Tại The Star in Frisco, sân tập của đội Dallas Cowboys, hôm 5 tháng 9 vừa qua đã có một trận football giữa hai trường trung học được rất nhiều người theo dõi. Đó là trận đấu thường niên giữa trường Plano Senior High School và trường El Paso Eastwood High School.

Dàn kèn trường El Paso Eastwood đang hăng hái “dzô nước” đội nhà. photo: bảybụi/trẻ     

Thường thì mấy trận high school football như vầy ít ai để ý, trừ phi đó là trường của con mình. Khán giả đa phần là học sinh và phụ huynh có con chơi trong đội banh, trong ban kèn marching band hay trong đội cheerleader. Thêm vào đó là cư dân thành phố hoặc cựu học sinh đi ủng hộ đội nhà, dẫn con cái theo để chúng làm quen với cái gọi là “Friday Night Lights” – bộ phim ra đầu thập niên 1990 giúp nhiều người biết thêm về cái “tôn giáo football ở Texas” cũng như đưa tên làng Odessa vào lịch sử.

Mở ngoặc. High school football thường chơi vào tối thứ Sáu. Ðây là dịp cho mấy cô mấy cậu teen tụ tập, vừa là để hò hét ‘xả xì trét’ sau một tuần lễ học hành, vừa để có cơ hội đá lông nheo với nhau. Nó là một sinh hoạt lành mạnh, rẻ tiền, và dĩ nhiên rất là … dzui! Từ lâu nó đã ăn sâu vào nếp sống của người dân Mỹ – thành thị cho tới thôn quê. Nó là một thứ văn hoá đúng nghĩa.

Dân Texas nói riêng rất siêng đi coi high school football. Những trường lớn cỡ hạng 4A, 5A hay 6A thường có bán vé mùa (season tickets). Nhiều gia đình đặt mua vé mùa từ năm này qua năm khác, bất kể con mình có chơi trong đội hay không. Plano Senior High và El Paso Eastwood là hai trường thuộc hạng 6A, tức đông học sinh nhất (2-3 ngàn trở lên). Do vậy họ có rất nhiều fan đi theo cho nước.

Trước cổng “The Star at Frisco” (Ford Center) chiều ngày 5/9. photo: bảybụi/trẻ

Ðể cho mùa banh thêm xôm tụ, đầu niên học một số trường bày ra các trận đấu giao hữu với những trường nằm ngoài district của mình. Chẳng hạn như ở Bắc Dallas có một trận banh thường niên mang tên Landry Classic, giữa trường Allen High School và một số trường khác, có khi đến từ ngoài tiểu bang như Louisiana hay Georgia. Tom Landry (1924-2000) như nhiều người biết, là HLV huyền thoại của đội Dallas Cowboys, từng vào Super Bowl 5 lần và thắng cúp 2 lần. Dùng tên ông để đặt cho một trận high school football thì phải hiểu dân Texas coi trọng môn thể thao này cỡ nào.

Năm ngoái Plano High School cũng bắt đầu một truyền thống giống như vậy, bằng cách mời một đội banh từ El Paso xa xôi đến chơi trận mở mùa. Nhưng trận banh đó không được mấy ai chú ý vì cả hai đội đều đứng khá thấp trong bảng xếp hạng. Năm nay họ định tiếp tục truyền thống ấy, nhưng hai tuần trước đó bỗng dưng xảy ra vụ xả súng ở El Paso khiến 22 người thiệt mạng. Mà kẻ sát nhân lại là một cựu học sinh của Plano và là cư dân của Allen. Từ Bắc Dallas gã thanh niên điên khùng này đã lái xe 10 tiếng đồng hồ xuống tận El Paso để “giết người Hispanic, chận sự xâm lăng của họ vào nước Mỹ” (!!!)

Hoảng quá, ban giám đốc trường Plano tức tốc ra quyết định huỷ bỏ trận banh vì lý do … “an ninh”. Không rõ họ sợ chuyện gì sẽ có thể xảy ra, nhưng điều gì ÐÃ xảy ra sau khi họ ra thông báo thì rất rõ: Ai cũng phản đối. Tin được lan truyền trên mạng xã hội với vận tốc… internet. Chỉ vài giờ sau nó đã lên mặt báo quốc gia, thậm chí quốc tế. Các nhà bình luận viên TV, radio trong vùng đồng loạt lên tiếng. Cuối cùng học khu Frisco (nằm cạnh Plano) giúp gỡ rối bằng cách cho mượn sân The Star, nơi đội NFL chuyên nghiệp Dallas Cowboys dùng làm chỗ tập trận. Tỉ phú Jerry Jones, chủ đội Cowboys còn tặng thêm $50,000 cho trường Eastwood để dùng vào việc từ thiện nào họ muốn. Tổ chức NFL Foundation cũng tặng thêm $50,000.

Hai đội kèn trình diễn chung trong giờ giải lao. Một khán giả cầm bảng ủng hộ “El Paso/Plano Texas”. photo: bảybụi/trẻ

Ðùng một cái, một trận banh lẽ ra không có gì xuất sắc, cũng chẳng có ý nghĩa gì mấy trong bảng xếp hạng high school football ở Texas, trở thành một điểm nhấn lịch sử. Ðài ABC tại địa phương cho chiếu trên TV với đầy đủ nghi thức pre-game và post-game trước sau trận banh,  chẳng khác nào một trận NFL chuyên nghiệp. Những câu chuyện bên lề sân đấu được mang ra mổ xẻ, dĩ nhiên tất cả đều trong tinh thần tích cực. Bởi vì đây là cơ hội hiếm có cho người dân hai cộng đồng có liên quan đến thảm kịch đến với nhau để chia sẻ, cảm thông, và hàn gắn.

Một số cơ sở thương mại tại Frisco đã đứng ra bảo trợ bằng cách giúp chỗ ăn chỗ ở cho các gia đình từ El Paso đến. Ðội banh của Eastwood cũng lên sớm, không chỉ để tập dượt mà còn để học sinh và HLV của hai trường có dịp gặp gỡ, tạo tình thân.

Julio Lopez (trái), HLV của Eastwood, Jaydon McCullough (phải) HLV Plano, cùng các cầu thủ của hai đội chào quốc kỳ trước giờ kickoff. photo: smiley N. pool / dallas morning news

Bản thân trận banh cũng không đến nỗi tệ. Hai hiệp đầu Plano áp đảo El Paso tới tấp 23-7. Sang hiệp ba El Paso gỡ lại 23-20. Ðến lúc ấy không khí trong sân mới thật sự nóng. Hai bên hò hét như điên, mà The Star lại là sân trong nhà nên âm thanh vang dội cực kỳ lớn. Là người ngoài cuộc, đứng giữa để lắng nghe và quan sát, người viết cảm nhận được rất rõ sự nồng nhiệt cũng như tinh thần thượng võ của dân hâm mộ thể thao ở Mỹ. Mỗi khi có cầu thủ nào bị thương là tất cả cầu thủ trên sân đều quỳ xuống, chờ anh ta đứng dậy. Ðến lúc đó khán giả của cả hai bên vỗ tay hoan hô hết sức nhiệt tình.

Nhưng gây ấn tượng sâu đậm nhất là chương trình halftime của hai đội kèn. Như bình thường, đội khách El Paso ra diễn trước. Tiếp theo là ban nhạc của đội nhà. Nhưng trước khi Plano chấm dứt, xướng ngôn viên cho biết năm nay hai đội kèn đã tập luyện chung vài ngày trước để trình diễn chung trong chương trình. Mục đích là để uỷ lạo tinh thần cho cộng đồng El Paso, và để cho thấy thể thao và âm nhạc có sức mạnh tạo sự đoàn kết.

Grey Romero (#5) của El Paso bắt tay đối thủ sau trận banh. photo: kim peichel / plano magazine

Người viết xưa nay đã dự rất nhiều trận banh football, kể cả những trận vô địch tiểu bang tại các sân lớn bạc tỉ như Cowboys Stadium ở Arlington, nhưng phải thú thật chưa bao giờ nhìn thấy một cảnh tượng xúc động và đáng nhớ như vậy. Thì ra, thể thao không chỉ là trò giải trí bình thường. Việc làm của các em học sinh trung học này khiến người lớn chúng ta phải suy nghĩ về vai trò của mình trong cộng đồng. Làm sao để dạy dỗ con em chúng ta về sự quan trọng của thể thao cũng như các sinh hoạt khác nơi trường học. Là phụ huynh cũng như thầy cô, ta cần dạy cho con em mình hiểu rằng dù có cạnh tranh đấu đá quyết liệt cách mấy trên sân đi nữa, cuối cùng thì tất cả đều là thành viên một đội – đội của quê hương đất nước.

Nhân rộng hơn nữa thì đó là đội của cộng đồng nhân loại, bởi dẫu bề ngoài mỗi cá nhân đều có khác biệt, ai cũng là người máu đỏ như nhau. Bởi thế cho nên dù trận banh kết thúc với tỉ số 43-28, nhưng đối với kẻ hèn này thì hai phe đều là bên thắng cuộc.

Học sinh Plano thiết kế áo “Don’t Hate in Our State” để gây quỹ cho El Paso. photo: kris stevenson/plano magazine

BB