Giấm có nhiều loại và cách sử dụng khác nhau. Một trong những loại giấm thường thấy là distilled vinegar (giấm chưng cất). Xin được trình bày sự khác biệt giữa loại giấm này và giấm thường.

Giấm là thứ chất lỏng tạo thành do nước, acetic acid (từ 5% đến 20%) và một số hóa chất trong đó có thứ dùng để thêm mùi vị.

Acetic acid làm cho giấm có vị chua, tỷ lệ càng cao thì giấm càng chua gắt. Acid này có được trong giấm là do vi khuẩn làm cho ethanol lên men.

Giấm thường được dùng để nấu nướng, ướp cho thực phẩm giữ được lâu. Vì mùi chua đặc trưng, giấm đã được dùng nhiều năm trong các lãnh vực y tế và kỹ nghệ thời xưa.

Giấm cũng được sử dụng để lau chùi tẩy rửa trong nhà, và cũng có một số dược tính, tốt cho người bị bệnh tiểu đường, làm cho người ăn thấy mau no, giảm sự thèm ăn thêm. Giấm cũng có tính chống khuẩn, làm ngưng sự tăng trưởng các nguồn bệnh từ thực phẩm như salmonella và staphylococcus.

Sản xuất giấm để bán cho người dùng có thể bằng phương pháp lên men mau hay chậm. Cách truyền thống là làm lên men chậm, có khi lâu từ nhiều tháng đến một năm. Phương pháp sản xuất mau chỉ cần từ 20 đến 72 giờ.

Distilled vinegar (giấm chưng cất) thực ra không được sản xuất bằng các phương pháp chưng cất truyền thống hay tân tiến, mà được sản xuất bằng cách đưa rượu đã chưng cất vào tiến trình lên men, rồi pha chung vào nước để tạo ra một dung dịch không màu có từ 5% đến 8% acetic acid, có độ pH khoảng 2.6. Sản phẩm tạo thành có khi được gọi là “virgin” vinegar, distilled spirit, white vinegar và spirit vinegar.

Công dụng của distilled vinegar không chỉ giới hạn ở việc nấu nướng, làm bánh, ướp thực phẩm, mà còn pha với nước để làm sạch cặn chất khoáng đóng trong bình pha cà phê, ly hoặc các mặt nhẵn khác; lại còn dùng làm thứ đánh bóng đồng và các kim loại tương tự, cũng như là tác nhân hiệu quả chống khuẩn.

Những thứ có đường như táo, nho hoặc mía có thể dùng để làm giấm. Còn distilled vinegar thường dùng lúa mạch, mạch nha (malt) hay bắp.