Hồi cuối năm ngoái, chính quyền Mông Cổ hoan hỉ hứa hẹn với dân chúng của họ một “mùa Hè không còn Covid”. Chính quyền Bahrain ở Trung Đông thì vẽ ra tương lai trước mắt sẽ là “cuộc sống bình thường trở lại”. Riêng đảo quốc tí hon Seychelles ở Đông Phi châu thì nhắm tới mục tiêu khởi động lại nền kinh tế của họ trong thời hạn sớm nhất.

Thuốc chủng Made in China – nguồn qz.com 

Cả ba quốc gia trên đặt hết lòng tin của họ vào thuốc chủng mà họ nhận được từ Trung Quốc rất sớm cho phép họ thực hiện chương trình tiêm chủng đầy tham vọng trong khi hầu hết các quốc gia khác trên thế giới lúc đó vẫn chưa có.

Nhưng thay vì thoát được khỏi trận đại dịch, cả ba quốc gia trên nay đang phải đối phó với tình trạng nhiễm Covid tăng cao.

Trung Quốc bắt đầu chiến dịch “ngoại giao vắc xin” vào giữa năm ngoái với cam kết thuốc chủng của họ an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa các trường hợp nhiễm Covid nghiêm trọng. Vào thời điểm đó chưa ai biết chắc chắn là thuốc chủng của Trung Quốc hay của bất cứ quốc gia nào khác có đạt được thành công trong việc hạn chế sự lây truyền hay không.

Nay, với những bằng chứng từ những quốc gia trên cho thấy thuốc chủng của Trung Quốc có thể không được hiệu quả như họ quảng cáo trong việc ngăn chặn sự lây lan của con vi khuẩn, đặc biệt là những biến thể mới. Rút kinh nghiệm từ những quốc gia trên cho ta thấy một điều thực tế trong việc chuẩn bị đối diện với một thế giới hậu đại dịch: Mức độ phục hồi của một quốc gia có thể phụ thuộc vào loại thuốc chủng nào mà chính phủ của quốc gia đó cung cấp cho người dân của họ.

Theo dự án Our World in Data, chuyên theo dõi các số liệu về tiêm chủng, tại Seychelles, Chile, Bahrain và Mông Cổ, khoảng từ 50 tới 68 phần trăm dân số đã được chích ngừa đầy đủ, vượt xa Hoa Kỳ. Nhưng tất cả 4 quốc gia này hiện đang nằm trong số 10 quốc gia đứng đầu với tình trạng những đợt bùng phát Covid nặng nhất gần đây. Và cả 4 quốc gia đều sử dụng thuốc chủng chế tạo bởi hai công ty bào chế thuốc Trung Quốc là Sinopharm và Sinova Biotech.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Tại Hoa Kỳ, khoảng 49% dân số đã được chích ngừa đầy đủ, hầu hết là thuốc được chế tạo bởi Pfizer-BioNTech và Moderna. Số trường hợp nhiễm bệnh đã giảm 94 phần trăm trong 6 tháng qua, mặc dù gần đây với biến thể Delta xuất hiện, số trường hợp nhiễm bệnh mới có tăng lại đôi chút nhưng là với những người chưa chích ngừa.

Israel sử dụng thuốc của Pfizer và tỷ lệ chích ngừa tại quốc gia này cao thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau Seychelles. Số trường hợp nhiễm Covid mới được xác nhận mỗi ngày tính trên một triệu dân ở Israel là khoảng 4.95.

Tại Seychelles, thuốc chủng chủ yếu là của Sinopharm, con số đó là hơn 716 trường hợp trên một triệu.

Sự chênh lệch như nói ở trên sau đại dịch có thể chia thế giới thành ba loại quốc gia – các quốc gia giàu có với nguồn tài chánh dư dả đã sớm đặt mua thuốc chủng của Pfizer-BioNTech và Moderna, các quốc gia nghèo hơn không có khả năng tiêm chủng cho đa số công dân của họ, và sau cùng là những quốc gia được tiêm chủng đầy đủ nhưng chỉ bảo vệ một phần nhỏ nhoi dân số của họ.

Số trường hợp nhiễm bệnh gia tăng tại Nam Dương mặc dù được chích thuốc Sinovac Trung Quốc – nguồn Reuters

Trung quốc, cũng như khoảng hơn 90 quốc gia hiện đang sử dụng thuốc của họ, có thể cuối cùng nằm trong nhóm thứ ba và phải đối mặt với các đợt đóng cửa, xét nghiệm dương tính và giới hạn các sinh hoạt hàng ngày của họ trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sắp tới. Kinh tế có thể sẽ bị chậm lại. Và trong khi ngày càng có nhiều người dân đặt câu hỏi về mức độ hiệu quả của thuốc chủng Trung Quốc thì việc thuyết phục những người chưa tiêm chủng ghi danh để được chích ngừa có thể sẽ trở nên khó khăn hơn.

Chính quyền Bắc Kinh xem “chính sách ngoại giao vắc xin” của họ như một cơ hội hiếm có để vượt qua khỏi trận đại dịch với tư thế là một cường quốc gây được thêm ảnh hưởng trên toàn cầu. Lãnh tụ Tập Cận Bình cam kết là sẽ cung cấp loại thuốc chủng Trung Quốc có thể dễ dàng lưu trữ và vận chuyển đến cho hàng triệu người dân trên thế giới. Ông ta gọi đây là một “sản phẩm chung toàn cầu”. Nhưng nay dường như chính sách ngoại giao đó đang gây ra phản tác dụng và ngày càng có nhiều quốc gia nghi ngờ về sự hiệu quả của loại thuốc chủng “made in China”.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Làn sóng nghi ngờ đó trong những ngày gần đây đã lan tới khu vực Ðông Nam Á và những quốc gia như Nam Dương, Mã Lai Á và Phi Luật Tân cho biết họ sẽ chuyển sang sử dụng thuốc chủng của phương Tây vào thời điểm khi số trường hợp nhiễm bệnh mới bùng phát mạnh trở lại tại khu vực và mức độ tin tưởng vào thuốc chủng của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất.

Mã Lai Á, trong thời gian qua sử dụng chủ yếu pha trộn thuốc chủng của Pfizer và Sinovac trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc của họ, gần đây cho biết trong tương lai họ sẽ chỉ sử dụng thuốc của Pfizer và đã đặt mua thêm khoảng 46 triệu liều, đủ để tiêm chủng đầy đủ cho hai phần ba dân số 33 triệu của họ.

Kể từ đầu năm, sau khi chích ngừa cho hầu hết nhân viên y tế với loại thuốc Sinovac, bộ trưởng y tế Nam Dương mới đây cho biết họ sẽ sử dụng lô thuốc Moderna nhận được từ chương trình hỗ trợ của Hoa Kỳ để chích mũi tăng cường thứ ba cho các nhân viên y tế. Quyết định này được đưa ra sau khi một phúc trình từ một tổ chức y tế địa phương cho biết có ít nhất 20 bác sĩ Nam Dương đã được chích ngừa đầy đủ với thuốc Sinovac đã bị tử vong do Covid-19 trong năm nay.

Trung Quốc đến nay vẫn chưa cho biết số liệu về mức hiệu quả chống biến thể Delta của thuốc chủng của họ – nguồn Reuters

Tuần qua, bộ trưởng y tế Thái Lan cho biết sẽ sử dụng thuốc chủng của Pfizer hoặc của AstraZeneca để tiêm thêm mũi tăng cường cho các nhân viên y tế của họ mặc dù những người này đã nhận được hai liều thuốc chủng Sinovac. Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ Thái Lan tiết lộ cho biết có hàng trăm nhân viên y tế Thái Lan đã bị nhiễm bệnh trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Bảy.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Không có loại thuốc chủng nào hiện nay bảo đảm hoàn toàn ngăn ngừa được sự lây truyền, và người ta vẫn có thể bị nhiễm bệnh sau khi được chích ngừa, nhưng tỷ lệ hiệu quả khá thấp của thuốc chủng Trung quốc đã được xác nhận có thể là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát gần đây.

Thuốc chủng của Pfizer-BioNTech và Moderna có tỷ lệ hiệu quả hơn 90 phần trăm. Những loại thuốc khác – như của AstraZeneca và Johnson & Johnson – có tỷ lệ hiệu quả khoảng 70 phần trăm trở lên. Thuốc chủng Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc chỉ có tỷ lệ hiệu quả ở mức 50 phần trăm. Ðiều đáng nói hơn là cho tới nay các công ty bào chế Trung Quốc vẫn chưa đưa ra kết quả thử nghiệm để cho thấy thuốc chủng của họ có thể ngăn ngừa lây truyền hay không.

Ngay từ đầu, chính quyền Trung Quốc đã gian dối về rất nhiều chi tiết liên quan đến đại dịch COVID-19 , với hậu quả là nhiều triệu người trên thế giới đã bị thiệt mạng. Việc thổi phồng quá mức hiệu quả thuốc chủng của họ sẽ chỉ góp thêm một sự sỉ nhục nữa đối với một thế giới quá cả tin vào những lời hứa hẹn của họ.

Mưu đồ này của Bắc Kinh được so sánh cũng giống như sáng kiến Nhất đới Nhất lộ của họ, kêu gọi các quốc gia đang phát triển tham gia nhưng mục tiêu là đẩy những quốc gia này sa lầy thêm vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Và cũng giống như chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở khổng lồ nói trên, “chính sách ngoại giao vắc xin” của Tập Cận Bình hoá ra chỉ gây thêm hậu quả tai hại đối với những quốc gia sớm tin vào những lời đường mật của họ.

Gian dối về đại dịch COVID-19 – che đậy sự lây truyền của con vi khuẩn từ người sang người và cuối cùng để cho nó lây lan ra khắp toàn cầu – là một trong những tội ác lớn nhất chống lại nhân loại của Bắc Kinh. Nay lại thêm một gian dối nữa về mức độ hiệu quả thuốc chủng của họ. Phải chăng đã đến lúc thế giới cần phải tỏ ra nghi ngờ với bất cứ sản phẩm hay thiện chí có xuất xứ “made in China”.

VH