Hôm thứ Sáu 2/12, Ngũ Giác Đài cho trình làng loại máy bay ném bom mới lần đầu tiên trong hơn 30 năm. Đây là chiếc phản lực tầm xa được thiết kế bí mật từ gần một thập niên qua với mục đích sẽ là yếu tố quân sự chính trong nỗ lực của Washington nhằm kiểm soát tham vọng của Trung Quốc.

B-21 Raider – Reuters  

Chi phí trung bình cho mỗi chiếc là khoảng $700 triệu, máy bay ném bom B-21, có biệt danh “Kẻ đột kích” (Raider), được thiết kế với cánh xoè rộng và có khả năng bay nhiều ngàn dặm không cần tiếp nhiên liệu để đánh vào mục tiêu nằm sâu trong đất địch và tránh không để các hệ thống phòng không tinh vi nhất phát hiện.

Chiếc máy bay này là phần đầu trong chương trình đại tu bổ trị giá 1 ngàn tỷ Mỹ kim trong chiến lược răn đe nguyên tử (nuclear deterrent) của Hoa Kỳ, ngoài ra còn bao gồm tàu ngầm nguyên tử và hoả tiễn đặt trên đất liền loại mới, để chống lại các lực lượng nguyên tử đang ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Theo công ty sản xuất Northrop Grumman, máy bay B-21 sẽ mang được vũ khí quy ước và vũ khí nguyên tử, và cuối cùng có thể bay mà không cần phi công.

Trong những năm sau Thế chiến II, Hoa Kỳ đã chế tạo một số lượng lớn máy bay ném bom được thiết kế để tấn công sâu vào phía sau phòng tuyến địch trong cuộc đối đầu với Liên Xô. Khi Liên Xô sụp đổ, không quân Hoa Kỳ bắt đầu thu nhỏ lại phi đoàn ném bom của họ, đồng thời mở rộng các phi đoàn máy bay giám sát và trinh sát, máy bay trực thăng và máy bay tấn công cho phù hợp với các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

B-21 có khả năng tránh được các hệ thống phòng không tối tân nhất – Northr op Gruman

Tuổi trung bình của máy bay ném bom B-52 hiện nay là 60 năm và không quân Hoa Kỳ dự tính tiếp tục sử dụng loại máy bay này cho đến thập niên 2050. Với khoảng 45 chiếc máy bay ném bom B-1 của Không quân có tuổi trung bình là 34 năm, trong khi 20 chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 có tuổi trung bình là 26 năm. Có thể nói những loại máy bay ném bom hàng đầu này của Hoa Kỳ đã cũ so với kỹ thuật tân tiến ngày nay.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Ðể hạn chế tối đa khả năng phát triển hệ thống phòng thủ chống lại B-21 của đối phương, Ngũ Giác Ðài đã không cho tiết lộ bất cứ chi tiết gì về chương trình bí mật quân sự này, giữ kín trong cơ sở nghiên cứu và phát triển được bảo vệ nghiêm ngặt tại thành phố Palmdale trong suốt 7 năm.

Vào mùa hè vừa qua, Ngũ Giác Ðài đã cho phép Northrop Grumman và các công ty khác tham gia vào dự án cho phép nhân viên của họ lần đầu tiên được biết họ đang làm việc trong chương trình B-21. Trong suốt gần một thập niên, các nhân viên thậm chí không được quyền hé lộ với gia đình của họ về công việc họ làm.

So sánh giữa hai loại máy bay tàng hình B-2 and B-21 – quora.com

Chiếc B-21 nhìn bề ngoài có vẻ nhỏ hơn một chút so với chiếc thế hệ trước đó là chiếc B-2, được trình làng vào thập niên 1990. Do bị ảnh hưởng bởi những khó khăn về chi phí và phát triển kỹ thuật cũng như do sự hoài nghi của quốc hội về vai trò của nó, Northrop Grumman chỉ chế tạo 21 chiếc B-2, thay vì 132 chiếc như kế hoạch lúc ban đầu. Do đó chi phí sản xuất mỗi chiếc B-2 là $2.2 tỷ, tính theo trị giá đồng Mỹ kim của năm 2022.

Vấn đề bảo trì loại máy bay phản lực tàng hình, có khả năng lẩn tránh radar tỏ ra rất khó và tốn kém. Các giám đốc điều hành công ty Northrop cho biết chiếc B-21 được thiết kế với các bộ phận và kỹ thuật sẵn có để giảm bớt chi phí và cải thiện phẩm chất và độ bền bỉ của nó.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Nói chung chiếc B-21 là loại máy bay khiến kẻ địch phải nể sợ, kỹ thuật được nâng cấp rất nhiều so với loại máy bay ném bom tàng hình B-2 được đưa vào sử dụng từ ba thập niên qua. B-21 có thể bay đường dài, tận dụng những tiến bộ trong kỹ thuật tàng hình và có khả năng mang theo số lượng lớn trọng tải vũ khí, trong đó có vũ khí nguyên tử, và bắn chính xác ở khoảng cách xa. Các chi tiết liên quan tới kỹ thuật của B-21 hiện vẫn được giữ bí mật.

Tất cả những điều trình bày trên cho thấy chiếc B-21 sẽ có khả năng thoát khỏi mạng lưới rà soát của các hệ thống phòng không hiện đại và đặc biệt phù hợp với mục đích ngăn cản tham vọng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương. Một trong những mục tiêu trong nỗ lực gia tăng xây dựng quân đội của Bắc Kinh, như lời giải thích của Ngũ Giác Ðài trong một bản phúc trình vào tháng 11, là “hạn chế sự hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng biển bao quanh Trung Quốc và hạn chế quyền tiếp cận của Hoa Kỳ trong khu vực rộng lớn hơn là Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương”. Các loại hoả tiễn tầm xa của Trung Quốc đặt các hàng không mẫu hạm của Mỹ vào tình thế nguy hiểm và khiến việc phòng thủ cho Ðài Loan trở nên khó khăn hơn.

B-52 từng tham chiến tại Việt Nam – Getty Images

Câu hỏi quan trọng là: Trong bao lâu nữa thì quân đội Hoa Kỳ có thể đưa B-21 vào trong kho vũ khí có thể sử dụng được? Chuyến bay đầu tiên của B-21 sẽ không được thực hiện cho đến năm 2023 và có thể phải mất nhiều năm trước khi nó được sử dụng ở quy mô lớn trong phi đoàn của không quân. Và đây là một vấn đề nghiêm trọng vì kho máy bay ném bom hiện tại của Hoa Kỳ đã cũ và chưa bằng một nửa so với thời chiến tranh lạnh, là lần cuối cùng Hoa Kỳ phải đối phó với một đối thủ quân sự quan trọng như vậy.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Loại máy bay ném bom B-52 và B-1 đã cũ và kỹ thuật kém hiện đại. Chỉ còn lại B-2 là có thể đảm nhận những phi vụ tàng hình cho không quân, nhưng Hoa Kỳ chỉ có 20 chiếc sau khi Ngũ Giác Ðài đặt mua ít hơn dự tính sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Nay chỉ có khoảng hơn chục chiếc là có khả năng thực hiện các phi vụ vào một thời điểm nhất định và là vấn đề mà Hoa Kỳ cần phải giải quyết càng sớm càng tốt đối với phi đoàn ném bom của họ.

Không quân Hoa Kỳ cho biết họ cần tối thiểu 100 máy bay ném bom B-21 và có thể là 150. Một số chuyên gia quân sự nói rằng Hoa Kỳ cần thêm ít nhất 5 phi đội máy bay ném bom nữa để sẵn sàng chiếm ưu thế trước một đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc. Hoa Kỳ hiện có 9 phi đội ném bom.

B-21 được ca ngợi là một chương trình quốc phòng hiếm hoi không gặp phải những vấn đề như chậm trễ hoặc vượt quá ngân sách như nhiều chương trình quốc phòng khác, với chi phí khoảng $700 triệu cho một chiếc, không quá mắc đối với loại máy bay chiến lược đặc biệt như vậy, và không ai muốn mạo hiểm trong việc hoàn tất một cách gấp rút. Nhưng việc đẩy nhanh chương trình thậm chí 6 hoặc 12 tháng cũng có thể có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn tham vọng chiếm Ðài Loan của Trung Quốc. Sức mạnh quân sự duy nhất có thể làm thay đổi những tính toán của Bắc Kinh hiện nay là thứ vũ khí sẵn sàng bay sâu vào nội địa Trung Quốc để tấn công mục tiêu trước khi họ phát hiện ra. Máy bay ném bom B-21 là thứ vũ khí ấy.

VH