Ðó là một câu hỏi hơi thiếu tế nhị khi nói trực tiếp, nhưng vẫn là một câu hỏi bạn cần phải trả lời. Nếu bạn muốn bất cứ sự hoàn thiện đáng kể nào trong nhiếp ảnh của bạn, chỉ “chụp hình cho vui” không phải là đủ.

Tôi, giống như hầu hết mọi người, đã bước vô sân chơi nhiếp ảnh qua sự tò mò và thích thú. Tôi nào có mơ rằng nó sẽ trở thành một phần lớn của đời tôi, chưa kể đến chuyện nó là “sứ mệnh” của tôi. Qua một sự tình cờ, tôi đã có một cách làm việc khá lành mạnh với máy ảnh của tôi. Tôi chụp hình, tìm xem những gì tôi không thích, và cố gắng không lặp lại lỗi đó nữa. Chạy song song với ý tưởng đó là một chút mảy may của sự tò mò đã lôi kéo tôi tới phía sau cái hộp đen từ đầu: Tôi nhìn những hình ảnh tôi nghĩ là đẹp và tự hỏi: “làm sao mình chụp được như vậy?” Rồi tôi cố gắng mò mẫm bằng cách tự tìm tòi, tự học, hoặc bằng cách rút kinh nghiệm từ những “thất bại đau thương”. Ðiều này cho phép tôi tiến bộ và học hỏi trong một tính cách đều đặn, đó là, đến một điểm đại khái mà tôi nghĩ đã “tốt” rồi.

Sau một thời gian, tôi bị lọt vô tình trạng “giậm chân tại chỗ”. Những tấm hình tôi chụp cách nhau một năm không khác gì nhau dựa theo kỹ thuật, tức là, người xem không thể phân biệt tấm nào được chụp trước và tấm nào chụp sau, nếu chỉ dựa vào phẩm chất chụp hình. Những món dụng cụ mới không cách mạng hóa bộ hình hoặc kiểu chụp của tôi. Tôi vẫn cố gắng vươn lên, nhưng không năng nổ như trước đó. Rồi, cách đây khoảng mười năm trước, tình cờ tôi tự giới thiệu hai quan niệm đã giúp đỡ rất nhiều cho công việc của tôi. Cả hai ý tưởng này xuất phát từ một cuốn sách mà tôi hoàn toàn đề nghị bạn tìm đọc: Sức mạnh của Ðam mê và Kiên trì.

Xem thêm:   Cách chụp ảnh nhật thực: 12 mẹo

Thực tập có tính toán

Ðể diễn đạt ý tưởng này một cách chính xác, bạn chọn một mục tiêu, và rồi, bạn tập dợt để đạt được nó với sự phản hồi phê bình và am hiểu. Thay vì chỉ lặp đi lặp lại những hành động đó, bạn tự thúc đẩy mình ở những lãnh vực bạn có nhược điểm lớn nhất và đánh giá những tác phẩm của bạn và giải quyết từng bước.

Một trong những nhược điểm đầu tiên của tôi mà tôi đã xác định là cách thắp sáng khung cảnh. Từ đó trở đi, tôi tính trước những gì tôi cần qua quá trình nghiên cứu đàng hoàng, và rồi thực tập cách hoàn thiện tài điều khiển những hệ thống đèn tôi có.

Tình trạng trôi chảy

Quan niệm thứ nhì từ quyển sách nói trên là ý tưởng về một “tình trạng trôi chảy”. Một lần nữa, tóm tắt lại, tình trạng trôi chảy là khi một người đang thực hiện một công việc ở tiêu chuẩn cao với sự thành thạo, kinh nghiệm, và thoải mái cho nên họ chỉ yêu thích việc họ làm mà không cần nghĩ tới họ đang làm gì. Tôi nghĩ quan niệm này có nhiều tên, nhưng hầu hết chúng ta đã có cảm giác này một lúc nào đó trong đời mình – khi bạn đang làm một điều gì giỏi quá cho nên những hành động của bạn trở nên máy móc và bạn chỉ hưởng thụ. Ðây phải là mục tiêu đại khái cho tất cả chúng ta.

Xem thêm:   Chủ nghĩa tối giản đơn sắc

Kết luận

Không có gì sai cả với việc tùy tiện trong nhiếp ảnh và chụp hình cho vui. Có lẽ bạn sẽ tiến bộ qua một thời gian hoặc khi bạn cảm thấy muốn học một kỹ thuật mới. Tuy nhiên, nếu mục đích của bạn là tiến bộ, bạn phải xác định một tiêu chuẩn bạn muốn vươn tới – một trình độ nhiếp ảnh bạn nghĩ là giỏi – và rồi thực tập đến khi bạn thu hẹp khoảng cách giữa tiêu chuẩn bạn đang có và tiêu chuẩn bạn muốn vươn tới. Soi mói mỗi tấm hình bạn chụp, mời người khác giỏi hơn phê bình hình của bạn, và nhận ra những khuyết điểm để cải tiến.

AN

Breslau, Canada