Các cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông nay đã bước qua tuần lễ thứ tám, ngày càng gây khó chịu cho giới lãnh đạo Bắc Kinh và đang mở rộng ra thành một phong trào theo đuổi một loạt những bất bình về chính trị và xã hội, và các cuộc biểu tình gần đây – cùng lúc là nhiều vụ xung đột với cảnh sát – cũng ngày càng lan rộng đến nhiều khu vực khác của thành phố.

Người dân Hồng Kông đưa cuộc biểu tình đến phi trường quốc tế của thành phố hôm Thứ Sáu 26/7 – nguồn AP

Cuối tuần vừa qua, người dân Hồng Kông đã đưa cuộc biểu tình tới phi trường quốc tế. Hơn một ngàn người, hầu hết mặc đồ đen và đeo mặt nạ, đã ngồi hàng nhiều giờ vào hôm Thứ Sáu 26/7 tại sảnh đến của phi trường Hồng Kông, cùng hô vang những khẩu hiệu như “Tự do cho Hồng Kông,” “Hồng Kông không phải là Trung Quốc” và “Hỡi người dân Hồng Kông hãy tiếp tục.” Những người biểu tình đã phân phát một số truyền đơn cho hành khách bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau bao gồm tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Tây Ban Nha để giải thích lý do vì sao người dân Hồng Kông biểu tình phản đối chính quyền.

Trong khi chủ đề chính của cuộc biểu tình vẫn tiếp tục là nhằm chống lại dự luật dẫn độ về Trung Quốc, người biểu tình nay còn phản đối về việc chính quyền Hồng Kông đã truất quyền một số nhà lập pháp dân chủ trong mấy năm gần đây cũng như đòi phải được dân chủ hơn trong việc bầu lãnh đạo thành phố và yêu cầu mở cuộc điều tra về hành vi của cảnh sát trong một số cuộc đàn áp người biểu tình.

Biểu tình ở Hồng Kông tính ra cho đến nay đã là hai tháng và có khả năng có thể kéo dài hơn phong trào dù vàng năm 2014 (kéo dài từ 26 Tháng 9 đến 15 Tháng 12 – hai tháng hai tuần và năm ngày) đã gây nhiều xúc động cho thế giới. Một phần lý do là vì biểu tình lần này không có lãnh đạo và mỗi cuộc biểu tình được khởi động và tổ chức bởi một nhóm nào đó, thậm chí là bởi chính những cư dân sống trong khu vực biểu tình. Khi một phong trào được nhiều người dân tham gia sẽ tạo nên sự đoàn kết và nhờ vậy mà cuộc tranh đấu của người dân Hồng Kông đến nay vẫn còn tiếp tục trong một thời gian dài như thế, và hơn nữa, thu hút được hàng trăm ngàn người hưởng ứng tại mỗi cuộc biểu tình.

Người biểu tình đã chuẩn bị nón an toàn và mặt nạ chống khói cay để đối phó với cảnh sát – nguồn Reuters

Một số phương pháp hay hình thức biểu tình và phản kháng khác cũng đã được người dân áp dụng và đang lan tràn ra khắp khu vực. Một trong những phương pháp đó mà người dân Hồng Kông gọi là “Những bức tường Lennon” (Lennon là tên của một trong bốn ca sĩ của ban tứ quái Beatles) – phỏng theo một bức tường ở Prague đã có từ lâu nay, là nơi người dân Tiệp Khắc yết thị lên đó những thông điệp chính trị về tự do, hoà bình và hoạt động xã hội. Những bức tường kiểu này mọc lên ở khắp nơi trong thành phố, thường là gần những trạm xe điện, nơi mỗi ngày có hàng triệu hành khách sử dụng làm phương tiện di chuyển. Các áp phích và những mảnh giấy ghi chú Post-it nho nhỏ đầy màu sắc được dán lên đầy khắp các bức tường với những khẩu hiệu như “Tiến lên người dân Hồng Kông” và “Chúng ta sẽ không bao giờ nhượng bộ.”

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Sự việc các mục tiêu tranh đấu của người biểu tình được mở rộng thêm là sau khi chính quyền Hồng Kông đã chịu nhượng bộ và cho trì hoãn lại dự luật dẫn độ về Trung Quốc, nơi mà hệ thống luật pháp được xem là thiếu minh bạch và toà án thường đưa ra những phán quyết theo chỉ thị của chính phủ, nhưng vẫn bị các nhà hoạt động của Hồng Kông chỉ trích cho là chưa đạt đủ như đòi hỏi của người dân. Hàng triệu người đã xuống đường trong những tuần lễ gần đây để tiếp tục chống lại dự luật, mặc dù chính vị lãnh đạo của thành phố, Ðặc khu trưởng Carrie Lam, nói rằng dự luật này đã chết.

Mặc dù dự luật dẫn độ đã được cho trì hoãn vô giới hạn, người biểu tình vẫn lo ngại rằng ngay cả khi chính quyền hiện tại giữ lời hứa và không tiếp tục theo đuổi, nhưng bất kỳ nhà lãnh đạo mới nào lên cầm quyền trong tương lai vẫn có thể tiếp tục là vì trên thực tế dự luật vẫn còn nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Lập pháp trừ phi nó được hoàn toàn thu hồi lại.

Quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông – nguồn EPA-EFE

Nhiều cư dân tại một số khu vực đã lên tiếng ủng hộ cho phong trào, nói rằng cuối cùng rồi họ cũng đã có thể tham gia biểu tình. Như một bà nội trợ 51 tuổi trong một cuộc biểu tình cho biết trước đây bà chưa từng tham gia một cuộc biểu tình nào là vì nó xảy ra xa nơi bà ở quá, muốn tới được đó bà phải nhiều lần đổi xe điện. Nay cuộc biểu tình tới ngay nơi bà ở và bà chỉ việc rời khỏi căn chung cư, bước xuống đường và hoà nhập vào đám đông. Bà cảm động nói, “Làm sao mà tôi không thể ủng hộ cho những người hàng xóm của tôi và cho tương lai của thành phố chúng tôi chớ?”

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Thế nên, không chỉ chủ đề và mục tiêu của phong trào biểu tình lần này được mở rộng thêm mà nó còn mang tính cách di động, tuần này biểu tình ở khu vực này, tuần tới lại biểu tình ở khu vực khác, và cứ mỗi tuần lại thêm một sáng kiến mới làm cho cảnh sát và chính quyền Hồng Kông rất khó kiểm soát. Một số nhà nhận định thời cuộc cho rằng phong trào biểu tình có thể kéo dài sang đến mùa Thu, và càng kéo dài thì các cuộc biểu tình lại càng gây thêm khó chịu và bất an cho Bắc Kinh.

Mới đây trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc là Wu Qian (Ngô Khiêm), khi được hỏi về các cuộc biểu tình gần đây tại Hồng Kông, tuy không cho biết quân đội Trung Quốc sẽ có hành động hay kế hoạch nào đối với các cuộc biểu tình hay không, nhưng Wu nói rõ rằng quân đội Trung Quốc được quyền hợp pháp để giúp duy trì luật pháp và trật tự theo yêu cầu của chính quyền Hồng Kông.

Người dân Hồng Kông thắp nến tưởng niệm cho nạn nhân Thiên An Môn hôm 4 Tháng 6 vừa qua – nguồn South China Morning Post

Quân đội Giải phóng Nhân dân đã có mặt tại Hồng Kông kể từ ngày thành phố này được người Anh trao trả lại chủ quyền cho Trung Quốc. Con số chính xác có bao nhiêu binh lính đồn trú tại đây cho tới nay vẫn chưa được thông báo chính thức, nhưng theo ước lượng là vào khoảng từ 6,000 đến 10,000. Nhiều người trong số này sống ở Thẩm Quyến, là thành phố thuộc phần đất Hoa Lục và nằm ở ngay sát biên giới với Hồng Kông, nơi mà giá nhà đất rẻ hơn và lại thuận tiện cho các cuộc thao dợt quân sự. Do đó, trên thực tế chỉ có một phần nhỏ binh lính Trung Quốc là thật sự đồn trú trên phần đất Hồng Kông. Tuy nhiên, bất kể khi nào có sự biến và cần sử dụng đến quân đội thì họ vẫn có thể điều động binh lính từ Thẩm Quyến sang Hồng Kông trong một thời gian rất ngắn.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Lần cuối cùng Bắc Kinh sử dụng quân đội để dập tắt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ là vụ đàn áp tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4 Tháng 6 năm 1989 – cuộc đổ máu đó là một vết nhơ khó tẩy sạch của quân đội và Ðảng Cộng sản Trung Quốc mà cho mãi đến ngày nay, mặc dù nhiều thập niên qua, Bắc Kinh đã ra sức tìm cách xóa sạch những vết nhơ đó ra khỏi ký ức người dân trong nước, nhưng thế giới thì vẫn nhớ và ghê tởm về hành động sát nhân tập thể đó. Ðặc biệt là tại Hồng Kông, hằng năm cứ đến ngày 4 Tháng 6 thì người dân tại đây lại tổ chức thắp nến tưởng niệm cho các nạn nhân tại công viên Victoria, và dù đã 30 năm, các cuộc tưởng niệm vẫn thu hút hàng nhiều chục ngàn người tham dự.

Mặc dù về tính hợp pháp của quân đội Trung Quốc là khá rõ ràng, các nhà phân tích cho rằng với tình hình phức tạp và rủi ro chính trị quá cao, việc sử dụng quân đội sẽ vẫn là giải pháp cuối cùng. Thế nên, những lời nói úp mở của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc được xem như một chiến thuật tạo áp lực để người biểu tình lui bước. Tuy nhiên, người dân Hồng Kông vẫn không tỏ ra nao núng và những cuộc biểu tình sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong những ngày tới. Nếu trong một trường hợp nào đó mà Bắc Kinh phải sử dụng đến quân đội thì hành động này càng cho thấy chính quyền cộng sản Trung Quốc đã thất bại trong việc tạo được sự tin tưởng trong lòng người dân Hồng Kông. Câu nói “đừng nghe những gì cộng sản nói” chứng minh cho thấy đến nay vẫn đúng.

VH

Arlington, TX