Vấn Đề Hôm Nay

 

 

 

Từ Facebook Mạnh Kim

 

Càng đọc những bài viết trên các báo lớn trong nước về tình hình biển Đông kể từ khi vụ khủng hoảng Tư Chính nổ ra càng thấy thảm não. Tuyệt đối không có bài viết nào cho thấy chiến lược cụ thể đối mặt với Trung Quốc của Việt Nam (nhưng lại có rất nhiều bài “phân tích” về chiến lược của Mỹ lẫn của Trung Quốc). Các báo trích dẫn hầu hết ý kiến chuyên gia nước ngoài hơn là chuyên gia trong nước như thể trong nước chẳng có chuyên gia nào đủ uy tín và kiến thức để nói chuyện biển Đông và chủ quyền quốc gia. Thậm chí các chuyên gia người Việt ở hải ngoại cũng không được hỏi ý kiến. “Đối sách” của Việt Nam những ngày qua, về mặt truyền thông, vẫn là tô đậm thái độ ngang ngược Trung Quốc, như thể độc giả Việt Nam nào giờ chưa biết Trung Quốc là kẻ ngang ngược, chưa biết Trung Quốc luôn bất tuân luật pháp quốc tế, chưa biết Trung Quốc là kẻ bành trướng muốn thu tóm toàn bộ biển Đông.

Báo chí cũng “quốc tế hóa” vấn đề bằng các bài viết cho thấy động thái của Mỹ liên quan biển Đông, như muốn nhắc Mỹ rằng bảo vệ biển Đông trước Trung Quốc là điều phải làm như một phần của lợi ích quốc gia Mỹ. Ấy thế phần mình thì Việt Nam luôn lấp lửng hai mặt trong chính sách đối ngoại với Mỹ. Cần nhắc lại, năm 2013, thời Barack Obama, khi Mỹ thúc Việt Nam thành lập “đối tác chiến lược song phương” (bilateral strategic partnership) thì Việt Nam chỉ chọn mô hình “vừa phải” là “đối tác toàn diện” (comprehensive partnership).

Tháng 10-2018, Việt Nam còn hủy 15 hoạt động quốc phòng với Mỹ trong lịch làm việc cho năm 2019. Cần để ý thêm một chi tiết: trong khi báo chí được xua ra để cho “thế giới” và “bạn bè khu vực” thấy “dã tâm” Trung Quốc, trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn lặng như tờ. Truy cập trang web Bộ Ngoại giao cách đây vài phút, ở phần “chính sách đối ngoại”, thấy bài “mới nhất” liên quan “công tác đối ngoại” là “Trả lời phỏng vấn báo chí của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia”, đăng ngày 24-6-2017!

Truyền thông những ngày qua cũng làm “nổi bật” hình ảnh “nạn nhân” Việt Nam trước Trung Quốc, như thể Việt Nam chưa từng là nạn nhân, chưa từng bị bắt nạt, chưa từng bị đối xử khinh miệt như một quốc gia vừa tiểu vừa nhược. Hình ảnh “nạn nhân đáng thương” của Việt Nam trước tên côn đồ Trung Quốc, đáng tiếc, không hề được các nước khu vực “đồng cảm” và “chia sẻ”. Chẳng có thành viên ASEAN nào cho thấy họ sẵn sàng đứng chung chiến tuyến với Việt Nam. Tệ hơn, hình ảnh nạn nhân của Việt Nam cũng chẳng được người dân trong nước “cảm thông”. Mặc cho báo chí, sau khi không còn “nghe hơi nồi chõ” (như cách nói của nhà báo Bùi Thanh, ủy viên biên tập báo Tuổi Trẻ), tung ra hết bài báo này đến bài báo khác “vạch trần thủ đoạn” Trung Quốc, người dân vẫn phản ứng “lịch sự”, bằng cách ra vài tuyên bố lên án Trung Quốc hoặc chỉ trích Trung Quốc trên trang cá nhân, hơn là cho thấy họ sẵn sàng sát cánh nhà cầm quyền để đối phó ngoại xâm.

Có bao giờ trong lịch sử Việt Nam mà chính quyền lại bị người dân “đối xử” ra mặt như vậy? Có giai đoạn nào trong lịch sử mà sự yêu nước của người dân đã không hề song hành với việc “yêu” cái chính quyền mà theo lẽ mặc định là nơi để họ nương tựa vào giúp bảo vệ chủ quyền quốc gia? Có bao nhiêu người dân đang đứng về phía chính quyền Việt Nam? Hãy xem câu hỏi này như một thực tế và chính quyền cần phải giải đáp trước khi đủ can đảm ngưng sụt sịt diễn vai “nạn nhân quốc tế”

 

Hình 1: