Người lính VN Cộng Hòa dù nhớ mẹ, nhớ nhà, nhưng vẫn không thể về thăm trong dịp Tết bởi vì còn phải ở nơi tiền tuyến để bảo vệ cho người dân có thể đón Xuân trong yên bình. Thôi thì đành hẹn với mẹ, nhắn nhủ với những đứa em xin đợi ngày mai… Ý hướng đẹp đẽ ấy trong nhạc bản Xuân Này Con Không Về đã một thời được cả triệu quân dân miền Nam say mê, ca hát và đồng cảm. Và không chỉ trong thời chinh chiến mà cho đến ngày nay bài hát vẫn còn được nhiều ca sĩ khắp nơi trình diễn, khiến ta liên tưởng đến ca khúc Giáng sinh sau đây.

Hàng triệu người Mỹ đã một thời ấp ủ bài ca “I’ll Be Home for Christmas” nay đã ra người thiên cổ. Họ đã thành kính lắng nghe từng lời và từng nốt nhạc, nương hồn theo từng xúc cảm đan dệt thành lời bài hát. Tuổi tác đã cướp đi những thanh niên thiếu nữ đã bao lần say mê bản nhạc này, không phải chỉ như một bài ca mà còn như một lời kinh nguyện.

Ðối với người già người trẻ trong những ngày đen tối nhất của thế chiến thứ II, những người con, những cha mẹ, ông bà, cô cậu chú bác thì “I’ll Be Home for Christmas” tượng trưng cho họ niềm hy vọng, giấc mơ và lời kinh nguyện đẹp đẽ hơn bất cứ bài ca, phim ảnh hay câu truyện nào khác. Nhiều người ngày nay khi nghe nhạc bản này có thể nghĩ là nó quá sướt mướt, nhưng khi mới ra đời nó đã nhanh chóng trở thành bài ca ăn khách nhất.

Nhạc bản này có lẽ là một bài ca mùa Giáng Sinh rất giản dị. Có lời mở đầu, một phiên khúc và một điệp khúc, chỉ với 8 dòng chữ nhưng mô tả nỗi nhớ nhà chân thành, tha thiết. Vậy mà cách thế 8 dòng chữ này đánh động cả một dân tộc trong thời chiến chinh bất định, cũng như cung cách nó tiếp tục đánh động con người thời nay, làm cho bài ca thế tục này trở thành một trong những ca khúc tinh thần thiêng liêng nhất trong mọi thời đại.

Ðó là năm 1942, và nhà viết lời ca Kim Gannon biết rất rõ những xúc cảm khi chiến đấu ở hai mặt trận. Tại Brooklyn là quê hương của nàng, không phải chỉ có hàng ngàn gia đình cho con em vào quân đội mà nhiều gia đình đã mất con trong cuộc chiến. Mùa lễ Giáng Sinh thường là thời gian hoan lạc trong thị trấn này của New York, nhưng năm đó lại thấy khác hẳn một cách lạ kỳ. Ðường phố vẫn được trang hoàng, cây thông vẫn bày bán nơi góc phố, và ông già Noel vẫn rung chuông mỉm cười với trẻ thơ, nhưng không khí chiến tranh đã bao trùm lên những ngày lễ. Thật khó mà nghĩ tới quà cáp và hoà bình trên dương thế khi cha mẹ nóng lòng đọc tin tức và nguyện cầu cho đừng thấy người mang điện tín đem hung tin dừng lại trước cửa nhà mình. Còn tệ hơn nữa là không ai chắc chắn rằng nước Mỹ sẽ thắng trong trận chiến khủng khiếp này.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Lời bài hát

I’ll Be Home For Christmas:

I’ll be home for Christmas,

You can count on me.

Please have snow and mistletoe

And presents under the tree.

Christmas Eve will find me,

Where the love light gleams.

I’ll be home for Christmas,

If only in my dreams.

Anh sẽ về với em Giáng Sinh này, điều đó như chắc chắn.

Nhớ để dành tuyết, nhánh tầm gửi và quà dưới cây thông.

Anh sẽ có mặt đêm Giáng Sinh, nơi tình yêu tỏa sáng

Anh sẽ về với em Giáng Sinh này, dù chỉ là trong giấc mộng.

(bản dịch ianbui)


Kim thấy những cảnh tượng đau lòng diễn ra hàng ngày – lời cầu nguyện của những người cha người mẹ lòng đầy xúc động, những giọt nước mắt của những tân binh đang được người thân tiễn biệt tại các sân ga, những bước chân hối hả chạy đến gần người phu trạm mong nhận được một phong thư của người thân. Nàng biết những tin tức đọc trên đài phát thanh vừa như một lời nguyền vừa là lời chúc phúc. Mọi người đều có nhu cầu muốn biết những gì đang xảy ra ở Âu Châu và trên Thái Bình Dương. Nhưng nỗi lo sợ cùng đến với lòng mong biết đó… Một nỗi lo sợ thấm thía khi cha mẹ, vợ con nghe tin một trận đánh lớn vừa bùng nổ nơi người con, người cha, người chồng mình mới nêu địa danh trong lá thư sau cùng gửi về nhà. Khi mùa lễ Giáng Sinh đến, nỗi trầm cảm, âu lo vì xa cách người thân càng nặng nề hơn.

Không phải chỉ có những gia đình có quân nhân tại nước ngoài mới chìm đắm trong một thế giới bất định và âu lo, mà còn nhiều thanh niên thiếu nữ vùng thôn quê bỏ nhà đi làm việc tại các văn phòng và nhà máy tại New York và các đô thị lớn khác. Cũng như nhiều binh sĩ trong quân đội, chiến tranh đã đưa biết bao nhiêu người dân sự rời xa quê. Nhiều kẻ lần đầu tiên sống xa gia đình vào dịp lễ Giáng sinh, họ thật cô đơn và nhớ nhà.

Khi Kim Gannon ngồi xuống với ngọn bút trên tay để ghi lại những cảnh tượng chung quanh nàng và những người ở khắp nước Mỹ, tình cảm dạt dào chắc đã làm cho lúc viết ca khúc “I’ll Be Home for Christmas” rất mực khó khăn. Thật có rất nhiều điều phải nói, nhiều điều bị mất mát do những người bị chia ly vì đêm đen hoả ngục của chiến chinh. Vậy mà thay vì cố ôm đồm viết về mọi sự, nhà văn chỉ viết, bằng lối thẳng tắp và không có gì là phức tạp, về nỗi đau trong tim khi phải xa nhà vào dịp lễ Giáng Sinh. Ngắn, trực tiếp và ngọt ngào, thi sĩ Kim chỉ bằng mấy dòng chữ đã hoàn toàn thu tóm được cảm xúc của hàng trăm triệu con người.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Những lời ca của Kim Gannon được đem tới nhà soạn nhạc Walter Kent, cũng là một người dân New York. Kent thấu hiểu nỗi buồn của mùa lễ. Kent cũng là người đã sáng tác ca khúc tình cảm được nhiều người ưa chuộng “White Cliffs of Dover” nên biết rõ bản nhạc cần giai điệu nào. Bằng đôi mắt tâm thần, ông nhìn thấy những chiếc ghế không người ngồi ở bàn ăn, những người mẹ cố gắng mỉm cười qua màn lệ khi nướng bánh cho những người còn hiện diện trong gia đình, những món quà lễ Giáng Sinh treo trên cây thông chưa mở (trong thời kỳ này những món quà Giáng Sinh thường rất giản dị và buộc trên cây chứ chưa gói và đặt dưới cây thông như hiện nay). Với những hình ảnh đó trong đầu, ông đi tìm những nốt nhạc thích hợp để dệt lên lời ca. Khi hoàn thành tác phẩm, ông đã viết nên một giai điệu mơ màng, hy vọng, phù hợp hoàn toàn với lời ca của Kim Gannon.

Một trong những điều kỳ diệu của bài ca này là nó nghe như một lá thư gửi về nhà hơn là một bài hát mừng Giáng Sinh tiêu biểu. Nó không chỉ có một nỗi buồn thấm thía trong lời ca và điệu nhạc mà còn chứa chan hy vọng. Nó như lời một người thủy thủ, một chiến binh nhắn gửi người nhớ mong họ rằng họ sẽ trở về một ngày không xa. “I’ll Be Home for Christmas” cho người nghe một lời nhắn gửi chung cuộc và tức tốc: “Ðừng thất vọng, rồi chúng ta sẽ đoàn tụ đấy thôi.”

Tính chất thiêng liêng của nhạc bản này đến từ sứ điệp gần như một lời kinh cầu nguyện. Lễ Giáng Sinh tại Hoa Kỳ luôn luôn là hướng về gia đình và tưởng nhớ Ðấng đã tác tạo nên gia đình. Thế chiến thứ II đã phá vỡ mối dây gắn bó đó và làm xáo trộn các truyền thống của ngày lễ, “I’ll Be Home for Christmas” xác nhận một cách hùng hồn niềm hy vọng rằng khi sự việc đổi thay thì với thời gian, mọi người sẽ trở về đoàn tụ.

Xem thêm:   Tránh bị lừa gạt

Ngày 4-10-1943 Bing Crosby thu âm bản “I’ll Be Home for Christmas”. Ðây là bản đơn ca sau hơn 200 bản nhạc ông đã ghi âm. Lập tức, “I’ll Be Home for Christmas” đã nhảy lên hàng ăn khách thứ hai, chỉ sau “White Christmas” là bản nhạc hàng đầu năm 1942. Bản White Christmas đứng đầu bảng 17 tuần liên tiếp sau khi phát hành, đến năm 1943 lại đứng thêm một tháng ruỡi nữa. Vậy mà giữa khung cảnh chiến tranh, “I’ll Be Home for Christmas” lại được phát thanh nhiều hơn và bán ra nhiều hơn. Nó mau chóng trở thành nhạc bản được yêu cầu nhiều lần nhất trong những cuộc trình diễn cho binh sĩ mùa Giáng Sinh tại các căn cứ ở Âu Châu và Thái Bình Dương. Một số nhà viết lịch sử có nói rằng đối với quân nhân và gia đình họ thì bản nhạc thể hiện tinh thần ái quốc ngang bằng với bản “God Bless America”.

Trong suốt cuộc Thế Chiến thứ II, chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, bài ca này tượng trưng và thể hiện những tình tự của những người ở tiền tuyến cũng như nỗi xúc cảm của người ở nhà cầu mong cho họ được an toàn trở về. Nó được thu thanh không biết bao nhiêu lần do nhiều nghệ sĩ khác nhau và hàng triệu đĩa nhạc đã được bán ra. Nhưng xa hơn những con số bán được đáng kể đó, là phương thức bài ca được nâng niu do mọi người trong xã hội. Như là một lời chứng về tính chất đầy hy vọng của nó. Bài hát tuy không có một nhắc nhở đề cập nào đến Ðức Giêsu hoặc là lễ Giáng sinh đầu tiên, nhưng suốt 50 năm qua nó đã được dùng hàng ngàn lần trong các cuộc trình tấu và các chương trình thuộc nhà thờ vào dịp mừng lễ Giáng Sinh.

o O o

Ngày nay, hơn bảy thập niên sau khi bài ca được công nhận như một lời kinh cầu ngày lễ cho thế chiến thứ II, “I’ll Be Home for Christmas” vẫn còn khuấy lên nhiều xúc cảm mới. Hầu hết những người trở về nhà mừng lễ Giáng sinh sau cuộc đại chiến đã giã từ thế giới này để bước sang một thế giới khác. Nhưng vì những đóng góp và hy sinh của họ là những người đã phục vụ tổ quốc trong những ngày đen tối, họ vẫn luôn luôn trở về mừng lễ Giáng Sinh với chúng ta trong tâm hồn, trong ký ức và trong giấc mơ đầy hy vọng.

Ace Collins

Hoàng Nghị dịch