Dạo quanh phố phường, nhà cửa vào những ngày này, trước lễ Halloween, chúng ta dễ bắt gặp các hình ảnh, biểu tượng, tuy gây sợ hãi nhưng phảng phất màu dị đoan, mê tín, đã có từ xa xưa, tuy ngày nay chẳng còn mấy ai tin nữa nhưng vẫn xuất hiện nơi một nước Mỹ hiện đại, văn minh ở thế kỷ 21… Mời bạn cùng tìm hiểu.

 

Dơi
Biểu tượng Halloween này cũng xuất phát từ lễ hội Samhain. Người Celt dựng những đống lửa lớn để nhảy múa chung quanh và cúng tế sinh vật. Lửa thu hút nhiều côn trùng và vì thế dơi cũng đến dự phần. Máu dơi cũng được cho là một thành phần trong món thuốc mà phù thủy bào chế. Thời Trung Cổ, dơi được coi là kẻ báo hiệu chết chóc, và là sai nha của phù thủy.

Mèo đen
Thời Trung cổ, người ta đồng hóa mèo đen với ác quỷ và cho rằng chúng phần nào có trách nhiệm gây ra Black Plague (Dịch Đen, làm chết từ 75-200 triệu người châu Âu trong những năm 1347-1351). Người ta còn tin rằng phù thủy thường đồng hành với mèo đen, dùng như “tay sai” để giúp làm các phép ma thuật. Vào thời gian có Vụ kiện Phù thủy Salem, các công tố (người buộc tội) cho rằng phù thủy có thể biến thành mèo, nhất là mèo đen.

Một chuyện thần tiên của xứ Scotland kể rằng con Mèo Sith khổng lồ màu đen đã có thể lấy cắp hồn của người chết trước cả các thần linh. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng thấy mèo đen chạy qua đường mình đang đi là xui xẻo: Tại Đức, lại là điềm may khi thấy con mèo chạy từ trái sang phải trước con đường đang đi.

Ma mặc drap giường
Lễ hội Samhain (ngày 1 tháng 11) của người Celt cổ, là để đánh dấu năm mới, chuyển tiếp từ mùa Hè và mùa gặt hái sang những ngày Đông tối tăm lạnh lẽo. Người Celt tin rằng trong đêm trước năm mới, biên giới giữa người sống và kẻ chết bị xóa mờ để cho con ma là những người đã chết trở về dương thế.

Tại sao người ta thường vẽ ma là tấm vải trải giường quái dị? Từ nhiều thế kỷ, các họa sĩ đã vẽ ma giống hệt như những người đang sống, vì vậy người ta không phân biệt được đâu là người đâu là ma. Vì thế trong những thế kỷ 19 và 20, để chỉ ma, các họa sĩ vẽ hình người trùm kín trong tấm vải liệm, mà điều trùng hợp lạ lùng là giống như trùm trong tấm vải trải giường thời hiện đại.

Xem thêm:   Nhật thực

Phù thủy
Hình ảnh phù thủy mà ta quen hình dung ra (người đàn bà già nua có dáng ma quái đứng chế thuốc độc trong cái vạc dầu) là lấy từ chuyện nữ thần của người ngoại giáo, còn được gọi là “mụ già”, là “Mẹ Đất”. Trong lễ hội Samhain, bà được tôn kính, vì tượng trưng cho tính khôn ngoan, sự đổi thay và mùa mới. Người Celt tin rằng các linh hồn đi vào trong cái vạc của bà già sau khi chết và chờ đợi trong đó để được đầu thai. Bà già khuấy cái vạc lên để các linh hồn mới có thể đi vào và những linh hồn trước có thể tái sinh.

Ma cà rồng
Câu chuyện về những yêu quái ban đêm đều có xuất xứ từ khắp thế giới, như chuyện cương thi của Tầu, là những hồn ma tấn công và hút mất năng lực của con người, hoặc chuyện những con quỷ hút máu của Ấn Độ. Nhưng khi những nhà thám hiểm Tây Ban Nha khám phá thấy một số dơi thực sự có hút máu thú vật, thì càng lớn mạnh thêm truyền thuyết về ma cà rồng, và những con vật tương tự. Chuyện về Dracula, mà ai cũng biết, là xuất xứ từ cuốn tiểu thuyết của Bram Stoker năm 1897, nhưng cả thế kỷ trước đã có chuyện kể về những con ma cà rồng trở về từ cõi chết; chúng là những hồn ma ác quỷ không giống hình dạng con người.

Trăng tròn
Hậu cảnh của nhiều phim ma quái thường là lớp sương mù che phủ một khuôn trăng tròn. Nhưng rất hiếm khi ngày Halloween trùng với ngày tròn trăng. Trước đây nhất là năm 2001, và gần nhất sẽ là sang năm 2020. Theo truyền thuyết về phù thủy thì các phép thần thông sẽ mạnh mẽ nhất vào ngày tròn trăng trong chu kỳ Chị Nguyệt.

Nghĩa trang
Một truyền thuyết của người thành thị Tây phương nói rằng mỗi khi lái xe qua nghĩa trang bạn phải nín thở. Nếu không, mỗi hơi thở của bạn sẽ đánh thức một hồn ma, có thể làm cho ma quỷ ghen tức, và có khi còn hít phải chúng nữa. Sự nối kết tượng trưng giữa hơi thở, sinh lực và thần linh đã có trong ý nghĩ của con người ngay từ thuở ban đầu. Trong Thánh Kinh có kể chuyện Chúa Trời dựng nên con người bằng cách thở hơi vào Adam.

Xem thêm:   Trứng

Cây chổi của phù thủy
Truyền thuyết kể rằng phù thủy dùng các dược thảo như kỳ nham (henbane) để nấu thuốc, vì nó tác động đến tâm linh, như gây ảo giác, để làm cho pháp thuật của họ thêm mạnh. Khi nhà sử học người Anh là Raphael Holinshed mô tả câu chuyện về người Ái Nhĩ Lan đầu tiên bị kết tội làm phù thủy (Lady Alice Kyteler), ông cho biết nhà chức trách tìm thấy ống thuốc mỡ trên cán một cây chổi mà bà dùng lượn lờ đây đó. Những chuyện kể tương tự nói phù thủy xức dầu trên tóc bằng những chiếc gậy gỗ có bôi thuốc gây ảo giác.
Dĩ nhiên những câu chuyện đầy thiên kiến đó là do những người thẩm tra và khai chứng từ những phù thủy bị kết án kể ra lúc bị tra tấn, nhưng hình ảnh đó vẫn tồn tại cho đến nay. Ngoài ra, cũng có những cảnh mô tả phù thủy bay với các vật dụng khác như chiếc ghế hoặc cái chĩa nấu ăn.

Trang phục Halloween
Trong lễ hội Samhain, người Celt cho rằng hồn người đã chết sẽ trở về dương thế, nên họ đặt đồ ăn thức uống ra ngoài để khoản đãi. Nếu một hồn ma ăn mặc như người ăn xin đến trước nhà mà bị xua đuổi thì căn nhà bị nguyền rủa. Người ta cũng ăn mặc các trang phục (đa số làm bằng da và đầu thú vật) để ma quỷ tưởng là đồng bọn.

Năm 1000, Giáo hội Công giáo đặt ngày 2 tháng 11 là Lễ Các Linh Hồn (All Souls’ Day) để tôn vinh người đã quá vãng – và thánh hóa một tập tục trước đây là của người ngoại giáo. Nhiều người mừng lễ bằng cách ăn mặc như các thánh nhân, thiên thần và yêu quỷ. Đặc biệt là ở Anh và Ái Nhĩ Lan, trẻ em mặc đồ hóa trang đi xin thực phẩm và tiền.

Vào đầu thế kỷ 20, khi các dạ hội giả trang thịnh hành, nhiều câu lạc bộ tư nhân bắt đầu tổ chức các Halloween parties để mừng người về từ những căn nhà nghỉ mùa hè. Collegeville Flag and Manufacturing Company là một trong những công ty đầu tiên ở Hoa Kỳ sản xuất và bán các đồ hóa trang Halloween.

Đèn bí đỏ Jack-O’-Lanterns
Nguồn gốc của đèn bí đỏ là do chuyện của người Celt về một chàng nông dân hay say xỉn tên là Jack; anh chàng lừa được cả quỷ ma nên sau khi chết chẳng lên được thiên đường mà cũng không vào được địa ngục, bị đày đọa phải lang thang, chẳng có gì ngoài một củ cải turnip đã làm thành chiếc đèn để soi đường, bên trong có cục than cháy đỏ từ địa ngục mà quỷ đã cho. Mãi đến ngày nay, anh vẫn dùng chiếc đèn đó để soi đường cho các linh hồn bị lạc, vì thế anh được gọi tên là “Jack of the Lantern” hoặc “Jack O’Lantern”. Người Ái Nhĩ Lan bắt đầu truyền thống khoét củ cải cho rỗng ruột, làm thành đèn để hướng dẫn hồn người lương thiện về nhà, nhưng vẽ những khuôn mặt dữ dằn trên đó để xua đuổi tà ma; khi di cư sang Mỹ, vì khó kiếm củ cải, họ đã dùng bí đỏ thay thế.

Xem thêm:   Easter


Tại sao những con chim lông mượt mà này lại dính dáng đến Halloween? Có lẽ vì chùm lông ở đầu nhô lên trông giống như những cái sừng nhỏ trên đầu quỷ. Chuyện dị đoan của người Hy Lạp và La Mã cổ xưa cho rằng phù thủy có thể biến thành chim ó đi hút máu trẻ thơ. Chuyện khác nói rằng cú là những sứ giả của phù thủy, nếu bạn nghe thấy tiếng cú kêu là phù thủy sắp đến.

Thứ Sáu 13
Con số 13 đã được coi là số xui ngay từ những nền văn minh cổ xưa nhất. Luật của người Babylon thời cổ (gọi là Luật Hammurabi), bỏ qua điều khoản 13. Còn người Ai Cập thời cổ thì đồng hóa con số 13 với cuộc sống mai hậu. Nhưng nguyên ủy của Thứ Sáu 13 phải trở về với ngày 13 tháng Mười năm 1307, ngày mà vua nước Pháp Philip IV truyền bắt hàng loạt các thành viên của nhóm Luật gia Hiệp sĩ (Knights Templar). Hàng ngàn người bị bắt, trên 100 bị hành hình. Anh ngữ có 2 từ đặc biệt về con số 13: Sợ con số 13: triskaidekaphobia; sợ ngày Thứ Sáu 13: Paraskevidekatriaphobia.

Nhện
Vì nhện nhả tơ dệt thành lưới được nên trong những chuyện cổ ngày xưa, nhện thường được mô tả là người kể chuyện, là kẻ bói toán. Rồi khi chuyện về phù thủy bắt đầu thịnh hành, nó đan xen với chuyện về nhện. Nhện giúp phù thủy làm bùa chú; ăn nhện đen kẹp giữa hai lát bánh mì trét bơ làm cho phù thủy có thêm nhiều quyền phép. Lại có chuyện dị đoan thời Trung cổ nói rằng vào hôm Halloween mà thấy nhện thì đó chính là hồn của người thân yêu đang trông chừng bạn.

-PN sưu tầm