Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung tiếp tục leo thang hôm Thứ Năm 31/7 vừa qua sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đánh thêm thuế lên hầu hết tất cả các mặt hàng cần thiết nhập cảng từ Trung Quốc, và loại thuế quan mới này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu thụ trong nước Mỹ.

– nguồn BusinessMirror

Loại thuế quan mới sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1 Tháng 9 nếu như từ đây đến đó không có gì thay đổi và đánh trên số hàng hoá trị giá $300 tỷ. Những món hàng này bao gồm điện thoại thông minh, áo quần, đồ chơi trẻ em và nhiều sản phẩm khác của người tiêu thụ. Năm ngoái, chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt thuế lên $250 tỷ hàng nhập cảng Trung Quốc và hầu hết là những mặt hàng do công ty Mỹ nhập cảng cho công việc sản xuất của họ.

Theo Hiệp hội Kỹ thuật Người tiêu thụ, loại thuế nhập cảng mới này sẽ ảnh hưởng đến khoảng $45 tỷ các loại điện thoại di động, $39 tỷ máy tính và máy tính bảng, và $5.4 tỷ máy chơi điện tử. Một trong những sản phẩm quen thuộc của người tiêu thụ sẽ bị ảnh hưởng là điện thoại iPhone của công ty Apple mà các phân tích gia thương mại ước tính giá thành cho mẫu điện thoại XS sẽ tăng thêm $40 một chiếc.

Tổng thống Trump đưa ra quyết định trên sau khi cuộc đàm phán thương mại diễn ra tại Thượng Hải trong tuần qua kết thúc nhưng không mang lại tiến triển mới nào để giải quyết cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nước nay đã kéo dài gần một năm rưỡi.

Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, các cuộc đàm phán thương mại gần đây tiến triển rất chậm được xem như một chiến thuật mới từ phía Trung Quốc, mà các nhà lãnh đạo nước này ngày càng tin rằng nhẫn nại chờ đợi và kéo dài thời gian đàm phán có thể mang lại một thỏa thuận mới có lợi hơn cho họ.

Mặc dù cuộc tranh chấp thương mại kéo dài hơn một năm qua – với các mức thuế trừng phạt đánh lên nhiều trăm tỷ Mỹ kim hàng nhập cảng – đã gây trầm trọng thêm sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhiều nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng nền kinh tế của nước họ đã chạm đáy. Trong khi đó họ cũng cho rằng cuộc tranh chấp thương mại nếu kéo dài sẽ có khả năng gây thêm nhức đầu cho Tổng thống Trump, là vì cuộc chiến thuế quan leo thang sẽ tạo thêm khó khăn cho cuộc sống của nhà nông và người tiêu dùng ở Mỹ trong khi cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới đang dần đến.

Trump và Tập gặp nhau tại G20 hồi Tháng 6 vừa qua – nguồn Reuters

Tuy nhiên, một số kinh tế gia tin rằng tình trạng kinh tế trì trệ củaTrung Quốc sẽ còn tệ hại hơn nữa trong những tháng tới, là vì nhu cầu tiêu thụ nội địa, đặc biệt là từ các công ty tư nhân, vẫn còn khá yếu. Trong khi công ăn việc làm vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, và trong thời gian qua, nhiều nhà máy sản xuất đã và đang cắt giảm nhân viên do hậu quả kinh tế trong nước suy giảm, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu thấp hơn và thuế quan do chính phủ Hoa Kỳ áp đặt. Khoảng năm triệu người lao động Trung Quốc đã mất việc kể từ Tháng 7 năm ngoái, trong đó có khoảng 1.9 triệu liên quan đến thuế nhập cảng từ chính phủ Mỹ, theo ước tính của Trung Kim Công ty (China International Capital Corp), một công ty đầu tư của Trung Quốc. Phúc trình này chỉ bao gồm các dữ liệu kinh tế cho đến cuối Tháng 5 vừa qua, trước khi Hoa Kỳ tăng mức thuế từ 10% lên 25% trên $200 tỷ hàng nhập cảng từ Trung Quốc.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Trung Quốc đe doạ trả đũa nếu Mỹ tiếp tục duy trì mức thuế quan mới này, mặc dù Bắc Kinh phải đối diện với một số lựa chọn rất giới hạn để đánh trả lại mà không làm nguy hại tới nền kinh tế của họ.

Cả hai Bộ Thương mại và Ngoại giao Trung Quốc hôm Thứ Sáu vừa qua đều cho biết là chính phủ nước họ sẽ cân nhắc các biện pháp đối phó cần thiết nếu như chính quyền Trump tiếp tục tiến hành leo thang tranh chấp thương mại qua việc áp đặt mức thuế mới 10% vào ngày 1 Tháng 9 lên $300 tỷ hàng nhập cảng Trung Quốc. Cả hai cơ quan này không cho biết thêm chi tiết Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đũa thế nào.

Mục tiêu dễ nhận nhất – theo các phân tích gia và giám đốc kinh doanh – bao gồm việc huỷ bỏ đơn đặt hàng 478 phi cơ loại 737 MAX từ công ty Boeing mà các hãng hàng không Trung Quốc đã đặt mua. Ðây là loại phi cơ hiện đang bị cấm hoạt động khắp thế giới sau hai vụ rớt máy bay tại Nam Dương và Ethiopia cách nhau chỉ năm tháng. Rồi công ty chuyển hàng FedEX cũng đang bị điều tra bởi các giới chức Trung Quốc – và bị mang ra bêu riếu mỗi ngày trên các hệ thống truyền thông nhà nước – do cáo buộc là đã cố tình không chuyển hơn 100 kiện hàng tới cho công ty viễn thông Huawei. FedEx cho biết lý do là họ phải tuân hành lệnh cấm vận từ chính phủ Mỹ.

Tổng thống Trump tuyên bố thuế quan mới đánh trên $300 tỷ hàng nhập cảng Trung Quốc qua Twitter – nguồn BBC.com

Một vài biện pháp trả đũa khác của Trung Quốc có thể bao gồm cho thi hành việc kiểm tra thường xuyên và gắt gao hơn đối với các công ty Mỹ tại nước họ, và trì hoãn việc cấp giấy phép hoạt động cho các công ty Mỹ muốn làm ăn tại Trung Quốc.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Bắc Kinh sẽ phải tiến hành việc trả đũa một cách cẩn thận để tránh xua đuổi việc đầu tư của ngoại quốc vào Trung Quốc và làm phương hại đến nền kinh tế của họ, hiện đang trong tình trạng trì trệ.

Theo ước tính của công ty đầu tư Citygroup, các công ty ngoại quốc đã trực tiếp đầu tư nhiều trăm tỷ Mỹ kim vào đại lục trong mấy năm gần đây, và các công ty đa quốc gia của Mỹ đã tạo ra hơn hai triệu công việc làm cho dân Trung Quốc, mà hầu hết là những công việc có mức lương cao, nên rất khó lòng cho chính quyền Bắc Kinh đánh vào các công ty này một cách bừa bãi.

Hơn nữa, mối quan tâm về mức thất nghiệp lên cao và việc một số công ty Mỹ đưa dây chuyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc cũng sẽ làm cho Bắc Kinh phải ngần ngại hơn trong việc trả đũa Mỹ.

Cuộc đàm phán tại Thượng Hải tuần qua không có kết quả – nguồn Nikkei Asian Review

Trong thời gian đầu khi cuộc tranh chấp thương mại nổ ra từ gần 18 tháng trước, phía Bắc Kinh tuyên bố là họ sẽ ăn miếng trả miếng và quả thật họ đã làm y vậy khi chính quyền Trump áp đặt thuế lên $50 tỷ hàng nhập cảng Trung Quốc lần đầu tiên.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Nhưng Trung Quốc nhập cảng hàng ít hơn nhiều so với hàng họ xuất cảng sang Mỹ, và vì vậy Bắc Kinh khó có thể theo đuổi việc leo thang thuế quan với Washington. Sau khi Bắc Kinh đánh thuế lên $110 tỷ các mặt hàng sản phẩm của Mỹ, ông Trump đã đáp trả lại bằng cách đánh thuế lên $250 tỷ hàng nhập cảng Trung Quốc. Nay thì chỉ còn lại khoảng $10 tỷ hàng của Mỹ mà Trung Quốc có thể áp đặt thuế mới để đáp trả lại mức thuế mà Hoa Kỳ đe doạ sẽ đánh lên $300 tỷ sản phẩm của Trung Quốc.

Việc quyết định đánh thêm thuế của Mỹ được đưa ra một tháng sau khi hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình gặp nhau tại thượng đỉnh G20 ở Nhật và đồng ý ngưng leo thang thuế quan để cho phép các cuộc đàm phán được tiếp tục trở lại. Vòng đàm phán mới nhất đã không đem lại một tiến triển cụ thể nào ngoại trừ hai bên đồng ý sẽ gặp lại vào Tháng 9 tới, và dường như phía Trung Quốc đã bị bất ngờ bởi lời tuyên bố về những khoản thuế mới của ông Trump.

Những cuộc gọi là trả đũa của Trung Quốc phần lớn chỉ là những lời hăm doạ kể từ Tháng 5 tới nay sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên bị ngưng trệ và lý do mà các giới chức Hoa Kỳ đưa ra là vì phía Trung Quốc còn ngần ngại chưa chịu chấp nhận cam kết về những thay đổi mang tính cấu trúc và pháp lý mà phía Mỹ đòi hỏi để cho các công ty Mỹ được đối xử công bằng hơn, chẳng hạn như được tự do hơn trong việc làm ăn ở Trung Quốc cũng như không còn bị bắt buộc giao nộp các kỹ thuật mới cũng như các bí mật kinh doanh của họ cho một số công ty Trung Quốc. Sau cuộc đàm phán đổ vỡ đó, cả hai chính phủ đã ban hành một số biện pháp mà các nhà vận động kinh doanh hành lang nói rằng sẽ khiến cho việc đạt được một thỏa thuận thương mại mới càng trở nên khó khăn hơn.

VH

Arlington, TX