Cuộc họp thượng đỉnh tại Singapore ngày 12 Tháng 6 tới đây đang được cả thế giới hồi hộp chờ đợi và theo dõi, đã bị hoãn lại vô thời hạn qua một lá thư dài đúng 260 chữ của Tổng thống Hoa Kỳ gửi tới lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un, với lời lẽ vừa nhã nhặn vừa đe doạ đúng như phong cách của một Donald Trump.

la-thu-260-chu1

Lá thư do Ngoại trưởng Mike Pompeo đọc trước cuộc điều trần tại thượng viện hôm Thứ Năm 24 Tháng 5, trong đó có đoạn như sau:

“Thật đáng buồn, vì sự giận dữ quá mức và thù nghịch công khai thể hiện trong tuyên bố gần đây của ngài, tôi cảm thấy rằng lúc này đây không phù hợp để có cuộc gặp đã mất nhiều thời gian hoạch định. Do đó, vì lợi ích của hai quốc gia, nhưng lại là thiệt hại cho thế giới, xin coi lá thư này như lời thông báo rằng hội nghị thượng đỉnh Singapore sẽ không diễn ra. Ngài nói về khả năng nguyên tử của nước ngài, nhưng khả năng của chúng tôi cũng thực sự lớn và mạnh tới mức tôi cầu xin Thượng đế rằng chúng sẽ không bao giờ được sử dụng.

…..

Nếu ngài đổi ý về cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng nhất này, xin đừng chần chừ gọi điện thoại hoặc viết thư cho tôi. Thế giới, và đặc biệt là Bắc Hàn, đã mất đi một cơ hội to lớn cho nền hòa bình lâu dài và sự sung túc thịnh vượng cao cả. Cơ hội bị bỏ lỡ này là một thời khắc hết sức đáng buồn trong lịch sử.”

Sau khi lá thư được gửi đi và tiếp theo đó là một cơn bão ngoại giao với rất nhiều phản ứng khác nhau ở khắp mọi nơi. Nhưng nhận định chung thì quyết định rút ra khỏi thượng đỉnh là một bất ngờ, là vì Tổng thống Trump dường như đã đầu tư khá nhiều vào cuộc họp này, ngay từ phút đầu tiên khi ông sắp xếp một cuộc họp báo mang nhiều kịch tính để các giới chức Nam Hàn trong chuyến viếng thăm Toà Bạch Ốc đưa ra lời thông báo thay vì từ chính miệng Tổng thống. Và thật sự ông Trump cũng đã từng nhiều lần nhắc rằng có thể cuộc họp sẽ là một thất bại. Nhưng cũng chính ông đã cố ý nâng nó lên thành một sự kiện lớn và quan trọng, và không quên nhắc nhở cho mọi người biết là các vị tiền nhiệm của ông đã không thể làm được. Gần đây nhất là vào ngày 10 Tháng 5, khi đưa ra thông báo cuộc họp sẽ diễn ra tại Singapore, ông Trump đã ‘tuýt’: “Cả hai chúng tôi sẽ cố gắng biến cuộc họp thành một thời khắc đặc biệt cho nền hoà bình thế giới.”

la-thu-260-chu

Dân Nam Hàn theo dõi sự chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim – nguồn AP

Tuy nhiên, cuộc họp thượng đỉnh chưa thành hình thì đã sụp đổ, phần nào cũng đã được tiên đoán trước, là vì tất cả mọi sự việc diễn ra quá nhanh. Các cuộc họp thượng đỉnh giữa các lãnh tụ trên thế giới thường là những sự kiện được chuẩn bị thật cặn kẽ, với nghị trình làm việc và tất cả mọi sự việc liên quan được các bên phối hợp và sắp xếp cho đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Trong trường hợp của cuộc họp thượng đỉnh này, ông Trump đã vội vã nhận lời đề nghị của Bắc Hàn, và sau đó đã đồng ý một cuộc gặp mặt đối mặt chỉ trong ít tuần. Nhưng dần dà sự việc trở nên rõ ràng hơn, trong tiến trình chuẩn bị cho cuộc họp thì ý nghĩa của việc “giải trừ nguyên tử” Bắc Hàn đã được Washington và Bình Nhưỡng hiểu một cách đầy sai biệt, và viễn ảnh của cuộc họp thượng đỉnh bắt đầu ngày một xấu đi.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Ðối với Hoa Kỳ, “giải trừ nguyên tử” có nghĩa là Bắc Hàn phải tháo gỡ các vũ khí nguyên tử và hủy bỏ toàn bộ chương trình nghiên cứu và chế tạo nguyên tử của họ, cho phép các thanh tra quốc tế giám sát từng bước tiến trình này, trước khi bất cứ cuộc thương thuyết nào về việc hủy bỏ cấm vận được khởi sự.

Ðối với Bắc Hàn, “giải trừ nguyên tử” có nghĩa là một tiến trình diễn ra từng bước tương ứng giữa hai bên. Nếu Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ vũ khí nguyên tử của họ thì đổi lại họ muốn nhìn thấy cử chỉ thiện chí từ Washington.

Sự hiện diện khá đông binh lính Hoa Kỳ ở Nam Hàn và Nhật Bản cũng là điều mà phía Bắc Hàn muốn được giảm thiểu trong một tương lai gần, đồng thời họ cũng đòi hỏi phía Hoa Kỳ phải bảo đảm cho sự tồn tại của họ như một quốc gia.

Từ nhiều năm qua, chế độ của nhà họ Kim ở Bình Nhưỡng vẫn muốn được thế giới công nhận Bắc Hàn như một cường quốc nguyên tử ngang hàng với Nga và Mỹ. Và nay họ đã nắm trong tay được kỹ thuật nguyên tử ấy và một dàn hỏa tiễn đạn đạo có trang bị nguyên tử thì hẳn nhiên là họ cũng muốn điều thực tế ấy được phản ảnh trong những cuộc thương thuyết.

Tuy nhiên, các giới chức cao cấp của Hoa Kỳ lại cứ nhắc đến một thí dụ về việc giải trừ nguyên tử mà phía Bắc Hàn ít muốn nghe tới nhất – đó là trường hợp Libya.

la-thu-260-chu3

Singapore được chọn tổ chức cuộc họp thượng đỉnh 12 Tháng 6 – nguồn Reuters

Năm 2003, cựu lãnh tụ Libya là Ðại tá Muammar al-Gaddafi đã đồng ý từ bỏ chương trình thử nghiệm nguyên tử lúc đó còn khá sơ sài chứ chưa được tinh vi như của Bắc Hàn hiện nay. Ðể đổi lại, Hoa Kỳ và quốc tế chấp nhận tháo gỡ lệnh cấm vận và hứa hẹn nhiều quyền lợi khác nữa cho Libya. Nhưng kết cuộc là Qaddafi đã bị lực lượng nổi dậy được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ lôi ra từ một ống cống trong khi đang lẩn trốn và sau đó bị bắn chết trong lúc xảy ra biến cố Mùa xuân Ả Rập vào năm 2011.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Mô hình Libya đã được Cố vấn An Ninh Quốc gia John Bolton nhắc tới trước hết, và mặc dù có phản ứng giận dữ từ phía Bắc Hàn, thì tiếp sau đó Phó Tổng thống Mike Pence nhắc lại trên truyền hình thêm một lần nữa.

Ðể phản đối lại ý kiến của ông Pence, Bắc Hàn đã gọi phó tổng thống là “đần” và những nhận xét của ông là “ngốc nghếch”, và đe doạ một cuộc đối đầu nguyên tử thay vì là thương thuyết. Có một điều quan trọng cần được nhắc đến ở đây là những lời lẽ đầy đe doạ từ phía Bắc Hàn chỉ được đưa ra từ sau cuộc gặp mặt lần thứ nhì giữa Kim Jong-Un và lãnh tụ Tập Cận Bình của Trung Quốc vào ngày 8 Tháng 5.

Và để phản ứng lại lời đe doạ đó, Hoa Kỳ hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh.

Chỉ chưa đầy 48 tiếng đồng hồ sau, một cuộc họp kín giữa Tổng thống Moon Jae-In của Nam Hàn và Kim Jong-Un diễn ra vào hôm Thứ Bảy cũng ngay tại địa điểm Bàn Môn Ðiếm trong khu vực phi quân sự mà cuộc họp thượng đỉnh lần trước giữa hai bên được tổ chức vào ngày 27 Tháng 4 vừa rồi. Theo phát ngôn viên Yoon Young-Chan của Nam Hàn, hai nhà lãnh đạo đã bàn tới việc thực hiện những thoả thuận từ cuộc họp trước và đồng thời tìm cách cứu vãn để cuộc họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn không bị đổ vỡ.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Kể từ hôm Thứ Sáu, cả hai phía Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã có những lời lẽ kiềm chế và hoà hoãn hơn, và do đó nhiều người hy vọng một cuộc họp thượng đỉnh vẫn sẽ diễn ra, có thể là vào cuối năm.

la-thu-260-chu2

Kim và Tập gặp nhau lần thứ nhì tại thành phố Đại Liên có thể là một phần nguyên do đưa đến sự sụp đổ của cuộc họp thượng đỉnh – nguồn Reuters

Theo nhận định của nhà báo Choe Sang-Hun trên tờ New York Times, thực ra phía Bắc Hàn cũng rất cần cuộc họp thượng đỉnh này vì kể từ khi lên nắm quyền, Kim Jong-Un rất muốn vực dậy nền kinh tế èo uột của quốc gia.

Theo các cơ quan cứu trợ Liên Hiệp Quốc, Bình Nhưỡng đã có đôi chút khởi sắc hơn trước, nhưng bên ngoài thủ đô thì đời sống vẫn khó khăn và tình trạng thiếu dinh dưỡng lan tràn nơi trẻ em và những bà mẹ đang nuôi con thơ.

Kể từ khi chính quyền Donald Trump tạo thêm áp lực lên cuộc phong tỏa kinh tế, những sản phẩm xuất cảng chính của Bắc Hàn như than, sắt, hải sản và vải có thể đã bị cắt giảm tới 90 phần trăm.

Nước nhập cảng chính của Bắc Hàn là Trung Quốc, chiếm tới hơn 90 phần trăm nền thương mại quốc tế của Bắc Hàn, chỉ trong năm ngoái số lượng hàng hoá xuất cảng sang Trung Quốc sụt giảm một phần ba xuống chỉ còn $1.65 tỷ, và trong mấy tháng qua đã giảm sút tới 95 phần trăm. Lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc cũng cắt giảm lượng nhập cảng xăng dầu của Bắc Hàn tới 90 phần trăm làm cho giá xăng tăng gấp đôi.

Chưa có dấu hiệu của nạn đói hoành hành, nhưng các chuyên gia đã đưa ra lời cảnh báo rằng nền kinh tế của Bắc Hàn có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu Kim Jong-Un không tìm được giải pháp để nới lỏng cấm vận. Mà điều này chỉ có thể xảy ra sau khi Trump và Kim gặp nhau.

VH