Trung Quốc đã chi tổng cộng khoảng một ngàn tỷ Mỹ kim để mở rộng ảnh hưởng của họ trên khắp Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh thông qua chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở Nhất đới Nhất lộ (Một vành đai, Một con đường). Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, chương trình đã gặp nhiều trục trặc từ ngay những ngày đầu và nay Bắc Kinh đang cho tiến hành một cuộc đại tu bổ đối với dự án đầy tham vọng này.

Nhất lộ hay tuyệt lộ – nguồn New York Times 

Nhất đới Nhất lộ và những thất bại

Tình trạng kinh tế toàn cầu bị chậm lại, cộng với lãi suất tăng và lạm phát cao hơn khiến cho nhiều quốc gia gặp khó khăn trong việc trả nợ cho Trung Quốc. Các khoản vay hàng nhiều chục tỷ Mỹ kim nay đã cạn sạch, và nhiều dự án phát triển bị đình trệ và đang bị bỏ dở dang. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hoạt động cho vay của Trung Quốc, mà một số không ít nói trên thậm chí còn gán cho nó nhãn hiệu là “ngoại giao bẫy nợ”, khiến cho Bắc Kinh cảm thấy rất bực tức. Nhiều kinh tế gia và nhà đầu tư nói rằng các chính sách cho vay của Trung Quốc đã góp phần đưa tới tình trạng khủng hoảng nợ ở một số nơi như Sri Lanka và Zambia.

Sau gần một thập niên hối thúc các ngân hàng Trung Quốc mở hầu bao với các khoản cho vay nợ dễ dàng, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc hiện đang thảo luận về một chương trình thận trọng hơn, có tên gọi là Nhất đới Nhất lộ phiên bản 2.00 được nhắc tới trong các cuộc thảo luận nội bộ, mà qua đó sẽ đánh giá kỹ lưỡng hơn các dự án mới khi cấp vốn. Trung Quốc cũng nhận ra điều thực tế là họ phải chấp nhận một số khoản lỗ đối với các hợp đồng cho vay trước đây và thương lượng lại một số món nợ, điều mà trước đây họ không muốn làm.

Tập Cận Bình đã từng gọi sáng kiến Nhất đới Nhất lộ là “dự án thế kỷ,” nhưng nỗ lực tu sửa nói trên đã để lộ ra những giới hạn đối với tầm nhìn tương lai của ông ta trong tham vọng nhằm định hình lại trật tự toàn cầu. Theo bản tin của cơ quan truyền thông nhà nước, tại một cuộc họp hồi tháng 11 năm ngoái với các giới chức chóp bu của Trung Nam Hải, Tập lưu ý rằng hoàn cảnh quốc tế đối với dự án Nhất đới Nhất lộ đang trở nên “ngày càng phức tạp,” và nhấn mạnh đến sự cần thiết để tăng cường kiểm soát rủi ro và mở rộng hợp tác.

Một cuộc biểu tình chống dự án Nhất đới Nhất lộ tại hải cảng Hambantota, Sri Lanka – nguồn RFA

Đại tu bổ vành đai và con đường

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Các ngân hàng Trung Quốc trong thời gian qua đã giảm mạnh việc cho vay đối với các dự án mới ở các nước có thu nhập thấp trong khi họ cũng đang tập trung vào việc thu xếp dọn dẹp các khoản cho vay xấu hiện có. Nỗ lực này có mang lại kết quả hay không thì chúng ta còn phải chờ.

Theo một số kinh tế gia, gần 60% các khoản cho nước ngoài vay mượn của Trung Quốc hiện do các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính nắm giữ, so với 5% vào năm 2010.

Nguồn gốc của dự án Nhất đới Nhất lộ đã được bắt đầu thực hiện từ hơn một thập niên trước khi Trung Quốc nhìn thấy cơ hội cho các tổ chức tài chính nhà nước của họ mở rộng phạm vi hoạt động và thu thêm lợi nhuận từ những nguồn trữ kim mà họ đang nắm giữ thông qua các khoản đầu tư ra ngoại quốc.

Chỉ Trung quốc là có lợi

Các giới chức có thẩm quyền đã đốc thúc các ngân hàng cho vay hãy tài trợ cho các dự án như hầm mỏ và đường sắt để cho phép các quốc gia đang phát triển với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú có thể cung cấp tốt hơn cho thị trường Trung Quốc, và bên cạnh đó là tạo công ăn việc làm cho các nhà thầu của Trung Quốc.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã khuếch đại những nỗ lực trên và thúc đẩy dự án như một phần trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và xây dựng thị trường cho hàng hóa Trung Quốc.

Xem thêm:   Chó...

Năm 2015, khi thị trường chứng khoán sụp đổ ở Trung Quốc khiến nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh, chính quyền Bắc Kinh đã lợi dụng sáng kiến Nhất đới Nhất lộ để xuất cảng các sản phẩm bị sản xuất dư thừa ở trong nước, như thép và các mặt hàng may dệt. Ngân hàng Xuất Nhập cảng Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc thường yêu cầu các quốc gia vay nợ của họ phải lấy nguồn nguyên liệu từ các nhà cung cấp Trung Quốc.

Nhất đới Nhất lộ biến thành cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực Trung Á và Pakistan – nguồn Reuters

Giữa cho vay và viện trợ

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trong vòng một thập niên, Trung Quốc đã chi ra khoảng $1 ngàn tỷ trong các khoản cho vay và một số quỹ tài chính khác cho các dự án phát triển cho gần 150 quốc gia, như Ecuador và Angola, và lần đầu tiên, Trung Quốc chính thức trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới.

Theo AidData, nhóm nghiên cứu của Ðại học William & Mary, trong khi Hoa Kỳ tài trợ gần như tất cả các dự án phát triển ở ngoại quốc bằng viện trợ, Trung Quốc hoạt động giống như một chủ ngân hàng hơn. Kết quả phân tích của AidData cho thấy cứ mỗi Mỹ kim viện trợ cho các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, Trung Quốc lại cung cấp $9 tiền nợ. Ðiều gần như ngược lại với Hoa Kỳ: Cứ mỗi Mỹ kim tiền nợ cung cấp cho các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, Hoa Kỳ cung cấp ít nhất $9 tiền viện trợ.

Với chính sách cho vay nợ nói trên, Trung Quốc đã từng bị Washington và nhiều chính phủ khác tố cáo là đã cố tình đổ chồng chất bằng những món nợ vượt quá khả năng của nhiều quốc gia, một cáo buộc Bắc Kinh vẫn thường phủ nhận.

Ðược thúc đẩy bởi sự khuyến khích của chính quyền trung ương, các ngân hàng Trung Quốc đã ký kết với nhiều quốc gia những khoản vay mượn mà thấy rõ trước mắt là họ ít có khả năng trả lại những món nợ đó. Sri Lanka là một thí dụ, với dự án xây dựng bến cảng được sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc đã không tạo đủ lưu lượng tàu bè cập bến để có thể trả lại nợ. Pakistan là thí dụ thứ hai, đã bị trễ hẹn trong việc thanh toán tiền điện từ các dự án nhà máy phát điện mới của Trung Quốc, dẫn đến tình trạng quốc gia này bị lâm vào tình trạng khủng hoảng thiếu điện trong thời gian vừa qua.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Con nợ và chủ nợ đều chết đuối

Khi nhận thấy các khoản vay xấu bắt đầu có vấn đề, các chủ nợ Trung Quốc tìm cách kéo dài ngày đáo hạn những khoản vay cũ và chuyển giao thêm những khoản vay mới để giữ cho các quốc gia mượn nợ có thể cầm cự. Chính sách vá víu đó không những không giải quyết được vấn đề cốt lõi mà còn khiến cho những món nợ xấu chồng chất thêm. Do đó, nay Trung Quốc bắt buộc phải thực hiện một cuộc đại tu bổ lại dự án Nhất đới Nhất lộ và chính sách cho vay nợ của họ.

Hoàn toàn rút lui khỏi dự án Nhất đới Nhất lộ là điều khó có thể xảy ra. Tập Cận Bình được dự kiến là sẽ tiếp tục nắm giữ quyền hành thêm một nhiệm kỳ thứ ba tại hội nghị đảng cộng sản vào trung tuần tháng 10 này, và ông ta vẫn tin tưởng rằng dự án đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy vị trí của Trung Quốc lên cao hơn nữa trên trường quốc tế.

Với tất cả những khó khăn và thất bại nói trên, dự án Nhất đới Nhất lộ đạt được một thành công trong việc lôi kéo thêm nhiều quốc gia vào trong quỹ đạo của Bắc Kinh trong suốt một thập niên qua, với nhiều quốc gia mượn nợ đã bỏ phiếu cùng với Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc trong nhiều vấn đề liên quan tới quốc tế. Tuy nhiên, cái túi nợ mà họ mở ra từ hơn mười năm qua đang ngày càng nặng hơn và tới một lúc nào đó có thể bị thủng đáy. Với tình trạng kinh tế đang phát triển ở mức thấp nhất trong vòng ba thập niên cùng với cuộc khủng hoảng nhà đất vẫn chưa được giải quyết, dự án Nhất đới Nhất lộ có thể biến thành tuyệt lộ cho chính quyền Bắc Kinh.

Nhất đới Nhất lộ không chỉ là bẫy nợ mà còn gây nhiều thiệt hại cho môi trường – nguồn NDTV.com

VH