Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa bị lún sâu thêm vào thế đối đầu nhau sau khi các nhà lập pháp tại một phiên điều trần ở hạ viện đã chỉ trích tổng giám đốc điều hành của TikTok về mối quan hệ của ứng dụng nổi tiếng này với chính quyền Trung Quốc, và sau khi Bắc Kinh cũng lên tiếng cho biết họ sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Hoa Kỳ nhằm buộc các sở hữu chủ Trung Quốc phải bán lại cổ phần của họ cho một công ty Hoa Kỳ.

Cuộc điều trần vào hôm thứ Năm 23 tháng 3 kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ và làm nổi bật lên mối quan tâm của các nhà lập pháp Hoa Kỳ về tầm ảnh hưởng của chính quyền Bắc Kinh đối với ứng dụng này. Quan hệ Mỹ-Trung lâu nay vốn đã căng thẳng trong thế đối đầu nhau liên quan đến thương mại, Ðài Loan, kỹ thuật và cạnh tranh địa chính trị.

Ảnh hưởng của kỹ thuật

Kể từ khi xuất hiện và hoạt động, nhiều công ty kỹ thuật trở thành những diễn đàn gây ảnh hưởng rất lớn, hơn thế nữa, tên của họ nay là những động từ mới: Google, Uber, Instagram, Facebook, Netflix.

Trong nhiều năm, vị thế thống trị của các công ty kỹ thuật Hoa Kỳ đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Hoa Kỳ. Nó cũng còn mang lại lợi thế trong một lĩnh vực ít người để ý tới – an ninh quốc gia.

Các công ty kỹ thuật thu thập một lượng không nhỏ dữ liệu cá nhân của người sử dụng dịch vụ của họ. Họ biết chúng ta du lịch những đâu, biết bạn bè của ta là những ai và thói quen xem những chương trình gì trên mạng xã hội và thậm chí trên tivi. Các chính quyền thì muốn sử dụng dữ liệu thu thập được để theo dõi, thực thi pháp luật đối với công dân và hoạt động gián điệp. Vì vậy, họ tìm đủ cách để tấn công bằng tin tặc, tàng trữ, đánh cắp và mua những dữ liệu đó. Trong nhiều năm, Hoa Kỳ có được lợi thế hơn các quốc gia khác. Với sự chấp thuận của tòa án, chính phủ có thể yêu cầu các công ty truyền thông xã hội khổng lồ, có trụ sở tại Hoa Kỳ và bị ràng buộc với luật pháp Hoa Kỳ, giao nộp dữ liệu về người sử dụng.

Xem thêm:   Biden & Trump

Ứng dụng TikTok

Thế rồi TikTok xuất hiện. Ðây là một ứng dụng truyền thông xã hội, sở hữu bởi công ty ByteDance của Trung Quốc, có hơn một tỷ người sử dụng. TikTok cho biết trong số đó có khoảng 150 triệu người Mỹ. Dưới sự cai trị của nhà nước độc tài Trung Quốc, chính phủ nước này có quyền kiểm soát bao trùm đối với các công ty và dữ liệu của họ. Các giới chức Hoa Kỳ lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc sẽ sử dụng TikTok để phục vụ cho quyền lợi của họ và thu thập thông tin cá nhân của người dân Mỹ.

TikTok là cuộc đối đầu mới nhất giữa hai cường quốc nhất nhì thế giới. Nhiều giới chức Hoa Kỳ đã đề nghị và đưa ra hai lựa chọn cho sở hữu chủ TikTok của Trung Quốc: Bán ứng dụng hoặc có nguy cơ đối diện với lệnh cấm trên toàn quốc. Hôm thứ Năm tuần qua, các nhà lập pháp tại hạ viện chất vấn tổng giám đốc điều hành của TikTok, Shou Zi Chew (Chu Thụ Tư), về mối quan hệ của ứng dụng mạng xã hội này với chính quyền Trung Quốc.

Cuộc điều trần TikTok trước quốc hội – NBC News

Và những lo ngại

Cuộc đấu đá này nhìn từ bên ngoài là về dữ liệu: ai kiểm soát nó và xác định cách nó xuất hiện trên TikTok. Hoa Kỳ có hai lý do chính để lo ngại.

Trước hết là mối đe doạ gián điệp Trung Quốc. Trang mạng truyền thông BuzzFeed phát hiện thấy các kỹ sư của ByteDance ở Trung Quốc truy cập vào hồ sơ dữ liệu cá nhân của người sử dụng Mỹ. ByteDance cũng thừa nhận rằng nhân viên của họ, trong đó có hai người làm việc ở Trung Quốc, dùng TikTok theo dõi các nhà báo và thu thập địa chỉ IP trong thiết bị điện tử của họ. Mặc dù TikTok có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc, TikTok phủ nhận họ đã trao dữ liệu cho chính quyền nước này.

Thứ đến, ByteDance có thể sử dụng thuật toán (algorithm) của TikTok để gây ảnh hưởng đến người dân Mỹ. TikTok bị cáo buộc đã kiểm duyệt các video về các chủ đề chính trị nhạy cảm đối với Trung Quốc, như nền độc lập của Tây Tạng và vụ thảm sát Thiên An Môn. Hiện nay đã vậy, trong tương lai chắc gì chính quyền Trung Quốc không sử dụng TikTok để thay đổi thái độ của người Mỹ theo quan điểm của họ về vấn đề Ðài Loan – hoặc một chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

Xem thêm:   Mất mạng

Hoa Kỳ đang gia tăng nỗ lực nhằm hạn chế sức mạnh của TikTok. Chính phủ liên bang và hơn một nửa số tiểu bang đã cấm cài đặt TikTok vào các thiết bị và trang mạng của chính phủ. Anh Quốc, Canada và Bỉ cũng làm như vậy. Ấn Ðộ đã cấm hoàn toàn ứng dụng này. Bây giờ Hoa Kỳ cũng đang đe dọa lệnh cấm trên toàn quốc.

Nỗ lực giới hạn TikTok

Trước đây, cựu Tổng thống Donald Trump đã từng đề nghị cấm sử dụng TikTok vào năm 2020 nhưng bị một số toà án liên bang bác bỏ nỗ lực này. Nay chính quyền Joe Biden cũng đang tìm cách thử lại đề nghị này mặc dù vẫn chưa rõ lệnh cấm đoán sẽ được thực hiện như thế nào. Từ trước tới nay chưa từng có một lệnh hạn chế việc sử dụng một ứng dụng lớn như vậy ở Hoa Kỳ.

Một trong những biện pháp giới hạn mà một số nhà lập pháp đưa ra là xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google, đồng thời khiến ứng dụng này không hoạt động trên các mạng điện thoại di động của Hoa Kỳ. Nhưng chính quyền không thể xâm nhập vào điện thoại của người sử dụng để xóa ứng dụng này. Những ai đã cài đặt ứng dụng này thì vẫn có thể truy cập TikTok, mặc dù người sử dụng không thể tải xuống các phiên bản cập nhật cho ứng dụng, nghĩa là một thời gian sau thì cuối cùng có thể khiến ứng dụng này không hoạt động được.

Bất kỳ lệnh cấm nào cũng sẽ phải đối mặt với các rào cản về pháp lý và chính trị, trong đó bao gồm các câu hỏi về các việc bảo vệ của Tu chính án thứ nhất (quyền tự do ngôn luận) và khả năng khiến hàng triệu người sử dụng TikTok tức giận trong khi nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào năm bầu cử tổng thống.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Hoa Kỳ cũng có thể đe dọa đưa ra lệnh cấm để làm áp lực buộc TikTok bán lại cho một công ty Hoa Kỳ. TikTok và chính phủ Hoa Kỳ trước đây đã thảo luận về một giải pháp như vậy. Tuy nhiên, giải pháp này ngày càng khó đạt được kết quả. Chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng chống đối và sẽ không chấp thuận việc bán TikTok. Và nếu trong trường hợp điều này xảy ra, không rõ công ty nào sẽ mua lại ứng dụng này, theo một số nhà phân tích, trị giá có thể lên tới $50 tỷ. Và việc bán lại TikTok cũng có thể gây ra những lo ngại về luật chống độc quyền đối với những công ty đang theo đuổi việc mua bán này như Microsoft, Oracle và thậm chí Walmart.

150 triệu người Mỹ, phần đông là giới trẻ, sử dụng TikTok – YouTube

Cạnh tranh trong tương lai

Phiên điều trần của TikTok trước hạ viện là cuộc đối đầu mới nhất trong cuộc chiến lớn hơn giữa hai cường quốc thế giới tranh giành vị thế thống trị trong tương lai. Trong cuộc cạnh tranh này, dữ liệu – trong đó phần lớn là dữ liệu thông tin cá nhân – là một nguồn giá trị vô bờ có khả năng gây ảnh hưởng đến kinh tế và chính trị. Nói cách khác, ai kiểm soát được dữ liệu nhiều hơn thì có thể gây được ảnh hưởng lớn hơn.

Chính quyền Trung Quốc biết rõ điều này trong nhiều năm qua. Họ đã cấm các ứng dụng như Facebook, Instagram và Twitter, đồng thời vận hành một mạng lưới internet được kiểm soát chặt chẽ, cô lập công dân của họ với thế giới bên ngoài. Hoa Kỳ nay cũng đang đe dọa sử dụng sách lược này của Trung Quốc để chống lại họ, sử dụng một cách có hiệu quả và xem các công ty tư nhân như một tài sản quốc gia và hạn chế quyền truy cập thông tin như một hình thức cấm vận.

Và đây mới chỉ giai đoạn đầu có tiềm năng mở ra những cuộc cạnh tranh gay gắt hơn nữa giữa các công ty kỹ thuật và giữa hai cường quốc kinh tế.

VH