Sau nhiều tuần lễ do dự, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cuối cùng đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch vào hôm Thứ Tư 11/3 sau khi vi khuẩn corona đã lây lan tới 123 quốc gia và khu vực trên thế giới. Theo Đại học Johns Hopkins, cho đến cuối tuần qua, tổng số người nhiễm bệnh trên thế giới đã vượt quá 160,000, và số người chết cũng lên tới hơn 6,500 người.

Hoảng hốt vì đại dịch – nguồn New York Post  

Riêng tại Hoa Kỳ, con số trường hợp nhiễm bệnh cho đến cuối tuần qua được xác nhận là hơn 3,500 người và có ít nhất 63 người thiệt mạng. Ðặc biệt là số trường hợp nhiễm bệnh mới tăng nhanh mỗi ngày và điều này đã buộc Tổng thống Trump hôm Thứ Sáu đã phải ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Với quyết định này, chính quyền liên bang sẽ được phép trích từ Quỹ Cứu trợ Thiên tai khoảng $50 tỷ để tài trợ cho các tiểu bang, thành phố và lãnh thổ trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan. Tổng thống Trump cũng kêu gọi mọi tiểu bang ngay lập tức hãy thành lập các trung tâm điều hành và mọi bệnh viện trong nước bắt đầu triển khai các kế hoạch chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp y tế.

Các nhà đầu tư của thị trường tài chánh đã hưởng ứng khá tích cực sau lời tuyên bố và nhờ vậy cổ phiếu Dow Jones đã tăng hơn 9% (gần 2,000 điểm) trong cùng ngày, gỡ lại hầu hết những thua lỗ sau khi thị trường cổ phiếu sụt giá 10% trong ngày Thứ Năm trước đó. Ðiều này cho thấy triển vọng kinh tế của Hoa Kỳ trong thời gian ngắn hạn có liên quan mật thiết với tiến trình ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn.

Mối đe dọa của vi khuẩn corona lây lan đã làm xáo trộn các sinh hoạt thường ngày của người dân Mỹ, trong khi nhiều trường học đóng cửa, nhiều nhân viên của các công ty nằm trong những khu vực dịch bệnh lây lan mạnh đã bị buộc phải làm việc ở nhà, nhiều sự kiện lớn và quan trọng được dự tính tổ chức từ lâu và nay đã phải hủy bỏ, và nhiều nơi, đặc biệt là tại những thành phố lớn, đã có lệnh cấm tụ tập đông người.

Xem thêm:   Biden & Trump

Thành phố Boston đã cho hoãn lại cuộc đua việt dã nổi tiếng, một sự kiện thể thao diễn ra hàng năm kể từ 1897, cho tới mùa Thu. Giải The Masters của bộ môn golf cũng đã được dời lại ngày. Trong khi công ty đầu tư Berkshire Hathaway cho biết hội nghị thường niên của họ sẽ vẫn diễn ra nhưng qua trực tuyến. Tiểu bang Louisiana đã quyết định dời ngày bầu cử sơ bộ của họ cho tới Tháng 6. Khu học chánh Los Angeles, lớn hàng thứ nhì nước Mỹ, tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học của họ – gia nhập vào danh sách các trường học đóng cửa của ít nhất 11 tiểu bang và nhiều chục thành phố khác.

Trên khắp nước Mỹ, những hàng người rồng rắn bên ngoài các cửa tiệm bán thực phẩm và đồ dùng trong gia đình, trong khi người Mỹ lo sợ nay mai có thể các loại nhu yếu phẩm trên sẽ cạn hết và nhiều người đã lo mua hàng tích trữ, từ các loại thực phẩm khô và đóng hộp cho tới các loại thuốc tẩy rửa cho tới những cuộn giấy vệ sinh – gây ra tình trạng là các kệ hàng tại nhiều siêu thị bị trống trơn.

Các kệ hàng trống trơn – nguồn The Hill

Tại một cửa hàng Target ở San Francisco, loại giấy lau khử trùng đã không còn thấy trên các kệ hàng trong khu bán các sản phẩm về tẩy rửa từ hơn một tuần lễ trước. Dấu hiệu này cho thấy những mặt hàng như giấy khử trùng, thuốc rửa tay, giấy vệ sinh và nước đóng chai đã chỉ được bán giới hạn để tránh tình trạng nhiều người tìm mua để cất dự trữ.

Ðây là những dấu hiệu cho thấy người dân Mỹ đang trong cơn hoảng hốt, lý do là vì cho đến nay không ai biết rõ con vi khuẩn mới này sẽ lây lan tới những đâu và với tốc độ nhanh hay chậm. Chưa một chuyên gia nào có đủ tự tin để có thể đưa ra con số chính xác về tỷ lệ rủi ro của dịch bệnh, và người ta chỉ có thể biết được về sau này phản ứng của sự hoảng hốt hiện nay có thái quá hay không.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Trong khi nước Mỹ cũng như thế giới đang phải đối diện với trận đại dịch không biết kéo dài tới bao lâu, lời khuyên thích hợp và rõ ràng nhất là không nên quá hoảng hốt và hãy hành động một cách khôn ngoan. Nên tìm hiểu rõ hơn về sự rủi ro và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Sự phản ứng hoảng hốt trong trận đại dịch lần này thực ra không có gì lạ vì đó là tâm lý chung của đám đông và cũng đã từng xảy ra trong những biến cố trước đây. Như trận dịch cúm heo năm 2009 đã giết chết hàng trăm ngàn người, hầu hết là tại châu Phi và vùng Ðông Nam Á. Nhưng tại châu Âu, nơi mà sự đe doạ của cúm heo tương đối nhỏ, thì giới truyền thông đã cho loan tin và cập nhật con số người chết và trường hợp bị nghi ngờ nhiễm bệnh mỗi ngày làm gây thêm sự lo lắng. Tại Vương quốc Anh, chính phủ đưa ra dự đoán là có tới 65,000 công dân có thể bị chết vì dịch bệnh. Kết quả, con số người chết chưa tới 500.

Khi mọi con mắt đang đổ dồn vào con vi khuẩn còn quá mới này, người ta quên mất là cũng cần phải tự bảo vệ mình để tránh những căn bệnh gây chết người khác có khi còn nguy hiểm hơn, chẳng hạn bệnh cúm mùa, mà năm 2009 đã giết chết nhiều người hơn gấp bội so với bệnh cúm heo.

Nhà hàng cũng vắng vẻ – nguồn The New Yorker

Tương tự, mỗi năm có hàng triệu người, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển, chết vì những căn bệnh như sốt rét và lao phổi. Và riêng tại Hoa Kỳ, những căn bệnh nhiễm trùng cũng đã giết chết khoảng 99,000 bệnh nhân mỗi năm. Tuy nhiên, những con người xấu số này hầu như không nhận được sự chú ý nào.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao người ta lại tỏ ra quá sợ hãi về một căn bệnh có thể có ít khả năng gây chết người hơn là những căn bệnh khác?

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Câu trả lời là vì một sự rủi ro mặc dù nguy hiểm nhưng chưa định hình thường gây ra sự hoảng hốt và từ đó đưa tới tâm lý khiến người ta sợ hãi về những dịch bệnh nhất thời như cúm heo, cúm gia cầm trước đây, và nay là COVID-19. Tâm lý con người nói chung dễ bị kích động và hoảng hốt khi có một biến cố nào đó xảy ra mà ở đó có nhiều người chết trong một khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như tai nạn rớt máy bay hoặc dịch bệnh. Nhưng khi cũng ngần ấy người hay nhiều hơn nữa chết trong một thời gian kéo dài – như tại nạn xe cộ hoặc bệnh cúm mùa – thì lại không hề làm cho công chúng lo sợ để nhớ phải đeo dây thắt an toàn mỗi khi bước lên xe hay chích ngừa trước khi mùa lạnh đến.

Thêm một thí dụ nữa về sự hoảng hốt nhất thời. Sau biến cố khủng bố 11 Tháng 9 năm 2001, nhiều người Mỹ sợ đi máy bay và thay vào đó họ lái xe mỗi khi cần phải đi xa. Theo các dữ liệu tổng hợp về an toàn giao thông trong khoảng thời gian 12 tháng sau vụ tấn công khủng bố, đã có thêm 1,500 người thiệt mạng vì tai nạn xe cộ so với con số người chết trung bình trong những năm trước đó chỉ vì người ta tránh đi máy bay với lý do sợ rủi ro – là con số lớn hơn nhiều so với tổng số hành khách bị thiệt mạng trên bốn chuyến bay định mệnh kia.

Thế nên, hiểu rõ được mức độ rủi ro sẽ giúp người ta biết cách tiếp cận và đối phó với tình huống như vụ đại dịch COVID-19 với cái đầu tỉnh táo hơn. Biến cố vi khuẩn corona hiện nay sẽ không phải là trận dịch cuối cùng. Trong khi bước đầu tiên là phải có những biện pháp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, thì chính mỗi người cũng phải học cách sống với tình trạng bất định, thay vì để cho chính bản thân mình bị giam cầm trong sự hoang mang và lo lắng.

VH

Arlington, TX