương lai tốt lắm, mày đừng làm khổ nó…

….

hao-sac2

Nhờ có bà mà tôi biết khoảng cách của văn hóa háo sắc giữa hai thế hệ nó xa cỡ nào… Tuy nhiên, “tư tưởng lớn” giữa tôi và bà đôi khi vẫn gặp nhau. Vì vậy, lâu lâu trong hộp trang sức của bà bị mất vài cái dây chuyền ngọc trai với lý do “Cho con mượn đi khoe với… ngoại nhỏ bạn.” hoặc trong hộp trang điểm của tôi mất vài cây son với lý do “Màu này già lắm, tao xài dùm cho!”. Vóc người bà nhỏ, người ta nói là vóc người “mình hạc xương mai”. Bởi vậy, khi có tiệc bà hay mặc áo dài gấm, đeo trang sức ngọc trai, mang đôi guốc mộc. Tóc bà dài, hay búi ra sau nhốt hết vào một tấm lưới rồi cột lại, hoặc kẹp gọn phần mái rồi thả dài xuống lưng. Phong cách vô cùng quý phái và hơi cổ điển như số tuổi của bà. Còn tôi vóc người mình hạc xương… voi, khi đó (lúc bà còn sống) tóc tôi ngắn ngang lưng và xù to như ổ quạ, thích mọi loại váy… ngắn và phong cách nổi loạn như mọi cô gái tuổi “teen” khác. Nhưng tôi biết mình có cố thay đổi thì cũng sẽ không thể có sự nhã nhặn, chậm rãi như bà và tôi biết, để bà chấp nhận phong cách của mình cũng là một chuyện khó khăn. Vì thế, hai bà cháu cứ không… liên quan một cách tự nhiên như thế. Có lẽ duyên bà cháu giữa chúng tôi là nhờ có cùng sở thích, đó là tôi và bà đều yêu thích nhan sắc của… tôi. Bà tuy không thích phong cách của tôi nhưng luôn chỉ tôi cách sử dụng mỹ phẩm, cách rửa mặt, các cách dưỡng da truyền thống hồi xưa mà bà biết. Vì vậy, mỗi lần điểm trang lại rãnh mắt sắp nhăn, sợi tóc nhuộm màu thời gian tôi lại nhớ lại cảnh bà hoang mang cầm hộp phấn chặm chặm lên mặt thêm một lần sau khi thợ trang điểm xong trước mỗi lần đi tiệc, rồi cảnh bà sau khi gội đầu vừa thở dài vừa ngồi lấy cây quơ tóc rụng xuống nắp cống. Bà nói “Hồi xưa tóc tao dày mà đen lắm, không… lốm đốm như mày đâu”. Rồi cảnh bà ngồi sờ soạng từ đốm đồi mồi trên da, vết gân nổi xanh trên chân, đổ thừa tại “Hồi trẻ không kỹ”. Rồi cảnh bà ngồi lật từng tấm hình xưa, khoe bà hồi xưa đắt “mèo” lắm, gánh đồ đi bán bữa nào cũng mau hết vì anh hàng xóm mua mão mỗi lần thấy bà…

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

hao-sac1

hao-sac

Việt Nam thì sản xuất ở… đâu cũng được, đây là xưởng mỹ phẩm giả trong chòi lá (Từ báo Pháp Luật)

Bà nói hồi xưa đàn ông, đàn bà “háo sắc” nhau kiểu khác. Bây giờ tuy cái gì cũng nhiều, cũng đa dạng hơn nhưng mà tình cảm lại không đẹp như xưa. Ðôi khi chính cái sự yêu cái đẹp của mỗi người cũng bị tác động từ bên ngoài, người ta yêu phong cách nào đó chỉ vì người tiên phong chứ không phải là do bản thân họ yêu hay hợp với phong cách đó… Lúc đó tôi đã cãi “Mỗi thời mỗi khác mà ngoại…” Vì lúc đó tôi chưa hiểu tình cảm là gì, tình cảm đẹp là thế nào, cuộc sống phức tạp ra sao… Mặc dầu bây chừ tôi vẫn chưa hiểu lắm, nhưng tôi tin bà nói đúng. Riêng mỗi chuyện sử dụng mỹ phẩm, thời xưa người ta cứ đến tiệm mua và về an tâm dùng. Tiệm nó made in VN là made in VN, “made in USA” là “made in USA”. Nhưng bây chừ, đồ mình order từ Mỹ, chờ mòn mỏi, về tới tay, xài gần hết mới biết là hàng “made in china”, vì có rất nhiều chỗ làm hàng giả y như thật. Và cũng có rất nhiều người thích bán một vốn bốn… mươi lời. Còn hàng ở VN đứng ra bán hoặc sản xuất, những người làm nghề làm đẹp, trang điểm chuyên nghiệp hay rỉ tai nhau “Gan lắm mới dám xài!”, bởi vì ai cũng sợ nó cũng là hàng “made in china” giả dạng, mà “made in china” cũng còn may lắm… Thiệt ra, người ta sợ nhất là hàng “made in… Việt Nam”.

DU