Các cuộc bố ráp những gia đình di dân không có giấy tờ hợp lệ bắt đầu từ ngày 14 tháng Bảy năm 2019 tại 10 thành phố lớn. Những vụ ruồng bắt  này sẽ do cơ quan Thi Hành Luật Di Trú và Thuế Quan (ICE) thực hiện trong nhiều ngày kể từ 14 tháng Bảy.

Các nhân viên ICE đang nhắm tới ít nhất 2,000 di dân đang bị lệnh trục xuất nhưng vẫn còn ở lại Hoa Kỳ bất hợp pháp.

Trong tháng 6 vừa qua, các nhân viên ICE nói rằng những chiến dịch này sẽ nhắm vào những di dân không có giấy tờ hợp lệ vừa mới đến Hoa Kỳ,với mục đích làm giảm làn sóng các gia đình ở Trung Mỹ đến biên giới phía Tây Nam.

Cơ quan ICE tuyên bố trước đây rằng họ nhắm vào việc bắt giữ những người có lịch sử phạm tội nhưng bất cứ di dân nào phạm luật Hoa Kỳ cũng sẽ là đối tượng bị bắt giữ.

Những gia đình di dân nào bị bắt giữ sẽ bị giam giữ cùng một chỗ, và nếu có thể được, sẽ bị giữ ở các trung tâm tạm giam ở hai tiểu bang Texas và Pennsylvania. Nhưng vì không đủ chỗ, một số gia đình có thể sẽ ở tại các phòng khách sạn cho đến khi việc ra đi được ấn định.

Bảo vệ Thẻ Xanh khi có những chuyến du lịch dài hạn

Người ta ít khi nào nghĩ đến việc sẽ làm gì khi bị cơ quan Kiểm Soát Biên Phòng và Thuế Quan (CBP) chất vấn tại phi trường khi họ trở về Hoa Kỳ sau một chuyến xuất ngoại lâu ngày. Chúng tôi đã có dịp đề cập vấn đề này trước đây nhưng cảm thấy rằng vấn đề này nên được nhắc lại. Bây giờ là một giai đọan mới. Các nhân viên di trú được Tòa Bạch Ốc khuyến khích thực hiện những điều khó khăn đối với người di dân, dù là hợp pháp hay bất hợp pháp. Trong những ngày này, tất cả thường trú nhân ở Hoa Kỳ đi du lịch trong thời gian kéo dài nên cẩn trọng hơn và chuẩn bị đối phó với các nhân viên kiểm soát biên phòng CBP khi họ trở lại Hoa Kỳ.

Bất cứ ai luân phiên cư ngụ 6 tháng trong một năm ở Việt Nam và 6 tháng ở Hoa Kỳ nên mang theo rất nhiều bằng chứng không bỏ nơi cư ngụ ở Hoa Kỳ. Thẻ Xanh là dành cho việc Thường Trú ở Hoa Kỳ, chứ không dùng để thăm viếng Hoa Kỳ.

Xem thêm:   Người di dân Trung Quốc tại biên giới San Diego

Luật tổng quát là thường trú nhân nên duy trì nơi sinh sống chính ở Hoa Kỳ, nói chung là phải ở trên 6 tháng mỗi năm, và những chuyến xuất ngoại không nên quá 180 ngày có thể là đối tượng bị điều tra nhiều hơn. Những chuyến đi thường xuyên, mặc dù không quá 180 ngày, vẫn có thể làm cho Sở di trú chất vấn về quyền giữ thẻ xanh của một thường trú nhân.

Giấy Phép Tái Nhập Cảnh (Re-entry permit) cho phép thường trú nhân ở ngoài Hoa Kỳ đến 2 năm và có thể tái nhập cảnh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nó không phải là điều đương nhiên được tái nhập cảnh. Và giấy phép tái nhập cảnh này sẽ vô dụng nếu không có bằng chứng duy trì nơi ở tại Hoa Kỳ. Ðối với việc vắng mặt hai năm, cơ quan biên phòng CBP nhiều phần sẽ hỏi người này đã làm gì ở Việt Nam, làm công việc gì, có tài sản ở Việt Nam không, liên hệ thân nhân ở Việt Nam ra sao. Cơ quan CBP cũng có thể hỏi về công việc của người này ở Hoa Kỳ, tài sản ở Hoa Kỳ và liên hệ thân nhân mà người này có ở Hoa Kỳ, kèm theo những bằng chứng duy trì nơi cư trú ở Hoa Kỳ.

Nếu thời gian vắng mặt lâu dài để săn sóc người thân có sức khỏe đau yếu, cần có giấy xác nhận của bác sĩ điều trị, hồ sơ bệnh viện hoặc những báo cáo khám nghiệm cùng với chứng minh sự liên hệ sẽ giúp ích rất nhiều. Thuế lợi tức ở Hoa Kỳ cũng chứng minh được sự cư trú ở Hoa Kỳ.

Những điều khác cũng có thể hữu ích là bằng chứng về những tài sản cá nhân hoặc bất động sản ở Hoa Kỳ mà họ là chủ nhân, thư mời làm việc, bằng chứng được trả lương, sổ chi phiếu ngân hàng và các bản báo cáo ngân hàng, dùng thẻ tín dụng (credit card), làm chủ những cổ phần (stock) ở Hoa Kỳ, những bằng chứng bảo hiểm, bằng chứng trả tiền đều đặn những khoản nợ lâu dài liên tục như trả góp tiền mua nhà và mua xe hơi, bằng lái xe hoặc căn cước của tiểu bang, v.v…

Xem thêm:   Hồ sơ di trú tồn đọng giảm

Luật đề nghị về Gánh Nặng Xã Hội

Ðã có nhiều bàn bạc và cũng có nhiều nhầm lẫn về luật đề nghị về Gánh Nặng Xã Hội. Trước hết, điều quan trọng cần nhớ đây mới chỉ là một luật được đề nghị, có nghĩa là chưa thành luật chính thức. Thứ hai, sau khi dự luật này chính thức được ban hành với văn bản sau cùng, thì chắc chắn những tổ chức hoạt động về di trú sẽ đưa việc này ra tòa.

Hiện tại, nếu quý vị đang nộp đơn xin quy chế thường trú nhân, những lợi ích công cộng bị cấm là tiền trợ cấp xã hội SSI, trợ giúp tiền mặt từ chương trình Trợ Giúp Tạm Thời Những Gia Ðình Cần Ðược Giúp Ðỡ (tức Temporary Assistance for Needy Families – TANF), tem phiếu thực phẩm (food stamp), Chương Trình Bảo Hiểm Sức Khỏe Trẻ Em Của Tiểu Bang (tức State Children’s Health Insurance Program- SCHIP) và trợ giúp công cộng bao gồm trợ giúp y tế Medicaid được dùng cho thời gian săn sóc lâu dài như ở trong viện dưỡng lão hoặc viện tâm thần.

Luật đề nghị cũng sẽ bao gồm phụ cấp lợi tức thấp săn sóc y tế Medicare Part D, chương trình lựa chọn phụ cấp nhà cửa Section 8, trợ giúp thuê nhà theo dự án Section 8 và nhà ở công cộng.

Một luật đề nghị khác – nhưng vẫn chưa thành luật – là hành pháp Trump đang tiến đến việc soạn thảo một điều luật trục xuất người có thẻ xanh dùng sự trợ giúp của chính phủ trong 5 năm kể từ ngày nhập cảnh. Những lợi ích công cộng này sẽ bao gồm trợ cấp xã hội SSI, chương trình tem phiếu thực phẩm, trợ giúp nhà ở Section 8, nhiều lợi ích về trợ giúp y tế Medicaid và chương trình Trợ Giúp Tạm Thời Những Gia Ðình Cần Ðược Giúp Ðỡ.

Nhiều di dân bỏ những quyền lợi về thực phẩm và y tế vì luật đề nghị về Gánh Nặng Xã Hội

Luật đề nghị về gánh nặng xã hội đang làm cho những gia đình di dân – kể cả công dân Hoa Kỳ – tránh né hoặc từ bỏ những lợi ích được chính phủ cấp về thực phẩm và y tế. Họ sợ rằng dùng những lợi ích này sẽ làm cho gia đình không thể có quy chế thường trú nhân.

Xem thêm:   Hồ sơ di trú tồn đọng giảm

Một nghiên cứu  cho thấy hơn 13% người lớn trong những gia đình di dân nói rằng họ không tham gia những chương trình công cộng như tem phiếu thực phẩm và trợ giúp nhà ở vì e ngại rằng luật “gánh nặng xã hội” mới sẽ gây khó cho họ không thể có thẻ xanh. Số di dân được phúc trình đã tăng đến 21% trong những gia đình có lợi tức thấp. Bản phúc trình này dựa trên những cuộc phỏng vấn với khỏang 2,000 người di dân.

LỊCH CẤP CHIẾU KHÁN VÀ CHUYỂN DIỆN CƯ TRÚ THÁNG 8-2019

(1) – IR-1, IR-2, IR-5: Vợ, con vị thành niên, cha mẹ của công dân Hoa Kỳ, luôn luôn hiệu lực

(2) – Diện F-1: Con độc thân, trên 20 tuổi, của công dân Mỹ: Ngày 01/07/2012 (Tăng 10 tuần)

(F-1  Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 01/03/2013)

(3) – Diện F2A: Vợ hoặc chồng và các con nhỏ của thường trú nhân: (Hiệu Lực)

(F2A Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 01/06/2019)

(4) – Diện F2B: Con độc thân, trên 20 tuổi, của thường trú nhân: Ngày 01/01/2014 (Tăng 4 tuần)

(F2B Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 01/09/2014)

(5) – Diện F-3: Con đã lập gia đình của công dân Mỹ. Ngày 22/06/2007 (Tăng 14 tuần)

(F3 Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 22/12/2007)

(6) – Diện F-4: Anh chị em của công dân Mỹ: Ngày 01/10/2006 (Tăng 14 tuần)

(F4 Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 15/12/2006)

(7) – Diện Đầu Tư Định Cư EB-5 (trực tiếp/hoặc gián tiếp qua Trung Tâm Vùng):  01/10/2014 (Giảm 2 năm)

(8) – Tu Sĩ-SR: (Luôn luôn hiệu lực)


Hỏi đáp di trú

 

Hỏi: Không có luật nào cho phép thường trú nhân sống ở ngoại quốc và duy trì nơi thường trú của họ bằng cách viếng thăm Hoa Kỳ một năm một lần sao?

Đáp: Ðây chỉ là một huyền thoại và không bao giờ thành luật. Ðể duy trì nơi thường trú, một người phải cho thấy họ đang cư trú thường xuyên và có nhà ở Hoa Kỳ và không bao giờ từ bỏ.

LMH

San Jose, CA.