Bạn muốn chụp hình giỏi hơn, và tôi nghĩ có lẽ bạn cũng đã nhận thức rằng có những cách để giúp bạn tiến bộ. Và trong khi một số chúng ta có tài hoặc có năng khiếu tạo nên những tấm hình rực rỡ trước khi biết một chút gì về nhiếp ảnh,  thì một số người khác cần đầu tư vào lãnh vực này để có kết quả mỹ mãn hơn.

Nhiếp ảnh có thể là một thú tiêu khiển mắc tiền: có rất nhiều ống kính, máy ảnh, và đồ phụ tùng để mua. Nhưng bài viết này sẽ KHÔNG nói về hiệu hàng nào bạn nên đầu tư vào, hoặc ống kính nào tốt nhất – đã có nhiều kỳ khác trong mục “Góc Nhiếp Ảnh” nói về những đề tài đó rồi.

Tôi muốn chia sẻ một vài bí quyết về những cách tôi đã đầu tư vô nhiếp ảnh sau đây.

Đầu tư vô một ống kính prime

Tôi còn nhớ những ngày và những tuần đầu tiên với ống kính prime supertele mới cáu cạnh của tôi lúc đó. Nó thật tuyệt vời và xứng đáng với những gì tôi đã từng mơ ước, chụp thật chi tiết, nét sắc bén hơn ống kính zoom của tôi, focus nhanh chớp nhoáng, và bokeh tuyệt đẹp! Tôi thật hứng thú và hạnh phúc.

Quá trình chụp thì hơi phức tạp hơn chút – tôi đã phải giải quyết những vấn đề như, “làm sao lấy khung rộng hơn” bằng cách thụt lùi bằng chân, dời ống kính qua lại. Tôi nhanh chóng nhận thức rằng chụp hình với một ống kính không zoom làm tôi suy nghĩ lâu hơn với một ống zoom. Ðiều này bắt buộc tôi phải cẩn thận hơn về chi tiết, để tập trung vào bố cục hình.

Xem thêm:   Cách chụp ảnh nhật thực: 12 mẹo

Bạn không cần phải mua một ống kính supertele mắc tiền, ngoài kia có nhiều lựa chọn rẻ hơn như những ống prime với khẩu độ f/4. Tất cả đều có chung một thuộc tính: chúng làm cho bạn xê dịch và suy nghĩ trước khi bạn bấm nút chụp.

Đầu tư vô một chân máy tripod

Ngay bây giờ có lẽ bạn không đồng ý với tôi về điểm này. “Tại sao tui cần một tripod? Tui không muốn xách nó theo và dựng nó lên mỗi lần tui thấy một cơ hội chụp.” Ðồng ý, có vài sự hạn chế với tripod, nhưng tôi dám chắc rằng nếu bạn chọn một loại tương đối tốt, bạn sẽ khá hài lòng với quyết định của bạn.

Bất kể bạn chụp hình thể loại nào, một chân máy tripod làm bạn nghĩ ngợi lâu hơn một chút trước khi đặt bố cục cho một tấm hình. Ðiều này sẽ cho bạn thời gian để nhìn thấy tất cả những chi tiết tí hon bạn sẽ cải tiến khi chụp, để bạn khỏi phải tốn nhiều công sửa hình trong giai đoạn hậu kỳ.

Bạn cũng sẽ có thể dùng kỹ thuật lấy nét bằng tay và, nói chung, hình của bạn sẽ sắc nét hơn. Ngoài ra, bạn có thể thử những kỹ thuật như phơi sáng chậm, chồng lớp nét, và chụp ảnh tốt hơn trong trường hợp thiếu sáng.

Đầu tư thời gian thay vì tiền

Tự chuẩn bị bằng cách chọn những món đồ nghề để mang theo với bạn trong buổi chụp kế tiếp. Sạc tất cả pin của bạn, dọn trống tất cả thẻ nhớ của bạn. Thành thạo về đồ nghề, khảo sát địa điểm chụp, và làm quen với chủ thể của bạn. Nghĩ kỹ về tác phẩm của bạn, rồi chờ một thời gian cho ý tưởng đó thấm dần.

Xem thêm:   Chủ nghĩa tối giản đơn sắc

Tất cả những hoạt động này tùy thuộc vào thời gian, chứ không phải tiền. Ðọc sách chỉ dẫn cách dùng máy ảnh (Owner’s manual), xem những bài học trên mạng. Luôn luôn có một chút nào đó bạn có thể làm tốt hơn, hãy cố tìm một chút đó.

Nếu bạn có cảm giác rằng đồ nghề của bạn đang kềm chân bạn lại, bạn có thể lên mạng và tìm kiếm những hình ảnh được chụp với cùng máy ảnh và cùng ống kính BẠN dùng. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên bởi biết bao nhiêu người chụp xuất sắc dùng chính xác những đồ nghề bạn dùng.

Dĩ nhiên, một vài hình ảnh của họ được chụp trong ánh sáng tốt hơn, từ phương diện khác nhau, hoặc có chủ thể khác. Nhưng đây không phải là một lý do chánh đáng để mua đồ nghề mới, mà là một lý do để đầu tư thêm thời gian, thử nghiệm và sai lầm, và sự kiên nhẫn.

AN

Breslau, Canada