“The Only Plane In The Sky: An Oral History Of 9/11” là quyển sách sắp xuất bản của nhà báo Garrett M. Graff, mô tả những gì xảy ra trong Toà Bạch Ốc, qua lời kể của một số nhân vật trong chính quyền khi nghe tin chuyến bay United 93 từ New Jersey đi San Francisco đang bay ngược về hướng Washington, D.C.

“Tower of Voices” Tháp tưởng niệm nạn nhân United Flight 93 tại Pennsylvania. Tháp cao 93ft, với 40 chiếc khánh tượng trưng cho 40 hành khách và nhân viên đã bỏ mình ngày 11/09/2001. nguồn: NPS.Gov  

Sâu trong lòng đất dưới sân sau của Toà Bạch Ốc là một căn hầm kiên cố được xây từ thời Chiến Tranh Lạnh mang tên Presidential Emergency Operations Center (PEOC) – trung tâm chỉ huy của tổng thống trong trường hợp nguy khẩn. Mãi đến ngày 11 tháng 9, 2001 nó mới được sử dụng lần đầu. Sau đây là vài trích đoạn từ quyển sách, được lược dịch lại từ một bài báo.

Gary Walter (Trưởng Ban Ðưa Ðón, Bạch Cung): Bà Laura Bush từ trên lầu đi xuống khoảng trước 9 giờ sáng – tôi đón bà tại cửa thang máy. Chúng tôi vừa đi ra ngoài vừa nói chuyện về việc trang hoàng cho mùa Giáng Sinh.

Laura Bush (Ðệ Nhất Phu Nhân): Tôi vừa vào xe thì Ron Sprinkle, trưởng toán Mật Vụ, ghé vào tai tôi nói nhỏ, “Một chiếc máy bay vừa đâm vào World Trade Center.”

Condoleezza Rice (Cố Vấn An Ninh Quốc Gia): Tôi nghĩ trong bụng “Tai nạn máy bay gì kỳ lạ quá.” Tôi gọi cho Tổng thống [ở Florida]. Chúng tôi nói vài câu ngắn về chuyện kỳ quặc này. Xong tôi xuống phòng để bắt đầu buổi họp hàng ngày.

Matthew Waxman (Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, Bạch Cung): Tôi vừa mới nhận chức trợ tá cho Condoleezza Rice trước đó 6 tuần. Chúng tôi họp 9:00 mỗi sáng để bàn về các vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng. Chiếc máy bay thứ nhì đâm vào WTC trong lúc chúng tôi đang họp.

Mary Matalin (phụ tá Phó TT Dick Cheney): Lúc ấy tôi ở bên cạnh phó tổng thống. Khi nghe tin chiếc máy bay thứ hai là chúng tôi biết ngay nước Mỹ đang bị tấn công.

Condoleezza Rice: Khoảnh khắc ấy hoàn toàn thay đổi hết mọi thứ.

Dick Cheney (Phó Tổng Thống): Màn hình radar cho thấy một chiếc máy bay đang tiến đến Toà Bạch Ốc với tốc độ 500mph.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Lewis “Scooter” Libby (Tham mưu trưởng cho Phó TT): Chúng tôi được thông báo chiếc máy bay ấy chỉ còn cách 5 dặm, đã xuống thấp dưới 500 bộ [150m] và ra khỏi tầm quan sát của radar. Nó đã biến mất. Tôi nhìn đồng hồ và tính nhẩm: 5 dặm, 500 dặm một giờ… Hmmm…

Dick Cheney: Nhân viên mật vụ của tôi đến nói, “Mình phải rời đây ngay lập tức.” Xong anh ta xốc tôi lên và đẩy đi xuống hầm trú ẩn của Bạch Cung.

Anthony Barnes (chỉ huy trưởng, Ban Kế Hoạch Ðột Xuất trong Toà Bạch Ốc): Hầm trú có bốn phòng chứ không phải chỉ một căn. Tôi làm việc trong phòng điều khiển. Ông Cheney, bà Rice và nhiều người nữa đang ngồi trong phòng họp, nơi đó có 4-5 cái TV lớn 55 inch. Trong một tiếng đồng hồ đầu tiên phải thật sự nói là tình hình rất hỗn loạn vì đủ thứ thông tin được gởi đến từ khắp nơi nhưng không ai có thể kiểm chứng được. Nên chúng tôi buộc phải xem như tất cả đều đúng.

9:59 – Mọi người dừng làm việc và sững sờ nhìn lên màn ảnh trong kinh hoàng khi nhìn thấy cảnh Tháp Nam đổ sập.

Bà Condoleezza Rice và Phó tổng thống Dick Cheney trong hầm trú ẩn Tòa Bạch Ốc ngày 9/11/2001. nguồn: National archives

Matthew Waxman: Dưới hầm PEOC chúng tôi lo ngại cho các đồng nghiệp vẫn còn đang tiếp tục làm việc ở bên trên. Không ai biết số phận họ sẽ ra sao.

Condoleezza Rice: Ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là làm sao để nói cho thế giới biết rằng nước Mỹ chưa bị đánh gục, rằng chính quyền vẫn còn đang hoạt động. Bằng mọi cách tôi phải gởi thông điệp đó đến một số lãnh đạo các quốc gia khác.

Matthew Waxman: Có sự tương phản rõ rệt giữa các nhiễu loạn thông tin đến tới tấp và sự điềm tĩnh, cân nhắc mọi sự kiện của các nhà lãnh đạo bên trong căn hầm.

Anthony Barnes: Cũng tốt là Tổng thống Bush ở lại trong chuyên cơ Air Force One thay vì bay trở về D.C. Ông Cheney giờ là người cầm đầu chính phủ; chúng tôi đưa ông mọi thông tin để ông toàn quyền quyết định.

PEOC liên lạc với quân đội để tìm cách ngăn chận cuộc tấn công và bảo vệ Toà Bạch Ốc…

Bob Marr (Ðại Tá, chỉ huy trưởng Northeast Air Defense Sector – NEADS): Ðó giờ chúng tôi chỉ được huấn luyện để bảo vệ bờ biển và biên giới. Trường hợp này quá mới mẻ, chúng tôi không có bất cứ một quy trình nào soạn sẵn để ứng phó.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Larry Arnold (Thiếu Tướng, chỉ huy trưởng Sư Ðoàn 1 Không Quân): Chúng tôi không biết các chiếc phi cơ kia đang ở đâu vì radar của quân đội chỉ nhắm ra ngoài biên giới. Tất cả phi cơ trong không phận nước Mỹ xưa nay đều được xem là vô hại.

Anthony Barnes: Tôi làm liên lạc viên giữa PEOC và Ngũ Giác Ðài, họ nói có một chiếc phi cơ dân sự đã bị không tặc khống chế và xin phép được bắn hạ nó. Tôi hỏi ý kiến Phó tổng thống; ông ta nói được phép. Tôi buộc phải hỏi ông lại một lần nữa cho chắc ăn: “Có phải ông vừa trả lời là cho phép quân đội bắn vào phi cơ dân sự?” Không ngần ngừ, Phó tổng thống lặp lại câu trả lời, bất cứ máy bay nào ta biết chắc có không tặc là quân đội đều được phép bắn hạ ngay lập tức.

David Wherley (Chuẩn Tướng, D.C. Air National Guard): Tôi nói với hai người phi công đang sửa soạn lên đường: “Các anh sẽ lái máy bay không có súng đạn và các anh sẽ dẫn đầu. Các anh có hiểu rõ yêu cầu này không?” Cả hai đều gật đầu.

Heather “Lucky” Penney (Trung Uý phi công F-16, Andrews Air Force Base): Khi nhận được lệnh, tôi gần như mất hết cảm xúc. Lúc ấy tôi chỉ suy nghĩ: Làm thế nào để cất cánh thiệt nhanh? Làm thế nào để bảo vệ thủ đô?

Marc Sasseville (Trung Tá, phi công F-16): Tôi bàn với “Lucky” phải làm gì. Cả hai chiếc máy bay của chúng tôi đều không có lắp đạn vì không đủ thì giờ. “Lucky” đề nghị cô ta sẽ đâm vào đuôi máy bay, còn tôi nhắm phần đầu.

Những người hùng trên chuyến bay định mệnh United 93. nguồn: internet

Heather “Lucky” Penney: Vừa cất cánh tôi liền nghĩ có lẽ đây là lần cuối; tôi sẽ không sống sót trở về. Tôi và Sass đều không ngờ mình sẽ triệt hạ một chiếc máy bay dân sự.

Marc Sasseville: Bay ngang Ngũ Giác Ðài, khói từ dưới bốc lên và chui vào khoang máy bay. Tôi có cảm giác buồn nôn. Không ngờ bọn chúng có thể đột nhập và tấn công nước Mỹ như thế này.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Heather “Lucky” Penney: Hành khách trên United 93 mới thật sự là những người hùng.

Marc Sasseville: Họ đã quyết định thay cho chúng tôi.

Trên chuyến United 93, hành khách Ed Felt vào toilet dùng điện thoại gọi 911, cho hay phi cơ đã bị không tặc cướp. Nhờ vậy nhà chức trách mới biết được, và cũng nhờ vậy hành khách trên phi cơ cũng biết nước Mỹ đang bị tấn công.

Deena Burnett (vợ Tom Burnett, hành khách): Ảnh không nói gì một vài giây. Tôi nghe tim tôi đập thình thịch. Cuối cùng Tom nói: “Tụi anh đang đợi cho phi cơ bay ngang vùng quê. Tụi anh phải làm cái gì đó.” Quá sợ hãi, tôi năn nỉ Tom: “Ðừng anh. Ðừng. Ngồi xuống đi, đừng nói năng gì hết. Ðừng làm cho tụi nó để ý!” “Không, Deena. Nếu tụi nó sẽ đâm máy bay cho chết hết thì bắt buộc tụi anh phải ra tay.”

Tôi hỏi, “Còn nhà chức trách thì sao?” “Không chờ họ được. Mà cũng không biết họ sẽ làm được gì trong trường hợp này. Tụi anh phải tự lo thôi.” Chúng  tôi im lặng một hồi, xong tôi hỏi: “Vậy anh cần em làm gì?” “Hãy cầu nguyện, Deena. Cầu nguyện.” “Vâng, em đang cầu nguyện đây. Em yêu anh.” “Ðừng có lo. Tụi anh sẽ làm được.” Nói xong Tom cúp máy. Anh không gọi lại.

Lyzbeth Glick (vợ Jeremy Glick, hành khách): Jeremy nói có ba người nữa cũng to con như anh. Họ muốn tấn công đám không tặc và chiếm lại phi cơ. Anh hỏi tôi xem có nên không. Chúng tôi bàn bạc một hồi. Họ cũng bàn với nhau rồi biểu quyết. Anh hỏi tôi lần nữa. Tôi trả lời, “Anh cần phải làm việc này.” Tom cao 6 feet, rất đô con và có đai đen Nhu Ðạo. Anh còn cố nói đùa, “Anh có con dao nhựa để trét bơ đây, em khỏi lo.” “OK,” tôi trả lời. “Giờ em tạm gác điện thoại nhé. Em yêu anh.”

Phillip Bradshaw (chồng  bà Sandra Bradshaw, tiếp viên): Chúng tôi nói chuyện một hồi về mấy đứa con, và tình yêu dành cho nhau. Bỗng Sandra nói, “Mọi người đang ùa vào toa hạng nhất. Em phải đi đây. Bye. I love you!” Ðó là lời chót nàng nói với tôi.

Lisa Jefferson (nhân viên 911, đang trên điện thoại với hành khách Todd Beamer): Todd quay lại hỏi ai đó: “Sẵn sàng hết chưa?” Tôi nghe tiếng họ đồng loạt trả lời. Tiếp theo là giọng của Todd: “OK. Let’s roll!”

10:03, chuyến bay United 93 rớt xuống một mỏ than từ lâu đã bỏ hoang tại County Somerset. Tất cả 40 hành khách và phi hành đoàn đều tử nạn.

IB

Dallas