Thành phố Arlington (TX) vừa cắt băng khánh thành vận động trường thể thao điện tử lớn nhất Bắc Mỹ. Họ hy vọng nơi đây sẽ là địa điểm thu hút các giải esports lớn trên thế giới. Chuyện có thiệt mà nghe như đùa.

the-thao-dien-tu

Esports là nói tắt của “electronic sports”, tạm dịch là “thể thao điện tử”. Tuy khởi đầu chỉ là các trò chơi video game trên mạng, esports đang dần trở thành một kỹ nghệ đầy tiềm năng, có thể qua mặt những bộ môn thể thao truyền thống như football, baseball về doanh thu. Tuy nhiên thị trường esports ở Mỹ vẫn còn khá non trẻ, chưa phát triển bằng các nước Á Châu. Làng thể thao điện tử chuyên nghiệp đầu tiên ra đời cách nay gần hai thập niên ở Nam Hàn. Phải mất gần mười năm sau đó các nước Á Châu, Âu Châu và Mỹ Châu mới có những Esport League tương tự. Nam Hàn là quốc gia đầu tiên xây vận động trường dành riêng cho esports, với đầy đủ các thiết bị và chức năng kỹ thuật cần thiết.

the-thao-dien-tu5

Thị trưởng Arlington cắt băng khánh thành Esports Stadium Arlington. nguồn: cBsdfw

Giống như thể thao truyền thống, các game-thủ trong esports cũng lập đội để thi đấu với các đội khác. Lúc ban đầu các đội esports chỉ đấu lẫn nhau trong môi trường tự phát, không có tổ chức nhất định. Nhưng càng về sau những hãng sản xuất game nhận ra đây là một thị trường khá béo bở nên một số đã đứng ra tổ chức những giải đấu dành riêng cho game của mình. Thí dụ như hãng EA Sports có giải cho Madden (football); hãng Blizzard có giải cho Warcraft; Microsoft có giải cho Halo v.v. Nhưng ngoài ra còn có những công ty tuy không phải là nhà xuất bản game nhưng cũng đứng ra tổ chức những giải thi đấu cho game đủ loại, bất kể là sản phẩm của ai. Một trong những công ty lớn nhất hiện nay thuộc loại đó là FACEIT, thành lập tại London năm 2011.

FACEIT là chủ của giải Esports Championship Series (ECS), năm nay đã vào mùa thứ 6. Tuần lễ Thanksgiving 2018 FACEIT đã có giải chung kết ECS VI cho game “Counter Strike: Global Offensive”, tổ chức tại “sân vận động” Esports Stadium Arlington ở Texas. Tạm gọi là sân vận động mặc dù các đội tham gia chẳng có “vận động” gì nhiều; họ chỉ ngồi trước các máy computer và chơi video game với nhau. Tất cả hướng mặt về phía khán giả, sau lưng là những màn ảnh lớn chiếu những cảnh đấu đá đang diễn ra. Mỗi đấu thủ đều đeo headset có microphone, bịt tai lại để chỉ có thể nghe lẫn nhau. Họ hoàn toàn không thể nghe tiếng khán giả hò hét hay tiếng phụ đề của các tường thuật viên huyên thuyên không thua gì Huyền Vũ.

the-thao-dien-tu4

Võ đài ESA, nơi các đội thể thao điện tử hàng đầu thế giới sẽ tranh tài. nguồn: cbsdfw

Thoạt đầu không ai nghĩ video game có năng lực ghê gớm đến độ một thành phố như Arlington phải tốn cả $10 triệu đô la để sửa sang Convention Center lại và biến nó thành sân vận động cho esports. Thế nhưng hiện nay chủ các đội banh chuyên nghiệp như Jerry Jones của đội Dallas Cowboys (football), Mark Cuban của Dallas Mavericks (basketball) đều đầu tư vào esports. Ý tưởng xây sân thể thao điện tử tại Arlington lúc đầu bị nhiều người ngờ vực. Nhưng sau khi hội đồng thành phố có cơ hội nghiên cứu những số liệu về mức tăng trưởng hàng năm của esports, ai cũng đồng ý rằng thể thao điện tử là hướng đi mới và sẽ là một nguồn lợi tức đáng kể cho thành phố trong tương lai.

Hiện nay số người trên thế giới theo dõi các trận đấu esport online hàng tháng đã ngang ngửa số người xem các trận football của NFL ở Mỹ. Nhiều nguồn nghiên cứu cho rằng NFL sẽ bị esports qua mặt một ngày không xa. Công ty Deloitte tiên đoán thị trường esports sẽ trị giá chừng $1.5 tỉ đô la vào năm 2020, với tổng số khán giả khoảng 600 triệu người, tuổi trung bình là 26, và hơn 70% là Nam. Nói chung, fan của esports khá trẻ nên tương lai của kỹ nghệ này hết sức sáng sủa.

the-thao-dien-tu2

Quan khách tham dự buổi khai mạc Esports Stadium Arlington. nguồn: cbsdfw

Mặc dù sân Esports Stadium Arlington (ESA) chỉ có thể chứa từ 250 đến 2,500 khán giả, tuỳ theo giải nhỏ hay lớn, nhưng con số đó không phản ảnh tổng số người xem các trận đấu online, có thể lên đến nhiều triệu. Khác với thể thao truyền thống, esports được phát hình trên internet, qua các hệ thống livestream như Youtube, Twitch v.v. Ðiều này có nghĩa là khán giả không phải bỏ tiền mua những gói cable TV có các đài thể thao như ESPN, Golf Channel… mà có thể coi thẳng trên PC, smartphone, iPad, smart TV v.v.. Thêm vào đó, họ có thể lên internet để xem lại bất cứ trận nào họ thích miễn là nó được lưu giữ, chẳng hạn như trên Youtube. Nhờ vậy esports mới dễ dàng đến với người xem khắp nơi. Vấn đề còn lại là làm sao biến số khán giả đó thành nguồn doanh thu thường trực, đủ nuôi sống các làng esports chuyên nghiệp.

Chưa kể là trong thế giới esports hiện nay, ngoài những đội nhà nghề còn có các đội amateur từ đại học. Thí dụ như tại giải Counter Strike của ECS năm nay, trận chung kết đại học đã diễn ra giữa hai đội Louisiana State University (LSU) ở Baton Rouge và University of Texas ở Arlington (UTA). Ðội UTA lần này coi như gà nhà, được dân UTA đến cho nước rất xôm tụ; họ ngồi chật sân, vé bán sạch từ cả tuần trước. Rất tiếc UTA đã bị LSU hạ gục khiến fan của UTA phải “nuốt hờn” chờ sang năm tới. Nhưng dù đội nhà có về nhì chăng nữa, hội đồng thành phố và doanh nghiệp quanh vùng vẫn lạc quan tin tưởng rằng rồi đây sân ESA sẽ mang đến cho Arlington nhiều lợi nhuận đường dài. Trước mắt là chưa chi tên thành phố đã được gắn liền với sân esports lớn nhất nước Mỹ. Mọi người đang chờ một công ty lớn nào đó sẽ đứng ra bảo trợ bằng cách gán tên mình lên Esports Stadium Arlington như “AT&T” cho sân football của Dallas Cowboys, hay “Globe Life” cho sân baseball của Texas Rangers — cả hai đều gần kề sân ESA. Nếu như giấc mơ của thành phố trở thành hiện thực, ngày nào lượng khán giả tăng lên cao đủ thì Arlington sẽ dư sức tổ chức những giải quốc tế tại một trong hai sân banh lớn kia, không thua gì những giải quy mô tại Hàn Quốc bấy lâu nay.

the-thao-dien-tu3

Khách chơi game tại các máy đặt trong sảnh đường của Esports Stadium Arlington. nguồn: CBSDFW

Sắp tới đây, ngày 8/12 ESA sẽ có trận thư hùng game “Rocket League” đang rất thịnh hành, để xem có cháy vé nữa hay không. Những ai còn nghi ngờ về tương lai của esports chỉ cần nhìn vào số lượng khán giả mà xét. Chẳng hạn như trận chung kết giữa hai đội Astralis (Denmark) và MIBR (Brazil) hôm 24/11 tại Arlington đã thu hút hơn 1 triệu người xem online, và cả ngàn người coi trực tiếp trong đấu trường. Trận đấu hết sức gay cấn này đã phải chơi thêm giờ (overtime) hai lần mới ngã ngũ. Cuối cùng thì Astralis (hiện là đội hạng nhất thế giới) cũng đoạt chiếc cúp vô địch thứ ba trong vòng sáu năm qua. Nghe nói bên thắng cuộc lãnh $1 triệu đô la; chia cho 5 người trong đội thì mỗi người cũng được $200,000. Và đây mới chỉ là những bước tiên khởi; không ai biết mai sau tiền thưởng sẽ lên cao tới cỡ nào.

Thời nay chỉ chơi video game thôi mà cũng làm ra bộn tiền. Ðà này biết đâu các trường trung học ở Mỹ sẽ có thi đấu esports? Rồi thì các trường đại học sẽ có học bổng cho các học sinh chơi game giỏi? Nói nghe tức cười, nhưng Mỹ mà; bất cứ chuyện gì làm ra tiền đều có thể xảy ra cả…

the-thao-dien-tu1

Một cảnh trong game Counter Strike: Global Offensive. nguồn Valve

BB