War và Battle là hai khái niệm gần cận với nhau và thường bị hiểu sai hoặc dùng lẫn lộn, do đó cũng nên so sánh để tìm ra những gì khác biệt.

Chiến tranh Quốc Cộng ở Việt Nam hiện đến tâm trí chúng ta khi đề cập đến từ ngữ “chiến tranh” (war). Biến cố lịch sử đó đã gây nhiều tàn phá lớn lao về tài sản và sinh mạng ở nhiều nơi nhưng đã không diễn ra trong một ngày hoặc một địa điểm, mà gồm rất nhiều trận chiến (battle) lớn nhỏ do các bên lâm chiến đánh với nhau ở nhiều mặt trận (front). Các trận đánh đều quan trọng, nhưng không tự tạo thành một hình ảnh tổng thể, mà phải đặt chúng vào các bối cảnh mới hiểu được tầm quan trọng của cuộc chiến tranh có chiến thuật và chiến lược.

Cũng vậy, khi hai quốc gia có chiến tranh với nhau, họ giao chiến ở nhiều trận đánh trong một thời gian, thường lâu dài. Có trận thì bên này thắng, có trận bên kia được. Tuy nhiên, nước nào thắng trong trận đánh quyết định mới là nước chiến thắng.

Nếu chiến tranh (war) được coi như một bức họa, thì các trận chiến (battle) cũng giống như những miếng puzzle xếp lại với nhau để tạo thành bức họa đó. Một cuộc chiến tranh là toàn thể các trận chiến kết lại với nhau, và kết quả không tùy thuộc chỉ vào một trận chiến đơn lẻ, do đó người Mỹ mới có câu nói: “You may have won a battle, not the war” (Có thể bạn chỉ mới thắng một trận, chứ chưa phải cả cuộc chiến).

Chắc bạn đã từng coi một trận đấu quyền anh giữa hai đấu thủ: trận đấu gồm nhiều hiệp. Trận đấu có thể coi như “war” và hiệp được coi như các “battle”. Một đấu thủ có thể thắng nhiều hiệp nhưng nếu đánh “knock out” địch thủ ở hiệp chót thì mới được coi là thắng trận.

Một bác sĩ hân hoan báo tin ông đã phát minh ra một thứ thuốc chủng ngừa chống ung thư, có thể phát biểu rằng đây mới là thắng được một trận đánh (battle) quan trọng chống căn bệnh chết người. Ý ông muốn nói các trận đánh còn dài và chiến tranh (war) vẫn chưa thắng được. Như vậy, war là một sứ mạng vẫn chưa kết thúc cho đến khi mục tiêu đạt được.