Hàng chục ngàn người đã tham dự các cuộc biểu tình chống lại sự biển đổi khí hậu tại Melbourne và Brisbane trong ngày 20/9/2019. Họ yêu cầu các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới tập trung vào Hội Nghị Thượng Đỉnh Hành Động Vì Khí Hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức, để thông qua những biện pháp khẩn cấp ngăn chặn thảm họa môi trường. Những người biểu tình băng qua Cầu Victoria tại Thành Phố Brisbane, giơ cao các biểu ngữ như: “Hãy Tỉnh Thức Australia, khí hậu đang thay đổi”, hay “Phá Bỏ Lời Hứa” v.v.

Toàn thế giới biểu tình chống biến đổi khí hậu. Ảnh: commondreams.org

Không chỉ Australia mà toàn thế giới, từ Châu Âu sang Châu Á, sinh viên học sinh và dân chúng đã tham dự các cuộc biểu tình tương tự, lấy cảm hứng từ cô Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển. Cuộc biểu tình vì khí hậu đã diễn ra trên gần 150 quốc gia trong ngày 20/9. Mục đích để sinh viên học sinh và mọi người trên toàn thế giới cất cao chung một tiếng nói về những tác động sắp xảy ra vì biến đổi khí hậu trên Trái Đất. Riêng bản thân Greta Thunberg dẫn đầu cuộc biểu tình tại Nữu Ước, nơi có trụ sở của Liên Hiệp Quốc.

Ngày 13/6/2019  vừa qua, Greta Thunberg đã chuyển giao thông điệp về biến đổi khí hậu  đến Tổng Thống Donald Trump trong một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc. Nhà hoạt động thiếu niên người Thụy Điển này đã được hàng trăm thanh thiếu niên chào đón, trên tay mỗi người cầm một biểu ngữ nội dung ghi rằng: “People or Profit?” [“Con Người hay Lợi Nhuận?”] hay “Warming.” [“Nóng Lên Rồi!”].

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Tổng Thống Donald Trump là một trong số ít nhà lãnh đạo thế giới công khai đặt câu hỏi về tính khoa học của sự biến đổi khí hậu. Ông từng tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris – một hiệp ước toàn cầu nhằm ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ trên Trái Đất, đồng thời có chính sách tối đa hóa sản xuất nhiên liệu hóa thạch của Hoa Kỳ.

Biểu tình chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Ảnh: newsbusters.org

Ngày 18 Tháng Chín Năm 2019, Greta Thunberg gởi thông điệp ngắn và trực tiếp trong phiên điều trần trước Tiểu Ban Đối Ngoại Hạ Nghị Viện như sau: “Đừng lắng nghe tôi. Hãy lắng nghe các nhà khoa học.” Cô nói về Bản Tường Trình Năm 2018 của Hội Đồng Liên Chính Phủ Về Thay Đổi Khí Hậu, thay cho những lời điều trần của cô. Bản tường trình ấy nhấn mạnh đến những thay đổi cần phải có trong cách sống của mọi người nhằm giữ cho định mức 1.5 độ C không tăng vào năm 2030. Greta Thunberg hy vọng “mọi người sẽ đồng lòng cùng khoa học,” và cô muốn mọi người thực sự hành động.

Greta Thunberg điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ (nguồn: commondreams.org)

Greta Thunberg là một trong số bốn sinh viên học sinh được mời tham dự phiên họp chung của Tiểu Ban Đối Ngoại Hạ Nghị Viện về Châu Âu, Âu-Á, Môi Trường Và Ủy Ban Chọn Lọc Về Khủng Hoảng Khí Hậu, để họ hiểu biết quan điểm và nhận thức của thế hệ kế tiếp về biến đổi khí hậu.

Xem thêm:   Ham & hố

Ngoài phiên điều trần trên Tiểu Ban Đối Ngoại Hạ Nghị Viện, Greta Thunberg cũng gặp Cựu Tổng Thống Barack Omaba trong Ngày 17/9/2019. Trên trang Twitter cá nhân, Cựu Tổng Thống Obama gọi Greta Thunberg “là một trong số những người ủng hộ nhiệt thành nhất hành tinh” trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Ngày 18/9/2019, Greta Thunberg cùng bảy thiếu niên người Mỹ đã khởi kiện chính phủ Hoa Kỳ tại Tối Cao Pháp Viện. Lý do: Hoa Kỳ không có hành động ứng phó trước sự biến đổi khí hậu. Họ kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà lập pháp ủng hộ cuộc chiến pháp lý của họ, cũng như phải có những biện pháp và hành động thiết thực để loại trừ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.