Hà Nội giữa mùa nóng nực qua khung kính bức tường vàng và những cửa gỗ xanh thuộc địa. Sự ngăn nắp của hàng cửa sổ xanh tăm tắp được chen vào những mái lán lôm nhôm của người Việt ta. Những mái hiên quán lá vẫn còn hiện diện với sự ăn nên làm ra của những công ty “mái hiên di động”. Việc đầu tiên người Pháp làm khi quy hoạch lại khu phố cổ 36 phố phường là dẹp hết những mái hiên chái chìa tự phát này. Và mới chỉ vậy thôi mà phố xá đã khang trang khiến chính người Bắc kỳ không ngờ như lời của nhà báo Paul Bourde viết năm 1884.

bui-nang9

Giờ đây là một Hà Nội bị bê tông hóa thần tốc, cao ốc khuềnh khoàng xen giữa những dãy nhà xộc xệch, lộn xộn. Dân số phì đại quá tải, lối sống xáo trộn, pha tạp… Một hệ thống giao thông chắp vá, hạ tầng cơ sở lạc hậu đến thậm vô lý. Độ ồn của âm thanh là ngưỡng có thể gây điếc nếu nghe lâu dài!

Một “mẫu nhí” đang được make up để làm stylist thời trang cho một tiệm Vintage trang phục trẻ em. Khá nhiều các chiêu trò marketing chạy quảng cáo FB, Google Adword, Instagram hay những trang lá cải như Zing, Saostar, etc. Trẻ em là vốn đầu tư lớn nhất của gia đình trong văn hóa Á Đông nên thường thấy những hình ảnh này sẽ nhắm tới thế hệ những bà mẹ trẻ. Cũng dễ hiểu cái tâm lý của các bà mẹ trẻ chỉ muốn biến hóa bé yêu của mình trở thành những tiểu thơ vintage đúng chất!

bui-nang6

Sen Hồ Tây chưa rộ nhưng tôi chắc rằng chỉ một vài tuần nữa thôi, những trang báo ảnh lại tràn ngập trang tin về ao sen Hà thành. Lại những áo yếm, vai trần lả lơi bên Hồ Tây.  Không táo bạo cũng chẳng kín đáo nền nã. Các tín đồ “pê tê bốc” (FB) tung tẩy với cây gậy selfie dần trở nên lỗi mốt. Tay bạn “giai phố Cổ” cứ đến mùa sen là sống ảo toàn tập với hình sen búp, lá, hoa filter đầy mờ ảo ẩn dụ để “câu like”, thả thính mạng ảo.

bui-nang7

Cậu trai mặc áo chim cò vừa selfie xong với  cái lá sen. Ao sen Hồ Tây đã chớm rôm rả những pô ảnh đầy thần thái, đa dạng với sen. Sen, là chút gì đó còn sót lại của kinh đô xưa và cũng phải  chịu trận đám người tranh nhau bẻ lá ngắt hoa. Cảnh bẻ lá sen để chụp hình như chàng kia, không có ở Mỹ nơi mà ý thức lẫn luật lệ cùng song hành chặt chẽ.

bui-nang8

Du khách phương Tây chụp hình trong nhà tù Hỏa Lò được ví là Hanoi Hilton đối với các tù binh Mỹ trong chiến tranh. Đây là một gian phòng trưng bày các vật dụng của những tù nhân Mỹ, trong tủ kính là một bộ gồm dây đẩy dù, vòi hít khí, quần áo bay, áo gilet, giày, dù, mũ, áo mưa và áo phao được trang bị cho các phi công Mỹ nhảy dù khi máy bay bị bắn rơi. Pete Peterson, một cựu tù binh của Hanoi Hilton từng bị giam trong nhà tù này với tên Việt là “Song” về sau đã trở lại làm đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam sau khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ. Giờ đây, Hanoi Hilton vẫn là một địa điểm quen thuộc với khách du lịch, và với tôi đó là một thứ cảm xúc trộn lẫn thật kỳ quặc.

bui-nang5

Tác giả ở xà lim tử tù trong Hanoi Hilton. Trong xà lim tử tù có 6 buồng, mỗi buồng hai giường xi măng với cùm chân được khóa chốt. Vẫn cảm giác…rờn rợn với thứ ánh sáng nhờn nhạt trong một gian tù lạnh ngắt dù ngoài kia có nắng bao nhiêu. Bên ngoài 6 xà lim tử tù trưng bày máy chém lưu động được vận chuyển từ Pháp sang trước khi hoàn tất xây xong nhà tù năm 1896. Đất là của làng Phụ Khánh chuyên sản xuất ấm, siêu, lò bằng đất nung nên địa danh lấy từ làng này mà gọi là Hỏa Lò. Giờ Hỏa Lò đã bị đập bỏ gần hết để xây khách sạn, chỉ chừa lại vài gian để làm bảo tàng. Không nhiều khách Việt ghé nơi này do phần lớn người Việt đã gánh đủ vết thương quá khứ, nhưng với khách Tây phương thì đây là một điểm không thể bỏ qua khi đến Hà Nội.

bui-nang4

Vẫn là cậu bán đồ ở chợ phiên đồ cổ ở Hoàng Hoa Thám. Chình ình cái biển hiệu “Lọ mọ – Độc – Dị – Lạ – Hiếm”  Cái dị và chút trần, bán hàng khá thoải mái và không nói thách nhiều. Dù rằng đồ hàng của anh thì tây ta lai tạp. Nằm trong nhóm những người thành lập cái chốn tụ họp này, sau hai năm đầu chỉ lác đác khách giờ đây khi xã hội có chút thảnh thơi, những đồ vật hằn sâu thời quá khứ như quạt tai voi, đồng hồ cũ hay thậm chí cả những tập sách tuyên truyền thời bao cấp lại thành thú sưu tập vintage. Cái thú sưu tập thời kỳ bế quan tỏa cảng lan sang cả giới expat, như một tay CEO hãng tài chính Dragon Capital Dominic Scriven cũng là tay sưu tập “tranh cổ động” có hạng ở Việt Nam.

bui-nang3

Rối bóng của người Indonesia trong bảo tàng dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội. Chẳng cần phải nhấc chân lên Tây Bắc, Tây Nguyên bảo tàng như chốn “tham quan ảo – virtual travel” các dân tộc thiểu số. Ngoài những kiến trúc của những người dân tộc sinh sống trong nước Việt Nam, có riêng một khu bảo tàng 3 tầng trưng bày những hiện vật của những nền văn minh Đông Nam Á và trên thế giới. Phần lớn, những hiện vật này được tặng từ các quốc gia láng giềng, hay cả những mạnh thường quân hào phóng từ xứ Na Uy hay Phần Lan cũng giúp tiền để xây những ngôi nhà của người Mông, người Hà Nhì.

Cô bé trong hình, có lẽ là hình ảnh hiếm hoi của giới trẻ Việt đi “tham quan” Bảo tàng viện.

bui-nang2

Những hoạt động ngoại khóa ở Bảo tàng viện của trẻ em. Đi “tham quan” nhà rông của người Ê đê, nhà đất của người Hà Nhì, nhà sàn của người Mường… Với trẻ em mà cha mẹ là công nhân các khu công nghiệp thì vẫn sẽ được dồn vào các nhà trẻ tư nhân, đa số con cái của nhân viên văn phòng thì mắt vẫn sẽ dúi vào màn hình điện tử.

bui-nang1

Văn miếu nơi thờ Chu Văn An và Khổng Khâu. Là một đất nước trọng Nho học với văn hóa khoa bảng càng lúc càng đậm nét. Vào mùa thi cử, có hàng đoàn người tới đây thắp nhang cầu khấn để được đỗ đạt. Không hiếm khi nơi tôn nghiêm này cũng biến thành một “sân vận động” của giới sinh viên chụp hình Kỷ Yếu tốt nghiệp.

Mùa hè, mùa của những vạt bụi xà bần, bụi đường, bụi người… Nắng Hà Nội thì khó mà chợt mát dù là nàng mặc áo trắng trinh nguyên hay áo lụa mỏng te gì chăng nữa!

bui-nang