Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền cho đến nay là gần hai năm, có thể nói dường như không lúc nào không có những bản tin giật gân có liên quan đến cá nhân Donald Trump – nếu không là chuyện đời tư của Tổng thống thì cũng là những chuyện xào xáo nội bộ bên trong Toà Bạch Ốc.

tu-chinh-an

Ðặc biệt là trong Tháng 9 này với liên tiếp nhiều chuyện giật gân liên quan đến nội các của Tổng thống Donald Trump đưa tới những cuộc bàn cãi không dứt trên nhiều diễn đàn thời sự nước Mỹ. Khởi đầu với việc phát hành cuốn sách có tựa đề “Fear” của nhà báo Bob Woodward kể lại những chuyện thâm cung bí sử, nhắc đến những lời nhận xét về cá nhân tổng thống, từ Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho rằng “sự hiểu biết của tổng thống chỉ bằng một em học sinh lớp năm hay lớp sáu” cho đến Chánh văn phòng John Kelley đã gọi đích danh tổng thống là “thằng đần” (idiot). Ðộ xác thực của những câu chuyện kể trên khó có ai kiểm chứng được nhưng chắc chắn sẽ được nhiều người tìm đọc, nhất là những ai đã sẵn không ưa ông Donald Trump.

Kế đến là một bài quan điểm được đăng trên tờ New York Times của một giới chức cao cấp trong nội các Donald Trump được giấu tên cho biết hiện có một nhóm nổi loạn bên trong nội bộ Toà Bạch Ốc đang âm thầm chống lại tổng thống và tìm cách ngăn cản một số chính sách của ông. Ðương nhiên bài quan điểm này cũng được nhiều người bênh kẻ chống. Nhưng tựu trung thì ý kiến của nhiều người cho rằng tờ New York Times không nên đăng bài viết này vì cho đây là hành động ném đá giấu tay, không phải của một kẻ trượng phu. Nếu là người bất đồng quan điểm với tổng thống thì cứ hiên ngang từ chức rồi sau đó viết bài đăng báo phản bác lại những chính sách đó, thay vì tự nguyện làm một kẻ nội thù rồi tìm cách “đâm sau lưng chiến sĩ”.

Và gần đây nhất, hôm Thứ Sáu 21/9 vừa qua, cũng tờ New York Times đã đăng một bài phóng sự điều tra, cũng dựa trên một số nguồn tin được giấu tên và căn cứ trên những ghi chép (memos) được lưu giữ trong hồ sơ của Cơ quan Ðiều tra Liên bang (FBI) do ông Andrew McCabe, cựu Phó giám đốc FBI đã bị sa thải hồi cuối Tháng Giêng, ghi lại một số cuộc họp giữa những giới chức FBI và Bộ Tư pháp cùng với ông Rod Rosenstein, hiện là Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Những cuộc họp trên diễn ra sau khi ông James Comey, cựu Giám đốc FBI, bị sa thải vào Tháng 5, 2017 và trong khi Tổng thống Trump đang phỏng vấn để tìm một nhân vật khác thay thế.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Trong một số cuộc họp, ông Rosenstein đã đưa ý kiến và gợi ý với những giới chức nào được tổng thống mời phỏng vấn nên bí mật mang theo máy thu âm ghi lại buổi nói chuyện để sau này có thể dùng làm bằng chứng tìm cách truất phế tổng thống dựa trên Tu chính án 25.

tu-chinh-an2

Rod Rosenstein và bài phóng sự trên New York Times – nguồn WordPress.com

Ý đồ truất phế tổng thống là một hành động nghiêm trọng, có thể sánh tương đương với một cuộc đảo chính. Thế nên bài phóng sự trên của tờ New York Times được xem như một trái bom nổ lớn và sẽ là đề tài cho thiên hạ bàn cãi trong những ngày sắp tới. Tuy nhiên, có người đã nêu nghi vấn cho rằng nếu là một sự việc hết sức nghiêm trọng thì tại sao câu chuyện lại ngưng ở đó và không thấy ông Rosenstein tiếp tục tiến xa hơn nữa để thực hiện ý đồ của ông. Hơn nữa, đây có thể là chiếc bẫy được giăng ra để nếu bất cẩn, Tổng thống Trump có thể mắc vào nếu ông cho sa thải Rod Rosenstein – người đang trực tiếp trông coi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về việc Nga tìm cách gây ảnh hưởng trong những cuộc bầu cử ở Mỹ cũng như tìm hiểu xem có bất cứ giới chức nào trong uỷ ban tranh cử của Tổng thống Trump thông đồng với Nga hay không – và làm cho việc điều tra thêm rắc rối, gây bất lợi chính trị cho tổng thống và đảng Cộng hoà trong khi cuộc bầu cử giữa kỳ sắp sửa diễn ra vào Tháng 11 tới.

Một điểm quan trọng trong bài phóng sự có nhắc đến Tu chính án 25. Vậy Tu chính án 25 là gì?

Sau vụ ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy năm 1963 đã xảy ra một vài hiểu lầm về việc chọn một phó tổng thống thay thế sau khi ông Lyndon B. Johnson được đưa lên làm tổng thống. Quốc hội liên bang chính thức đưa ra đề nghị về Tu chính án 25 vào mùa hè năm 1965, và tu chính án được ghi vào Hiến pháp Hoa Kỳ Tháng 2 năm 1967 sau khi có 38 tiểu bang ký phê chuẩn.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Vậy, mục đích chính của Tu chính án 25 là để làm sáng tỏ các thứ bậc trong việc kế thừa chức vụ tổng thống.

Ðiều 1 của tu chính án giải thích việc gì sẽ xảy ra nếu tổng thống qua đời đột ngột, từ chức hay bị truất phế thì phó tổng thống lập tức trở thành tổng thống.

Ðiều 2 ghi rõ hơn việc khi “chiếc ghế phó tổng thống bị bỏ trống,” thì vị tổng thống kế nhiệm sẽ đề cử người thay thế, và nhân vật này chính thức nhậm chức sau khi được đa số thành viên của lưỡng viện quốc hội xác nhận.

Ðiều 3 cho phép tổng thống tạm thời giao trọng trách tổng thống cho phó tổng thống để tạm thời điều hành đất nước cho tới khi tổng thống thông báo với các lãnh đạo quốc hội là ông/bà có đủ khả năng để sẵn sàng tiếp tục nhiệm vụ của một tổng thống.

Ðiều 4 đưa ra một tiến trình gồm nhiều bước để phó tổng thống và đa số các giới chức trong nội các tuyên bố rằng tổng thống đương nhiệm “không đủ khả năng để thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ của chức vụ tổng thống.” Chung cuộc của tiến trình này đòi hỏi hai phần ba số phiếu bầu của cả hai viện quốc hội trước khi chính thức buộc vị tổng thống đó phải rời khỏi chức vụ.

tu-chinh-an1

Ông Gerald Ford tuyên thệ nhậm chức Tổng thống sau khi Nixon từ chức – nguồn Thư viện Gerald Ford

Giả dụ như Tu chính án 25 được đem ra thực hành ngay vào lúc này thì việc đầu tiên là Phó tổng thống Mike Pence và đa số nội các phải gửi bản tuyên cáo lên lãnh tụ thượng viện (hiện thời là Thượng nghị sĩ Orrin G. Hatch của Utah) và chủ tịch quốc hội (hiện thời là Dân biểu Paul D. Ryan của Wisconsin) rằng ông Trump “không đủ khả năng để thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của chức vụ tổng thống.” Việc này ngay lập tức sẽ truất phế ông Trump khỏi chiếc ghế tổng thống và đưa ông Pence lên làm tổng thống lâm thời.

Tuy nhiên, Tu chính án 25 cũng cho phép ông Trump ngay sau đó gửi một bản tuyên cáo của chính ông lên ông Hatch và ông Ryan nói rằng trên thực tế ông vẫn có đủ khả năng để thực hiện công việc. Ðiều này cho phép ông Trump được tiếp tục ở lại làm tổng thống trừ phi ông Pence và nội các trong bốn ngày sau đó phải gửi tới lãnh đạo quốc hội một bản tuyên cáo khác nhắc lại những điều mà họ quan ngại. Ông Pence sẽ một lần nữa được trao chức vụ tổng thống lâm thời.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Bản tuyên cáo sẽ đòi hỏi quốc hội phải nhóm họp trong vòng 48 tiếng sau đó và bỏ phiếu trong vòng 21 ngày. Nếu hai phần ba thành viên của cả thượng và hạ viện đồng ý rằng ông Trump không đủ khả năng để tiếp tục làm tổng thống, ông sẽ bị truất phế khỏi chức vụ vĩnh viễn, và ông Pence sẽ trở thành tổng thống. Nếu như không hội đủ số phiếu ở quốc hội, ông Trump sẽ tiếp tục ở lại làm tổng thống.

Kể từ khi được đưa vào hiến pháp năm 1967, ba điều đầu tiên của Tu chính án 25 đã được sử dụng nhiều lần.

Ðiều 1 và 2 được sử dụng năm 1974 sau khi Richard Nixon từ chức tổng thống và đưa ông phó Gerald Ford lên thay thế. Ngay sau đó ông Ford đã đề cử ông Nelson Rockefeller lên làm phó tổng thống.

Ðiều 3, cho phép tổng thống tạm thời chuyển quyền cho ông phó, đã từng được ông Ronald Reagan sử dụng năm 1985 khi ông phải trải qua một cuộc giải phẫu ung thư. Tổng thống George W. Bush cũng đã sử dụng điều 3 của Tu chính án 25 vào năm 2002 và 2007, và tạm thời chuyển quyền cho ông phó Dick Cheney trong vài tiếng để trải qua một số thủ tục y khoa khám sức khoẻ.

Tuy nhiên, điều 4 của tu chính án thì chưa từng được sử dụng vì chính các tác giả của tu chính án này đã cố tình tạo ra một tiến trình truất phế tổng thống rất phức tạp và nhiêu khê.

Hay nói rõ hơn, tiến trình truất phế tổng thống dựa trên Tu chính án 25 còn khó hơn nhiều so với tiến trình luận tội tổng thống từ bên phía quốc hội. Là vì một tổng thống có thể bị đưa ra luận tội bởi chỉ cần đa số phiếu đơn giản ở hạ viện và sẽ bị truất phế bởi hai phần ba phiếu ở thượng viện. Trong khi để truất phế tổng thống dựa trên Tu chính án 25 đòi hỏi hai phần ba số phiếu ở cả hai viện là điều gần như bất khả.

Thế nên, cho dù ý đồ của ông Rod Rosenstein có đúng như bài phóng sự tường thuật thì cũng khó lòng truất phế được Tổng thống Donald Trump, và bài phóng sự của tờ New York Times có lẽ cũng chỉ làm cho ông Trump trút nỗi tức giận lên trên Twitter trong ít ngày rồi sau đó chuyện đâu cũng lại hoàn đó.

VH