Asian Film Festival Dallas (AFFD) đã kéo dài từ ngày 19 đến 25 tháng 7 tại Dallas, với nhiều chục thước phim Á Châu đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong số đó có cả phim do học sinh vùng North Texas làm, và một sinh viên Việt đã thắng giải.

Vài người bạn “đến hẹn lại lên” tại Liên Hoan Phim Á Châu Dallas (ảnh: PA/Trẻ)

Năm 2002, Mye Hoang và Steve Carlton đứng ra thành lập tổ chức phi vụ lợi Asian Film Festival Dallas với mục đích: “tuyên dương những nhà làm phim người Á Châu hoặc người Mỹ gốc Á – dù mới vào nghề hay đã thành danh – muốn dùng điện ảnh để chia sẻ với thế giới nét văn hoá đa dạng của Á Châu.”

2019 đánh dấu Asian Film Festival Dallas lần thứ 18. Quốc gia có nhiều phim tham dự nhất năm nay là Nhật (16), kế đến là Nam Hàn (11) và Mỹ (8). Hồng Kông, Ðài Loan, Ấn Ðộ, Phi Luật Tân đồng hạng tư với mỗi nước 2 phim. Những nước chỉ có 1 phim đại diện là Cuba, Pháp, Mã Lai Á, Singapore – và Việt Nam với phim “The Third Wife” (Người Vợ Ba).

Cô Teresa Nguyễn, trưởng ban Marketing, nói với Trẻ rằng cô tham gia tổ chức này đã hơn 10 năm. Trong thời gian đó cô chỉ thấy có khoảng 6, 7 phim Việt Nam tham dự, như “Tiền Chùa”, “Vượt Sóng”… Thật là một con số quá khiêm nhường cho một quốc gia với dân số gần cả trăm triệu, chưa kể một cộng đồng hải ngoại đông đảo và tương đối mạnh về kinh tế.

Cô cũng cho biết, mặc dù người Việt trong vùng Dallas-Ft Worth rất đông (tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở North Texas sau English và Spanish) nhưng số người đi xem Liên Hoan Phim rất ít. Ða số chỉ đi dự khi nào có chiếu phim Việt Nam. Còn số người ghi danh làm volunteer thiện nguyện cho AFFD gần như zero; Trẻ chỉ gặp một cô sinh viên người Việt tên Nghi Trần, đến từ đại học Texas Tech, làm volunteer tại đây đã được 4 năm.

Lynn Chen (trái, đứng), Anna Akana (giữa) và Richard Ng trong phim “Go Back to China!”

David Gibson, trưởng ban Programming chuyên lo việc chọn lọc phim, nói anh phải lội vào những website nơi có nhiều dân làm phim quy tụ để kiếm phim hay. Anh than là trong số 300 cuốn phim anh phải duyệt mỗi năm không có bao nhiêu phim Việt để lựa. Phim làm ở Việt Nam muốn mang ra nước ngoài thì không dễ. Còn phim Việt làm ở nước ngoài thì không nhiều, và không phải phim nào cũng được gởi đến AFFD. Nhưng anh hy vọng tình trạng này sẽ thay đổi một khi các nhà làm phim Việt biết đến Liên Hoan Phim Á Châu này nhiều hơn.

Xem thêm:   Phát triển tay nghề

Giống như những liên hoan phim khác, AFFD có những bộ phim dài (feature) và nhiều thể loại riêng biệt khác như Tài Liệu (documentary), Hoạt Hoạ (animation), Ngắn (shorts), Thử Nghiệm  (experimental). Nicholas Gangloff, trưởng ban Education Outreach, cho biết mục “Phim Ngắn Học Sinh” (Student Shorts) của AFFD đặt ưu tiên cho học sinh và sinh viên trong vùng North Texas. Trong số 20 phim được chọn chiếu năm nay, Garland High School có 4 phim, trong đó có 1 phim của học sinh Việt đạo diễn. Ðại học UT-Arlington có 3 phim dự thi, cả 3 đều do sinh viên Việt đạo diễn – Colin Phạm đã thắng giải Sinh Viên với phim “Take Me Home” [*] Rất tiếc Trẻ đã không chuẩn bị kịp để đi xem phim của các em. Hy vọng năm sau sẽ có loạt bài tường thuật kỹ lưỡng hơn.

Trong số những phim chúng tôi có cơ hội xem năm nay, có vài bộ rất hay. Ấn tượng nhất có lẽ là “The Widowed Witch” của đạo diễn Cai Chengjie (TQ) – từ âm thanh, hình ảnh cho đến nội dung và diễn xuất – tất cả mọi thứ đều chứng tỏ nhà làm phim này có tay nghề cao, tạo nhiều cảm xúc.

Kế đến là phim tài liệu “This Little Land of Mines”, Erin Goff (Laos, USA) nói về việc tháo gỡ bom mìn ở Lào do máy bay Mỹ thả xuống thời chiến tranh Việt Nam. Nó cho ta hiểu thêm về hậu quả tàn khốc của cuộc chiến đối với người dân quê ở Lào mà người Việt mình ít khi nghĩ đến.

Xem thêm:   AI sẽ tiếp quản nhiếp ảnh của bạn?

 

Feature Film Winners

Best Narrative Feature: LONG TIME NO SEA

Best Documentary Feature:

GEOGRAPHIES OF KINSHIP

Student Short Winners

Best High School Short: BAIT

Best College Short: TAKE ME HOME [*]

audience awards

Best Narrative Feature:  THE ODD FAMILY

Best Documentary: GEOGRAPHIES OF KINSHIP


Từ trái: Nguyễn Phương Trà My, Trần Nữ Yến Khê, Maya Mai Thu Hương trong “Người Vợ Ba”

Phim “Người Vợ Ba” cũng xứng đáng được chấm 4-5 điểm. Ðây là bộ phim thuộc thể loại “phim nghệ thuật” (art house film) chứ không phải “xi-nê kinh doanh” (commercial movie). Hình ảnh trong phim tuyệt đẹp, nhưng đề tài khá táo bạo cũng đã làm một số người Việt bị “dội”. Thật ra đây là một bộ phim cần được xem trên màn ảnh lớn; nhạc đệm của Tôn Thất An và thiết kế âm thanh thật tuyệt vời, phải nghe trong rạp mới thấm. Bộ phim dài đầu tay này của đạo diễn Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) tuy bị cấm chiếu ở Việt Nam, nhưng tại các liên hoan phim thế giới “The Third Wife” đã gặt hái nhiều thành công cũng như vô số lời khen ngợi từ các nhà phê bình phim chuyên nghiệp. Trẻ sẽ có bài về phim này trong một số tới.

Ngoài ra AFFD còn đặc biệt chú trọng đến các nhà làm phim nữ. Có cả một buổi chiếu đặc biệt dành cho những thước phim ngắn do phụ nữ đạo diễn, gọi là “Women’s Shorts”. Tiếc là loạt phim này được chiếu giữa ngày nên chúng tôi không đi xem được. Tuy nhiên bộ phim dài đầu tay của nữ đạo diễn Ximan Li (USA) mang tên “In a New York Minute”, về ba người đàn bà ở New York City, cũng là một tác phẩm đáng khen cả về nội dung lẫn kỹ thuật. Trong thể loại “commercial movie” thì phim “Go Back To China!” của nữ đạo diễn Emily Ting (USA, China) khá vui nhộn. Phim thuộc dạng hài hước giống “Crazy Rich Asians” nhưng ít sáo mòn hơn, đối thoại và chọc cười cũng thông minh hơn.

Xem thêm:   Phát triển tay nghề

Sau đây là vài điều cần biết khi đi dự liên hoan phim AFFD. Bởi vì Liên Hoan có quá nhiều phim nên ta cần đọc trước nội dung và xem trailer để chọn phim nào mình muốn xem. Website asianfilmdallas.com có đầy đủ tất cả thông tin cần thiết – từ ngày giờ chiếu cho đến thể loại, ngôn ngữ, dài bao nhiêu phút v.v.

Khán giả xếp hàng chờ xem “Go Back to China!” (ảnh: PA/Trẻ)

Nhiều người Việt ở Mỹ ít đi coi xi-nê vì lý do “nó nói nhanh quá tui nghe hổng kịp!” Nhưng nếu bạn đọc được phụ đề tiếng Anh và thích coi phim Tàu, Hàn, Nhật v.v. thì có lẽ bạn sẽ muốn đi dự những liên hoan phim Á Châu như vầy. Ngoài việc coi phim, khán giả còn được chấm điểm phim. Trước khi vào xem mỗi người được trao một “lá phiếu” nho nhỏ, ghi tên phim và số 1-5. Sau khi coi xong, ta có thể cho điểm bằng cách xé đến số nào mình muốn – nếu muốn cho 4 điểm thì xé đi số 1-3 v.v.

Tất cả các phim đều được chiếu tại rạp Angelika Dallas, Mockingbird Station, một khu ăn uống giải trí nhộn nhịp ở Midtown. Nếu bạn là người thích coi phim, một tấm thẻ “Lucky 88” ($88) sẽ cho phép bạn coi bao nhiêu phim cũng được, bất cứ xuất nào. Hoặc giả bạn muốn ủng hộ AFFD, bạn có thể ghi danh làm hội viên và được giảm giá khi mua vé.

Liên Hoan Phim Á Châu là một sinh hoạt giải trí lành mạnh và thú vị. Người đi đa số là da trắng, nhưng phim của xứ nào sẽ có thêm dân xứ đó đi coi (dĩ nhiên!) Hy vọng trong tương lai người Việt sẽ tham dự các sinh hoạt mainstream như thế này ngày càng nhiều hơn.

PA

Dallas