Khi học lịch sử, ta thường bắt gặp những niên đại có các chữ AD hoặc BC đứng trước. Ngoài ra lại còn thấy CE và BCE nữa. Năm mới 2020 sắp bắt đầu, cũng nên tìm hiểu sơ lược những chữ viết tắt đó có ý nghĩa gì..

AD hay A.D. là viết tắt của “Anno Domini”, tiếng Latinh có nghĩa “Năm của Chúa”, dùng để ghi số năm sau khi Chúa Giêsu giáng sinh, cũng như được dùng làm hệ thống ghi năm trong Lịch Julian và Gregorian.

Hệ thống này được một tu sĩ đạo Thiên Chúa tên Dionysius Exiguus tạo ra năm 525 nhưng mãi tới khoảng năm 800 mới phổ cập.

Mục đích của hệ thống ghi năm AD nhằm đặt thời điểm giáng sinh của Chúa Giêsu làm điểm phân chia lịch sử thế giới, tuy nhiên nó không được sử dụng trong Kinh Thánh, và chỉ được công nhận nhiều thế kỷ sau khi Chúa chết.

BC hoặc B.C.,viết tắt của “Before Christ” (Trước Chúa Kitô) là hệ thống ghi thời gian những năm trước Chúa Giêsu giáng sinh, có lẽ được Bede khởi xướng vào thế kỷ thứ 8, với nguyên ủy bằng tiếng Latinh là “ante vero incarnationis dominicae tempus” (thời gian trước Chúa thực sự nhập thể).

Trong kỷ nguyên AD và BC thì không có năm “zero”, mà năm Chúa giáng sinh là 1 AD, năm trước đó là 1 BC.

Mãi tới thế kỷ 20 Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới đổi lịch của họ theo hệ thống AD và BC. Trước đó, họ dùng những từ trung dung, ít có ý nghĩa tôn giáo, như CE (Christian Era, Common Era, Current Era – Kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, Công nguyên, Kỷ nguyên Hiện đại) hoặc BCE (Before Common Era – Trước Công nguyên).

Trong hệ thống AD/CE, con số chỉ năm được tính theo thứ tự xuôi, chẳng hạn năm tiếp theo sau AD 400 là AD 401. Trái lại, năm trong hệ thống BC/BCE được tính theo thứ tự ngược, chẳng hạn năm tiếp theo sau 301 BC là 300 BC.