Hà Nội của những ngày hè, tiếng ve sầu râm ran, dày đặc như tiếng máy phát điện trong đêm. Những ninja phiên bản Việt, những tín đồ của khẩu trang và combo váy/ áo chống nắng như một mốt thời trang đô thị. Ma trận của những dòng xe cộ nhuộm nhoạm vẫn khiến tôi không khỏi càu nhàu. Mốt xắc tay đeo chéo bỗng dưng trở thành “bản năng gốc” của nàng, dù ở bất cứ nơi nào. Tôi giờ cũng dần mất đi cái hưng phấn lãng mạn điên rồ là “du hành” bằng xe máy. Cái nắng xứ này mà phơi ra thì có mà rạc người, mà muốn giờ đẹp để có hình ảnh đẹp như Blue hour/Golden hour thì lại mắc kẹt trong bầy cá mòi của còi xe.

Bất kỳ ở đâu thì tôi cũng chỉ muốn yên ổn với đời sống thường nhật. Cứ xem như tôi đã vượt qua cái “sốc văn hóa” ban đầu, giờ là đến giai đoạn “mind-set”- hòa nhập (dù khó hòa tan!) Một mẹo cũ. Hãy trở về quê Việt ta để học yêu nước Mỹ tha thiết hơn! 

ha-noi-mua-do-nang9

Quán trà Thạch Cô Ba ở Nguyễn Biểu, nhỏ xinh giản dị và hơi hướm hoài cổ. Những góc nhỏ trong thiết kế hai tầng với gác xép như phòng khách của người Hà Nội xưa. Không gian thú vị kết hợp thạch và trà. Thu hút khách với những bàn trà độc đáo ngay từ ngoài cửa vào. Ngày hè, sau những bước lang thang dưới tán cây sấu xù xì trăm tuổi ở “con phố cây” Phan Đình Phùng, khách vãng lai thường tạt ngang quán trà để trốn nóng.

ha-noi-mua-do-nang8

Quán chè có tiếng với món chè sen nằm trên phố cổ Hàng Cân, lên phố lần nào tôi cũng ghé ăn chè, dù Đông hay Hè. Hàng chè không nước dừa, ngọt thanh. Bàn nhỏ, ghế nhỏ, cầu thang nhỏ hẹp với màn trần thấp… Đôi khi, mái trần của những căn nhà phố Cổ chỉ thấp lè tè. Cái cầu thang bước lên căn gác nhỏ bé. Nó giống như một sự “nhẫn nhục” nào đấy khi phải ngang người cúi đầu đi lên như cua! Ấy nên cái sự cãi lý của người Việt thì cũng cứ ngang ngang như cua trong sự tồn sinh ở mọi chốn hỗn độn. Hà Nội vẫn hiếm những quán chè đặc trưng và ngon tuyệt như ở Sài Gòn.

ha-noi-mua-do-nang7

Hiệu sách cũ ở trên phố Bát Đàn. Ngoài nổi tiếng với quán phở tự phục vụ ở Bát Đàn, con phố này còn có một địa điểm ẩn mặt của một con người đã bị lãng quên. Đây là nơi ở của ông chủ nhà in Minh Đức – Trần Thiếu Bảo. Cái quá khứ bị lãng quên thâm trầm của một con người từng bị đi tù 7-8 năm trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Nhà in Minh Đức bị tịch thu, ông về căn nhà số 5 Bát Đàn mở bán cà phê túc tắc qua ngày rồi sau đó thành một chốn bán tiệm sách cũ. Chẳng còn ai nhớ đến cái nơi của một con người từng bị bắt trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm… ông Trần Thiếu Bảo đã mất từ lâu, những chồng sách cũ trên kệ buộc dây, phủ bụi và có lẽ chỉ có lác đác những tay nghiện sách và lũ mọt ghé thăm.

ha-noi-mua-do-nang6

Ở đây là một khu phố Pháp, nằm dưới nhà tù Hỏa Lò, nơi sưu tập những chân đèn cổ của một Việt kiều Canada. Bà chủ nơi này cũng sở hữu một resort ở bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Cậu manager kể tôi rằng, bà đã phải đánh một hai “công” (container) về Việt Nam. Décor thì kiểu cách Vintage trẻ trung già dặn hỗn độn, phono cổ điển loa kèn lớn, đàn piano, chủ thể chính vẫn là đám chân đèn tiffany sắp hàng trên kệ gỗ… Một cậu đang lúi húi với cái máy laptop Apple, có vẻ đây cũng là địa chỉ của những stylist tài tử hay những tín đồ yêu chủ nghĩa hướng nội và sống ảo.

Tôi gọi thử món “lẩu kem” toàn tập, cái đặc trưng của các món Việt là thứ gì hằm bà lằng thì cũng có thể gọi là “lẩu”. Nên thêm một biến thể của lẩu kem là lẩu trái cây “chấm sâu đậm” với chocolate đun chảy. Hà Nội đang mùa đổ nắng, và để cảm thán đúng với ngôn ngữ của xì -tin thì phải là,“Ồ dé, hãy đánh bay cái nóng ngày hè nào”!

ha-noi-mua-do-nang10

Giới trẻ Việt cứ cuối tuần là thích “xõa”, một từ chỉ về sự ăn chơi thoải mái banh-ta-lông để thoát khỏi sự gò bó trong những giờ học, hay giờ làm việc. Ấy mà, với độ “xõa” của những anh chàng, cô nàng “Tây phủi” thì phải luôn tới bến! Hay là độ phủ sóng của văn minh “homeless traveling” của những lữ hành vô gia cư đã đến Việt Nam rồi sao?

Cặp nam nữ với tấm bảng giữa Bờ Hồ “Tôi đi du lịch 2 năm. Xin vui lòng hỗ trợ du lịch cho tôi. Bạn có miễn phí thức ăn cho tôi?” Đằng trước bày hàng loạt những tấm hình cặp này đi du lịch. Hây dà! Tôi hơi bất ngờ. Cứ nghĩ rằng ở Tây phương ra đường lộ ngoắc tay đi nhờ xe thì có, chứ mặt dày theo kiểu homeless traveling thì mới thấy đây thôi. Hay đây là bộ tộc người gypsy mới đã đến Hà Nội? Biết đâu, sau phong trào phượt của các phượt thủ sẽ có cả trào lưu du lịch vô gia cư nữa đây!

ha-noi-mua-do-nang4Phía bên kia hồ, vài tay Tây trẻ trải ra giữa vỉa hè cái speed bump giảm tốc độ với những ô trống màu vàng để mọi người có thể dùng marker trả lời câu hỏi “What slows you down in life?”- Điều gì khiến bạn sống chậm lại? Vô số những tụ ý của già trẻ Việt Nam. Nào là vợ tôi, nào là chồng tôi, homework, boss, game, coffee break, thức khuya, không tiền, ế độ, hết pin, cúp điện, wifi rùa bò…

Sống chậm, Hà Nội không vội được đâu. Cơ chế, tập tục, con người, vốn đã chệch đường ray của văn minh hàng trăm, hàng nghìn năm rồi… Cái thời kinh tế toàn cầu, đơn hàng quốc tế có mà đập rầm rầm ở cửa thì vẫn phải chờ cái lễ lạt nghỉ ngơi sau vụ gặt, vẫn phải chờ cái thói “ngọa sơn ngủ ngày” vì ban trưa nắng cháy, vậy mới là đúng với tinh thần văn minh lúa nước!

ha-noi-mua-do-nang3

Chiều nắng nóng bên Hồ Gươm. Bác trung niên may-ô ba lỗ này làm tôi liên tưởng đến câu đồng dao thời bao cấp “Một yêu anh có may ô / Hai yêu anh có cá khô để dành.” Cứ như cách dân Bắc Kinh khoe quần áo ngủ pyjama dạo phố thời kỳ tiền Đặng Tiểu Bình, để nói với thiên hạ là ta đây không chỉ có bộ cánh xanh của Mao chủ tịch. Cũng có khi tôi gặp một cụ già đội mũ phớt, cầm gậy ba-tong như trí thức kiểu Pháp thời trước 54, bác may-ô trong ảnh này thuộc thế hệ sau, phụ kiện thời trang là dây đeo cổ hiện đại dạo phố cùng chú chó fox tí teo.

ha-noi-mua-do-nang2

Ở cái thời buổi hùng hồn của những tay ga ẩu thì trẻ con cũng chẳng còn cơ hội tập xe đạp ngoài phố nữa. Thay vì vậy, chúng được đền bù thỏa đáng bằng sự bao bọc của iPad, iPhone cài đặt trò chơi trên tay suốt cả mùa hè lay lắt tiếng ve sầu.

ha-noi-mua-do-nang1

Ngày hậm hực thì chàng cứ vô tư trên mình trần, dưới tà lỏn ca-rô. Chẳng ai có thể hình dung đây là mảnh sành sứ có niên đại từng một thời hoành tráng! Bỏ ra chục cây vàng ngày trước, chỉ để sở hữu mấy gian phòng vốn là những phòng làm việc của một biệt thự Pháp cổ. Cái mác “giai phố Hàng” hay giai phố Cổ xưa kia nghe đâu khá hấp dẫn với nhiều quý cô, nhất là quý cô đeo kính cận nhẹ dạ. Mấy tay bạn dù đã dọn ra ngoài các khu chung cư gần Keangnam hay Sông Đà Sudico vẫn kể lại cái quá khứ sống ở Cửa Đông hay căn phố cổ cũ, thậm chí còn nhắc mãi món cháo lòng phố cổ. Ngay cả những tay đại gia dù nhà cửa đất cát rộng rãi ở mạn Âu Cơ, Tây Hồ thì vẫn không thôi “day dứt” về việc mình từng là giai phố Hàng ở Hàng Thùng. Thực, thì dễ gì mà giải huyền nổi cái mác “giai phố Hàng”!

ha-noi-mua-do-nang
MH