Để đi đến một nước giàu có làm thuê cũng đã vô cùng khó khăn, nhưng có ai biết trở về thăm quê hương bao ngày xa cách cũng không phải dễ gì. Ngoài những cách ngăn do địa lý, còn có những ngăn cách từ những người bà con ruột thịt ở quê nhà do quà cáp không đủ…

Không quen biết nhau nhưng là người Việt nên gần    

Sau một lần về thăm quê

Bà N.T.H (70 tuổi) ở quận Mitte kể về trường hợp chị S, người giúp dọn dẹp nhà cửa cho bà hơn một năm qua. Chị S (46 tuổi) quê ở Bắc Ninh, sau khi ly hôn, gửi hai đứa con cho ông bà ngoại rồi tìm đường sang Ðức. Ðược người bên này môi giới, chị làm quen với một người Ðức, tên T, gần 70 tuổi. Ông này trước là nhân viên một công ty xây dựng của quận Mitte. Ông T thương chị S thật tình và quyết định đi tới hôn nhân. Chị S như người sắp chết đuối gặp được phao cứu sinh. Ba năm sau, chị bảo lãnh đứa con gái đầu qua Ðức. Công việc của chị là nhận dọn dẹp vệ sinh nhà cửa cho những người Việt bên này. Cứ mỗi giờ công được trả từ 10 euro đến 14 euro. Nhờ tận tụy và chu đáo, chị được người này, người kia giới thiệu nên “mối” dọn dẹp nhà cửa không thiếu. Thu nhập khá ổn.

Ðầu năm 2022, chị về quê thăm nhà một tháng. Bà con thân thuộc nhiều người đến chúc mừng chị Việt kiều Ðức. Rộn ràng, hoan hỉ đâu được ngày đầu, ngày thứ hai chẳng ai lui tới nữa. Chị nghe người ta to nhỏ nào là Việt kiều hà tiện, Việt kiều dỏm… Thì ra quà cáp chị biếu tặng họ quá hẻo. Mấy đứa cháu nhỏ thì vài hộp kẹo, vài cụ già ít hộp thuốc trị đau nhức xương khớp. Chị S quay lại Ðức và than với con gái là về Việt Nam không thấy vui, chán hết muốn về.

Người Việt đi chợ Việt

Anh K (60 tuổi), quê Thanh Hóa, qua Ðức buôn bán hoa đã 15 năm. Do cha già bị đột quỵ, nằm một chỗ đã gần 10 năm nên năm nào anh cũng sắp xếp về quê chăm cha già 1 tháng, không nề tốn kém. Mỗi lần về, anh đều mang quà tặng, từ trái cây, máy cạo râu đến hộp thuốc, chai rượu… Mấy lần anh nghe anh chị em ruột xì xầm rồi công khai cằn nhằn là Việt kiều… tính toán. Về trông cha có một tháng, còn 11 tháng ai trông? Anh K lặng thinh chịu đựng.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/18/2024)

Anh B (62 tuổi), ở quận Oder-Spree, bang Brandenburg, bạn thân của anh K. nói với tôi: “Hai năm rồi, ông K. không về nước nữa. Cha mất chắc là ông K chấp nhận mất anh em, họ hàng, mất gốc gác luôn! Ở nhà cứ tưởng Việt kiều là phải sang, giàu. Họ đâu có biết để có được đồng bạc tích cóp bên này, anh em bọn tôi phải làm việc căng thẳng như thế nào. Làm 14 đến 15 tiếng một ngày, suốt tháng này qua tháng nọ. Ðến nỗi đau cũng không dám đi khám bệnh”.

Chị H.T.Ph. (38 tuổi), quê ở Quảng Bình, sống ở Ðức gần 20 năm kể: “Một lần về quê, tiền mua quà từ 4 đến 5 ngàn euro cũng không đủ. Có người chê ỏng chê eo là tặng son, nước hoa, túi xách gì mà không phải thương hiệu Chanel. Cháu có điều kiện kinh tế mà chịu còn không nổi quà tặng thành thử nhác về quê luôn đó chú”. Thật quá ngỡ ngàng!

Nhiều người, sau một lần về thăm quê, không nhận được sự thông cảm, yêu thương lại gặp phải sự đòi hỏi của họ hàng, người thân thì đường về quê hương trở nên gập ghềnh, xa vời vợi…

Người lao động Việt dọn vệ sinh môi trường chợ Đồng Xuân

“Ngày về quê xa lắc lê thê…”

Chuyện của chị L (57 tuổi, quê Nghệ An), nhà ở Tân An, Long An có con gái đầu chừng được 9 tuổi thì vợ chồng chia tay. Chị tần tảo nuôi con ăn học. Con gái qua Ðức học điều dưỡng. Ba năm sau, cô lấy chồng. Chồng là người Việt, có quốc tịch Ðức. Chồng làm việc ở Frankfurt, vợ ở Berlin. Năm 2017, chị được vợ chồng con gái bảo lãnh sang chơi hai tháng. Ðúng dịp con gái sinh con đầu lòng. “Con so nhà mạ, con rạ nhà chồng”, nhà mạ ở Việt Nam chứ ở đâu bên Ðức? Nhưng tình thế này phải cố lên mà chăm sóc cháu ngoại còn đỏ hỏn. Hai tháng qua cái vèo. Ngày hết hạn visa không nhớ. “Thôi, mẹ ở lại đây rồi vợ chồng con tính”.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 28 tháng 3 năm 2024

Nghe cũng bùi tai. Chị L ở lại Ðức một hơi… 5 năm. Thương nhớ mẹ già ngoài tám mươi ở quê đau lên đau xuống mà chị L không có cách chi về thăm được. Ở suốt trong nhà, lâu lâu mới đội cái mũ sùm sụp, mang cái xách vải trên vai đi ra chợ.

Tàu điện M8 “Người bạn đồng hành” đến chợ Đồng Xuân với người lao động Việt

Giữa tháng 8/2022, trong chợ người Việt ở Berlin, tôi gặp một bạn trẻ, 26 tuổi, đẹp trai, cao to, quê ở Ðông Hà, Quảng Trị. Tôi gợi chuyện và được biết, anh bạn trẻ này từng đi làm thuê tại Hàn Quốc hai năm. Về nước, bạn bè rủ qua Ðức làm ăn, bèn tìm “đường dây” qua Nga trước. Từ đây đi xe lẫn đi bộ băng qua Slovakia rồi nhập lậu vào Ðức được một năm rồi. Tôi hỏi, không giấy tờ lỡ bị bắt trục xuất về nước thì sao? Anh bạn trẻ cười hì hì: “Cháu có công việc bốc vác hàng cho một công ty tại chợ. Nếu có cảnh sát kiểm tra thì công ty báo, mình trốn. Trốn không được thì bó tay thôi”.

Cũng một bạn nam khác, 29 tuổi, quê Quảng Ninh, ngồi chờ tàu điện. Tôi lân la làm quen và dọ hỏi. Thì ra, trước đây anh đi lao động sang Hung-ga-ri được gần 3 năm. Bà dì ruột bên Ðức hỏi có muốn qua Ðức làm ăn thì qua, có gì tính sau. Anh chàng đi tàu lửa gần mười tiếng đồng hồ từ Hung-ga-ri sang Ðức. Tất nhiên là không có giấy tờ hợp pháp tại Ðức. Công việc hiện nay của anh bạn trẻ ấy là phụ xe chở hàng.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Ngày về thăm quê nhà của hai anh bạn trẻ cũng như ngày trở lại quê của chị L, anh K, chị Ph hẳn là còn lâu vì giấy tờ lưu trú hợp pháp ở Ðức không biết bao giờ mới có.

Tôi chợt nhớ đến câu hát cũ: “Ngày về quê xa lắc lê thê, trót nghe theo lời…” (TDT-VTA) mà cảm thương những người Việt sống nơi xứ người mà hồn vẫn vấn vương quê nhà.

Trong một tiệm hớt tóc của người Việt

LKD