Mỗi năm, ngoài Tết Nguyên Đán, cứ đến dịp lễ Quốc khánh 2 Tháng 10 thì người dân Trung Quốc lại được nghỉ lễ đúng một tuần. Người ta gọi dịp nghỉ lễ này là “tuần lễ vàng” (hoàng kim chu).

Bế tắc tại Trung Quốc – nguồn Axios.com  

Bình thường, vào dịp lễ như trên, khu vực Bắc Kinh khá yên lặng. Nhưng năm nay mọi sinh hoạt tỏ ra rất khác. Nhiều ngày trước lễ quốc khánh, nhiều con đường huyết mạch của thành phố đã bị đóng cửa trong nhiều giờ mỗi ngày, đặc biệt là vào ban đêm, khiến cho nhiều khách hàng tại các tiệm ăn và quán bar không may bị kẹt và phải ngủ lại trong quán qua đêm. Những chú quân khuyển được cho đứng túc trực canh giữ an ninh tại nhiều góc phố có đông người qua lại. Nhiều nhóm dân phòng tình nguyện có đeo băng đỏ đi tuần tra trong các khu xóm, sẵn sàng thông báo cho giới chức an ninh khi có bất kỳ dấu hiệu nào, cho dù nhỏ đến đâu, nhưng nếu bị tình nghi là có nguy cơ cho an ninh công cộng.

Theo giới quan sát quốc tế, những hoạt động bất thường này ở khu vực Bắc Kinh trong dịp quốc khánh năm nay cho thấy không chỉ vì chính quyền Trung Quốc cho tổ chức mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa dưới quyền cai trị của đảng cộng sản – một cột mốc đầy ý nghĩa – mà còn vì dịp lễ quan trọng này diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm khi mà nền kinh tế trong nước đang gặp khó khăn trong khi đảng cộng sản Trung Quốc cũng đang phải đối phó với nhiều thử thách đến từ bên trong lẫn bên ngoài.

Với lễ quốc khánh năm nay, Trung Quốc đã chính thức vượt qua được tuổi thọ của một cường quốc cộng sản khác là Liên Sô đã bị sụp đổ năm 1991 (kéo dài 69 năm) khi mà làn sóng kêu đòi tự do và dân chủ của người dân bùng phát mạnh mẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền trung ương Moscow.

Một điều hiển nhiên là nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa không muốn có chung số phận với Liên Sô, nhưng đúng vào dịp quốc khánh 70 năm, chính quyền trung ương Bắc Kinh đang gặp phải rất nhiều khó khăn cần phải giải quyết.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Lễ quốc khánh năm nay – bao gồm một cuộc duyệt binh quy tụ 15,000 quân nhân và đồng thời cho triển lãm 160 chiến đấu cơ, 580 xe tăng đủ loại và nhiều vũ khí hiện đại khác – đã được các cơ quan truyền thông nhà nước rêu rao trong nhiều ngày qua, coi đó như là thời điểm quan trọng trong lịch sử Trung Quốc trong cuộc chiến thắng các âm mưu xâm lược của ngoại bang và chủ nghĩa đế quốc. Chính quyền Trung Quốc cũng lợi dụng cuộc duyệt binh như một cơ hội để thể hiện sức mạnh của chính quyền trung ương và đảng cộng sản trong lúc những tiếng nói bất đồng và sự chống đối chính quyền ngày càng gia tăng để phản đối lại chính sách cai trị ngày càng tập trung quyền lực và siết chặt kiểm soát dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Một quang cảnh trong ngày lễ quốc khánh Trung Quốc 2019 tại Bắc Kinh – nguồn Reuters

Ở trong nước, những khó khăn thử thách về cơ cấu kinh tế ngày càng chồng chất. Hiện kinh tế Trung Quốc đang phát triển ở mức độ thấp nhất trong gần 30 năm qua – và càng trầm trọng hơn trong khi đang phải đối đầu với một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ chưa biết đến bao giờ kết thúc và bên cạnh đó là nạn dịch cúm heo hoành hành trong nhiều tháng qua làm cho giá thịt heo tăng mạnh. (Dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng một nửa số lượng thịt heo trên thế giới, và trong thời gian qua họ đã phải cho nhập cảng thịt heo từ khắp nơi, kể cả từ Hoa Kỳ, làm cho giá thịt heo trên thế giới cũng vì thế tăng theo).

Nguồn tài chánh trong nước thì ngày càng bị rút ruột – người ta ước tính trong một thập niên qua có khoảng $1.2 ngàn tỷ đã chuồn khỏi Trung Quốc – trong khi giới đầu tư ngoại quốc bắt đầu lạnh nhạt với thị trường nội địa Trung Quốc. Ðề án “Một vành đai, Một con đường” được Bắc Kinh quảng bá rầm rộ thì nay ngày càng có nhiều triệu chứng cho thấy đang trở thành cơ hội cho tham nhũng, đầu tư kém và nợ xấu.

Lúc Tập Cận Bình mới lên cầm quyền đã đưa ra viễn ảnh “giấc mơ Trung Quốc” như là một quốc gia hiện đại và cường thịnh. Nhưng nay nếu không khéo léo thì giấc mơ đó có thể trở thành cơn ác mộng và giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng lèo lái đất nước để tránh rơi vào một cuộc sụp đổ toàn diện, hậu quả từ sự cô lập của quốc tế, tình trạng kinh tế suy giảm và những cuộc chống đối ngấm ngầm có tiềm năng đưa tới nổi loạn trong nước.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Trong khi đó, các cuộc biểu tình tại Hồng Kông – đã kéo dài tới tháng thứ tư và chắc là còn kéo dài lâu nữa, với các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ngày càng bạo động hơn, đặc biệt gia tăng mạnh sau khi bà trưởng quan Carrie Lam mới đây đã cho áp dụng luật khẩn cấp và cấm người biểu tình mang mặt nạ – đòi hỏi chính quyền Bắc Kinh bớt can thiệp vào nội tình của Hồng Kông. Phong trào biểu tình tại Hồng Kông được xem như một thách thức trực tiếp đối với thẩm quyền của chính phủ trung ương lên khu vực này và có tiềm năng có thể gây bối rối cho giới lãnh đạo Trung Quốc trong khi họ hy vọng là có thể áp dụng chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn lên trên phần lãnh thổ Hồng Kông như họ đang cho áp dụng trong lục địa.

Người biểu tình Hồng Kông đốt cờ đảng trong ngày lễ quốc khánh Trung Quốc 2019 – nguồn ft.com

Gần đó, Hoa Kỳ đã và đang gia tăng hỗ trợ quân sự cho Ðài Loan, là đảo quốc mà chính quyền Trung Quốc vẫn hay doạ nạt là sẽ cho sáp nhập trở lại trong tương lai – và nếu cần, có thể bằng giải pháp quân sự. Trung Quốc cũng đang gặp phải nhiều sự chỉ trích từ quốc tế về chính sách kiểm soát, đàn áp và giam cầm hàng loạt những nhóm người thiểu số Hồi giáo, đặc biệt là dân tộc Hồi Hột (Uighurs) ở khu vực Tân Cương (Xinjiang). Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phỏng đoán có khoảng từ 2 đến 3 triệu người Hồi Hột đang bị giam cầm tại các trại tập trung mà chính quyền Trung Quốc đã cho xây dựng trong mấy năm qua.

Theo nhận định của một vài giới quan sát quốc tế, rất có thể Tập Cận Bình đang phải đối phó với nguy cơ có thể mất chức chủ tịch. Hiện ông vẫn còn bốn năm trong nhiệm kỳ hai và hiến pháp Trung Quốc vào năm ngoái đã được tu chỉnh và thông qua cho phép Tập được giữ chức chủ tịch vĩnh viễn. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều dấu hiệu bất mãn trong giới chức lãnh đạo cao cấp của đảng có thể làm cản trở kế hoạch ban hành chính sách mới.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Ðể giúp làm vững thêm lập luận trên, giới quan sát nhận xét là trong bài diễn văn đọc trước đoàn duyệt binh trong ngày quốc khánh, Tập đã nhiều lần kêu gọi sự đoàn kết trong đảng và nhấn mạnh rằng chỉ có đảng cộng sản mới có đủ khả năng để đoàn kết đất nước và đưa Trung Quốc tiến tới thời kỳ vinh quang vĩ đại hơn.

Chưa hết, vào đầu Tháng 9, trong một lần ghé thăm một trường đảng đào tạo các cán bộ cao cấp của Ban chấp hành Trung ương Ðảng, Tập Cận Bình đọc một bài diễn văn khai mạc và đã nhiều lần nhắc nhở học viên là phải “giữ vững tinh thần tranh đấu”. Ðây là một cụm từ vẫn hay được sử dụng trong thời đại Mao Trạch Ðông cai trị Trung Quốc và thường được viện dẫn mỗi khi cần dạy dỗ đảng viên về tính thuần khiết của ý thức hệ cộng sản hay chuẩn bị sách động một kế hoạch nào đó. Thời đó cách đây đã hơn 40 năm.

Vậy tại sao Tập Cận Bình gần đây lại đem ra sử dụng lại? Phải chăng một cuộc thanh trừng hay “làm sạch” đảng đang sắp sửa xảy ra?

Trong một bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí Foreign Affairs mới đây, giáo sư Từ Chí Vĩ (Jiwei Ci), giảng dạy môn triết học tại Ðại học Hồng Kông, đưa ra nhận định rằng nếu Trung Quốc còn muốn tiếp tục phát triển và duy trì ổn định thì bắt buộc phải chấp nhận dân chủ hoá đất nước. Ông suy đoán giới lãnh đạo hiện nay có lẽ là thế hệ lãnh đạo cuối cùng còn dựa vào tính chính đáng của di sản cách mạng cộng sản để tiếp tục duy trì chính sách cai trị độc đảng. Thế hệ lãnh đạo sau đó sẽ khó lòng giải thích về tính cách chính đáng ấy để có thể duy trì được sự thống nhất trong đảng, sự ổn định đất nước, và giữ cho các nhóm người có tư tưởng dân chủ hoá chịu ngồi yên.

VH

Arlington, TX