Người dân Úc ưa thích nói chuyện chính trị. Đặc biệt là vào những năm có bầu cử, người Úc bàn tán tranh luận xem ai sẽ trở thành thủ tướng tương lai cũng sôi nổi không kém như khi người dân Mỹ nói chuyện bầu cử tổng thống vậy.

scott-morrison

Tân Thủ tướng Úc Scott Morrison – nguồn The Conversation

Chính thể nước Úc theo thể chế đại nghị (Parliament system) cũng giống như Anh, Canada và Ấn Ðộ, là vì những quốc gia này nằm chung trong tổ chức Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth of Nations) – bao gồm 53 quốc gia mà hầu hết trước đây từng là thuộc địa của Ðế quốc Anh. Người dân ở những quốc gia theo thể chế đại nghị bầu đại biểu quốc hội, sau đó đảng nào nắm đa số ở quốc hội được quyền chọn thủ tướng, tức vị nguyên thủ của quốc gia đó.

Riêng ở Úc, một nhiệm kỳ thủ tướng là ba năm, nghĩa là cứ mỗi ba năm thì người dân Úc lại đi bầu quốc hội liên bang. Và từ trước đến nay, hai đảng lớn ở Úc là Ðảng Tự do (Liberal Party – bảo thủ) và Ðảng Lao động (Labor Party – cấp tiến) thay nhau nắm quyền.

Tuy nhiên, trong khoảng một thập niên trở lại đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các nguyên thủ của hai đảng lớn này được các đại biểu quốc hội thuộc đảng của họ chọn ra làm thủ tướng và không lâu sau đó cũng lại bị chính những đại biểu này lật đổ và thay thế bởi một vị thủ tướng khác. Nói như vậy thì những sự kiện chính trị trên cũng không khác gì một cuộc đảo chính cung đình. Duy có điểm khác biệt của cái gọi là “đảo chính” này được hiến pháp nước Úc cho phép.

Khi một thỉnh nguyện thư được đa số các đại biểu trong đảng ký vào – trong trường hợp của nước Úc hiện nay, Ðảng Tự do chiếm 85 ghế quốc hội – vậy nếu thỉnh nguyện thư thu được ít nhất 43 chữ ký thì đạt đủ sự đòi hỏi của hiến pháp để có thể kêu gọi một cuộc họp nội bộ đảng để tổ chức bầu vị lãnh đạo mới. Ðây là cuộc bầu phiếu kín nhưng kết quả của số phiếu bầu phải được công bố cho dân chúng biết.

Hôm Thứ Sáu tuần qua (8/24), đại biểu thuộc Ðảng Tự do ở Úc sau khi truất phế ông Malcolm Turnbull đã bầu ông Scott Morrison vào chức vụ thủ tướng. Ông trở thành thủ tướng thứ 30, và trớ trêu thay, là vị thủ tướng thứ 6 của Úc chỉ trong vòng một thập niên nay. Có điều đáng nói ở đây, nhân vật đứng sau vụ truất phế này lại chính là ông Tony Abbott, người đã bị chính ông Turnbull lật đổ cách đây gần 3 năm.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Mặc dù được xem như một cuộc đảo chính cung đình, mà lại xảy ra khá thường xuyên ở Úc trong mấy năm gần đây, nhưng sự kiện chính trị này đã không gây ra xáo trộn cho xã hội, người dân vẫn sinh hoạt bình thường – ai đi làm thì tiếp tục đi làm, ai đi học thì tiếp tục đi học – như không có chuyện gì xảy ra cả. Là vì tất cả đều theo đúng quy tắc dân chủ, tuân thủ các điều luật đã được hiến pháp ấn định.

scott-morrison2

Tuy vậy, sự kiện chính trị này ít nhiều cũng gây ra xáo trộn trong nội bộ của đảng cầm quyền và do đó làm ảnh hưởng đến công việc điều hành quốc gia của chính phủ. Công việc đầu tiên của tân thủ tướng là làm sao hàn gắn vết thương chia rẽ trong đảng mà sau bất cứ cuộc xào xáo nội bộ nào cũng không thể tránh khỏi. Kế đến là phải thành lập nội các, công việc này cũng mất ít ra một thời gian ngắn là vài tuần. Sau hết là chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm tới, đây là công việc hết sức khó khăn và đòi hỏi vị tân thủ tướng phải đưa ra những chính sách mới để có thể thuyết phục được cử tri Úc tiếp tục bầu cho Ðảng Tự do mà hiện nay chỉ hơn Ðảng Lao động có duy nhất một ghế ở quốc hội.

Bầu cử quốc hội liên bang ở Úc sẽ được tổ chức vào giữa năm tới.

Ðó là chưa kể trong các chính sách đối ngoại, tân thủ tướng Úc phải tạo được niềm tin ở các quốc gia đồng minh cũng như những quốc gia đối tác tiếp tục hợp tác trong các chính sách ngoại giao và kinh tế với Úc. Trong tình hình chính trị của Úc mấy năm gần đây, người ta bắt buộc phải nêu nghi vấn là vị tân thủ tướng của quốc gia này có thể nắm quyền được bao lâu và thời gian có đủ dài để thi hành những thoả thuận mà Úc đã ký kết với những quốc gia kia hay không?

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Sau một phần tư thế kỷ cải cách dưới thời các vị thủ tướng Bob Hawke, Paul Keatin và John Howard, nước Úc rơi vào thời kỳ của những xáo trộn chính trị qua những vụ đảo chính cung đình. Năm 2007, Ðảng Lao động lên nắm quyền dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Kevin Rudd. Không lâu sau đó Rudd bị bà Julia Gillard lật đổ, nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau lại chính Kevin Rudd quay lại lật đổ bà Gillard. Năm 2013, Ðảng Tự do được dân Úc bầu lên cầm quyền với thủ tướng mới là ông Tony Abbott, đến năm 2015 thì Abbott bị Malcolm Turnbull lật và lên thay thế, để rồi chưa đầy 3 năm sau Turnbull phải rút lui nhường chỗ cho tân Thủ tướng Scott Morrison.

Tính ra, nếu ông Morrison nắm quyền cho tới cuộc bầu cử vào năm tới, thì trong khoảng hơn một thập niên nay, trung bình một thủ tướng của Úc chỉ liên tục nắm quyền được khoảng 2 năm.

Tân Thủ tướng Scott Morrison được xem là một chính trị gia có khuynh hướng bảo thủ trong các chính sách về xã hội nhưng khá cởi mở trong các chính sách kinh tế. Ðược bầu vào quốc hội năm 2007, ông đã từng chứng kiến cũng như tham gia vào những sinh hoạt chính trị đưa đến những bất ổn ở cấp lãnh đạo ở Úc.

Sau khi thắng được ghế đại biểu của khu vực Cook, nằm ở ngoại ô Sydney, Morrison nhanh chóng leo lên các nấc thang quyền lực trong đảng. Năm 2013, dưới quyền lãnh đạo của Tony Abbott, Morrison trở thành bộ trưởng di trú trước khi được trao cho một loạt những chức vụ quan trọng khác mà chức vụ cuối cùng trước khi trở thành thủ tướng là bộ trưởng ngân khố.

Theo nhận định của tờ South China Morning Post (Nam Hoa Tảo Báo) xuất bản ở Hồng Kông, việc bầu Scott Morrison vào chức vụ Thủ tướng Úc có thể là một tin không mấy thuận lợi đối với các chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là tại nước Úc mà trong mấy năm gần đây Trung Quốc đã tìm đủ mọi cách để gây ảnh hưởng lên nội tình chính trị của xứ này.

Trong một cuộc họp báo ngắn trong vai trò thủ tướng đắc cử vào tối hôm Thứ Sáu, Morrison cho biết các vấn đề liên quan đến công việc làm, di dân và đoàn kết đảng là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông, nhưng không nói gì đến chính sách đối ngoại.

scott-morrison1

Phòng họp quốc hội Úc – nguồn ABC

Tuy nhiên, nếu nhìn lại những quyết định của ông trong vai trò bộ trưởng ngân khố và đồng thời là một trong những đồng minh thân cận của cựu Thủ tướng Malcom Turnbull cho ta hiểu được phần nào vị tân nguyên thủ của Úc sẽ hành động ra sao trong mối quan hệ với Bắc Kinh.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Dưới thời Turnbull, Morrison là một thành viên quan trọng của chính phủ Úc giữ trọng trách cho áp dụng vào đầu năm luật cấm nước ngoài can thiệp vào nội tình nước Úc là nguyên do đưa đến những căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh gần đây.

Trong vai trò bộ trưởng, Morrison ủng hộ hợp tác kinh tế nhiều hơn nữa với Trung Quốc nhưng đồng thời ra sức ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc vào các bất động sản ở Úc vì cho rằng sẽ gây bất lợi cho an ninh quốc gia.

Chỉ mới hôm Thứ Năm, một ngày trước khi được bầu làm thủ tướng, Morrison thông báo cho biết công ty viễn thông Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc bị cấm tham gia vào việc xây dựng hệ thống internet 5G của Úc. Mặc dù không nêu đích danh Huawei, Morrison đưa lý do khi một công ty dưới quyền giám sát trực tiếp từ một chính phủ ngoại quốc sẽ có nguy cơ xung khắc với luật lệ của Úc.

Bộ thương mại Trung Quốc mạnh mẽ lên án quyết định này, cho rằng chính phủ Úc can thiệp quá đáng vào công việc làm ăn chính đáng, kêu gọi Canberra “hãy nhìn tới viễn tượng lớn trong việc hợp tác thương mại và kinh tế song phương.”

Năm 2016, trong vai trò bộ trưởng ngân khố, Morrison đã ngăn chặn việc bán Ausgrid, công ty cung cấp điện thuộc vùng New South Wales, cho công ty Cheung Kong Infrastructure Holdings (Trường Giang Cơ Kiến Tập đoàn), là một công ty quốc doanh của Trung Quốc, vì những lý do an ninh quốc gia.

Vừa tuyên thệ nhậm chức xong, Scott Morrison đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump và khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Hoa Kỳ và Úc. Nếu cuộc bầu cử năm tới cử tri Úc tiếp tục bầu cho Ðảng Tự do thì ta có thể tin Scott Morrison sẽ không thả lỏng trong các chính sách ngoại giao với Trung Quốc.

VH