Trong một bản thông cáo nội bộ bị rò rỉ ra ngoài vào hôm 27/1, tướng Michael Minihan nói với quân đội của ông rằng: “Tôi hy vọng là tôi sai. Linh tính báo cho tôi biết chúng ta sẽ chiến đấu vào năm 2025.” Tướng Minihan là vị chỉ huy Bộ tư lệnh Lưu động Không quân, đơn vị hoạt động tiếp nhiên liệu cho máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, và ông nói trong bản thông cáo rằng ông muốn lực lượng của ông “sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng ở chuỗi đảo đầu tiên” ngoài khơi bờ biển phía đông của lục địa Châu Á. Ông kêu gọi cần có thêm những bài tập về rủi ro nhiều hơn trong chương trình huấn luyện cho không quân.

Chiến tranh Đài Loan 2025? – Reuters  

Trong khi tiếng nói của tướng Minihan có thể hơi thẳng thừng, mối quan tâm của ông được chia sẻ rộng rãi trong giới quân đội. Ðô đốc Hải quân Hoa Kỳ Phil Davidson nói trong một cuộc điều trần trước quốc hội vào năm 2021 rằng ông lo ngại Trung Quốc đang “gia tăng tham vọng để thay thế Hoa Kỳ” và có thể tấn công Ðài Loan trước năm 2027. Tướng Minihan được thăng chức chỉ huy sau chuyến công tác với nhiệm vụ là phụ tá Bộ Tư lệnh Ấn Ðộ-Thái Bình Dương. Ông, cũng giống như nhiều người khác, cho rằng năm 2025 có thể là thời điểm chín muồi để ông Tập Cận Bình hành động. Cả Ðài Loan lẫn Hoa Kỳ đều có cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024 mà Trung Quốc có thể coi đó là những thời điểm cả hai nước này tập trung vào việc bầu cử và lơ là phòng thủ.

Một nhận định khác cũng không kém quan trọng của Ngoại trưởng Antony Blinken khi ông phát biểu vào năm ngoái cho rằng việc Bắc Kinh “quyết tâm theo đuổi việc thống nhất” với Ðài Loan có phần “gấp rút hơn nhiều” so với những gì Hoa Kỳ dự tính trước đây. Có thể nói đây là thông điệp nhắn nhủ một cách gián tiếp với quân đội Hoa Kỳ hãy chuẩn bị tinh thần cho những nhiệm vụ đầy rủi ro của họ trong tương lai.

Với người dân Ðài Loan, kết quả nhiều cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân tại đảo quốc này không muốn thống nhất với Bắc Kinh, nhưng họ cũng không muốn khiêu khích chiến tranh.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Sự miễn cưỡng này là điều dễ hiểu. Chiến tranh ở Ðài Loan sẽ gây ra mức độ tàn phá hơn nhiều so với bất kỳ những gì chúng ta đã chứng kiến ở Ukraine. Diện tích của hòn đảo này gần bằng diện tích của ba tiểu bang Massachusetts, Connecticut và Rhode Island cộng lại, và mật độ dân số của nó, vào khoảng 1,700 người trên mỗi dặm vuông, là một trong những nơi có mật độ cao nhất trên thế giới. Trong số gần 24 triệu dân của hòn đảo, gần 80% là sống ở đô thị và hầu như tất cả đều tập trung ở vùng đồng bằng ven biển của hòn đảo nhìn về hướng tây và bắc là Trung Quốc.

Những trung tâm đô thị đông đúc này sẽ bị tàn phá trong trường hợp bị xâm lược, và việc nhập cảng lương thực và nhiên liệu cần thiết nếu bị gián đoạn sẽ nhanh chóng dẫn đến tình trạng thiếu thốn và khó khăn cho cuộc sống của người dân trên bình diện rộng. Trong khi những người tị nạn Ukraine có thể chạy trốn đến các thành phố tương đối thưa thớt dân ở phía tây của quốc gia hoặc vượt qua biên giới tới các nước láng giềng thuộc khối Liên Âu, thì người dân Ðài Loan sẽ không có nơi nào khác để di tản tới ngoại trừ trốn vào khu vực rừng núi ở phía đông của hòn đảo mà phần lớn vẫn còn trong tình trạng hoang sơ chưa phát triển.

Hoa Kỳ bí mật huấn luyện cho binh lính Đài Loan trong năm 2021 – Getty Images

Sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc khiến khả năng xảy ra chiến tranh ở Ðài Loan là điều có thể, và các chiến lược gia của hòn đảo này đang tìm cách tăng cường sức kháng cự của Ðài Loan một khi quân Trung Quốc đổ bộ. Các cuộc thảo luận về việc gia tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc và huấn luyện các lực lượng trừ bị giống như Lực lượng Vệ binh Quốc gia để duy trì sự kháng cự sau một cuộc xâm lược phản ảnh một điều thực tế rằng chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào với Trung Quốc.

Rủi ro đối với nền hòa bình ở Châu Á không phải là vì Ðài Loan sẽ gây ra khủng hoảng bằng cách thách thức Bắc Kinh mà đó chính là Trung Quốc sẽ phát động một cuộc tấn công qua eo biển một khi họ nghĩ rằng cơ hội để chiếm lấy Ðài Loan là điều có thể thực hiện được.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Có điều đáng mừng, theo kết luận trong bản phúc trình dài 160 trang qua kết quả của một cuộc tập trận trên lý thuyết (war game exercise) của một tổ chức nghiên cứu tại Washington, quân đội Trung Quốc không thể dễ dàng chiếm lấy Ðài Loan bằng sức mạnh quân sự.

Trung tuần tháng 1 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) đã cho thực hiện một cuộc thử nghiệm xem điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc đổ bộ xâm lược Ðài Loan. Các nhà phân tích đã thực hiện một cuộc tập trận trên lý thuyết 24 lần, và trong hầu hết các trường hợp, sự can thiệp của Hoa Kỳ đã đánh lui cuộc xâm lược của Trung Quốc. Ðài Loan vẫn tiếp tục duy trì được nền dân chủ tự trị của họ, mặc dù hòn đảo bị tàn phá khủng khiếp và các dịch vụ căn bản cho cuộc sống của người dân như điện và nước sạch bị mất hẳn.

Mặc dù cuộc tập trận nói trên chỉ là sản phẩm của sự giả định, có bốn điều kiện tiên quyết được nêu ra nếu muốn đánh bại một cuộc xâm lược của Trung Quốc, và không có điều kiện nào trong số đó là được bảo đảm.

Binh lính Đài Loan trong cuộc tập trận phòng thủ thành phố Cao Hùng – AP

– Ðiều kiện trước hết là người dân Ðài Loan phải chiến đấu. Hòn đảo này đang tăng cường chi tiêu cho quốc phòng nhưng chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc và sự sẵn sàng chiến đấu của họ đang ở mức thấp.

– Ðiều kiện hai: Vũ khí cần được đặt trong vị trí chiến đấu trước; Hoa Kỳ không thể đổ vũ khí qua đường biên giới một cách dễ dàng sau khi cuộc chiến đã bắt đầu như ở Ukraine. Việc chuyển giao vũ khí của Mỹ đến Ðài Loan hiện nay đang bị trễ nhiều năm so với đơn đặt hàng.

– Ðiều kiện ba: Hoa Kỳ phải có khả năng huy động các căn cứ của họ ở Nhật Bản khi cần đến. Các phi cơ chiến đấu của Mỹ thiếu tầm hoạt động để tham chiến nếu không có các hòn đảo bên ngoài của Nhật Bản, một lý do nữa khiến Tokyo là đồng minh Thái Bình Dương quan trọng nhất của Mỹ.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

– Ðiều kiện thứ tư: Hoa Kỳ “phải có khả năng tấn công các hạm đội Trung Quốc liên tục và hàng loạt” bằng các loại vũ khí tầm xa.

Tổn thất về nhân mạng của các thủy thủ và phi công Hoa Kỳ sẽ rất lớn. Theo ghi chú của bản phúc trình: Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu “số thương vong trong ba tuần lễ bằng khoảng một nửa so với 20 năm chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.” Các vị chỉ huy vẫn sẽ phải xúc tiến cuộc chiến mặc dù mức độ thương vong cao chưa từng thấy trong cuộc đời quân nhân của họ. Bên cạnh đó là hai hàng không mẫu hạm bị hư hỏng nặng hoặc bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, số thương vong và tổn thất vũ khí tăng cao hơn nếu Hoa Kỳ chần chừ mà không can thiệp ngay từ lúc đầu.

Tổn thất về phía Trung Quốc cũng khủng khiếp không kém, bao gồm hơn 100 tàu chiến và hàng chục nghìn binh sĩ thiệt mạng, bị thương hoặc bị bắt.” Theo nhận định của một chuyên gia CSIS, một thất bại như vậy có thể gây nguy hiểm cho quyền lực của đảng cộng sản Trung Quốc.

Một ẩn số cần phải nói tới ở đây là sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc sẽ như thế nào, là điều không ai biết rõ, ngay cả với Bắc Kinh. Một cuộc tấn công đổ bộ lên Ðài Loan, quân đội Trung Quốc phải vượt qua khoảng 100 dặm đại dương, là một hoạt động quân sự đa dạng và khó khăn hơn nhiều so với việc di chuyển quân qua biên giới đất liền như ông Vladimir Putin đã làm ở Ukraine. Lần cuối cùng một chiến đấu cơ Trung Quốc bắn hạ một máy bay có người lái là vào năm 1967.

Nhưng nếu để Ðài Loan thất thủ, điều này sẽ chấm dứt vị thế của Mỹ như một cường quốc toàn cầu đáng tin cậy. Các đồng minh của Hoa Kỳ sẽ phải điều chỉnh lại liên minh của họ và những quốc gia bất hảo ngoài kia nghĩ rằng họ có thể chấp nhận rủi ro để gây chiến. Và vì vậy Hoa Kỳ lại càng có nhiều lý do để nỗ lực thêm nữa trong việc chứng tỏ rằng Trung Quốc sẽ thua trong cuộc chiến tranh Ðài Loan.

VH