Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển thông báo: Ngày 8 Tháng Mười Năm 2019, các nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz được trao tặng Giải Nobel Vật Lý Năm 2019, nhờ công trình nghiên cứu của họ về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái Đất trong vũ trụ.

Nhà khoa học James Peebles là người Mỹ gốc Canada được trao tặng một nửa giá trị giải thưởng, vì “những khám phá mang tính lý thuyết về vũ trụ học vật lý.”

Ông đã dành nhiều năm nghiên cứu về vũ trụ “nơi có hàng tỷ thiên hà và cụm thiên hà. Lý thuyết của ông, được phát triển qua hai thập niên, là nền tảng cho nhận thức hiện đại của con người về lịch sử vũ trụ, từ vụ nổ Big Bang cho đến ngày nay.

Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật Lý Năm 2019. Ảnh: pbs.org

Từ những lý thuyết và sự tính toán, nhà khoa học  James Peebles giải mã những dấu vết còn sót lại từ thuở hồng hoang của vũ trụ. Ông nhận thấy nhân loại mới chỉ biết 5% vũ trụ dưới dạng ngôi sao, hành tinh và con người; còn lại 95% bao gồm năng lượng tối và vật thể tối theo cách gọi của các nhà vật lý. Năng lượng tối là động lực thúc đẩy sự khai phóng của vũ trụ, trong khi vật chất tối vô hình và lơ lửng chung quanh các thiên hà, chỉ có thể nhận biết qua sức hút trọng lực.

Xem thêm:   Luật và Lệ

Trong khi đó, hai nhà khoa học Michel Mayor và Didier Queloz chung chia nửa giải thưởng còn lại, vì họ “khám phá một hành tinh ở ngoài Thái Dương Hệ, hành tinh này có quỹ đạo quay chung quanh một ngôi sao cùng loại với Mặt Trời, được đặt tên là 51 Pegasi.” Họ công bố khám phá đầu tiên về một hành tinh ở bên ngoài Thái Dương Hệ từ năm 1995.

Ông Michel Mayor, sinh năm 1942 tại Lausanne, Thụy Sĩ, là giáo sư tại Đại Học Geneva.

Ông Didier Queloz sinh năm 1966, là giáo sư tại Đại Học Geneva và Đại Học Cambridge, Anh Quốc.

Giáo Sư Martin Rees thuộc Đại học Cambridge và Astronomer Royal nhận xét: “Nghiên cứu về các ngoại hành tinh có lẽ là lãnh vực thiên văn sôi động nhất. Giờ đây mọi người đều biết, hầu hết các ngôi sao đều quay chung quanh các hành tinh; có thể có một tỷ hành tinh trong thiên hà, giống như Trái Đất.”

Kể từ khám phá của hai nhà khoa học Michel Mayor và Didier Queloz, hơn 4.000 ngoại hành tinh được tìm thấy trong Dải Ngân hà; rất nhiều ngoại hành tinh này không giống như thế giới hiện tại. Thật vậy, hành tinh đầu tiên 51 Pegasi b mà họ tìm thấy, quay chung quanh một Mặt Trời cách đó 50 năm ánh sáng, khiến bề mặt của hành tinh này nóng lên tới hơn 1.000 độ C.

Những nghiên cứu liên tục của các nhà khoa học để tìm ra các ngoại hành tinh, cuối cùng cũng có thể giúp nhân loại trả lời vấn nạn của muôn đời, dó là liệu có một đời sống khác nào đó ở ngoài hành tinh Trái Đất hay không.

Xem thêm:   Không lời

Trong cuộc họp báo tại Luân Đôn, nhà khoa học Didier Queloz nói rằng: Trọng tâm nghiên cứu hiện nay đã chuyển từ việc tìm kiếm thêm các hành tinh, sang việc tìm hiểu về bầu khí quyển, thành phần hóa học và sự hình thành của chúng.

Khi được hỏi liệu ông có tin rằng có “người ngoài hành tinh” hiện hữu hay không, nhà khoa học Didier Queloz trả lời: “Tôi không tin rằng chúng ta chỉ là những vật thể sống duy nhất trong vũ trụ. Hóa học tạo thành sự sống ở khắp mọi nơi, vì vậy tôi thật sự tin rằng phải có sự sống ở những nơi khác.

Theo Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển, khám phá của ba nhà khoa học nói trên, đã thay đổi ý tưởng của thế giới về vũ trụ.