“Trời đã sinh ra em/ chỉ để dành cho anh/ Nhưng cả một đời em không hề biết thế/ Mặt trời nhỏ của anh/ đã rong chơi đến tận khi chiều xế/ Mới trở về/ lúc đó đã trăng lên”. Tác giả của bốn câu thơ đầy ngậm ngùi, hoài vọng này là nhà thơ Trần Lê Văn, một nạn nhân cộng sản trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Ông Trần Lê Văn tiếc nuối một chuyện tình buồn, hay ông muốn mượn lời thơ để bày tỏ sự hối hận vì đã “trót dại” đi tìm tự do dân chủ, tự do ngôn luận bằng cách gia nhập hàng ngũ Việt Minh, điều đó chỉ có ông mới trả lời được, nhưng bài thơ hàm ý tiếc nuối muộn màng rõ ràng là rất thật. Từ xưa, cổ nhân cũng đã từng bày tỏ niềm thống hận, tiếc nuối: “Nhất túc thất thành thiên cổ hận/ Tái hồi đầu thị bách niên thân” (Một bước sai chân ngàn thuở hận/ Quay đầu nhìn lại đã trăm năm.)

Trong cuộc sống, rất nhiều việc khi “trẻ người non dạ” ta từng coi thường, để khi đến tuổi qua bên kia sườn dốc cuộc đời mới cảm nhận được giá trị của những thứ mà ta đã từng xem nhẹ. Tỷ như lúc nhỏ, phần lớn con nít nông thôn suốt ngày chạy nhong nhong ngoài đồng. Mùa mưa hái rau đồng, bắt cua bắt ốc; mùa nắng đi cắt gốc rạ về cho người lớn ủ làm nấm rơm, coi bắt chuột đồng, coi đốt đồng lấy tro; Trung Thu cầm lồng đèn ông sao dán giấy kiếng xanh, đỏ có cắm đèn cầy ngọn lửa bập bùng đi chơi dưới ánh trăng sáng vằng vặc… là những chuyện đương nhiên từ năm này qua năm khác.

Cá nhân tôi cũng không ngoại lệ. Khi gia đình tôi nghèo, tôi trầm trồ thán phục khi thấy nhà hàng xóm có nồi cơm điện, nồi áp suất, bếp điện từ, cái lò nướng điện… nói chung là những tiện nghi sinh hoạt hiện đại mà coi thường cái bếp than củi, cái nồi kho cá bằng đất nung gốm đỏ. Bây giờ “phiêu bạt giang hồ” tóc đã phai màu tôi mới hiểu ra miếng thịt, con cá nướng bằng bếp than củi mới là ngon nhứt. Trong mùa Ðông lạnh giá, căn nhà được sưởi ấm bằng lò sưởi củi kiểu cổ làm cho không khí trong nhà thơm mùi nhựa gỗ mà không cần tốn tiền mua chai nước thơm, hũ gel. Kho thịt, cá, hầm, nấu cơm trong cái nồi gốm đỏ bao giờ món ăn cũng có mùi vị thơm ngon hơn nấu trong những cái nồi hiện đại.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Vậy là tôi cất công đi khắp các chợ ở Little Sài Gòn và vùng phụ cận để tìm mua cho được cái nồi gốm đỏ. Chợ Việt, chợ Ðại Hàn, chợ Mễ, chợ Mỹ, chợ nào tôi cũng vô lùng sục hết. Cuối cùng tôi nhận ra dù Hàn, Mỹ hay Mễ thì người ta cũng đều giữ gìn tập quán ăn uống cổ truyền của họ và nâng nó lên tầm nghệ thuật, gắn liền với cuộc sống của họ dù bên cạnh là công cụ hiện đại.

Với người Mỹ, đó là những cái chảo sắt, nồi sắt nặng trịch được sản xuất từ vùng băng tuyết Bắc Mỹ với biểu tượng con sói tru ra đời từ thế kỷ 19. Bây giờ họ bán sản phẩm Lodge ra toàn nước Mỹ và thế giới với giá bán không hề rẻ, dù nó rất là cổ lỗ sĩ.

Trong chợ Ðại Hàn, có thể dễ dàng tìm ra những cái nồi nhỏ được đẽo từ đá, nắp nồi cũng bằng đá. Có nhiều kích cỡ, từ chứa được khoảng hai chén cơm đến bốn chén cơm, tức là nồi nhỏ, nhưng giá bán thì không nhỏ, từ $40 – $80/cái. Vô restaurants Ðại Hàn, thực khách sẽ được phục vụ mỗi người một nồi cơm nóng nhỏ xíu nấu trong những chiếc nồi đá này. Nếu muốn thêm cơm thì khách phải kêu thêm, giống y như khi tới Huế ăn cơm hến vậy, khi tính tiền trước mặt thực khách là một chồng cao chừng mười cái tô đựng cơm.

Xem thêm:   Chuyến du lịch ngắn ngày trên xứ Phù Tang

Tôi vô chợ Mễ thấy có bán ca uống nước gốm đỏ tráng men, tô đựng thức ăn, hũ gốm mộc (không tráng men) để giữ chanh tươi lâu mà không cần phải cất chanh trong tủ lạnh. Bên cạnh đó là những nồi gốm đỏ nhìn rất thích, rất phù hợp cho một lần nấu bốn người ăn, nhưng với tôi thì cái nồi gốm Mễ đó quá lớn.

Trong chợ Việt Nam thấy toàn bán lủ khủ nồi gốm tráng men của Trung cộng. Duy nhứt có một kiểu nồi kho gốm trắng phủ men màu cánh gián trong lòng nồi, kiểu dáng thiệt tình không hợp ý tôi chút nào. Gốm trắng làm ra loại nồi này là loại đất sét thô có màu trắng ngà ngà được nung lên, chớ không phải là loại đất cao lanh (kaolin) để làm đồ sứ. Cái nồi đất gốm mộc (không tráng men) kho ra món ăn thơm ngon, nấu ra cơm ngon hơn nồi kim loại là cái nồi đất cũ, càng cũ thì ra món ăn càng ngon. Ðó là kinh nghiệm nấu ăn từ xưa các cụ truyền lại và cũng là kinh nghiệm ăn uống của chính tôi. Vì sao nồi gốm đỏ cũ nấu món ăn mùi vị ngon hơn thì không thể trong một vài câu ngắn gọn mà có thể giải thích được đầy đủ. Nhưng nếu nó không đúng thì tôi đã không cần phải cất công đi tìm cái nồi gốm đỏ.

Tôi ngạc nhiên khi thấy trong một chợ Việt xuất hiện khoảng chục cái lò đất nung gốm đỏ dùng nấu bằng củi, cái nào cái nấy to đùng và nặng chịch, nhưng được bán với giá rất rẻ là $18/cái lò bự và nặng nhứt. Trời, không lẽ người nhập khẩu lò không biết xứ Cali này củi mắc thấu trời xanh, lò tuy rẻ nhưng tiền để mua củi nấu phải là nhà giàu. Nếu so sánh độ nặng thì một cái lò củi đó nặng tương đương hai chục cái nồi đất, nhưng giá bán hai chục cái nồi đất cỡ trung có thể lên đến gần $300. Thiệt là hiểu không nổi luôn. Hỏi chị quản lý chợ sao không nhập nồi đất gốm đỏ Việt Nam, chị trả lời trước đây có nhập, nhưng khách không biết cách sử dụng làm bể hoài rồi cứ đem trả nên chợ không nhập nữa.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 2 năm 2024

Tôi lên trang Amazon, eBay thấy người Ấn Ðộ bán đồ dùng nhà bếp làm bằng gốm đỏ thật tinh xảo, giá bán ngang với giá nồi sắt Mỹ thương hiệu danh tiếng tôi đã kể ở trên. Ðồ gốm Trung cộng giá rẻ hơn, tất nhiên chất lượng gốm nung và màu sắc thì không thể so với hàng của Ấn được.

Năm ngoái, tôi có mua trên eBay một cái lò đốt nhang trầm gốm màu nâu, nhỏ bằng trái cam Việt Nam giá chưa đến $10, mà người bán ở Mỹ nên “free shipping.” Trong khi cũng cái lò gốm đỏ đốt nhang trầm nhỏ như vậy bằng gốm đỏ, gốm nâu, nếu ở Việt Nam mua 3 hộp nhang sẽ được chủ tiệm nhang “khuyến mãi” (tặng) cái lò đó, thì người Việt Nam đưa lên eBay bán giá $45/cái. Thiệt giá bán hết hồn luôn.

Sau khi tôi nhận cái lò đốt nhang đó, mở ra mới biết là đồ gốm mộc của Trung cộng. Tôi nghĩ người bán đã nhập số lượng ít nhứt cũng một container sản phẩm qua Mỹ rồi họ bán từ từ nên mới có giá rẻ và “free shipping”, còn người Việt làm ăn cò con, lại nhập hàng nặng nề mà khó tiêu thụ là cái lò gốm đỏ thì thiệt là uổng phí công nhập hàng, lại mai một tập quán ẩm thực đẹp trong lòng người Việt xa quê.

TPT

Hình minh họa: tạ phong tần / trẻ