Đáng lẽ ra người dân Hồng Kông được sống trên mảnh đất với những quyền tự do căn bản mà bất cứ ai sống trong một thể chế dân chủ đều được hưởng nếu như định mệnh của lịch sử chỉ cần đi chệch đường một chút thôi.

nguồn Reddit  

Sau khi ký Hiệp ước Nam Kinh năm 1842, nhà Thanh đã nhượng vĩnh viễn đảo Hồng Kông cho người Anh. Lúc đầu, người Anh không có ý định xây dựng Hồng Kông thành một đô thị đẳng cấp quốc tế mà chỉ muốn dùng nó như một trạm giao dịch để đưa á phiện vào bán trong đất nước Trung Hoa. Ðiều này dễ hiểu là vì Hồng Kông chỉ cách đại lục một eo biển hẹp, và thời đó, nó chỉ là một làng đánh cá nghèo, đến nỗi ngoại trưởng của Anh lúc đó là Lord Palmerston đã chế giễu so sánh Hồng Kông như “một hòn đảo cằn cỗi  hầu như không có một ngôi nhà nào trên đó.”

Sau đó người Anh biến nó thành một thuộc địa, lấy tên nữ hoàng Victoria để đặt tên cho bến cảng ở đó và xây thêm một số cửa hàng buôn bán. Rồi chiến tranh á phiện lần thứ nhì nổ ra, và năm 1860, nhà Thanh nhượng thêm vĩnh viễn một mỏm nhỏ của bán đảo Cửu Long. Ðến năm 1898, Vương quốc Anh ký một hợp đồng thuê đất 99 năm với nhà Thanh phần đất cạnh đó, được gọi là khu Tân Giới, kéo dài cho đến khu vực đồi tạo thành một một lằn ranh thiên nhiên phân cách với Hoa Lục. Và đó là tấm bản đồ như chúng ta đã thấy của Hồng Kông ngày nay.

Từ sự khởi đầu đó, nửa thế kỷ sau, đưa đến sự kiện được cho là một trong những phép lạ kinh tế vĩ đại của khu vực châu Á thời hiện đại. Hồng Kông, vào lúc Thế chiến II kết thúc, là một thành phố tan hoang đổ nát với dân số ít hơn 600,000. Năm 1949, Mao Trạch Ðông thực hiện thành công cuộc cách mạng và cho áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên toàn cõi Trung Hoa. Nhiều triệu người đã bỏ trốn sang Hồng Kông, mang theo họ một lực lượng lao động và một lớp người tài năng, và dưới sự cai trị bằng pháp luật và tự do của Vương quốc Anh với chính sách thương mại cởi mở, đã biến hòn đảo này thành mảnh đất giàu sang thịnh vượng.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Không hẳn là người Anh đã cho phép người dân Hồng Kông được hưởng một nền dân chủ hoàn toàn; chức vị thống đốc là do London bổ nhiệm để cai quản thuộc địa. Nhưng đằng sau đó là một hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực của nền dân chủ Vương quốc Anh, và điều đó ràng buộc các vị thống đốc phải chịu trách nhiệm với những việc làm của họ. Người dân Hồng Kông, sau Thế chiến II, đã được hưởng những quyền tự do ngôn luận và hội họp, và một nền tư pháp độc lập dựa trên hệ thống pháp luật của người Anh.

Dân Hồng Kông biểu tình đòi tự do dân chủ – nguồn CNN

Trong khoảng thời gian khi mà đế quốc Anh bắt đầu tan rã và xu hướng giải thể thuộc địa lan ra khắp toàn cầu, Hồng Kông là một thuộc địa có đầy đủ yếu tố để trở thành vùng đất độc lập và dân chủ. Tổ chức Liên Hiệp Quốc được thành lập sau Thế chiến II, đã cho lập một danh sách bao gồm các thuộc địa dự kiến sẽ được trao quyền tự quyết. Lúc đầu, Hồng Kông nằm trong danh sách này. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 1970, Trung Quốc đã cướp mất quyền này trong thời gian Tổng thống Richard Nixon tìm cách nối quan hệ với họ, và chính quyền cộng sản Bắc Kinh đã chiếm lấy chiếc ghế tại Liên Hiệp Quốc dành cho Trung Hoa mà cho đến lúc đó là do chính quyền dân quốc tại Ðài Loan nắm giữ. Trung Quốc ngay lập tức tham gia vào uỷ ban giải thể thuộc địa của Liên Hiệp Quốc. Chỉ ít tuần sau đó, uỷ ban này đã đưa Hồng Kông ra khỏi danh sách thuộc địa. Và điều đó đã chấm dứt bất kỳ sự ủng hộ nào của Liên Hiệp Quốc cho phép Hồng Kông được quyền tự chọn tương lai của họ.

Khi Trung Quốc thông báo cho người Anh biết họ sẽ không gia hạn hợp đồng thuê đất cho khu Tân Giới sau năm 1997, chính quyền London đã tỏ ra không muốn có một cuộc tranh chấp với đảo Hồng Kông – được cho là không thể tự vệ được nếu không có Tân Giới làm tiền phương, và một điều nữa là sự lệ thuộc vào nguồn cung cấp nước từ lục địa. Năm 1984, Vương quốc Anh và Trung Quốc ký “Tuyên bố chung Trung-Anh”, với lịch trình trao lại thuộc địa Hồng Kông vào ngày 1 Tháng 7 năm 1997. Hiệp ước này, được Liên Hiệp Quốc chứng thực, quy định rằng trong vòng 50 năm sau khi bàn giao, Hồng Kông sẽ được điều hành như một đặc khu hành chánh và được hưởng một chính sách tự trị, qua đó người dân được giữ lại những quyền tự do của họ, bao gồm tự do cá nhân, ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, di chuyển, v.v…

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Do đó, Hồng Kông đã trở thành một xã hội tự do duy nhất trên thế giới mà người dân chỉ được hưởng quyền tự do trong một thời hạn nhất định. Với Vương quốc Anh, trao cả một khối dân số khá lớn đang được tự do qua cho một thể chế độc tài toàn trị, thì cái thời gian ân hạn 50 năm kia cho phép họ rút lui nhưng vẫn giữ được thể diện, là nhờ đã duy trì được Bộ luật Cơ bản, giống như một hiến pháp nhỏ vậy, coi như một chút di sản tự do dân chủ còn lại cho người dân Hồng Kông. Trước khi bàn giao, người Anh cũng đã cố gắng can thiệp để chính quyền Bắc Kinh đồng ý với mục tiêu tối hậu là cho phép người dân Hồng Kông quyền bầu ra chức hành chánh trưởng quan và toàn bộ hội đồng lập pháp thông qua phổ thông đầu phiếu. Vấn đề là sau đó Bắc Kinh đã lờ đi không nhắc đến mục tiêu tối hậu trên là ngày nào.

Lễ bàn giao Hồng Kông năm 1997 – nguồn South China Morning Post

Với Trung Quốc, một đất nước cộng sản nghèo đói rách rưới sau mấy thập niên liên tiếp thất bại với những kế hoạch kinh tế do đảng và nhà nước thực hiện, thì việc nhận lại mảnh đất Hồng Kông là một món quà bất ngờ quá to lớn.

Trở lại năm 1997, nếu như nửa thế kỷ hứa hẹn cho người dân Hồng Kông được hưởng tự do nghe có vẻ như một thời gian khá dài thì nay nhiều người không còn thấy như vậy nữa. Thời hạn chính thức còn lại là 28 năm. Trên thực tế, nếu như chính quyền Trung Quốc có thể, thời hạn đó sẽ đến sớm hơn nhiều. Trong khi đó, cả một thế hệ sinh ra tại Hồng Kông trong khoảng thời gian diễn ra cuộc bàn giao nay đã đến tuổi trưởng thành. Nhiều người trong số đó có cha mẹ hay ông bà là những người đã từng chạy trốn sự đàn áp của cộng sản Trung Quốc. Họ minh định họ không phải là người Trung Quốc mà là người Hồng Kông. Họ đi tiên phong trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, và nhiều người nói rằng họ sẵn sàng chết cho tự do.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Tư tưởng bảo vệ tự do bằng mọi giá kia không phải khi không có sẵn trong tâm hồn người dân Hồng Kông mà nó đã được hun đúc, nuôi dưỡng từ nhiều thập niên qua từ những nhà lãnh đạo của họ, như ông Lý Trụ Minh (Martin Lee), một luật sư và nhà cựu lập pháp, đã từng tuyên bố câu nói nổi tiếng thách thức chính quyền Bắc Kinh: “Ngọn lửa dân chủ đã được châm ngòi và đang bùng cháy trong tâm hồn người dân chúng tôi. Ngọn lửa đó sẽ không bị dập tắt.”

Kể từ khi phong trào biểu tình nổ ra từ đầu Tháng 6, người dân Hồng Kông vẫn luôn kêu gọi thế giới hãy sát cánh cùng họ trong cuộc đấu tranh bảo vệ tự do. Nước Mỹ đã lên tiếng với Ðạo luật Dân chủ và Nhân Quyền Hồng Kông. Phần còn lại của thế giới tự do cũng phải lên tiếng hỗ trợ cho họ bằng cách thông qua những đạo luật như trên để làm áp lực với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Bằng không, nếu thế giới chỉ đứng nhìn mà không có một hành động cụ thể nào thì sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ tìm cách nuốt chửng Hồng Kông và lấy đi chút tự do còn lại của họ.

Bài học trước mắt chúng ta đang thấy: hơn một triệu người Hồi giáo Uyghurs tại Tân Cương đang bị giam giữ trong các “trại cải tạo”, những ai còn được sống ở bên ngoài thì luôn bị theo dõi từng đường đi nước bước bởi cả một hệ thống giám sát tinh vi; người dân Hoa Lục nay muốn mua một chiếc điện thoại thông minh thì phải nộp cho nhà cầm quyền ảnh chụp khuôn mặt và dấu tay của họ. Một khi quyền tự do bị lấy mất đi thì khó mà đòi lại được. Người dân Hồng Kông biết rõ điều đó. Thế nên, trước khi chút quyền tự do đó bị nhà cầm quyền Bắc Kinh tìm cách lấy đi, họ chấp nhận tranh đấu đến cùng.

VH

Arlington, TX