Quốc gia Hồi giáo Iran đang bị rung chuyển bởi nhiều đợt biểu tình trong suốt mấy tuần qua với những đòi hỏi căn bản về quyền tự do và cuộc sống của phụ nữ cần được cải thiện. Người biểu tình trên khắp nước đã đổ xuống đường lên án chế độ độc tài đang cầm quyền, và chế độ đó đã phản ứng lại bằng các cuộc đàn áp tàn bạo như vẫn thường thấy xảy ra trước đây. Kể từ khi phong trào biểu tình bắt đầu nổ ra vào ngày 17 tháng 9, cảnh sát đã gây thiệt mạng cho hàng trăm người biểu tình và bắt giam nhiều ngàn người khác.

Phụ nữ Iran trên tuyến đầu – AP  

Nguyên nhân biểu tình

Nguyên do gây ra các cuộc biểu tình chống chế độ lớn nhất trong vòng ba năm nay là cái chết của cô Mahsa Amini, một phụ nữ 22 tuổi gốc người Kurd, vào ngày 16 tháng 9. Ba ngày trước đó, cô đã bị cảnh sát đạo đức bắt giữ tại Tehran vì đã không đeo khăn đội đầu đúng theo luật. Cảnh sát nói rằng cô bị chết là do đột ngột có vấn đề về tim. Nhưng các nhân chứng kể lại cho biết họ thấy cô bị cảnh sát đánh đập dã man, và riêng gia đình cô thì nhận thấy có nhiều vết bầm tím còn in hằn trên thân thể lạnh cứng của cô.

Kể từ khi tin tức về cái chết của cô Amini được loan đi, các cuộc biểu tình đã lan ra trên khắp nước và trở thành một trong những thử thách nghiêm trọng nhất đối với các giáo sĩ đang cai trị Iran. Các phụ nữ trẻ từ mọi ngõ ngách trong xã hội Iran đã tham gia và thường đi trên tuyến đầu trong các cuộc biểu tình.

Họ chấp nhận nhiều rủi ro để nói lên sự tức giận bị dồn nén của họ trước các luật lệ nghiêm khắc bắt họ phải đội khăn trùm đầu nơi công cộng và nhiều hạn chế khác áp đặt lên họ dưới danh nghĩa của đạo Hồi. Vai trò nổi bật của họ trên các đường phố có nghĩa là sức mạnh của phong trào biểu tình có tồn tại được hay không chủ yếu là dựa vào ý chí của phụ nữ có sẵn sàng chịu đựng một cuộc đàn áp ngày càng gia tăng của một chính quyền dường như luôn coi thường mạng sống của người dân và quyết tâm đè bẹp bất cứ một mầm mống chống đối nào.

Phụ nữ đốt khăn che đầu chống lại luật hijab – Reuters

Phụ nữ tham gia đông đảo

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Một số phụ nữ tham gia biểu tình ở Tehran khi được các nhà báo phương Tây phỏng vấn đã mô tả chính bản thân họ quá chán chường với cuộc sống bị đè nén dưới hệ thống thần quyền của nhà nước Iran, đặc biệt là với luật bắt buộc đội khăn trùm đầu, được gọi là hijab, và các hành vi quấy nhiễu và hống hách áp đặt lên họ bởi các thành viên của tổ chức cảnh sát đạo đức, là những người được giao trách nhiệm thực thi các luật lệ nghiêm khắc kia.

Các giới chức Iran đổ lỗi cho phong trào biểu tình là do sự can thiệp của ngoại quốc và cho đến nay vẫn chưa công khai nói gì về vai trò của phụ nữ trong các cuộc biểu tình, hoặc về việc bãi bỏ luật hijab hay các yêu cầu khác từ người biểu tình.

Một trong những người tham gia biểu tình từ ngay đêm đầu tiên 19 tháng 9 là một phụ nữ độc thân 31 tuổi, làm việc trong ngành y tế, vì tức giận trước những chênh lệch quá lớn trong cuộc sống thường ngày ở Iran, đặc biệt là đối với phụ nữ. Cô cũng đã từng tham gia biểu tình năm 2019 khi giá xăng dầu tăng cao, nhưng lần biểu tình này cô tin là rất khác trước. Lần này nghiêm trọng hơn bởi vì cô không nhìn thấy bất kỳ tương lai nào cho phụ nữ. Lần này không chỉ là về chiếc khăn đội đầu mà còn về toàn bộ cuộc sống mà chế độ đã xây rào bao bọc lấy họ.

Cô tham gia biểu tình một cách thận trọng. Một mình đi bộ từ khu xóm cô ở tới trung tâm Tehran, chỉ cởi bỏ chiếc khăn đội đầu khi chung quanh là những người biểu tình khác. Cô đứng ở phía sau của đám đông, bỏ chạy khi cảnh sát tiến lên. Cô ngủ tại nhà người bà con trong đêm biểu tình đầu tiên thay vì có thể bị bắt khi trên đường về nhà. Cô trở lại thêm nhiều đêm sau đó, và ít tuần trước đã tham gia một cuộc biểu tình tại thành phố Rasht, nơi cô viếng thăm gia đình người bà con.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Tuy nhiên, cô cho biết cô đã ngưng đi biểu tình khi cuộc đàn áp gia tăng, lo sợ rằng nếu cô bị bắt cô có thể bị mất việc.

Là người tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm, cô giúp cha mẹ già của cô trả tiền thuê nhà và mua thực phẩm. Cô nói rằng những người có thế lực thuộc khu vực giàu có phía bắc Tehran có thể vẫn sống sung túc không hề bị ảnh hưởng mặc dù lạm phát tăng vọt và các lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran đã khiến gia đình cô phải vật lộn để tồn tại.

Cha cô, một công nhân nhà máy đã nghỉ hưu, và mẹ cô, một cựu giáo chức, là những người từng ủng hộ cho cuộc cách mạng 1979 đã đưa những giáo sĩ cai trị Iran lên cầm quyền. Nay cha mẹ cô xin lỗi cô vì cái xã hội mà cuộc cách mạng đó đã sản sinh ra và lo lắng cho tương lai của cô, thúc giục cô di cư đi nước khác nếu có thể được.

Cô không nói cho họ biết về việc cô tham gia biểu tình trên đường phố vì biết rằng điều đó sẽ khiến họ lo sợ cho sự an toàn của cô.

Biểu tình tại trung tâm thủ đô Tehran – AP

Một làn gió mới

Azadeh Moaveni, một tác giả người Mỹ gốc Iran và là giáo sư tại Ðại học New York, đã có mặt tại Tehran khi các cuộc biểu tình bắt đầu, cho biết bà đã chứng kiến phụ nữ ở đủ mọi lứa tuổi trong một số khu xóm không mang khăn đội đầu, có những nữ sinh bình thản ngồi ở yên sau những chiếc xe máy hai bánh và nhiều phụ nữ trung niên tự đi mua sắm một mình.

Những hình ảnh nói trên chỉ mấy tuần trước đây là điều không thể xảy ra, nhưng không rõ liệu phong trào biểu tình có thể đưa đến những thay đổi sâu rộng từ một chính quyền bảo thủ muốn bảo vệ luật hijab như là trụ cột cơ bản trong chính sách cai trị của họ hay không. Có điều rõ ràng là xã hội Iran không thể quay trở lại con đường cũ như trước kia nữa.

Xem thêm:   Ham & hố

Ngày nào các giáo sĩ Hồi giáo còn nắm quyền thì ngày ấy các cuộc biểu tình do phụ nữ lãnh đạo sẽ còn xảy ra. Nhiều tháng sau khi cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 kết thúc, kế hoạch của chính quyền mới là buộc phụ nữ phải mang tấm khăn hijab trên đầu ở những nơi công cộng và nhiều luật lệ hạn chế khác dưới danh nghĩa đạo Hồi đã khiến hàng trăm phụ nữ đổ xuống các đường phố ở Tehran trong cơn giận giữ. Nhưng rồi luật hijab cuối cùng đã được ban hành vào năm 1983.

Kể từ đó, phụ nữ Iran vẫn tiếp tục vận động chống lại luật bắt buộc mang khăn hijab và các hạn chế khác, chẳng hạn như luật cấm phụ nữ tham dự các sự kiện thể thao. Nhưng những thành quả họ đạt được tương đối giới hạn và mang tính tạm thời, có chút tiến triển khi những người có khuynh hướng cải cách và ôn hòa nắm giữ chức tổng thống của Iran, và chút tiến triển đó biến mất khi những người bảo thủ lên nắm quyền,

Thí dụ, dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami theo khuynh hướng cải cách, nắm quyền từ năm 1997 đến 2005, cảnh sát đạo đức bị kiểm soát chặt chẽ hơn, phụ nữ được tự do ăn mặc theo cách họ chọn ở nơi công cộng. Kể từ khi Ebrahim Raisi theo khuynh hướng bảo thủ được bầu làm tổng thống năm 2021, việc thực thi các luật cấm trở nên nghiêm ngặt hơn.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình mới đây nhất có nhiều khả năng đưa tới những thay đổi lâu dài hơn trong luật hijab và những nhượng bộ khác từ chính quền, vì có sự tham gia đông đảo của phụ nữ so với những lần trước.

Chỉ phụ nữ không thôi thì chưa thể phá huỷ được hệ thống cai trị hiện hành. Nhưng ở bất cứ nơi đâu có bất kỳ cuộc tụ tập nào, nếu đàn ông luôn sát cánh cùng với phụ nữ thì trong trường hợp như vậy xã hội có thể thay đổi được hệ thống cai trị.

Biểu tình bị đàn áp nhưng vẫn chưa chịu lùi bước – AP

VH