Hồi năm ngoái, hơn hai chục cảnh sát từ quần đảo Solomon đã có một chuyến công du tới Trung Quốc, tại đây họ đi thăm viếng các đồn cảnh sát địa phương và được huấn luyện về kỹ thuật đấu tay đôi, cách thức bảo vệ các nhân vật quan trọng và tổ chức phòng vệ an ninh tại các sự kiện lớn.

Mẫu hạm Ronald Reagan hoạt động trong khu vực Nam Thái Bình Dương- c7f.navy.mil   

Trong khi các cảnh sát này còn đang ở nước ngoài, thì Úc – một đồng minh của Hoa Kỳ nắm giữ vai trò chính trong chiến lược của Washington nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương – đã đem tặng 13 chiếc xe và 60 khẩu súng trường cho cảnh sát của quần đảo Solomon và cho biết họ sẽ cung cấp khóa đào tạo để giúp các cảnh sát của Solomon có khả năng bảo vệ các nhà ngoại giao, chính trị gia và các chức sắc ngoại quốc đến thăm đảo.

Quần đảo Solomon là nơi từng diễn ra trận chiến ác liệt Guadalcanal giữa quân đội Hoa Kỳ và Nhật Bản trong Thế chiến II.

Tranh giành ảnh hưởng

Các đảo quốc nhỏ nằm trong khu vực Nam Thái Bình Dương, ngoại trừ Fiji, không có quân đội. Do đó, cảnh sát đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh quan trọng trong khi Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương, nơi có các tuyến đường vận chuyển và căn cứ quân sự có thể đóng vai trò then chốt trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai đối với Ðài Loan.

Vào tháng 1, thủ tướng mới của Fiji nói với truyền thông địa phương rằng ông sẽ hủy bỏ thỏa thuận hợp tác cảnh sát với Bắc Kinh, đưa ra lời giải thích rằng Fiji và Trung Quốc có những giá trị khác nhau. Trong khi đó, chính phủ Úc gần đây đã ký các thỏa thuận với Samoa và Vanuatu nhằm tăng cường quan hệ với các cơ quan an ninh của các đảo quốc này.

Hoa Kỳ mở lại toà đại sứ trên quần đảo Solomon tháng 2 năm 2023 – AFP

Lo ngại Trung Quốc

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Một số nhà lãnh đạo trong khu vực Nam Thái Bình Dương gần đây đã trở nên cảnh giác hơn với các chương trình đào tạo cảnh sát của Trung Quốc. Surangel Whipps Jr., tổng thống của Palau, quốc gia có bang giao gần gũi với Hoa Kỳ và không có ngoại giao với Bắc Kinh, cho biết ông lo lắng rằng các chương trình huấn luyện như vậy có thể nằm trong chiến lược gây ảnh hưởng và quảng cáo cho các giá trị độc tài của Trung Quốc.

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại nói rằng các mối bang giao và hợp tác liên quan đến cảnh sát nói trên có thể giúp Trung Quốc thu thập tin tức tình báo và dẫn đến mối bang giao an ninh chặt chẽ hơn với các đảo quốc, thậm chí tiếp sau đó có thể là sự hiện diện quân sự lâu dài của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ lời nhận định trên và nói rằng họ không có ý định tìm kiếm một căn cứ ở quần đảo Solomon, quốc gia mà họ đã ký một số thỏa thuận về hợp tác an ninh và cảnh sát vào năm 2022. Nhìn về bài học ở khu vực Biển Ðông với các đảo nhân tạo thì dù một người ngây thơ nhất cũng không thể tin lời tuyên bố này.

Các đồng minh của Hoa Kỳ bao gồm Úc và Tân Tây Lan từ lâu đã cung cấp hỗ trợ cảnh sát cho các đảo quốc Thái Bình Dương để nhằm tăng cường an ninh khu vực và chống buôn bán ma túy toàn cầu. Tuy nhiên, theo một giới chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ, Washington lo ngại rằng các thiết bị kỹ thuật do Bắc Kinh tài trợ, dưới chiêu bài là để hỗ trợ cho các cơ quan thực thi pháp luật, có thể tăng cường mạng lưới giám sát của Trung Quốc, và việc trợ giúp cho cảnh sát Salomon chỉ nhắm mục đích tập trung vào việc răn đe các công dân phải tuân theo pháp luật chứ không nhằm cải thiện tổng thể hệ thống tư pháp hình sự trên quần đảo này.

Tổng thống Surangel Whipps Jr. của Palau lo ngại ảnh hưởng Trung Quốc -Getty Images

Chiến lược của Hoa Kỳ

Xem thêm:   Chó...

Kể từ khi Trung Quốc đạt được thỏa thuận về an ninh với quần đảo Solomon vào năm ngoái, Hoa Kỳ đã đẩy mạnh các cam kết về ngoại giao và chiến lược cho khu vực. Nỗ lực này đã mang lại kết quả. Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho biết vào hôm thứ Năm 18 tháng 5 rằng quốc gia của ông sẽ ký hai thỏa thuận với Hoa Kỳ về hợp tác quốc phòng cũng như giám sát hàng hải đối với các hoạt động bất hợp pháp trên biển. Ông Marape nói trong một cuộc họp báo rằng “chúng tôi ký kết với quân đội hùng mạnh nhất trên hành tinh này.”

Ðó là một bước tiến quan trọng đối với Hoa Kỳ và trong tương lai sẽ được tiếp cận nhiều hơn với các cơ sở ở Thái Bình Dương. Các thỏa thuận dự kiến sẽ cho phép quân đội Mỹ được đi vào các cảng của hòn đảo cũng như bãi đáp tiềm năng để tiếp tế nhiên liệu tại sân bay có sẵn. Thỏa thuận này sẽ là lần đầu tiên trong những năm gần đây để Hoa Kỳ có quyền tiếp cận với các cơ sở mới ở Thái Bình Dương mà không trực thuộc các đồng minh truyền thống như Úc và Phi Luật Tân.

Ðầu tuần qua, chính phủ Biden cũng đã tuyên bố sẽ gia hạn Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA) với hai đảo quốc bé xíu là Micronesia và Palau. Hoa Kỳ hiện đang có thỏa thuận COFA với hai đảo quốc này cũng như với quần đảo Marshall, nơi mà tiến trình gia hạn vẫn còn đang được thảo luận. Hoa Kỳ mới đây đã gửi một phái đoàn đến tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều hơn các chương trình hợp tác trong tương lai với nhóm các đảo quốc trong khu vực.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Tất cả những diễn biến và thành quả nói trên đã làm sáng tỏ thêm sự hiện diện cũng như cam kết của Hoa Kỳ trong và gần cái gọi là chuỗi đảo thứ hai ở Tây Thái Bình Dương. Chuỗi đảo đầu tiên trải dài về phía nam từ Nhật Bản bao gồm Ðài Loan, phía bắc Philippines và xuống đến tận đảo Borneo. Chuỗi đảo thứ hai trải dài xa hơn về phía đông bao gồm quần đảo Bắc Mariana, căn cứ của Hoa Kỳ ở Guam, Palau và xuống đến Papua New Guinea. Hai chuỗi đảo tạo thành hình vòng cung bao lấy Thái Bình Dương.

Trung Quốc trong thời gian gần đây đã đưa các tàu giám sát của họ vào vùng biển gần Papua New Guinea và Úc. Các tiền đồn mới của Hoa Kỳ, cùng với khả năng giám sát hàng hải của hải quân Mỹ, sẽ giúp Hoa Kỳ và các đảo quốc bạn trong khu vực có cái nhìn rõ hơn về những hoạt động và mưu đồ mà hạm đội hải quân của Trung Quốc đang thực hiện.

Chiến lược Thái Bình Dương của Hoa Kỳ – councilpacificaffairs.org

VH