Để phản ứng lại chuyến viếng thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan vào đầu tháng 8, bằng những hành động đầy khiêu khích, Trung Quốc đã cho phóng hoả tiễn, thực hiện các cuộc tập trận quân sự và đưa chiến đấu cơ bay ngang qua eo biển Đài Loan. Mặc dù Bắc Kinh thông báo rằng đó là những cuộc tập trận nhưng vẫn khiến cho hệ thống phòng thủ của Đài Loan phải đặt trong tình trạng báo động về một cuộc tấn công quân sự.

Tin giả từ Trung Quốc – nguồn Shutterstock

 

Tuy nhiên, thậm chí trước khi chiếc máy bay chở bà Pelosi và phái đoàn đáp xuống sân bay, chính quyền Ðài Loan vẫn luôn phải tìm cách bảo vệ người dân của họ trước một cuộc tấn công khác tinh vi hơn từ Bắc Kinh, một cuộc tấn công với mục tiêu là gieo rắc nỗi lo sợ trong lòng người dân Ðài Loan qua một chiến dịch tung ra những tin tức giả mạo qua hệ thống internet.

Các phương pháp phòng thủ của Ðài Loan trước các cuộc tấn công như trên tỏ ra hữu hiệu và đang ngày càng được các giới chức của chính phủ phương Tây và các nhà nghiên cứu internet chú ý. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper trong một chuyến viếng thăm Ðài Loan vào tháng 7 đã gặp gỡ bộ trưởng kỹ thuật số của đảo quốc này và thảo luận về chiến lược của Ðài Loan trong nỗ lực chống lại những loại tin giả của Trung Quốc.

Mối đe doạ từ Trung Quốc

Theo V-Dem, một viện nghiên cứu của Thuỵ Ðiển hàng năm vẫn đưa ra các bản phúc trình về tình trạng thông tin giả mạo toàn cầu, Ðài Loan được xếp hạng là mục tiêu bị đánh phá lớn nhất trên thế giới với những nguồn tin giả từ ngoại quốc trong 9 năm liên tiếp. Các giới chức Ðài Loan và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thông tin cho biết nguồn gốc của phần lớn các cuộc tấn công tin giả là từ Trung Quốc, quốc gia vẫn tự nhận Ðài Loan là một phần lãnh thổ của họ và trong nhiều thập niên qua vẫn cố tìm cách thuyết phục người dân Ðài Loan chịu quy phục dưới sự cai trị của Bắc Kinh.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Quân đội Ðài Loan cho biết hồi đầu tháng 8 họ đã nhận diện được hơn 270 trường hợp tin giả hoặc tin có nội dung sai lệch nằm trong một phần chiến dịch tung tin tức giả mạo của Trung Quốc với mục đích nhằm lung lạc tinh thần của người dân và làm giảm uy tín của chính phủ Ðài Loan.

Thái độ của chính phủ Ðài Loan đối với chiến dịch tấn công nói trên là mỗi cuộc tấn công họ nhận được, được xem như một cuộc diễn tập hữu ích để học hỏi và rút tỉa thêm kinh nghiệm.

Charles Yeh, người sáng lập nhóm xác minh thông tin MyGoPen tại Đài Loan – nguồn WSJ

Phương pháp phòng thủ hữu hiệu

Tuyến đầu phòng thủ của Ðài Loan để chống lại các cuộc tấn công bằng tin giả như trên là một tập hợp gồm những nhóm xác minh thông tin (fact-check) phi lợi nhuận, họ sử dụng công cụ được chế tạo bởi các công ty kỹ thuật và giữ liên lạc chặt chẽ với các cơ quan chính phủ Ðài Loan để phanh phui và tháo gỡ những tin tức mà họ xác định là giả mạo có mục đích tuyên truyền trước khi loại tin giả này được lan truyền rộng rãi.

Một ngày sau khi bà Pelosi kết thúc chuyến viếng thăm Ðài Loan vào ngày 3 tháng 8, nhiều người sử dụng Line Corp., một dịch vụ ứng dụng tin nhắn có 21 triệu người sử dụng thường xuyên tại Ðài Loan, đã chỉ ra một tin đồn đang lan truyền trên diễn đàn này nói rằng Trung Quốc có kế hoạch di tản công dân của họ ra khỏi Ðài Loan vào ngày 8 tháng 8, một dấu hiệu cho thấy có khả năng một cuộc tấn công sắp xảy ra. Bản tin giả mạo này là dựa trên một bức ảnh giống như được chụp từ một chương trình tin tức của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc với dòng chữ thông báo về một cuộc di tản.

Một chatbot có nhiệm vụ xác minh tính xác thực được cài đặt trên diễn đàn Line Corp. đã gửi đi cảnh báo về tin đồn trên tới MyGoPen (Mạch Các Phiến), là nhóm xác minh thông tin có tên đồng âm trong phương ngữ của Ðài Loan có nghĩa là “Ðừng lừa tôi nữa”.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Charles Yeh, người sáng lập MyGoPen, cho biết anh đã huy động một nhóm gồm 7 thành viên của anh để xem lại đoạn tin tức của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc. Nhóm của anh đã đi tới kết luận rằng bản tin trên là giả mạo và gửi một báo cáo đến các văn phòng địa phương của Line Corp., Google và Facebook để họ kịp thời kéo xuống trước khi bản tin giả trên lan truyền trên các diễn đàn của họ.

Ban Ðại lục, một cơ quan của chính phủ Ðài Loan đặc trách về liên lạc với Trung Quốc, đã gửi ra một thông cáo bác bỏ về tin đồn này và yêu cầu cảnh sát giúp truy tìm nguồn gốc của nó. Ngày hôm sau, cảnh sát cho biết họ đã truy tìm được bức ảnh chụp màn hình là từ một phụ nữ ở đại lục (có lẽ làm việc cho chính quyền Bắc Kinh) mà họ cáo buộc đã cố tình gây hoang mang lo sợ cho công chúng Ðài Loan.

Người dân Đài Loan biểu tình chống lại “truyền thông đỏ” – nguồn AFP

Hợp tác giữa chính phủ và tư nhân

Theo Cục Ðiều tra của Ðài Loan, cơ quan có trách nhiệm truy tìm thông tin độc hại và thi hành pháp luật, các điều tra viên của chính phủ đã chính thức điều tra gần 900 trường hợp bị cáo buộc đã tung ra những tin tức giả mạo kể từ tháng 8 năm 2019, trong số đó có khoảng 200 trường hợp đã bị truy tố. Chính phủ Ðài Loan cũng đã cho áp dụng các hình phạt pháp lý nghiêm khắc đối với việc truyền bá các loại tin giả.

Nhiều công ty kỹ thuật cũng đã hợp tác với chính phủ Ðài Loan. Công ty Google cho biết họ đã huấn luyện hơn 110 giới chức chính phủ, nhân viên viện lập pháp và tổ chức tranh cử về cách thức sử dụng các công cụ kỹ thuật để chống lại các âm mưu tung tin giả.

Line Corp. trong 3 năm qua cũng đã chi ra khoảng $5 triệu để cải tiến các công cụ kỹ thuật của họ, trong đó có nhu liệu chatbot được thiết kế để nhận diện những tin tức có nội dung đáng ngờ và thông báo tới cho người sử dụng.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thông tin cảnh báo rằng rất khó để có thể đo lường chính xác mức độ hiệu quả của bất kỳ phương pháp nào trong việc chống lại tin giả. Các giới chức của Cục Ðiều tra Ðài Loan cho biết trong hai năm qua, âm mưu gây nghi ngờ và sợ hãi trong dân chúng Ðài Loan của Trung Quốc ngày càng tinh vi hơn, với hầu hết các chiến dịch tung tin giả được ẩn núp dưới nhiều lớp vỏ của các bản tin được đăng lên trên các trang mạng xã hội và vì vậy rất khó có thể ngăn chặn.

Một bài học

Các nhà nghiên cứu Internet và các giám đốc điều hành công ty kỹ thuật cho biết người dân Ðài Loan nay đã biết cảnh giác và rất chú ý tới những gì mà họ nhìn thấy hay đọc được trên internet mà chưa được kiểm chứng, và điều này giúp làm giảm tác động của những tin tức giả mạo chẳng may lọt được qua đợt sàng lọc. Công lao đó một phần là nhờ nỗ lực của các cơ quan truyền thông Ðài Loan, nhưng có lẽ một phần khác là nhờ dân trí của người dân đủ cao để có thể phần nào phân biệt được sự đúng sai.

Cuộc chiến chống tin giả là một cuộc chiến toàn cầu, đặc biệt là ở những quốc gia tự do dân chủ, trong đó có Hoa Kỳ, mà trong mấy năm qua nhiều khi bị tràn ngập bởi những tin tức giả mạo có nguồn gốc từ Nga và Trung Quốc với mục đích cố tình làm lung lạc niềm tin của người dân đối với chính phủ do họ bầu ra và với các quyền tự do mà họ đang được hưởng. Nay Ðài Loan đã đưa ra một mô hình để bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong khi vẫn có thể ngăn chặn được những tin tức giả mạo và không xâm phạm vào quyền tự do trên.

Thế giới tự do cần phải học theo Ðài Loan, và bài học quan trọng không kém là Ðài Loan luôn cảm thấy cấp bách trước mối đe doạ trên. Ngày nào thế giới tự do vẫn còn chần chừ không làm ngay thì vấn đề tin tức giả mạo lại càng trở nên trầm trọng và khó giải quyết hơn.

VH