Quốc hội khoá 116 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ chính thức bắt đầu từ hôm Thứ Năm 3/1 khi 534 thành viên của lưỡng viện long trọng tuyên thệ trong bầu không khí trang nghiêm để nhận lãnh trách nhiệm trong hai năm tới.

quoc-hoi-khoa-116c

Quốc hội khoá 116 tuyên thệ – nguồn GettyImages

Ðây là quốc hội với con số phụ nữ kỷ lục được bầu trong kỳ bầu cử cuối Tháng 11 vừa qua và đồng thời cũng là quốc hội đa dạng với con số thành viên thiểu số da màu nhiều nhất từ trước tới nay. Ðảng Cộng hoà lấy được thêm ghế ở thượng viện, trong khi đảng Dân chủ chiếm lại quyền kiểm soát hạ viện.

Các thành viên của quốc hội khoá mới này sẽ phải đối đầu và cần giải quyết cho xong vụ bế tắc về vấn đề ngân sách và di dân hiện nay khiến cho nhiều cơ quan của chính phủ đang phải tạm ngưng hoạt động.

Tại hạ viện với tổng cộng 435 thành viên, cuộc điểm danh bắt đầu qua thể thức xướng tên để bỏ phiếu chọn chủ tịch quốc hội. Dân biểu Nancy Pelosi, thuộc đảng Dân chủ của tiểu bang California, đã được bầu vào chức vụ này và trở thành nhân vật thứ nhì, chỉ đứng sau phó tổng thống, để kế vị chức tổng thống nếu như chẳng may tổng thống có mệnh hệ gì.

Thành viên lâu năm nhất tại hạ viện là dân biểu 24 nhiệm kỳ (48 năm) Don Young, thuộc đảng Cộng hoà tiểu bang Alaska, đã đứng ra làm lễ tuyên thệ cho bà Pelosi. Sau đó bà Pelosi, với tư cách chủ tịch quốc hội, làm lễ tuyên thệ cho tất cả các thành viên khác của hạ viện.

Tại thượng viện, Phó tổng thống Mike Pence đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức cho 34 thành viên thắng cử trong cuộc bầu cử ngày 6 Tháng 11 vừa qua. Ðảng Cộng hoà đã lấy thêm được hai ghế ở viện này, và hiện nay, đảng Cộng hoà giữ 53 ghế, trong khi đảng Dân chủ giữ 47 ghế.

quoc-hoi-khoa-116b

Một số thành viên mới – nguồn GettyImages

Một vài điều khá lý thú về sự khác biệt của quốc hội lần này cũng xin được ghi nhận ở đây. Trong buổi lễ tuyên thệ, Dân biểu tân cử Rashida Tlaib (Dân chủ, Michigan) đã đặt tay lên cuốn kinh Quran khi tuyên thệ, và đây không chỉ là cuốn kinh bình thường. Bà Tlaib đã dùng cuốn kinh được dịch qua tiếng Anh năm 1734 của ông Thomas Jefferson, một trong những nhà lập quốc và là Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Tlaib và Ilhan Omar là hai phụ nữ Hồi giáo đầu tiên được bầu vào quốc hội. Và họ chỉ là một trong nhiều dấu hiệu của sự thay đổi nảy sinh từ cuộc bầu cử Tháng 11. Cũng là lần đầu tiên, hai phụ nữ gốc da đỏ được bầu vào quốc hội khoá này. Massachusetts và Connecticut là hai tiểu bang đã lần đầu chọn những phụ nữ da đen đại diện cho họ tại quốc hội, trong khi hai tiểu bang Arizona và Tennessee cũng đã bầu ra hai nữ thượng nghị sĩ đầu tiên của họ.

Tính chung cả hai viện có tổng cộng 127 phụ nữ – 106 thuộc đảng Dân chủ và 21 thuộc đảng Cộng hoà – sẽ phục vụ trong quốc hội khoá 116, chiếm gần 24 phần trăm trong tổng số ghế. Tại thượng viện có 25 phụ nữ, với 17 trong số đó là Dân chủ và 8 là Cộng hoà. Trong khi tại hạ viện có 102 phụ nữ, với 89 người thuộc đảng Dân chủ và 13 người là thuộc đảng Cộng hoà.

Bà Nancy Pelosi đã từng là chủ tịch quốc hội trước đây và giữ chức vụ này từ 2007 cho tới Tháng 1, 2011, và cho đến nay vẫn là phụ nữ duy nhất nắm giữ chức vụ cao nhất ở quốc hội.

quoc-hoi-khoa-116a

Chủ tịch quốc hội Nancy Pelosi – nguồn GettyImages

Sự trở lại trong vai trò chủ tịch quốc hội lần này của người phụ nữ 78 tuổi dường như đã gặp nhiều thách đố và đã cam kết chỉ làm thêm bốn năm nữa rồi rút lui. Bà Pelosi bắt buộc phải làm vậy để dập tắt cuộc nổi loạn của một số phần tử của đảng Dân chủ tại hạ viện đang lớn tiếng đòi cần phải bầu lên một thế hệ lãnh đạo mới.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Bà đã thành công, và nay cần phải vận dụng tất cả năng khiếu và kinh nghiệm chính trị để có thể điều hành được 235 dân biểu của đảng Dân chủ làm việc sao cho có hiệu quả sau khi chiếm lại đa số tại hạ viện của quốc hội mới.

Bà Nancy Pelosi là một nhân vật khá đặc biệt, sinh trưởng trong một gia đình làm chính trị. Cha bà, Thomas D’Alesandro Jr., cũng từng là dân biểu quốc hội. Lúc bà mới bảy tuổi, ông D’Alesandro được bầu làm thị trưởng Baltimore.

Từ ông, bà học được kinh nghiệm làm thế nào để thu hút phiếu của cử tri.

Trong cuốn hồi ký, bà kể lại ngày bầu cử khi cha bà lần đầu tranh cử thị trưởng. Ngay từ sáng sớm hôm đó, ông đã leo lên trên nóc của căn nhà ba tầng nằm trong khu Little Italy. Ông dắt theo cậu con trai Tommy – người mà sau này cũng theo gót cha làm thị trưởng. Cả hai cùng theo dõi trong khi các nhân viên trong ban tranh cử từ khắp ngả đường kéo về tụ tập tại văn phòng trung ương, sau đó lại túa ra khắp hướng, đi gõ cửa từng nhà và kêu gọi người dân đi bầu.

Cô thiếu nữ Nancy cũng dần dà trở thành một người biết kiên nhẫn ngồi lắng nghe ý kiến và ước vọng từ những cử tri của cha bà, nên thường ngồi làm việc ở ngay chiếc bàn đặt cạnh lối đi sát cửa chính nơi người dân đến khi cần nhờ giúp đỡ. Bà Pelosi nhớ lại và cho đó là một đức tính tự nhiên trong con người bà. Là một tín đồ Công giáo thuần thành, bà nghĩ rằng đức tính đó rất cần thiết cho bất cứ ai làm công việc phục vụ cộng đồng, và cũng là niềm tin tưởng bám rễ sâu xa trong ước muốn làm điều gì đó cho xã hội được tốt đẹp.

Không giống nhiều nữ ứng cử viên khác đôi lúc tránh nhắc và làm nổi bật khía cạnh giới tính và bổn phận làm mẹ trong những cuộc tranh cử, bà Pelosi công khai ca ngợi cái thiên chức làm mẹ và làm bà của bà. Bà xem vai trò đó trong hoạt động chính trị là phần nối dài của vai trò là một người mẹ.

quoc-hoi-khoa-116

Một số thành viên chụp hình lưu niệm bên ngoài toà nhà quốc hội – nguồn GettyImages

Có thể nói trong hơn ba thập niên làm việc ở quốc hội, bà Nancy Pelosi đã được chứng kiến rất nhiều những thay đổi. Một điều rõ ràng là quốc hội khoá 116 rất khác so với quốc hội của 8 năm trước khi bà lần đầu được bầu làm chủ tịch quốc hội. Ðây là quốc hội đa dạng nhất và có con số phụ nữ và người da màu đông nhất, đồng thời còn có con số các vị tân cử đông nhất chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong chính quyền.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Khi bà Pelosi lần đầu bước vào quốc hội năm 1987, bà là một trong số 23 phụ nữ ở hạ viện. Nay, con số đó là 102, kể cả 40 thành viên tân cử.

Bà sẽ phải làm gì để dẫn dắt những thành viên mới này có thể làm việc sát cánh với những thành viên kinh nghiệm để mang lại kết quả thực sự trong một quốc hội nay được phân chia quyền lực giữa hai đảng?

Trong hiến pháp Hoa Kỳ, quốc hội được chỉ định là một trong ba nhánh của chính phủ theo thể chế tam quyền phân lập (Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp) với quyền lực ngang nhau. Trên thực tế, công việc của quốc hội (lập pháp) thường nghiêng về những chính sách đối nội, trong khi hành pháp (tổng thống) nặng về đối ngoại.

Công việc trước mắt của quốc hội khoá 116 là phải đưa ra một ngân sách mới để mở cửa lại một số cơ quan chính quyền hiện đang ngưng hoạt động đã sang tuần lễ thứ ba. Muốn đạt được điều này, phía quốc hội, đặc biệt là hạ viện nay do đảng Dân chủ nắm đa số, bắt buộc phải thoả hiệp và chấp nhận một số yêu sách từ phía hành pháp. Không giải quyết được vấn đề ngân sách trong thời gian sớm nhất cũng có nghĩa đây là thất bại đầu tiên và tự đánh mất niềm tin mà cử tri đã trao cho họ trong cuộc bầu cử cuối năm vừa qua.

VH