Với 32 ban nhạc và gần nửa triệu người tham dự trong vòng ba ngày – từ 15 đến17 tháng 8, 1969, đại nhạc hội Woodstock Music and Art Fair đã mở ra một kỷ nguyên mới cho thế giới nhạc sống, đồng thời khép lại một trang sử đầy biến động của thế hệ hippie.

Đám đông cuốc bộ đến Yagur’s Farm. nguồn: AP

Những năm cuối cùng của thập niên 1960, nước Mỹ trải qua nhiều cơn khủng hoảng. Chiến cuộc Việt Nam leo thang; sinh viên học sinh xuống đường. Phong trào dân quyền sôi sục; Martin Luther King bị ám sát. Tỉ lệ binh sĩ da đen chết ở Việt Nam gia tăng; nhà quyền anh Mohammed Ali bị bỏ tù vì phản đối lệnh quân dịch… Trong một bối cảnh xã hội rối ren như vậy, Woodstock hiện đến như “cơn mưa rào trên cánh đồng khô hạn.”

Thật ra, ban đầu các nhà tổ chức chỉ muốn xây một studio thâu nhạc tại làng Woodstock, nơi ẩn cư của một số nhạc sĩ nổi tiếng như Bob Dylan. Nhưng sau khi thấy dự án hơi khó ăn họ chuyển sang tổ chức đại nhạc hội, dự định cho khoảng tối đa 50,000 người. Ngay từ đầu họ đã gặp trở ngại.

Cư dân làng Wallkill, New York, địa điểm được chọn đầu tiên, đã phản đối dữ dội; hội đồng thành phố ban luật cấm tổ chức nhạc hội. Chỉ còn một tháng mà BTC vẫn chưa tìm được chỗ dựng rạp. May sao tại làng Bethel cách đó vài chục cây số có ngọn đồi trồng linh lăng (alfalfa) rộng 600 mẫu khá trống. Max Yargur, chủ miếng đất, đồng ý cho mướn. Ðịa điểm lý tưởng nằm dưới chân núi Catskill Mountain này được người tham dự gọi yêu là The Garden (Khu Vườn), và tên tuổi Max Yargur đi vào lịch sử trong ca khúc bất hủ mang tên “Woodstock” của nữ nhạc sĩ Joni Mitchell.

Bích chương. nguồn: bethel woods museum

Rồi thì đại nhạc hội cũng thành hình, với Creedence Clearwater Revival là ban nhạc đầu tiên ký hợp đồng. Tuy nhiên, vì không đủ thì giờ chuẩn bị nên đến phút cuối hàng rào quanh Khu Vườn vẫn chưa xây xong. Dù là chương trình có bán vé, nhưng giờ chót số người đến quá đông; không quản nổi, ban tổ chức quyết định mở cửa thả giàn. Gần cả triệu người đã tràn vào khu Catskill Mountain làm kẹt cứng toàn bộ hệ thống đường sá. Nhiều người bỏ xe, lội bộ cả chục cây số. Gần một nửa bỏ cuộc quay về nhà.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Theo ước lượng, từ 400 đến 500 ngàn người đã đổ bộ xuống Bethel, gấp 10 lần con số tiên liệu lúc đầu. Cung cấp đồ ăn thức uống cho họ là cả một vấn đề; chưa kể đến các nhu cầu căn bản như vệ sinh, y tế v.v. Tuy vậy đã không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra, trừ một thanh niên chết vì phê thuốc quá độ và một người tử nạn vì bị xe ủi đất cán nhầm. Ngoài ra còn có 5-7 phụ nữ bị sẩy thai trong Khu Vườn. Không ai biết đích xác sau Woodstock 9 tháng 10 ngày đã có bao nhiêu em bé sinh ra đời, nhưng một số cặp tình nhân tại Woodstock sau này đã nên vợ nên chồng và vẫn còn chung sống với nhau cho đến ngày nay.

Trong tinh thần “peace & music”, tất cả mọi người đã hoà nhập vào không khí vui tươi của lễ hội. Bằng chứng là trong suốt ba ngày đó chỉ có chừng hai chục cảnh sát viên gìn giữ an ninh cho gần nửa triệu người. Thời nay, nội việc khám xét vũ khí cho bao nhiêu đó người tại cổng vào thôi cũng mất hết ba ngày!

Ba ngày của âm nhạc. Ba ngày của tình yêu, của tình huynh đệ.

Nhà phù thủy Jimi Hendrix tại Woodstock. nguồn: shutterstock

Như Max Yargur tuyên bố vào ngày cuối cùng:     “Các bạn đã chứng minh với thế giới rằng rock’n’roll có khả năng đoàn kết con người, bất kể sắc tộc hay màu da!” Từ màn mở đầu đêm thứ Sáu của một ca sĩ da đen vô danh tên Richie Havens, đến màn cuối cùng vào sáng sớm Chủ Nhật của nhà guitar cự phách Jimi Hendrix, tất cả những nhạc sĩ tại Woodstock đã lưu lại một dấu ấn sâu đậm cho các thế hệ đi sau. Ngoài những tên tuổi đã thành danh như CCR, Jimi Hendrix, Janis Joplin, Joan Baez… còn có nhiều ban nhạc sau khi chơi ở Woodstock đã trở thành tên tuổi quen thuộc – như Joe Cocker, Richie Havens, The Who,  Santana…

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Nhưng có lẽ ít ai biết nhiều nhạc sĩ rất nổi tiếng đã từ chối chơi cho Woodstock – như Simon and Garfunkel, Bob Dylan, Moody Blues, Rolling Stones, John Lennon… Vào thời điểm ấy The Beatles vừa làm xong dĩa nhạc cuối cùng (White Album) và đang rã đám. Tưởng tượng, nếu John & Yoko có tên trong lịch diễn thì số người tham dự dám vượt hơn nửa triệu như chơi!

Hôm ấy có một nhạc sĩ gốc Mễ trẻ tên Carlos Santana. Anh đã hớp hồn khán giả với nhịp điệu Latinh dồn dập và ngón đàn cực kỳ mê hoặc. Bản “Soul Sacrifice” (Tế Linh Hồn) của Santana được chấm là một trong 10 bài nhạc hay nhất đại hội. Cuối tuần vừa rồi Santana đã trở lại Bethel Woods để chơi trong một chương trình nhạc kỷ niệm 50 năm Woodstock. Ngoài Santana ra còn có Ringo Starr và ban nhạc All-Starr của anh với một số ca khúc Beatles kinh điển. Lần này khán giả không còn là hippie tóc dài nữa. Thay vì phải dựng lều và lội sình trong mưa như cách đây nửa thế kỷ, họ mang theo ghế xếp và ngồi nhấp rượu vang một cách lịch sự. Những chiếc Volkswagen van dán hình hoa hoè sặc sỡ được thay thế bằng những chiếc SUV bóng loáng gắn GPS và Bluetooth audio…

Nhưng có một điều không thay đổi, đó là âm nhạc. Những nhạc khúc tưởng chừng đã phai mờ theo thời gian vẫn sống mạnh; thông điệp của chúng vẫn mang đầy ý nghĩa hiện sinh. Các câu hỏi nhức nhối của thế hệ Woodstock về cuộc đấu tranh cho bình quyền, chống kỳ thị chủng tộc bỗng dưng trở nên cấp bách. Nếu nước Mỹ của Santana vào thập niên 60 bị rúng động bởi các vụ ám sát chính trị, thì nước Mỹ của Santana năm 2019 bị chấn động bởi các cuộc thảm sát còn kinh hoàng hơn, điển hình là vụ xả súng mới đây nhất ở El Paso nhắm vào người gốc Latinh như bản thân Carlos Santana.

Carlos Santana đang lên đồng. ảnh: David becker/wireimage

Năm mươi năm trước Jimi Hendrix là người trình diễn cuối cùng. Vì lý do kỹ thuật và thời tiết xấu, phải đến sáng Chủ Nhật Hendrix và ban nhạc mới bước lên sân khấu. Ða số mọi người đã rời Bethel, chỉ còn chừng 30,000 người ở lại. Họ được đánh thức bởi tiếng đàn  của một gã phù thuỷ da đen đầu quấn khăn, đánh tay trái. Sau gần hai tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ, Hendrix bỗng chấm dứt bằng một bản solo không dợt trước với ban nhạc. Ðó là bài “Star-Spangled Banner” – quốc ca Hoa Kỳ.

Xem thêm:   Allen PAC

Cây Fender Stratocaster của anh như thét ra lửa; từng loạt âm thanh rú lên như tiếng người kêu gào, tiếng bom rít, tiếng đạn nổ túa ra chát chúa. Gương mặt Hendrix đăm chiêu; anh nghiêm chỉnh như người đang chào cờ (Hendrix từng đi lính trong Sư đoàn Dù 101).  Khán giả người thì há hốc mồm, người thì ôm đầu trong kinh ngạc.

Có phải đây là một hành động phản kháng? Một hình thức xuống đường? Một thông điệp yêu thương? Cho đến nay vẫn không ai có câu trả lời, vì  một năm sau đó Jimi Hendrix đột ngột qua đời khi chưa đầy 28 tuổi.

Một điều chắc chắn, màn kết thúc chương trình của Jimi Hendrix — được ghi lại kỹ càng  trong bộ phim tài liệu “Woodstock” đoạt giải Oscar năm 1970 — là hình ảnh ấn tượng và tiêu biểu nhất của Woodstock. Không hề được soạn trước, nó trở thành tiếng nói đại diện cho một thế hệ người Mỹ đang lún trong vũng lầy, tìm cách thoát khỏi cuộc nội chiến đang xâu xé đất nước họ mà trong đó Việt Nam chỉ là một phần. Nửa thế kỷ sau, nước Mỹ một lần nữa đang phải đối mặt với một cuộc nội chiến khác, cũng quyết liệt không kém. Nhưng lần này dường như âm nhạc không còn đủ sức mạnh để dẫn đường cho họ như xưa.

Woodstock, 50 năm nhìn lại, không chỉ là đại nhạc hội rock’n’roll lớn nhất hành tinh mà còn là một sự kiện văn hoá mang tính chất lịch sử không ai có thể tái tạo. Rất may nó đã được ghi lại khá đầy đủ cho hậu thế có thể tìm xem trên … Youtube.

IB

Dallas