Tuần trước, khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đang nhóm họp tại New York, một phụ nữ gốc Việt là cô Amanda Nguyễn cũng đã có mặt để vận động hành lang LHQ thông qua nghị quyết về quyền của những nạn nhân bị tấn công tình dục trên khắp thế giới. Trên trang mạng change.org, bản kiến nghị của cô được người ủng hộ vào ký tên hàng giờ, cho đến khi bài báo đang lên khuôn, số người đồng ký tên đã gần đạt đến mục tiêu 300 ngàn người. Cô gái gốc Việt từng tốt nghiệp đại học Harvard này là ai mà đã nhận được vô số tặng thưởng về hoạt động của mình, cũng như được đề cử vào danh sách các ứng viên cho giải Nobel Hoà Bình năm 2019?

Nếu không bị tai ương bất ngờ trong năm cuối khi đang theo học tại đại học Harvard, có lẽ con đường và sự nghiệp của Amanda Nguyễn đã đi một hướng khác hơn. Hoặc có thể cô sẽ làm việc cho NASA mà cô đã hai lần thực tập với giấc mơ trở thành phi hành gia. Hay cũng có thể cô sẽ làm việc cho Bộ Ngoại Giao hoặc phủ Tổng Thống, nơi cô từng làm việc toàn thời gian trong vai trò một phó tùy viên liên lạc giữa phủ Tổng Thống và Bộ Ngoại Giao trước khi quyết định nghỉ việc để điều hành toàn thời gian một tổ chức xã hội.

Amanda Nguyễn, 28 tuổi, nhà sáng lập kiêm Chủ Tịch tổ chức phi chính phủ RISE với mục đích tranh đấu cho dân quyền của những nạn nhân của các vụ bạo lực tình dục, được xem là người thay đổi diện mạo của các điều luật liên bang Hoa Kỳ về nạn tấn công tình dục. Sáu năm trước, năm 2013, cô là một nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp đang trong năm cuối đại học. Khi đi tìm công lý cho mình, Amanda đã nhận ra rằng các luật định và thủ tục hành chính đầy phiền toái và không đồng nhất giữa các tiểu bang đã gây khó khăn rất nhiều cho các nạn nhân. Với vô số vụ chưa được giải quyết, luật tại Massachusetts chỉ giữ các mẫu vật chứng về vụ cưỡng hiếp trong vòng sáu tháng và sẽ tiêu hủy nếu nạn nhân không nộp đơn gia hạn. Giới chức trách cho biết người bị hại có thể tốn đến hai năm trời để theo đuổi vụ điều tra. Amanda đứng trước chọn lựa, hoặc đi tìm công lý cho chính mình hay đeo đuổi sự nghiệp đã có những hứa hẹn tươi sáng cho một sinh viên Harvard? Cô quyết định không bỏ cuộc để đi tìm công lý cho mình cùng những nạn nhân khác. Thế là RISE ra đời vào cuối năm 2014.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Amanda bắt đầu gởi ra những email, kể về câu chuyện của mình đến hầu như tất cả những người cô biết. Cô nhận được phản hồi và sự ủng hộ đến bất ngờ, từ những luật sư, nhà lập trình nhu liệu cho đến nạn nhân các vụ tấn công tình dục cùng thân nhân của họ. Chỉ trong vòng hai tháng, các nhà lập pháp tiểu bang đã liên lạc Amanda để bảo trợ cho dự luật cấp tiểu bang. Tin tức lan truyền sang nơi khác, các tiểu bang khác cũng muốn áp dụng những dự luật của Massachusetts trong vấn đề này.

Amanda Nguyễn làm chứng trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện năm 2018 – nguồn en.wikipedia.org

Amanda nhận thấy câu chuyện của cô có thể tạo ra một phong trào xã hội, đặc biệt khi phong trào #Metoo bắt đầu được khởi xướng. Cô nghĩ đến việc đưa những dự luật này đi xa hơn, lên cấp liên bang để chúng có thể áp dụng trên toàn nước Mỹ. Amanda kêu gọi người dân ký kiến nghị trên trang mạng change.org và bỏ công vận động các nhà lập pháp, nhận được vô số sự ủng hộ từ người dân, giới nghệ sĩ và truyền thông. Câu chuyện còn lại là cuối cùng Ðạo Luật Quyền những Nạn Nhân bị Tấn Công Tình Dục (Sexual Assault Survivor’s Rights Act) do cô đồng soạn thảo và được các nhà lập pháp bảo trợ với hơn 20 luật đã được lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua với số phiếu tuyệt đối và Tổng thống Obama ban hành sắc lịnh năm 2016, chính thức áp dụng trên toàn nước Mỹ.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Amanda, cô gái 25 tuổi lúc bấy giờ tuyên bố rằng, “Những nạn nhân vẫn tiếp tục là nạn nhân của chính hệ thống được xây dựng để tìm công lý cho họ. Tôi chỉ có một chọn lựa, hoặc chấp nhận sự bất công đó hay viết lại luật. Tôi đã viết lại luật” “Tôi là bằng chứng rằng bạn có thể thay đổi vấn đề quốc gia”.  Quả là vậy, câu chuyện của Amanda cho thấy với nỗ lực và sự tiên khởi của một cá nhân trước một vấn đề được xã hội quan tâm cũng có thể tạo nên sự thay đổi rất lớn khi theo trên trang mạng của RISE, đã có 27 luật liên quan được thông qua.

Amanda Nguyễn đã được hầu hết giới truyền thông tên tuổi viết bài, đưa tin hay phỏng vấn trên báo và truyền hình sau khi đạo luật được ban hành.

Amanda Nguyễn, sáng lập kiêm Chủ Tịch tổ chức phi chính phủ RISE – nguồn Amanda Nguyễn

Nhật Bản cũng đã mời cô sang thuyết trình cho dự luật tương tự mà họ soạn thảo. Cô  nhận được khá nhiều giải thưởng cho những hoạt động này. Ngay trong năm 2016, cùng với một vài khuôn mặt phụ nữ xuất chúng trong năm về thể thao, học thuật, nghiên cứu…

Cô nhận được giải thưởng Marie Claire; được tạp chí Foreign Policy đưa vào danh sách 100 nhà tư tưởng toàn cầu trong năm; nằm trong danh sách 30 thanh niên  “30 under  30” có hoạt động nổi bật trong năm 2017 liên quan đến luật pháp và chính sách của tạp chí Forbes… Amanda đã được hai dân biểu tại California đề cử giải Nobel Hoà Bình cho năm 2019 vào hồi tháng Tư năm nay, rồi được tổ chức quốc tế Vital Voices Global Partnership trao giải trong buổi lễ vinh danh thường niên đến các phụ nữ có những đóng góp tích cực trên khắp thế giới.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Tổ chức RISE cũng nhận được sự ủng hộ và tài trợ từ các quỹ từ thiện lớn như Chan Zuckerberg Initiative, Bill & Melinda Gates Foundation, Hewlett Foundation… Tháng 10 tới đây, Amanda Nguyễn cùng tổ chức RISE của cô cũng sẽ nhận được giải thưởng thường niên Heinz Awards trị giá 250 ngàn đô la

nguồn blogs.farmingdale.edu

Hồi tuần trước, khi sang New York để vận động Liên Hiệp Quốc cho nghị quyết về nạn sách nhiễu và tấn công tình dục nói trên, cô đã được đại học Cornell mời đến nói chuyện nhân kỷ niệm 10 năm của Trung tâm Á Châu tại đây. Cô gái từng là thủ khoa trung học đùa rằng, “tôi là một nhà hoạt động xã hội, có nghĩa là tôi xem như đã thất bại khi không phải là một bác sĩ”.

Cô chia sẻ thêm rằng, cô hiểu những áp lực và tâm lý của những bạn bè Á Châu trước thực tế rằng, cha mẹ họ đã hy sinh quá nhiều cho con cái và họ phải có bổn phận làm theo ý của cha mẹ. Còn cô thì luôn cổ vũ hãy theo đuổi điều gì đó ý nghĩa cho riêng mình.

Có thể Amanda không trở thành một chuyên viên nào đó theo như sự mong chờ của không ít bậc cha mẹ Á Ðông, nhưng sự chọn lựa và con đường của Amanda để trở thành một nhà nữ quyền quả có ý nghĩa và ảnh hưởng gấp bội lần những mục tiêu khuôn khổ và giới hạn thông thường đó. Bởi nó tạo ra những đóng góp tích cực cho phụ nữ, cho xã hội và cho hàng triệu nạn nhân các vụ tấn công tình dục không chỉ riêng tại nước Mỹ và còn khắp thế giới một khi nghị quyết LHQ được thông qua trong năm tới.

Quả là một tín hiệu tích cực khi giới trẻ gốc Việt như Amanda Nguyễn đã dự phần vào những vấn đề xã hội vượt lên khuôn khổ đời sống của chính mình ngày càng nhiều hơn.

nguồn awesomefoundation.org/fr

ĐYT

Dallas, TX