Đó là đêm Chủ Nhật ngày 20 Tháng 7 năm 1969, khoảng gần 11 giờ tại New York. Sau khi đã bay hết 250,000 dặm, phi hành gia Neil Armstrong chuẩn bị đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng. Ông nói qua làn sóng radio gửi về trái đất: “Tôi đang đứng ở chân cầu thang. Chân đáp của phi thuyền chỉ bị lún xuống khoảng 1 hoặc 2 inches.” Rồi ông nói thêm, đất trên mặt trăng trông có vẻ rất nhuyễn, gần như là bột vậy.

Phi hành gia Edward Buzz Aldrin đứng bên cạnh lá cờ Mỹ được đưa lên mặt trăng trong chuyến phi hành Apollo 11 – nguồn Neil Armstrong/NASA

Trong khi nhiều triệu người Mỹ theo dõi qua màn ảnh trắng đen mờ mờ trên truyền hình, cái bóng của Armstrong, trong khi tay giữ chặt lấy thành cầu thang, nhún nhẹ một chút, có lẽ vì do dự. Và tiếp theo đó là câu nói lịch sử: “Ðây là bước nhỏ bé của một người, nhưng là bước nhảy vĩ đại của nhân loại.” Trong khoảng một giờ sau, Armstrong và Buzz Aldrin, một phi hành gia khác, đã cắm lá cờ sao sọc của Mỹ – không phải cờ Liên Hiệp Quốc như NASA từng đề nghị – lên trên mặt trăng, cách không xa bãi đáp của phi thuyền.

Tuy nhiên, trước đó không lâu, Armstrong và Aldrin xém chút nữa đã không đáp được lên mặt trăng vì một vài trục trặc của phi thuyền.

Trước hết là đèn báo động cho biết phi thuyền có vấn đề. Rồi một đèn báo động khác lại nổi lên. Sau một vài giây hồi hộp, các kỹ sư trong phòng điều khiển tại Houston quyết định là vấn đề của phi thuyền không đến nỗi nghiêm trọng: Máy điện toán điều khiển cho phi thuyền đáp đưa tín hiệu rằng phi thuyền quá tải. Charles Duke Jr., người giữ nhiệm vụ liên lạc với phi thuyền, đã chuyển tin nhắn cho hai phi hành gia: Tiếp tục tiến hành.

Rồi thêm một vấn đề nữa là nhiên liệu sắp cạn. Trong khi chiếc phi thuyền tiến sát gần nơi bãi đáp, Armstrong thấy là cần phải điều chỉnh lại nơi đáp. Những bản đồ đang có trong tay cho thấy cả một vùng thung lũng phẳng tắp, nhưng trên thực tế có những tảng đá lớn ngang bằng chiếc xe hơi nằm rải rác trên một khu vực đầy những hố lòng chảo. Armstrong đã phải tự điều khiển phi thuyền tìm một bãi đáp khác an toàn hơn. Có điều là nếu làm vậy phi thuyền sẽ phải đốt thêm một số nhiên liệu lúc đó đã cạn.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Cả một bầu không khí căng thẳng bên trong phòng điều khiển tại Houston. Không ai dám lên tiếng. Trong một căn phòng chứa cả trăm nhân viên lúc đó, người ta có thể nghe được tiếng kim rơi.

“60 giây”, lời cảnh báo được gửi đến từ Houston, cho phi hành gia biết là khoảng thời gian họ có được trước khi bắt buộc phải hủy bỏ chuyến đáp vì mức nhiên liệu xuống thấp. Khi phi thuyền còn cách bề mặt 100 bộ, lời cảnh báo thứ nhì được gửi tới, “30 giây.”

Phi thuyền Apollo 11 sau khi rời mặt trăng và bay trở về trái đất Tháng 7, 1969 – nguồn NASA

Cuối cùng, giọng của phi hành gia Aldrin nghe rè rè qua radio: “Ðèn báo chạm đất.” Ðó là tín hiệu của máy cảm ứng được gắn ở bên dưới chân đáp khi phi thuyền chạm bề mặt của mặt trăng. Một vài người trong phòng điều khiển giơ cao nắm tay. Giám đốc điều hành Gene Kranz cảnh báo mọi người hãy bình tĩnh. Vẫn còn nhiều việc phải làm, và họ còn phải chờ tin xác nhận chính thức từ các phi hành gia. Sau đó ít phút, có tiếng rè rè trong radio phát ra:

“Houston, đại bàng đã đổ bộ.”

Năm mươi năm trước, nước Mỹ đã làm điều trước đó cho là không thể đưa được người lên mặt trăng. Thành quả đó là công sức của hàng trăm ngàn người và tiêu tốn hàng nhiều chục tỷ Mỹ kim, nhưng NASA đã đạt được một trong những cột mốc vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Cuối tuần qua, người dân khắp nước Mỹ mừng kỷ niệm 50 năm kể từ chuyến phi hành Apollo 11 đáp thành công lên mặt trăng, và đây cũng là cơ hội để mọi người cùng suy ngẫm về những chuyến hành trình thám hiểm vũ trụ tương lai. Một số cơ quan không gian đang có kế hoạch thực hiện những chuyến bay trở lại mặt trăng. Một số cơ quan khác nhìn xa hơn là sẽ bay tới Hỏa tinh. Vậy, những chuyến thám hiểm không gian tới con người sẽ bay tới đâu?

Mặc dù mặt trăng từ bao lâu vẫn là nguồn cảm hứng để con người thêu dệt nên biết bao nhiêu câu chuyện hoang đường, và rồi với sự phát triển của khoa học hứa hẹn có thể đưa được người lên trên đó, nhưng với NASA, mục tiêu của cơ quan không gian này mang một lý do khác: quyền lực. Hoa Kỳ và Liên Xô vào thời điểm đó đang lao vào một cuộc đấu tranh để dành quyền thống trị toàn cầu. Tất cả mọi nỗ lực nghiên cứu đều mang mục đích cạnh tranh, và cuộc chay đua thám hiểm không gian đứng ở vị trí cao nhất trong cuộc chiến sinh tồn giữa hai cường quốc.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Kể từ khi Liên Sô phóng vệ tinh Sputnik lên không gian năm 1957, Hoa Kỳ đã bị thụt lùi lại phía sau trong cuộc chạy đua. Nhưng nếu như quốc gia nào đặt chân lên được mặt trăng trước thì quốc gia đó sẽ nắm được ưu thế lãnh đạo đưa thế giới tiến tới tương lai.

Ðó là những gì nằm trong bài diễn văn của Tổng thống John F. Kennedy đọc trước quốc hội năm 1962, đưa ra nhiệm vụ mới cho quốc gia: “Chúng ta lựa chọn để đi lên mặt trăng trong thập niên này và làm thêm những việc khác, không phải vì những việc làm này dễ mà vì chúng rất khó khăn.”

Trung tâm Điều khiển NASA tại Houston đang theo dõi phi thuyền Apollo 11 – nguồn NASA

Mà quả thật đây là lựa chọn hết sức khó khăn. Washington đã bơm hơn 4% ngân sách liên bang vào cho NASA trong những năm đầu của chương trình Apollo. So sánh với ngày nay, cơ quan không gian này hiện thời chỉ nhận được 0.5% ngân sách.

Dự án tốn phí $25 tỷ (tương đương $600 tỷ ngày nay) và mướn khoảng 400,000 nhân viên – nhiều người trong số đó ít khi được gặp gia đình vì phải làm việc quá nhiều giờ. Ba phi hành gia thiệt mạng khi hoả hoạn xảy ra trong một phi thuyền trong một cuộc phóng thử nghiệm mà đáng lẽ ra đây là nhóm phi hành gia cho chuyến bay đầu tiên của chương trình Apollo. Tuy nhiên, trước khi kết thúc thập niên, Armstrong và Aldrin đã cắm được lá cờ Mỹ trên mặt trăng.

Hoa Kỳ không tuyên bố chủ quyền mặt trăng – việc cắm lá cờ chỉ là hành động biểu tượng – và những khi nhắc đến sự kiện đổ bộ lên mặt trăng thì người Mỹ coi đó như là thành quả của tập thể nhân loại. Ngoài mặt, các giới chức Liên Sô cũng hết sức tán dương “bước nhảy vĩ đại của nhân loại.” Nhưng đằng sau hậu trường, sự kiện lịch sử đó là một thất bại não nề không chỉ với chương trình không gian của Liên Sô mà còn đối với cả khối cộng sản nói chung.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Tổng cộng có tất cả 12 phi hành gia Hoa Kỳ đã đặt chân lên mặt trăng, trong số đó có bốn người hiện còn sống. Người cuối cùng bước chân lên mặt trăng rồi trở về lại trái đất là năm 1972. NASA chuyển hướng ưu tiên qua những chương trình khác: trạm không gian bay quanh quỹ đạo trái đất, phi thuyền con thoi (Space Shuttle) nay đã chấm dứt, và những phi thuyền thám hiểm không người lái. Những chuyến phi hành này, từ Voyager 1 và 2 cho tới phi thuyền New Horizons bay quanh Diêm vương tinh (Pluto) năm 2015, chắc hẳn đã giúp cho con người ngày nay hiểu rõ hơn về vũ trụ. Nhưng không thành quả nào có thể so sánh ngang với một chương trình không gian đầy tham vọng và ly kỳ như Apollo.

Nước Mỹ có thể nào làm lại được điều kỳ diệu đó một lần nữa hay không? Câu trả lời có lẽ là được là vì người dân Mỹ đến nay vẫn còn giữ được tinh thần, sức phấn đấu và niềm kiêu hãnh dân tộc như nửa thế kỷ trước mặc dù sinh hoạt chính trị của nước Mỹ đã có nhiều thay đổi, và thế giới cũng đã bước sang một thời đại mới với những nỗ lực thám hiểm không gian mới.

Hôm Thứ Hai vừa qua, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Ðộ đã cho phóng phi thuyền Chandrayaan-2 trị giá $142 triệu lên mặt trăng. Ðây là loại phi thuyền không người lái có mang theo một loại xe di động nhỏ. Trung Quốc đã đáp một phi thuyền không người lái đầu tiên của họ lên phần tối ở bên kia của mặt trăng hồi đầu năm và dự định một chuyến phi hành khác năm tới để thu lượm những mẫu đất đá trên đó và cho chở về trái đất. Những công ty không gian tư nhân khác, như SpaceX và Blue Origin LLC, cũng đang có tham vọng thám hiểm mặt trăng trong tương lai gần.

Riêng với cơ quan NASA tuần qua cho biết sẽ đưa người trở lại mặt trăng vào năm 2024, trong đó sẽ có một phụ nữ đầu tiên bước chân lên đó như Armstrong và Aldrin đã làm từ 50 năm trước.

VH

Arlington, TX